I. “Nghề” bán trứng của mình cho người hiếm muộn“Em đang học dở dang lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình nghèo quá nên phải nghỉ ngang phụ giúp má buôn bán lặt vặt, sau đó xin vào làm công nhân cho một cơ sở nho nhỏ chuyên sản xuất đồ nhựa tại khu Công nghiệp Tân Tạo thuộc quận Bình Tân, Sài Gòn...” Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Mận kể tiếp: “Ba năm sau, 18 tuổi, em lấy chồng cũng làm công nhân trong cơ sở. Lúc đứa con em được 2 tuổi thì chồng em mê người khác, lại mắc tật nhậu nhẹt, tụi em ly dị. Đã
ly dị rồi nhưng làm cùng chỗ, hằng ngày cứ đụng đầu nhau hoài, em chán quá nên gởi con cho má nuôi giùm rồi theo bạn bè đi làm công nhân ngành dệt trong Khu công nghiệp Bình Dương...” Mận cho biết, với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, tiêu xài đủ thứ lại phải cố gắng dành dụm mỗi tháng 1 triệu đồng hay ít ra cũng 6 – 7 trăm ngàn đồng để gởi về giúp má, nuôi con, cuộc sống của Mận hết sức khó khăn, chật vật.
Một hôm, giữa lúc đang túng thiếu, Mận tình cờ gặp Oanh, một cô bạn cũng làm trong Khu chế xuất nhưng đã nghỉ việc. Chuyện trò với nhau vài câu xong, Oanh rủ Mận đi... bán trứng! Mận nói: “Thời buổi này ai cũng ngán chuyện cúm gia cầm, bán hột gà hột vịt phải có cửa tiệm, cất hàng ở các đại lý có giấy kiểm dịch đàng hoàng thì họ mới mua chớ mình bán tầm bậy tầm bạ chẳng ai mua đâu”. “Không, trứng là trứng của mình, nằm trong bụng mình, lấy chồng sẽ sinh ra con chứ không phải trứng gà trứng vịt”. Oanh giải thích rằng trong cơ thể mỗi người phụ nữ đều có hai buồng trứng chứa hàng mấy trăm ngàn cái trứng nhỏ li ti mắt thường khó nhìn thấy được. (Chú thích: trứng loài người có đường kính 0.2 mm -ĐD). Cứ 28 ngày một lần, một trứng sẽ rụng, theo một trong hai cái ống dẫn trứng xuống dạ con, nếu gặp tinh trùng thì sẽ kết hợp với nhau thành trứng đã thụ tinh rồi biến chuyển dần thành cái bào thai tức thành đứa trẻ. “Mình bán là bán trứng đó, nhiều tiền lắm, tới mười mấy triệu một trứng chớ hột gà hột vịt thì ăn nhằm gì”. Mận kể tiếp: “Oanh, bạn em, giải thích nghe rất hấp dẫn nhưng em nghĩ bán trứng thì người ta sẽ rạch bụng mình ra lấy trứng, phải nằm bệnh viện không biết bao lâu, tiền nào cho thấu. Oanh nói không phải như thế, chuyện rất đơn giản, bác sĩ chỉ gây mê rồi chọc cây kim vào trong bụng mình hút ra là xong. Nếu đồng ý, em sẽ được 15 triệu đồng còn người ta mua trứng của mình làm gì hay họ thanh toán với bệnh viện thế nào thì đó là chuyện của họ, mình không cần biết tới. Thấy em lưỡng lự, Oanh khoe là nó đã bán 4 lần rồi, được 60 triệu đồng ngon lành mà vẫn khỏe re, không sao hết, khi nào muốn sanh vẫn sanh bình thường.
Mười lăm triệu đồng là số tiền rất lớn đối với Mận. Sau mấy ngày suy nghĩ, cô nhận lời. “Sáng Chủ nhật, Oanh đến đón em, đưa em tới một quán cà phê. Tại đây đã có một cặp vợ chồng ngồi chờ sẵn. Sau khi quan sát tướng mạo, hình thể em, người chồng vào đề: “Tụi tôi lấy nhau đã mấy năm nay mà chưa có con. Bác sĩ nói phải làm thụ tinh nhân tạo bằng cách xin trứng của người khác rồi cho thụ tinh với tinh trùng của tôi. Sau khi trứng đậu, nó sẽ được cấy vào dạ con của vợ tôi nên cô không phải lo lắng gì cả. Nếu cô đồng ý, vợ chồng tôi sẽ gởi cô tiền thù lao, nhưng lúc đến bệnh viện để lấy trứng, cô phải nói là cô tự nguyện hiến tặng chứ không mua bán gì cả”.
Hai bữa sau, Mận lấy cớ bị ốm, xin nghỉ việc để Oanh đưa đi làm xét nghiệm. Theo lời Mận, tất cả các chi phí này vợ chồng kia đều chịu hết. Nếu kết quả xét nghiệm không đạt yêu cầu thì thôi. Mận nói: “Về sau em mới biết tiền mua trứng của em là 20 triệu, nhưng Oanh lấy tiền “cò” 5 triệu, chưa kể xét nghiệm xong, anh chị đó còn cho em 2 triệu qua Oanh để em ăn uống tẩm bổ nhưng Oanh chặn mất 1.5 triệu, chỉ đưa em có 500 ngàn”.
Thế rồi sau nhiều lần siêu âm, tiêm thuốc mà Mận hiểu lơ mơ là kích thích cho trứng rụng, thì cái ngày lấy trứng đã đến. Khi kết quả xét nghiệm sau cùng xác định thời điểm trứng rụng, Mận được Oanh đưa tới một cơ sở y tế ở quận Gò Vấp. Mận kể: “Bác sĩ kêu em lên bàn nằm rồi gây mê cho em. Lúc em tỉnh dậy thì mọi việc đã xong nhưng em vẫn phải nằm lại thêm 2 tiếng nữa. Về tới nhà, em không thấy đau, chỉ hơi ê ê trong bụng. Đưa em 15 triệu, Oanh nói mai mốt nếu muốn bán nữa thì chị ấy sẽ giới thiệu chỗ khác giúp”.
Mận chỉ là một trong những phụ nữ bán trứng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn tại Sài Gòn thông qua một số “cò”. Trong khi thương lượng với thân chủ, “cò” hét giá từ 20 đến 30 triệu đồng một trứng chưa kể tiền xét nghiệm, tiền ăn uống bồi dưỡng với lời cam kết: “Trẻ, khỏe, xinh đẹp, không bệnh tật, tính tình hiền lành, đã đẻ 1 lần (hoặc 2 lần), đẻ bình thường chứ không đẻ mổ, con rất khỏe mạnh”, nhưng người bán trứng chỉ nhận được 10 hoặc 15 triệu.
Theo Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Sài Gòn, thì: “Hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ người hiếm muộn khá cao, trong lúc những người cho trứng lại rất ít. Trung bình một tháng có hơn 100 trường hợp đến khám thì chỉ có khoảng 10 cặp hiếm muộn tìm được người đồng ý cho trứng, bởi lẽ khi cho trứng, người cho phải ở độ tuổi từ 18 đến 35, đã có gia đình và có ít nhất một đứa con khỏe mạnh. Nếu có 2 hay 3 con thì đứa nhỏ nhất phải lớn hơn 12 tuổi. Bên cạnh đó, người cho chưa từng cho trứng lần nào cũng như không mắc phải các bệnh nội khoa, bệnh lây qua đường tình dục, các bệnh di truyền, HIV v.v...”.
Về mặt kỹ thuật, yêu cầu đặt ra là buồng trứng của người cho phải bình thường; cả buồng trứng lẫn tử cung (dạ con) chưa từng bị mổ lần nào, không có khối u; tử cung không bị lạc nội mạc (tức các nếp nhăn màng nhầy lót bên trong mặt tử cung phải bình thường, không bị lệch lạc); không đang cho con bú hoặc đang sử dụng thuốc ngừa thai; phải chịu được việc chích thuốc kích thích giúp rụng trứng, liên tục mỗi ngày trong thời gian từ 2 đến 4 tuần lễ v.v..., nên đã làm nản lòng nhiều người có thiện chí muốn cho trứng, đồng thời cũng tạo ra “kẽ hở” cho “cò” tha hồ hét giá.
Theo lời kể của vợ chồng anh Đạt ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình, Sài Gòn, thì: “Vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 2007, đến năm 2011 vẫn chưa có con. Đi khám, bác sĩ nói vợ tôi bị dị tật ở cả hai buồng trứng nên trứng không rụng”.
Năm 2012, vợ chồng anh Đạt được một bà “cò” tên là Ngọc ở trong con hẻm đường Cống Quỳnh phường Phạm Ngũ Lão môi giới, giới thiệu người đồng ý bán trứng. Anh Đạt kể: “Đó là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, tên Giang, trông rất khỏe mạnh. Sau khi thương lượng, chị Giang đồng ý bán trứng cho vợ chồng tôi với giá 20 triệu đồng, nhưng trên thực tế, chúng tôi phải trả cho bà Ngọc 30 triệu, ấy là chưa kể hơn 10 triệu đồng là tiền xét nghiệm, chích thuốc v.v... Tại Khoa Vô sinh & Hiếm muộn của Bệnh viện Q chị Giang ký tên vào bản xác nhận là chị tình nguyện hiến trứng cho vợ chồng tôi. Sau đó, việc chọc hút trứng được các bác sĩ bệnh viện Q tiến hành”.
Anh Đạt kể tiếp: “Hai tiếng đồng hồ sau khi việc chọc hút trứng hoàn tất, tôi được chỉ dẫn vào toilet lấy tinh dịch của tôi, trong đó có tinh trùng, giao cho bác sĩ để bác sĩ cho thụ tinh với trứng”.
Theo Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản Bệnh viện Quận 3 Sài Gòn, thì: “Trứng hiến tặng chỉ giữ được trong vòng 24 tiếng đồng hồ chứ không bảo quản được lâu như tinh trùng, vì vậy chỉ có ngân hàng tinh trùng chứ không có ngân hàng trứng. Theo kỹ thuật trước đây, trứng và tinh trùng được cho gặp nhau một cách tự nhiên để hình thành phôi; nhưng hiện nay, để tránh trường hợp cho thụ tinh mà tinh trùng không kết hợp được với trứng, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật ICSI (Intra-cytoplasmic sperm injection: chích trực tiếp tinh trùng vào trong tế bào chất của trứng -ĐD) thì dễ có kết quả hơn.
Mua trứng để làm thụ tinh nhân tạo không phải trường hợp nào cũng suôn sẻ. Chị Hoàng ở Cư xá Lữ Gia, quận 10, Sài Gòn, kể: “Tôi được một ông chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Từ Dũ tên là Phong giới thiệu cho gặp một phụ nữ bán trứng, 29 tuổi, quê ở Sa Đéc, giá thỏa thuận là 30 triệu đồng. Nơi làm thụ tinh là một cơ sở y tế tư nhân ở Quận 1. Thế nhưng, sau đó bác sĩ trong cơ sở thông báo là thất bại vì tinh trùng không kết hợp được với trứng để tạo phôi. Đến lúc gặp ông Phong, ông đề nghị làm tiếp nhưng lần này ông... chỉ lấy “hữu nghị” 20 triệu đồng!”.
Trường hợp của chị Thuận ở Nhà Bè còn đáng buồn hơn. Thông qua một “cò” khác tên Thảo, nhà cũng ở trong con hẻm trên đường Cống Quỳnh, chị Thuận tốn 20 triệu đồng mua trứng và hơn 60 triệu đồng công làm thụ tinh nhân tạo, nhưng khi đứa bé sinh ra thì bộ phận sinh dục của nó lại “ái nam ái nữ” (nửa đàn ông, nửa đàn bà), mà theo giải thích của bác sĩ, đó là do gien di truyền của người cho trứng như vậy, phải mất một thời gian nữa, khi các chất nội tiết từ cơ quan sinh dục của cháu cho biết cháu là nam hay nữ, bấy giờ mới quyết định giải phẫu để cháu chính thức trở thành con trai hay con gái. Chị Thuận nói: “Với trình độ y học hiện nay, việc giải phẫu cho cháu thành nam hay nữ thì được rồi, nhưng tôi chỉ lo cái “gien di truyền” của người bán trứng đó có còn ảnh hưởng tệ hại nào khác nữa hay không”.
Chẳng phải chỉ làm “cò” bán trứng ở trong nước mà người ta còn môi giới bán trứng cả ở bên Thái Lan nữa. Theo một bác sĩ giới thiệu, phóng viên đã gặp một “cò” loại này. Đó là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, tên Phượng, đã từng học ngành y nhưng bỏ dở; rất giỏi tiếng Anh, hiện làm trình dược viên ở Sài Gòn cho một công ty dược phẩm có gốc từ nước ngoài. Phượng khá sắc sảo, hoạt bát và đặc biệt là sau lưng lúc nào cũng kè kè chiếc ba lô du lịch, trong đó có in sẵn các hợp đồng “tình nguyện” hiến trứng bằng tiếng Anh.
Với sự giới thiệu của một người ở Bệnh viện Hùng Vương, Phượng “đóng kịch” trong vai người cần mua trứng và đến gặp một phụ nữ bán trứng tên Ngân, 26 tuổi, tại một quán cà phê sân vườn ở quận 3. Trong cuộc gặp gỡ này, Phượng nói: “Vợ chồng chị lấy nhau đã 5 năm nhưng chưa có con. Nay nếu em có thể giúp chị có trứng để làm thụ tinh nhân tạo thì chị sẽ gửi em 30 triệu đồng. Sau khi em làm xét nghiệm xong, mọi việc tốt đẹp thì chị em mình sẽ sang Thái Lan làm thụ tinh ở bên ấy, mọi chi phí như vé máy bay, ăn ở bên ấy suốt 17 ngày chị sẽ chịu hết, ngoài ra lúc về chị sẽ tặng em thêm 10 triệu đồng nữa coi như tiền thưởng, em đồng ý không?”. Ngân hỏi sao không làm ở Việt Nam mà lại phải qua Thái Lan làm cho tốn kém? Phượng nói: “Nhà chị khá giả, làm ở Thái Lan thì bảo đảm hơn, nên chồng chị bắt chị phải qua bên ấy, nhân thể coi như chị em mình đi chơi Thái Lan luôn thể ấy mà”. Nói xong, Phượng lấy trong ba lô ra ba bản hợp đồng đã in sẵn bằng tiếng Anh, dịch đại ý sang tiếng Việt cho Ngân nghe, rồi bảo Ngân nếu đồng ý thì điền tên và các chi tiết vào đó, còn chữ ký thì hai người sẽ đi thị thực sau. Ngân hơi do dự, cô nói cô xin một bản để về nhà suy nghĩ rồi sẽ nói chuyện với Phượng.
Phóng viên hỏi cuối cùng việc đó ra sao, Ngân có đi Thái Lan với Phượng không? Ngân cười, lè lưỡi: “Đâu dám! Em thấy bả lanh lắm, em sợ qua bển với bả, một thân một mình, tiếng anh tiếng u không biết, lỡ bả bán em vô mấy chỗ làm điếm thì em chết. Mấy chục triệu đồng lớn thì lớn thiệt nhưng cái mạng của mình còn lớn hơn”. Phóng viên nói: “Đúng thế, phụ nữ thì phải cẩn thận như thế mới được. ‘Cẩn tắc vô áy náy’, cái gì đề phòng trước vẫn hơn, lỡ có chuyện gì xảy ra hối cũng không kịp”.
Cho đến nay, tại Việt Nam, quy định của Bộ Y tế không cho phép các bệnh viện làm trung gian trong việc cho và nhận trứng nhưng cũng không cấm thực hiện việc thụ tinh nhân tạo cho những người hiếm muộn, với điều kiện là trứng phải được hiến tặng chứ không được phép mua bán. Ngoài ra, theo các chuyên gia, thì một phụ nữ có thể hiến tối đa 6 trứng và khoảng cách an toàn cho mỗi lần hiến trứng là 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, điều nguy hại là trong mỗi lần hiến trứng, người phụ nữ phải chịu đựng những mũi tiêm có chứa nội tiết tố để kích thích sự rụng trứng, hậu quả là về sau buồng trứng của họ phình to ra, rồi có thể ngừng hẳn việc sản xuất trứng. Chị Nguyễn Thị Mai, 32 tuổi, cư ngụ tại Thủ Đức, là người đã 7 lần bán trứng, cho biết, ngoài việc rong kinh kéo dài, chị còn thường xuyên phải chịu những cơn đau âm ỉ ở trong bụng. Bác sĩ Nguyễn Giang Hông cho biết đây là biến chứng nguy hiểm của việc thường xuyên bị chích thuốc kích thích buồng trứng, có thể dẫn đến suy thận, vỡ hay xoắn các nang noãn, tắt mạch máu, phù phổi và tử vong.
II. “Nghề” bán máuCùng đường mới phải đến đây Đó là câu nói của một người đàn ông đội cái mũ cáu bẩn, ngồi lúp xúp trên hành lang để chờ đến lượt mình. Ông cho biết ông quê ở ngoài Bắc (Nam Định), gia đình vào đây 4 người gồm hai vợ chồng ông và 2 đứa con lớn, còn 2 đứa nhỏ thì gửi bà nội ở ngoài quê, đi học.
Cả gia đình thuê một căn nhà nhỏ xíu có gác gỗ ở Thủ Đức. Hai con đi làm công nhân, vợ chồng ông bán rau cỏ ở chợ, chắt chiu sống cũng tạm được. Nhưng đùng một cái, vợ ông bị bệnh ung thư vú, tiền dành dụm cũng hết, bà nội ở quê gọi điện thoại vào giục gửi tiền ra nuôi hai đứa nhỏ. Bí quá, ông đành giấu vợ con, lên Sài Gòn tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi thủ tục để xin bán máu.
Ông nghe mấy người cùng chờ nói chuyện với nhau là 140 ngàn đồng một đơn vị máu 250 ml tức một phần tư lít, nên than thở với người đứng bên cạnh: “Rẻ quá ông nhỉ, tôi tưởng ít nhất cũng được vài trăm ngàn, thì ra rẻ quá...”. Ông kia nói: “Rẻ cũng phải bán chứ nếu không thì ai bán máu làm gì”. Người đàn ông ở Thủ Đức kéo chiếc mũ xuống chấm chấm trên trán làm như lau mồ hôi nhưng sự thực là lau nước mắt.
Phía sau ông là một cô gái mảnh dẻ, có vẻ như sinh viên nhưng nước da men mét có lẽ do thiếu ăn, cũng đang hỏi han về giá cả bán máu, nhiều người nói họ không rõ lắm nhưng cũng có người nói là theo giá chánh thức của nhà nước, 140 ngàn đồng một đơn vị máu tức 250ml nhưng nếu bán nhiều thì được tính hơn chút đỉnh. Ví dụ bán 1.4 đơn vị tức 350ml, thay vì được 196 ngàn thì được tính chẵn 200 ngàn. Còn nếu bán 1.8 đơn vị tức 450ml, thay vì được 252 ngàn được tính chẵn 260 ngàn. Ông ta nói thêm: “Chả ăn thua gì, gần nửa lít máu bán được 260 ngàn tức cỡ 12 đô la Mỹ, thiệt thòi hết sức!”. Cô gái ngạc nhiên: “Kỳ quá há bác, sao họ tính rẻ vậy?”. “Đâu có ai biết! Đấy là giá của Bộ Tài chánh tính chung cho cả nước chứ không phải giá của bệnh viện. Bệnh viện không có quyền gì hết”.
Cô gái rụt rè nhờ những người đứng phía trong nộp giùm giấy Chứng minh Nhân dân. Xong, có người hỏi, cô cho biết cô tên Huỳnh Thị Phương L., quê ở Tiền Giang, sinh viên năm cuối trường Đại học Nông Lâm, Sài Gòn. “Thế sao cô lại phải đi bán máu?”. “Tại vì ba má cháu ở dưới quê không có gì cả, chỉ có ba công đất trồng trọt mà phải nuôi ba đứa con ăn học. Trước đây chị Hai cháu chưa đi lấy chồng, chị mở cái quán cà phê nho nhỏ, hằng tháng cũng giúp đỡ ba má được chút ít để nuôi các em ăn học. Bây giờ chị đi lấy chồng mãi dưới Đồng Tháp, nhà chồng lại nghèo, chị không giúp được nữa. Cháu còn mấy tháng thì ra trường nên phải lo kiếm tiền học tiếp chớ ba má cháu hết đường rồi, không lo được nữa”. “Nhưng hình như cô đang thiếu máu, da dẻ xanh mét mà?” – bà đứng bên cạnh hỏi. Cô sinh viên cười buồn: “Không sao đâu dì, con khỏe lắm. Mấy bữa không có tiền ăn thì trông như vậy chớ kiếm được tiền, ăn vô là lại mạnh liền”.
Những người “thâm niên” bán máu Các phóng viên không muốn gọi bán máu là một “nghề”, bởi vì gọi như vậy nghe có vẻ chua chát như thế nào ấy. Nhưng đối với những người bán máu “chuyên nghiệp”, họ nghèo quá nên cũng quen đi, không lấy gì làm thắc mắc hoặc bị mặc cảm. Theo lời ông T: “Nhà tui nghèo quá, bán máu phụ với vợ để sống còn tốt hơn là làm việc bậy bạ rồi bị bắt bỏ tù”.
Ông có 4 đứa con, bố mẹ già trên 80 tuổi vẫn sống với vợ chồng ông trong căn nhà lá ở huyện Bình Chánh. Ngày ngày, vợ ông gánh hàng tàu hũ đi bán còn ông thì bán bột chiên; đứa con lớn làm công nhân, đứa nhỏ nhứt bị tâm thần, ở nhà; còn 2 đứa con trai giữa –sinh đôi, 17 tuổi, quậy phá giàng trời, bỏ nhà đi lang thang “bụi đời” đâu đó ít khi thấy tăm hơi. Lâu lâu công an phường hay công an huyện tóm được cả bọn, lại đưa giấy mời ông lên bảo lãnh cho hai đứa về vì tội tụi nó đánh nhau. Cha mẹ ông đã lớn tuổi, thường hay đau yếu không có tiền thuốc men, ông đi bán máu đã gần 10 năm nay rồi.
Ngoài những người bán máu vì nghèo không có miếng ăn thì cũng có những kẻ bán máu do cờ bạc, rượu chè. Trung tâm mua máu tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Hùng Vương, Hồng Bàng, An Bình, BV Bình Dân v.v... sợ nhất là những kẻ xì ke ma túy hoặc bị HIV nhưng vẫn đến bán máu. Nghèo quá không có tiền ăn, không có tiền chích choác, họ đến bán với chút hy vọng là chuyên viên kiểm tra không biết được bệnh trạng của họ khi xét nghiệm. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho bệnh nhân, nếu lỡ bị tiếp phải loại máu của dân xì ke ma túy hay HIV. Bởi vậy, các nhân viên xét nghiệm hết sức thận trọng trước khi cấp giấy “có thể bán máu”. Ngay cả nhân viên gác cửa cũng vậy, họ rất tinh ý, hễ thấy nghi ngờ là cánh xì ke ma túy hay HIV là họ đuổi ra ngay lập tức, không cho vào đăng ký.
Làng bán máu Dưới chân cầu Hồng Phú, phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), có một làng nổi (làng sống trên thuyền hoặc trên bè có dựng chòi) với hơn 30 gia đình cư ngụ. Dù đến từ các nơi khác nhau như Qui Nhơn, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa v.v... nhưng họ đều có chung một “nghề”, đó là “nghề” bán máu.
Vừa thấy anh Thanh, quê ở Thanh Hóa, bước vào cái chòi bán nước trên cái bè của mình, ông chủ quán hất hàm: “Uống không?”, anh Thanh khẽ gật: “Uống”. Ông bèn đập vào cốc hai quả trứng gà, đổ đầy rượu rồi đưa cho anh. Anh dùng muỗng khuấy đều lên, từ từ uống hết cốc rượu trứng. Mặt anh trước tái xanh dần dần chuyển sang hồng hào không hiểu vì rượu hay vì trứng. Anh giải thích: “Bán máu xong mà không uống thứ này thì kiệt sức”. Cùng lúc đó, có khoảng hơn 10 phụ nữ bước vào quán, trên cánh tay người nào cũng vẫn còn những nhúm bông rướm máu.
Những chủ “hàng đỏ” cho biết, sở dĩ họ phải làm nghề này là vì chẳng còn cách nào khác kiếm sống. Phủ Lý trở thành nơi an cư của họ, bởi tiện bề đi lại, bán máu cho các bệnh viện ở Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội. Giá 250cc máu là 140,000 đồng, nhưng thực ra họ không được hưởng toàn bộ số tiền đó. Anh Nguyễn Văn Hùng, người vừa đi bán máu về, giải thích: “Chúng tôi phải chi riêng cho các nhân viên giám định để họ viết giấy chứng nhận mình đủ sức khỏe, máu tốt, không có bệnh cần phải đề phòng. Ngoài ra, còn tiền ăn uống, tàu xe đi về v.v... Thế nên mỗi 250cc máu chúng tôi chỉ còn lại được khoảng 90,000 đồng là cùng”.
Ông Lê Quang Cảnh, Phó phòng Thương binh &Xã hội thị xã Phủ Lý, cho biết: “Giá máu do Bộ Tài chánh nhà nước quy định như vậy là rẻ trong khi máu bán bên ngoài có khi giá từ 1.2 triệu tới 1.5 triệu đồng cho một đơn vị 250cc, còn loại máu O thì lại càng đắt hơn. (Chú thích: Máu có 4 nhóm: nhóm O, nhóm A, nhóm B, và nhóm AB. Người thuộc nhóm máu O, khi bị thương tích, phải truyền máu của người cũng thuộc nhóm máu O chứ nếu truyền máu của các nhóm khác như nhóm A, B, hay AB là sẽ chết ngay lập tức, cứu không kịp. Bởi vậy máu nhóm O khó kiếm và mắc hơn các nhóm khác -ĐD). Ông nói tiếp: “Có lần cư dân của cái làng nổi này đã cử người đại diện lên phường trình bày khó khăn và xin trợ cấp. Nhưng trợ cấp sao được, đấy là giá do nhà nước ấn định mà”. Theo Công an phường Quang Trung, số người bán máu tại đây có chiều hướng gia tăng. Công an đã từng trục xuất họ nhưng sau đó họ vẫn trở lại, qui tụ thành làng.
Mẹ từ Bắc Ninh lên Hà Nội bán máu nuôi hai con ăn họcViện Huyết học và Truyền máu Hà Nội là nơi tập trung các bệnh nhân mắc các bệnh về máu. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp nhận máu từ những người hiến máu tình nguyện cũng như những người muốn bán máu lấy tiền. Chính nhờ những nguồn máu này mà nhiều bệnh nhân được cứu sống.
Ở đây, có 3 kiểu người đến hiến máu: Nếu hiến máu lấy tiền (tức bán máu) thì điền vào phiếu màu xanh, hiến máu tình nguyện phiếu màu hồng, và hiến máu để đổi máu của mình lấy loại máu khác phù hợp tiếp cho thân nhân đang nằm bệnh viện thì phiếu màu trắng.
Mỗi người khi hiến máu xong, được ăn một phần ăn nhẹ gồm một đĩa thịt bò bíp-tếch khoai tây chiên nho nhỏ, hoặc một đĩa 2 hột gà ốp la và miếng bánh mì, một ly sữa.
Bà Nguyễn Thị S. (51 tuổi, quê tại Bắc Ninh) là một trong những người đến bán máu. Bà ngồi đó, điền vào phiếu hiến máu có nhận tiền, tức phiếu màu xanh.
Khi bà đem lên nộp, coi sơ qua xong, cô nhân viên y tế hỏi: “Sao bác đánh dấu vào các ô có bệnh vậy? Thế bác mắc tất cả các bệnh này à?”. Bà lúng túng: “Ấy chết, tôi nhầm. Để tôi làm lại”. Bà xin tờ phiếu xanh khác, hí hoáy.
Trông cách ăn mặc khá bảnh bao của bà S, không ai bảo là bà đến đây bán máu. Lúc nộp, bà hỏi cô nhân viên: “Như tôi bán một đơn vị máu tức 250cc thì được 1 triệu 400 nghìn đồng phải không cô?”. Cô nhân viên nhăn mặt: “Làm gì có chuyện đó! Bác nhầm rồi, đến coi lại bảng giá đi”. Đoạn cô nói tiếp, giọng hách dịch như người đọc thuộc lòng: “140,000 đồng/250cc ; 200,000 đồng/350cc; 260,000 đồng/450cc”. Bà S ngơ ngẩn, lẩm bẩm một mình: “140 nghìn đồng! Chẳng bõ cho công đi từ Bắc Ninh lên đây”. “Sao, bác có muốn bán không? Không bán thì lấy phiếu lại!”. Bà S ngần ngừ: “Thôi được, tôi đồng ý bán. Đằng nào thì cũng tốn tiền về xe!”.
Sau khi bán máu xong, bà S chán nản đến mức cầm 140,000 đồng trên tay không nghĩ đến việc ngồi vào bàn ăn đĩa bíp-tếch khoai tây chiên và uống ly sữa mặc dầu rất ít, “ăn cho lấy hương lấy hoa” đã được sắp sẵn. Nhưng rồi bà cũng ngồi vào bàn, cũng ăn, cũng uống.
Ăn xong, lúc ra đến ngoài sân để về, bà gặp một cậu thanh niên trông còn rất trẻ, mặc quần “bò” (quần jeans), áo bỏ trong quần, vai đeo túi dết, tay cầm máy ảnh. Trông thấy bà ăn mặc lịch sự, cậu thanh niên hơi cúi đầu chào làm quen: “Bác cũng đi bán máu?”. “Vâng, tôi đi bán máu, còn cậu?”. “Cháu là nhà báo, đi để quan sát, viết bài”. Nghe cậu thanh niên nói là nhà báo, bà S mừng quá, than thở rằng gia đình mình nghèo, chồng chết, có hai đứa con trai còn đang đi học, đứa lớn học Đại học Bách Khoa Hà Nội về Công nghệ Thông tin, đứa nhỏ mới đậu vào Đại học Luật cũng ở Hà Nội. Nhà nghèo quá, bà đã làm đủ thứ nghề từ buôn thúng bán bưng cho tới rửa bát chén, giặt giũ trong các khách sạn nhưng vẫn không đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học. Nay, thấy người ta nói đi bán máu có tiền nên bà đi bán máu nhưng viện Huyết học và Truyền máu mua rẻ quá, có 140 nghìn đồng cho một phần tư lít máu, mất công bà đi hai tuyến xe buýt từ Bắc Ninh lên đây mà vẫn phải bán. “Viết đi cậu! Viết giùm chúng tôi là giá mua máu của nhà nước như vậy là quá rẻ, ‘bóc lột’ người nghèo, không cho người nghèo còn đất sống...” Người thanh niên bật cười: “Cháu thấy bác ăn mặc đàng hoàng quá thì đâu có nghèo...”. “Ấy, làm trong khách sạn thì phải ăn mặc như thế đấy. Toàn thứ Việt kiều nước ngoài về chơi ở trong khách sạn họ cho đấy. Hễ mình không ăn mặc đàng hoàng là khách sạn họ đuổi chứ nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ con tôi toàn ăn cơm thừa trong khách sạn ngày nào tôi cũng đem về”. Rồi bà năn nỉ: “Cậu viết đi, bênh vực giùm chúng tôi chứ tôi nghèo quá, không có tiền cho con đóng học phí. Mà hai em nó cũng đi làm gia sư cho người ta chứ có lười đâu. Bố chết, mẹ không đủ sức nuôi con đành phải đi bán máu...” Cậu thanh niên nói: “Vâng, cháu sẽ viết nhưng tụi cháu là nhà báo, các ông lớn chẳng ai thèm nghe tụi cháu đâu. Trước mắt, cháu sẽ giúp bác bằng cách dẫn bác tới gặp mấy người “phe” (tức “phe phẩy”, trong Nam gọi là “cò” - ĐD) mua máu cho dịch vụ. Lần sau bác bán, họ sẽ mua tới giá 1.4 – 1.5 triệu đồng cho mỗi bịch máu, còn riêng máu O thì có khi tới 2 hay 3 triệu đồng một bịch 250cc”. “Ấy, máu bác thuộc nhóm O đấy!”. “Vậy thì càng tốt. Bác đi với cháu!”.
Kết quả là người thanh niên dẫn bà S tới gặp mấy người “phe phẩy” ở gần ngay trước cửa Viện Huyết học và Truyền máu. Họ chuyện trò với bà rất niềm nở, xin số điện thoại của bà và cho biết giá bán máu có thể lên tới 1.4 – 1.5 triệu hay 2 – 3 triệu cho loại máu O, đúng như người thanh niên đã nói. Bà S rất mừng. Bà hỏi tại sao có sự chênh lệch giá cả kỳ lạ như vậy? Họ giải thích tại vì đây là máu bán cho “dịch vụ” thì giá phải cao. “Thế dịch vụ ở đâu?”. “Ở ngay trong Viện Huyết học và Truyền máu bác vừa mới đến bán ấy thôi”. Bà S không hiểu gì cả. Vừa đi người phóng viên vừa giải thích cho bà hiểu là tại các bệnh viện cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, chỉ trừ các trường hợp cấp bách lắm như bị tai nạn giao thông chẳng hạn, phải tiếp máu ngay lập tức thì người ta mới tiếp cho bệnh nhân máu đã có sẵn trong kho lạnh với giá rẻ hơi cao hơn giá mua của những người bán theo giá chính thức chút ít. Còn ngoài ra, tất cả các trường hợp khác thân nhân đều phải mua máu bên ngoài tức máu của dịch vụ để đổi lấy máu trong kho lạnh, bấy giờ người ta mới dùng máu “đã đổi”này tiếp cho người bệnh. Nói chung, máu mua theo giá chính thức với máu mua theo giá dịch vụ đều cùng một chỗ tức trong bệnh viện hay trong Trung tâm Huyết học nhưng họ mua theo giá dịch vụ thì cao gấp hơn 10 lần so với mua theo giá chính thức của nhà nước. Cuối cùng, người thanh niên nói: “Mua máu theo giá chính thức rẻ mạt nhưng khi tiếp máu hầu như trong tất cả các trường hợp đều bắt thân nhân người bệnh phải đổi bằng máu dịch vụ của mình với giá cao gấp hơn mười lần, họ giàu khủng khiếp là ở chỗ đó”. “Vậy thì cậu viết đi, cậu khui ra tất cả cho mọi người cùng biết”. Người thanh niên lắc đầu: “Không thể khui được bác ạ, bởi vì đây là chuyện làm công khai, ngay cả những người phe phẩy cũng đều công khai, ai may mắn biết thì bán theo giá dịch vụ, ai không may mắn thì bán theo giá chính thức, có vậy thôi”.
Đoàn Dự