Xưa và nay khác nhau chẳng những bằng chiều dài thời gian, mà khác biệt bởi con người và ý tưởng trong từng thời đại và từng biến cố lớn của lịch sử. Tôi đồng ý những quan điểm trên, ngoại trừ khái niệm ý tưởng. Thực chất, sự khác biệt giữa xưa và nay về ý tưởng là cung cách suy nghĩ.
Cá không ăn muối cá ươn, ở Mỹ nghe lời cha mẹ nhiều quá khó tiến thân. Giấy rách phải giữ lấy lề, tâm linh và kinh tế khó phát triển. Một câu nhịn chín câu lành, thường dẫn đến thất bại. Tát má bên này, đưa má bên kia, tát thêm cái nữa, kết quả là sưng mặt. Đường lối suy nghĩ do học vấn và kinh nghiệm tạo ra cách sống. Cách sống tuy nhiều kiểu khác biệt nhưng vẫn theo nhịp điệu thời đại. Nhịp điệu thời đại là do dàn nhạc văn hoá, văn minh, khoa học, công kỹ nghệ, và tâm lý quần chúng hòa tấu. Nhạc trưởng là trí tuệ. Quan khách là tâm tình. Cá tươi ăn liền không ươn. Giấy rách bỏ recycle, mua giấy tái tạo. Trả lời khi bị xúc phạm. Ai tát vào mặt mình, mướn luật sư kiện.
Cách trình bày ý tưởng của người xưa thường mang tính mơ hồ để sâu sắc, cố gắng bày tỏ theo cách đẹp đẽ nhất để làm tâm trí bị hấp dẫn, mỹ cảm lâng lâng dù không hiểu rõ ràng. Thời nay, ý tưởng được trình bày tiếp cận sự minh bạch có luận lý. Dễ hiểu, thực tế và hữu ích, ưu tiên trước cả yêu cầu thẩm mỹ. Tôi đang dẫn đến câu chuyện màu xanh.
Người xưa dùng hình ảnh cây tre cao thẳng xanh lục, hoặc cây thông đứng giữa trời xanh tươi, để đại diện cho người quân tử. (Một loại người không dễ hiểu vì họ mâu thuẫn về tư tưởng, hành động đối nghịch, nhất là hay cố tâm để đời những câu nói mơ màng, có thể hiểu nhiều nghĩa khác nhau.)
Cây tre thì rỗng ruột. Người quân tử dù quang minh chính đại hoặc mưu đồ chính sự, trong lòng họ rất phức tạp, đặc hơn cả ruột tiểu nhân. Tôi thích cây thông hơn.
Một trong lý do người xưa thường dùng cây cối để ẩn dụ người quân tử vì hai chữ “quân tử” không thể định nghĩa minh bạch, dù sách Khổng, sách Mặc có xác định bằng chữ, nhưng ý thì thiếu và không phù hợp người quân tử của mỗi thời đại. Ví dụ, Hôm 18 tháng 7 vừa qua, anh thanh niên Elisjsha Dicken dẫn tình nhân đi dạo thương xá Greenwood ở Indiana. Bất chợt trông thấy kẻ giết người đang bắn súng gây tử vong, thương tích cho người chung quanh, Elisjsha đã rút súng mang theo bên mình và bắn gục tên giết người Sapirman tại chỗ. Cuộc nổ súng giao tranh kéo dài khoảng 15 giây (*). Phải chăng Elisjsha Dicken là người quân tử? Không sợ thiệt hại bản thân. Thế thiên hành đạo. Cứu người hoạn nạn?
Cây thông có lá xanh bốn mùa, nắng mưa giông bão đều có khả năng đứng vững. Đỉnh nhọn chọc trời như người quân tử kiên trì tâm trí qua những cơn thử thách vẫn xanh tươi, nhưng nếu quan sát kỹ, hầu hết người quân tử đứng xa xa, nhường chỗ tốt trong chính quyền, chính đạo, cho quân tử giả và tiểu nhân thật điều khiển. Chẳng phải, ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, hay sao? Lại thường xuyên nghèo đói, không đủ ăn, sức đâu đối phó với nguy cơ, bạo lực? Chẳng phải, người quân tử ăn chẳng cầu no? Rồi thường xuyên say rượu, nói những lời nghĩa khí. Chẳng phải, Hồ Trường, Hồ Trường, xé gan, bẻ cật, phù cương thường?
Đặc điểm cây thông không chỉ vì xanh mãi mãi, phải kể đến mùi hương khác thường của thông bát ngát, thơm một cách lạ lùng, có khả năng đánh tan mùi xú uế. Vì vậy, ở với bùn cũng không hôi tanh. Nhưng lạ thật, không ai chế dầu thơm bằng hương vị thông. Có lẽ, phụ nữ cũng không thích gần kề, bôi xức, mùi quân tử.
Người xưa ví thông như quân tử, khiến thời nay nhiều kẻ nghi ngờ, trong đó, có tôi hoang mang. Có lẽ khái niệm quân tử quá lớn lao như khủng long, không còn phù hợp để tồn tại. Cứ thử tượng tượng với dân số đông đảo gần 8 tỷ trên thế giới, nếu còn khủng long, chúng nó sẽ giẫm loài người chết hơn phân nữa như người giẫm chết côn trùng. Khủng long không hợp thời, không hợp lý, phải ra đi. Còn quân tử, người tốt, không lẽ phải chịu số phận như khủng long?
Dĩ nhiên, quân tử có nhiều hạng người, như thông có 121 loại. Phổ quát nhất là thông trắng (white pine). Dường như da trắng được ưu đãi từ thiên nhiên cho đến loài người.
Nhiều loại quân tử có nghĩa là nhiều định nghĩa khác nhau về quân tử. Từ những khác biệt giữa các định nghĩa sẽ tạo ra một khái niệm có phạm vi rộng lớn. Càng rộng lớn càng dễ lầm lẫn và gây ra sự bất đồng ý kiến. Tôi chắc rằng có một số người Nga xem ông Putin là quân tử. Một số người tàu ca ngợi Tập Cận Bình là quân tử. Một số đảng viên đảng Cộng Hòa xem ông Trump là quân tử. Một số đảng viên đảng Dân Chủ ngưỡng mộ ông Obama là quân tử … Quân tử trở thành cái mặt nạ, ai cũng có thể mang lên, miễn có người thừa nhận. Nói như vậy là sao?
Tôi đang đi đến tâm điểm để nhấn mạnh, nhịp sống hôm nay là luận lý. Vì quá nhiều mù mờ, quá nhiều giả tạo, quá nhiều thuyết phục, quá nhiều lời giỏi mà tâm xấu, quá nhiều ý tưởng điên rồ mà luận lý đáng tin, vì mọi người chung quanh đều đeo mặt nạ, xã hội hiện tại là xã hội Hallowen, … cho nên mỗi người phải tự rèn luyện cho mình một khả năng luận lý tiệm tiến sự chính xác và khá nhiều kiến thức, để có thể tự mình minh định những luận lý của người khác, tự quyết định chọn lựa, hành động và hơi thở của bản thân. Cứ thử hư cấu: phương thức luận lý như cây súng, khiến thức như đạn dược, kinh nghiệm như khả năng bắn, như vậy khi gặp những Sapirman hại người, thì những Dicken mới có thể chính xác bắn họ ngã gục, bảo vệ bản thân và người tim ngọt, tiếng Anh gọi là sweetheart.
Hành động anh hùng của Elisjsha Dicken có khả năng khơi động thêm phong trào công dân vũ trang (Armed Civilian,) mang súng tự vệ hoặc để ra tay nghĩa hiệp đang được tranh cãi trong nhiều tiểu bang. Khái niệm tự do mang súng hoặc mang súng có giấy phép với mục đích tốt đẹp bảo vệ người dân, cũng có khả năng trở thành hỗn loạn, bè đảng. Trở lại thời cao bồi miền viễn tây hoang dã, nhưng với súng tự động và lựu đạn. Nếu phải trở về thời “ai bắn giỏi thì sống,” thử nghĩ, chúng ta phải làm gì? Tập bắn súng cho chính xác và nhanh nhẹn? Hay chấp nhận cúi đầu trước súng dài súng ngắn? Một xã hội an toàn một cách bất an.
Thời đại hôm nay, dường như là nhịp sống chỏi. Nhịp sống thiên nhiên, nhịp sống con người không hòa âm với nhau. Nhịp cho phép mang súng, nhịp cấm mang súng, chỏi nhau. Đủ loại nhịp chỏi đang từng hồi tranh cãi, bên nào cũng muốn lôi kéo số phiếu để dành thắng lợi. Biết tin ai? Biết bỏ phiếu cho ai? Nhịp chỏi luôn hiện diện trong mọi thời điểm, nhưng thời hiện tại, nhịp chỏi rầm rộ và vang rền hơn trong sự hỗ trợ của truyền thông điện tử và lòng người nặng nề hơn thua.
Sống trong nhịp sống đương đại, mỗi người phải có một hệ thống luận lý bao gồm: nhận xét, thu thập tin liệu, phân tích, tổng hợp, kiểm tra, kết hợp thành một tổng hợp và cần thiết nữa là kèm theo nụ cười.
Cần gì phải nghe theo người khác. Người chỉ biết nghe người khác, như con gì bị xỏ mũi dẫn đi; bị che mắt, quất vào mông để chạy. Đứng trước một vấn đề, phải tự mình lý luận để quyết định cho bản thân, như lấy vợ lấy chồng, phải tự mình chọn lựa, thời đại hôm nay, không thể để người khác lựa giùm. Nghe người khác nói, rồi đi bỏ phiếu theo họ, chẳng phải như lấy vợ che mặt, không biết em là ai? Nghe người khác nói chính trị gia này tốt, ông kia xấu, bà nọ gian lận… rồi tin, chẳng phải giống em bé quàng khăn đỏ tin lời chó sói nói, người tốt phải có miệng rộng và răng bén?
Có tấm lòng không chưa đủ, ngày nay, phải có một hệ thống lý luận riêng (như máy vi tính cá nhân) sắt bén và thông minh, rồi thường xuyên sử dụng hàng ngày, để mắt sáng, tai tinh, mũi đánh hơi xa, miệng không bừa bãi.
Và cần thiết kèm theo nụ cười. Lý luận với nhau dễ gây hỏa hoạn. Lý luận chạm vào yếu điểm của người đối diện dễ gây tổn thương. Hãy cười với nhau khi lý luận. Vui thôi. Đêm về hãy nghĩ lại. Nếu phải chửi nhau, nên chửi bằng nụ cười. Nếu phải vạch ra chỗ sai, cười trước rồi vạch sau. Không nên giả nụ cười mà thật lòng nở nụ cười trong chữ nghĩa, trong ý tưởng, và trong nhân tính.
Bây giờ đã có luận lý, có nụ cười, tôi xin trở lại luận lý của mình về cây thông quân tử.
Ai cũng biết cỏ ví như tiểu nhân, gió thổi chiều nào rạp theo chiều đó; bị đạp dưới chân vẫn không chết. Cỏ sống dai và xanh không thua gì thông nếu gặp nước, gặp mùa mưa, thì xanh hơn. Muốn diệt cỏ không phải dễ. Vừa nhổ hết rể tuần trước, tuần này mọc lên lại, đầy vườn hồng. Vừa cắt cỏ sát gốc tuần trước, tuần này gặp mưa, lên cao phất phơ như đám biểu tình. Đó là cỏ nhà, cỏ hoang còn ghê gớm hơn nữa. Tiểu nhân vốn ghê gớm hơn cỏ. Giả quân tử (ngụy quân tử) ghê gớm hơn tiểu nhân.
Nhưng khi lá thông rụng xuống, đè lên cỏ, cỏ sẽ tự hủy diệt hoặc chạy trốn ra xa gốc thông. Lá thông khô diệt được cỏ, như chữ của người quân tử đè bẹp tiểu nhân. Đúng hơn, chính là phẩm chất và hiệu quả việc làm của người quân tử.
Khái niệm này cần giải thích rõ hơn: Khi còn sống khó ai biết ai tiểu nhân ai quân tử? Người khen thì ít, xuyên tạc lại nhiều. Như lá thông xanh trên cành ai biết lá nào bị sâu ăn? Nhưng khi lá rụng, quân tử qua đời, thời gian kiểm tra tư cách, phẩm hạnh, và nhất là di sản lưu truyền, sẽ cho biết người quân tử đó thật hay giả, cao đến mức nào, lưu danh bao lâu. Tư cách, phẩm hạnh, di sản là những lá thông chết đè lên cỏ.
Quân tử, tiểu nhân, những từ ngữ này nghe như các ông cụ hôm xưa bàn chuyện với nhau. Ngày nay, khái niệm anh hùng gần giống như quân tử. Người ta thường lưu ý khía cạnh cá tính của anh hùng, đối với quân tử, họ quan tâm về đức độ. Tuy vậy, cả hai đều là những người chịu bị thiệt thòi bản thân để cứu giúp người khác. Họ là những người xem trọng đạo lý, chống bạo lực, và có nhiều nhân tính.
Ngày xưa, người xưa, quân tử, thường quá xem trọng bản thân vì thấu hiểu phẩm chất của họ. Có thể nói, đa số quân tử là người cao ngạo. Ít thấy ai như Jesus Nazareth, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Anh hùng ngày nay hòa đồng hơn quân tử ngày xưa. Quân tử tự cao hợp lý nhưng không hợp thời. Về quan điểm này, quân tử chưa bằng cây thông.
Mỗi năm, cây thông khắp nơi trên thế giới, được đưa về nhà, trang hoàng đèn nháy, bóng tròn, dây kim tuyến. Một biểu tượng niềm vui, hạnh phúc và bình an cho hầu hết mọi người mừng lễ Giáng Sinh, kể cả người ngoại đạo. Quân tử xưa, anh hùng nay, không chỉ làm cây thông xanh đứng giữa trời, mà hãy trở thành những cây Noel rực rỡ đèn hoa mang niềm vui đến cho nhiều người, ít nhất là người trong một nhà. Phải chăng những gia đình xào xáo, xung đột lẫn nhau, vì thiếu một vài người thông hàn gắn niềm vui?
Nhưng, như đã nói, đời sống đầy những kinh ngạc. Chủ nhật vừa rồi, người ta cùng nhau cào và quét hết lá thông khô trong công viên thông xanh với mục đích làm đẹp thành phố. Hai ngày sau, cỏ bắt đầu mọc. Hai tuần sau, cỏ xanh lên đầy phủ cả gốc thông. Rốt cuộc tiểu nhân bao giờ cũng thắng.
Ngu Yen
_________________
Ghi:
(*) The Washington Times, 20 tháng 7, 2022.
- Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Cảnh Nhàn. Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Người quân tử ăn chẳng cầu no. Hàn Nho Phong Vịnh Phú. Nguyễn Công Trứ.
- Hồ Trường. Nguyễn Bá Trác.