Trong một tiểu luận trên The New York Times Book Review năm 1985, Milan Kundera kể rằng ngay sau Mùa Xuân Praha ông bị treo bút. Một đạo diễn muốn giúp ông mưu sinh bằng cách đứng tên để ông chuyển thể tiểu thuyết Chàng ngốc của Dostoyevsky thành kịch bản sân khấu. Song khi đọc lại tác phẩm ấy, ông từ chối, dù chết đói cũng không thể bước vào "cái vũ trụ đầy những điệu bộ quá khích, những vực thẳm u ám và sự mùi mẫn hung bạo" của Dos. Không phải ông bài Nga từ tâm thế công dân của một quốc gia đang bị Liên Sô cưỡng chiếm. Ông vẫn giữ trọn tình yêu Chekhov, nhưng vô cùng dị ứng với thứ khí hậu trong các tác phẩm của Dos. Ở đó tất cả đều bị cảm xúc hóa và cảm xúc trở thành tiêu chí của chân lý, có thể biện minh cho mọi hành động. Tình cảm dân tộc cao quý nhất sẵn sàng biện minh cho tội ác khủng khiếp nhất và người ta nhiệt thành ưỡn ngực thực hiện những hành vi tàn bạo nhất nhân danh tình yêu. Quý vị cứ giết người đi, xong thì đấm ngực, phanh trái tim nồng nàn ra là được. Là trật tự đạo đức lại vãn hồi. Viên sĩ quan Sô-viết khám xe ông xong cũng tuyên bố rất yêu người Tiệp, tiếc rằng người Tiệp không chịu hiểu, không chịu chung sống với tình yêu đó, vì thế Liên Sô buộc phải dùng xe tăng để dạy Tiệp bài học về tình yêu. Tâm hồn Nga thừa cảm xúc mà thiếu lý trí và đại diện đáng ngại nhất là Dos. Đối trọng của nó là lý tính phương Tây, lên ngôi với Phong trào Phục Hưng, mở đường cho khu vực này bứt phá lên một tầm văn minh dẫn dắt thế giới.
Không lâu sau, một bài viết phê phán Kundera kịch liệt và nồng nhiệt bênh vực Dos xuất hiện, cũng trên trang Book Review của tờ Times, tác giả là một đại diện danh tiếng khác của văn giới Đông Âu lưu vong ở phương Tây: Joseph Brodsky.
Tôi vốn thích Brodsky hơn Kundera nhiều. So với nhà thơ Nga chói chang, giễu cợt, ngạo nghễ và tráng lệ ấy thì nhà văn Tiệp thâm trầm quảng bác kia luôn có chút gì như một công chức văn hóa quá mực thước. Lần này tôi cũng thích lập luận của Brodsky hơn, rằng không thể đơn giản đem thời cuộc vận vào nghệ thuật như thế, bởi lẽ nghệ thuật lâu đời và tất yếu hơn tất cả những thứ trọng đại, nào chính trị, nào tín điều, nào phe phái và hình thái tư tưởng. Và nếu Kundera đã quyết trộn cả Dos, Liên Sô, phương Đông, chủ nghĩa duy cảm vào cùng một bản cáo trạng thì cũng nên rà lại cái phương Tây văn minh kia, vì rốt cuộc thì bộ Tư bản được dịch từ tiếng Đức sang tiếng Nga, và bóng ma cộng sản đậu xuống phương Đông sau khi đã lang thang khắp phương Tây duy lý. Một lần nữa trí tuệ riết róng của Brodsky phân tích, rằng cặp phạm trù Tốt-Xấu của chúng ta nguyên ủy là sự phân biệt Đẹp-Xấu, là cảm quan mỹ thuật trước khi phái sinh thành cảm quan đạo đức phân biệt Thiện-Ác. Mỹ học quyết định nhân cách, đạo đức và tư tưởng chứ không ngược lại. Một sự cẩu thả nhỏ nhất trong chữ nghĩa có thể kéo theo một quyết định sai lầm trong cuộc đời. Người có thẩm mỹ vững chắc, nhất là trong phong cách, khó rơi vào cái bẫy của những điệp khúc thô thiển và những bùa chú rộn ràng đặc trưng cho mọi hình thức chính trị mị dân.
Brodsky vẫn cực đoan như thường lệ, song lần này sự võ đoán của ông không ngoạn mục như những khi nó thuần túy là vũ khí để chàng hiệp sĩ cuối cùng của nghệ thuật ngôn từ ấy bảo vệ thánh địa thơ ca. Lần này nó xông ra, khá dữ tợn, để nhiếc móc Kundera và những ai không ưa Dos, tất nhiên không chừa cả Nabokov - người đồng hương lừng lẫy mà những phán xét thậm tệ về Dos đã thành huyền thoại -, và để giương cao ngọn cờ Dos còn thì văn hóa Nga còn. Văn hóa Nga còn thì đế chế Nga còn. Brodsky sống đời cầm bút như một mệnh lệnh tuyệt đối về tinh thần duy mỹ của cá nhân người nghệ sĩ, đứng ngoài mọi hệ lụy của thể chế và thời cuộc. Song nhà thơ đã đối đầu không khoan nhượng với đế chế Sô-viết ấy lại nuối tiếc một Tổ quốc là đế chế Nga hay đế chế văn hóa Nga mênh mông, nơi tiếng Nga yêu dấu của ông là ngôn ngữ bá quyền và cùng với nó là sự bá chủ của văn học Nga. Điểm mù ấy của ông rồi sẽ kéo theo một khoảng tối bất ngờ, một vết nhơ trên ve áo tuyệt đẹp của một bản lĩnh nghệ thuật khác thường.
Xung đột của ông với Kundera không ngẫu nhiên. Trước vụ hạ bệ Dos nói trên, trong tiểu luận vang dội “Un Occident kidnappé, ou la tragédie de l’Europe centrale” trên tạp chí Le Débat năm 1983, Kundera đã nêu bật sự khác biệt giữa Trung Âu và Nga, miêu tả "bi kịch của Trung Âu" trong sự giằng xé giữa phần hồn là cội nguồn văn hóa vốn thuộc về châu Âu và phần xác là hệ thống chính trị đã bị Nga đô hộ, và đưa ra luận điểm: Trung Âu là phần phương Tây "bị bắt cóc, phải lưu vong, chịu tẩy não nhưng vẫn luôn kiên trì bảo vệ căn tính của mình". Một hội thảo văn học vài năm sau ở Lisbon chứng kiến chiến tuyến giữa phe Nga với sự tham gia của Brodsky và phe Trung Âu với sự ủng hộ của các nhà văn phương Tây có mặt như Susan Sontag, Salman Rushdie, Derek Walcot, phê phán chủ nghĩa thực dân của nhà nước Sô-viết, đặc biệt là chính sách Nga hóa ngôn ngữ và văn hóa của mọi dân tộc trong đế chế cộng sản đó. Brodsky kiên quyết bác bỏ quan điểm mà ông cho là bài Nga mù quáng và vô dụng ấy của các nhà văn Tiệp, Ba Lan, Hungary và Nam Tư, trong đó có người bạn vong niên thân thiết Czesław Miłosz. Nhưng đó chưa phải điểm dừng của một mê lộ.
Khi Ukraine tuyên bố độc lập, rời Liên bang Sô-viết năm 1991, Brodsky viết tác phẩm đặc biệt nhất trong sự nghiệp của mình, bài thơ "Về nền độc lập của Ukraine" (На независимость Украины). Nhà thơ từng tuyên bố, cứ chống Sô-viết là đứng về phía lẽ phải, bỗng giận tím tái vì bọn nhãi Cô-dắc đầu trọc tóc mào dám hỗn hào bước khỏi quỹ đạo khổng lồ của nền văn minh Nga. Ông thấy mình và dân tộc Nga bị sỉ nhục bởi một lũ ly khai thô tục đang hí hởn đòi dựng một quốc gia Ukraine vốn chưa từng tồn tại. Ông mạt sát bằng những lời cay độc. Ông muốn nhổ một bãi xuống sông Dnepr cho nó chảy ngược về Nga. Ông đe, này đồ cặn bã, đồ chui ra từ lỗ nẻ, tưởng thế là ngon hả? Bỏ ta thì ta buồn năm phút, nhưng bọn Ba Lan hay bọn Đức sẽ cho mi nhừ đòn, rồi sẽ biết thế nào là ác mộng nhé. Mi muốn tàn đời trong u mê tăm tối hay sớm muộn sẽ rập đầu bó gối về với nước mẹ Nga thiêng liêng, hỡi đám nông nô vô ơn? Và ông tiên đoán: này lũ khốn, phút đau đớn cào giường cấu chiếu lìa đời, rồi mi sẽ quên sạch Taras (Shevchenko, thi hào Ukraine) nhảm nhí để thầm thì những áng thơ thứ thiệt của Alexander (Pushkin, thi hào Nga).
Có thể Pushkin xuất sắc hơn Shevchenko hay ngược lại, song xung đột dân tộc không phải là một cuộc tranh tài thơ phú. Hãy hình dung, một nhà thơ Trung Quốc mỉa vào mặt người Việt rằng này lũ mọi, chống Tàu thì cứ việc, ta chẳng chấp, nhưng lúc chết thì mi sẽ quên phắt Nguyễn Du nôm na để ngẩn ngơ ngâm Đường thi Đỗ Phủ!
Đôi khi tôi biết ơn lịch sử đã không để tiếng Việt có cơ hội thành một ngôn ngữ bá quyền. Ngoài sự thống trị tuyệt đối với ngôn ngữ của 53 sắc tộc khác trong phạm vi bờ cõi – tiếng nói của người Kinh đương nhiên bá chủ - nó chưa bao giờ là một công cụ của quyền lực mềm, theo chân người Việt đi chinh phục thế giới. Ở hải ngoại hiện tại với 4 triệu người sử dụng, nó không thực sự truyền bá văn hóa Việt Nam, có chăng chỉ mong làm phần nước sốt rưới lên một món đồng hóa toàn cầu nào đó cho phảng phất mùi vị Việt. Chỉ số ảnh hưởng của nó không đáng kể, song chỉ số hòa bình có lẽ cao.
Tôi đoán rằng Joseph Brodsky sẽ chẳng bận tâm nếu lãnh thổ hay quyền lực chính trị của đế chế Nga chỉ còn bằng kích thước con búp bê Matryoshka bé nhất khi lớp trong lớp ngoài đã tháo hết. Song sự nuối tiếc quyền lực của cái ngôn ngữ mà ông say đắm, trong một cơn đau mù quáng, đã biến một nhà thơ tận cùng duy mỹ thành một chiếc loa phóng thanh chính trị, dù bài thơ về Ukraine ấy vẫn đậm thi pháp Brodsky. Nó được truyền thông Nga bình chọn là bài thơ xuất sắc nhất năm 2014, sau vụ sáp nhập Bán đảo Krym. Và trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine từ gần nửa năm nay, nó cũng nổi tiếng như một sản phẩm ngôn ngữ khác: chữ Z. Một thứ không hề có trong bảng chữ cái tiếng Nga. Một thứ xiển dương tiếng Nga bá quyền. Ngôn ngữ có thể dã man. Tình yêu có thể sát thương. Tình yêu ngôn ngữ có thể hủy diệt.
Phạm Thị Hoài