Hai ca khúc đầu đời đều là song ca với người anh ruột là Bửu Minh. Ngày ấy, mẹ đặt biệt hiệu cho anh là Anh Minh, chắc là cho giống Anh Ngọc, một nam danh ca thời đó. Còn người viết này thì giữ cái tên măng sữa là Ðoan Trang cho đến năm 15 mới có nghệ danh là Quỳnh Giao.
Thời ấy là người lớn đặt tên cho mình, chứ con bé đã biết gì về “nghệ danh” hay “nhũ danh”!
Trở lại chuyện hát song ca với anh Minh, chúng tôi hát “Reo Vang Bình Minh” của Lưu Hữu Phước và “Quê Hương” Hoàng Giác. Bài đầu con bé còn được hát chant (giọng chính) từ đầu đến cuối. Anh Minh tôi “đi” bè cao từ đoạn điệp khúc đến hết bài rất là véo von:
Líu líu lo lo, chim oanh hót say sưa
Hót lên chào mừng bình minh luôn tươi sáng
Tang tang tang tính tang tang, ta ca hát say sưa
Hát lên chào mừng bình minh sáng muôn năm...
Sang đến “Quê Hương,” tôi chỉ được hát đoạn Majeur cuối, để người anh đi bè, còn từ đầu bài Anh Minh trổ giọng solo rất tha thiết. Ngày ấy, mình cứ ao ước có giọng hát hay như người anh. Tôi lên sáu thì anh lên chín và mới chín tuổi đầu mà đã hát thật là truyền cảm. Chỉ nghe anh mở đầu:
Ai qua miền quê binh khói
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi
Tôi vẫn mơ tùm tre xanh ngắt
Tim sắt se, cảnh xưa hoang tàn...
Lòng con bé thấy nao nao thôn thức, mà chẳng hiểu vì sao. Rồi đến đoạn Majeur được cất lời hứng khởi với anh:
Về quê xưa để sống êm đềm ước mơ
Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua
Về quê xưa để sống bên ngàn lũy tre
Xa lánh cuộc đời khắt khe, trăm đau nghìn thương...
Bài hát đầu đời đã lưu lại dấu ấn rất đậm trong tôi. Quỳnh Giao để ý và yêu thích nhạc Hoàng Giác từ đó.
Hoàng Giác thường nhắc đến quê hương một cách nồng nàn. Những tuyệt tác như “Hương Lúa Ðồng Quê,” “Ngày Về,” “Ngày Ði,” “Lỗi Hẹn,” và “Quê Hương” đều nặng trĩu tâm trạng nhớ nhà nhớ quê, da diết với đồng ruộng lũy tre, lời của ông là những cảm xúc chân thật. Ca khúc “Ngày Về” đã một thời làm ông điêu đứng vì trong Nam, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dùng bài này để mở đầu chương trình Chiêu Hồi:
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm...
Những ca khúc trữ tình cũng nhẹ nhàng mà đằm thắm, như “Lỡ Cung Ðàn,” “Bóng Ngày Qua,” hay tác phẩm đầu tay là “Mơ Hoa” đều là bài hát dễ gây xúc động bồi hồi.
Nhưng không hiểu sao, Quỳnh Giao thường rưng rưng nước mắt mỗi khi nghe hay hát bài “Khúc Hát Thương Binh” của ông. Nhiều người trong chúng ta thường nhớ đến ca khúc của Phạm Duy mà ít được nghe Hoàng Giác nhắc nhở lay động:
Ai ơi những khi êm vui gia đình
Có buồn vời trông sương khói mịt mùng
Ai kia chiến trường vào trong tê tái
Ấy những thương binh sống lạc loài...
Theo với mây sầu, cay đắng muôn mầu
Vui gượng cười đau, vó câu quỵ đành dừng bước
Lỡ gánh giang sơn, sống với u buồn
Thân phế nhân rồi, sống vui trong mộng lòng thôi.
Ðừng quên những ai say đời đầm ấm
Ðừng quên những ai được đời tô thắm
Buồn chăng, nhớ chăng bao người trẻ trai
Ðời xa xôi lánh, đau thương ngày xanh...
Cảm động biết bao, và thương cảm biết bao khi nghe lời từ của Hoàng Giác. Ngày nay, khi “vó câu đã quỵ” khiến nhiều người đành dừng bước, chúng ta nghe lại thì còn ngậm ngùi hơn nữa với câu “lỡ gánh giang sơn.” Trong các buổi sinh hoạt của cựu chiến binh chúng ta, mình nên hát lại bài này.
Về nhạc thuật, nghe nhạc Hoàng Giác, thính giả đoán được là của ông, một trong những điều thật hiếm có và quý báu với người soạn nhạc. Cũng như nghe Beethoven, hay Mozart, hoặc Chopin hay Lizst, người nghe biết ngay từ ô nhịp đầu!...
Hoàng Giác có dấu ấn rất đặc biệt là thường mở đầu bằng âm giai Thứ và chuyển qua Trưởng ở điệp khúc. Những ca khúc “Quê Hương,” “Hương Lúa Ðồng Quê,” “Anh Sẽ Về,” “Lỗi Hẹn,” “Khúc Hát Thương Binh” đều viết theo cùng thể thức.
Mở đầu với âm giai Thứ, là nghệ thuật kể chuyện của Hoàng Giác. Ông dẫn chúng ta đi từ câu chuyện thương tâm, từ cảnh ấm cúng dưới mái gia đình hạnh phúc đến những người thương binh đang sống lạc loài, âm thầm trong đơn chiếc.
Rồi nét nhạc tỏa sáng qua âm giai Trưởng, ông nhắc nhở những người đang hưởng cảnh đời êm ấm đừng quên họ, những người trai trẻ đã đem thân thế và tuổi xanh hiến dâng đời...
Nhạc và lời Hoàng Giác đặc biệt ở chỗ chân phương mà truyền cảm. Nét nhạc thanh cao, nhẹ nhàng, lời ca êm dịu tình cảm mà không cường điệu. Hát lên, mình thấy lòng thổn thức vì cảm xúc thật. Cái khả năng làm cho người cảm động không dễ. Không phải chỉ thấy cảnh chết chóc tang thương mình mới khóc được.
Mình cũng có thể khóc khi nghe câu hát:
Chơi vơi tháng năm bước chân âm thầm.
Những chiều rượi sầu nghe gió rì rầm.
Mênh mang tiếng lòng thầm than riêng bóng.
Xa máu xương, kiếp lạnh lùng.
Quý vị hãy thử lẩm nhẩm trong lòng thì biết.
Quỳnh Giao
Theo báo Người Việt