HOLLYWOOD, California (NV) – Năm mới thường được coi là thời điểm để nhiều người làm lại từ đầu, hay có một khởi đầu mới trong cuộc sống. Các nhà làm phim dựa vào thời điểm này và làm nên nhiều tác phẩm xuất sắc.
Tài tử Kevin Hart bồng con gái trong phim “Fatherhood.” (Hình: Facebook Kevin Hart)
Từ có con đến bắt đầu cuộc sống ở một đất nước xa lạ hay có một cơ hội mới, Hollywood có nhiều phim hay về chủ đề khởi đầu mới rất đáng xem.
FatherhoodKhi nhắc đến những khởi đầu mới trong cuộc sống, nhiều người thường nghĩ đến chuyện có con, và phim “Fatherhood” công chiếu năm 2021 đưa khán giả theo câu chuyện của một người cha phải một mình nuôi con sau khi vợ qua đời.
Dựa theo hồi ký “Two Kisses for Maddy: A Memoir of Loss & Love” của tác giả Matthew Logelin, phim có tài tử và danh hài Kevin Hart đóng vai chính là ông Matt Logelin.
Ông Matt và vợ là cô Liz quen nhau từ lúc còn nhỏ, và hai người cưới nhau khi trưởng thành, sau đó chuẩn bị đón con gái đầu lòng. Tuy nhiên, sau khi sinh con, cô Liz đột ngột bị tắc động mạch phổi và qua đời.
Tuy đau buồn vì cái chết của vợ, nhưng ông Matt vẫn quyết tâm nuôi con gái Maddy một mình. Gia đình cho rằng ông không có khả năng và không đủ kiên nhẫn để một mình chăm sóc con gái.
Bất chấp mọi thứ, ông Matt phải tìm cách cân bằng giữa gia đình, nuôi con, sự nghiệp và tìm cho mình một tình yêu mới sau khi vợ qua đời.
Tài tử Kevin Hart nổi tiếng qua nhiều phim hài, nhưng ông cho khán giả thấy được diễn xuất rất cảm động trong “Fatherhood,” đầy cảm xúc của một người cha trong khởi đầu mới đầy khó khăn.
Tài tử Robin Williams (trái) và Matt Damon trong “Good Will Hunting.” (Hình: Facebook Mahdi Lnf)
Good Will HuntingTác phẩm “Good Will Hunting” chiếu vào năm 1997 là một trong những phim bất hủ của cố tài tử Robin Williams, và còn là một phim rất hay về một người có cơ hội để bắt đầu lại.
Vai chính của phim là nhân vật Will Hunting (Matt Damon đóng), là một thiên tài, nhưng lại chọn đi làm người lau dọn của đại học MIT ở Massachusetts. Anh giải được một bài toán khó đối với những người trình độ cao học và được một giáo sư phát hiện khả năng.
Tuy vậy, Will Hunting là một thanh niên có nhiều vấn đề, thậm chí còn tấn công một cảnh sát viên và bị bắt.
Chính vì vậy, vị giáo sư kia quyết định đưa anh đến gặp bác sĩ tâm lý Sean Maguire (Robin Williams đóng) để giúp anh chấp nhận bản thân mình. Mối quan hệ giữa Will và Bác Sĩ Sean giúp anh tự tin để làm lại từ đầu.
“Good Will Hunting” giúp nhiều khán giả trẻ hiểu được tiềm năng của họ và biết được mình có thể trông cậy vào những người chung quanh để có dũng khí làm lại từ đầu hay đi một bước xa hơn trên đường đời.
Với cách thể hiện hết sức truyền cảm, cố tài tử Williams cho khán giả thấy được ông có thể đóng được phim hài đến những phim có nội dung nghiêm túc như “Good Will Hunting,” và hoàn toàn xứng đáng nhận được giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.
Gia đình họ Yi, các nhân vật chính của “Minari.” (Hình: Facebook Asian Australian Alliance)
MinariKhi nhắc đến khởi đầu mới, không có gì diễn tả được điều đó hơn là có một cuộc sống mới ở một quốc gia hoàn toàn xa lạ. Phim “Minari” công chiếu năm 2020 đưa khán giả đi theo một gia đình người Nam Hàn tìm một cuộc sống mới ở Hoa Kỳ.
Tác phẩm này được khen ngợi rất nhiều và còn được đề cử nhận giải Oscar phim hay nhất vì diễn tả được những khó khăn của người Á Châu nhập cư vào Hoa Kỳ.
Đạo diễn Lee Isaac Chung dùng tuổi thơ và ký ức của mình làm cảm hứng cho tác phẩm này, nhưng nói rõ đây chỉ là một câu chuyện hư cấu.
“Minari” nói về một gia đình họ Yi, người Nam Hàn, đến vùng hẻo lánh ở tiểu bang Arkansas để sinh sống, và phải thích nghi với cuộc sống ở một đất nước xa lạ vào năm 1983.
Gia đình Yi gồm có năm người là ông Jacob (Steven Yeun đóng), vợ ông là bà Monica (Han Ye-ri đóng), con gái Anne (Noel Kate đóng), con trai David (Alan Kim đóng), và mẹ vợ là bà Soon-ja (Youn Yuh-jung đóng).
Ông Jacob quyết tâm muốn trồng nhiều nông phẩm quen thuộc của người Nam Hàn để bán ở Mỹ, trong đó có rau cần nước được gọi là “minari” trong tiếng Hàn như tựa phim.
Tuy vậy, bà Monica không thích nghi được với cuộc sống ở một thị trấn nhỏ, và hai vợ chồng phải tìm cách nuôi dạy các con trong một môi trường mới và phải vượt qua nhiều khó khăn để hòa nhập.
Cậu bé David thấy được nhiều khác biệt giữa văn hóa Á Châu và văn hóa Mỹ như không cho con cháu ngủ chung phòng với người lớn.
Cậu bé nói bà ngoại không giống như người Mỹ chút nào vì hay nói tục, mặc quần áo của đàn ông và không nướng bánh cookie cho cháu ăn.
Minh tinh Youn Yuh-jung trong vai bà ngoại Soon-ja với diễn xuất thần sầu, diễn tả được nhiều cảm xúc của một người bà phải chịu đựng nhiều thứ để lo cho con cháu.
Nhờ diễn xuất đó, bà đoạt giải Oscar vai nữ phụ xuất sắc nhất. Bà là một diễn viên gạo cội của Nam Hàn, và là minh tinh người Nam Hàn đầu tiên đoạt giải Oscar.
Tài tử Will Smith và con trai Jaden Smith đóng chung trong “The Pursuit of Happyness.” (Hình: Facebook Taste Movies)
The Pursuit of HappynessTác phẩm “The Pursuit of Happyness” ra mắt khán giả năm 2006 là đỉnh điểm trong diễn xuất của tài tử Will Smith, và là một phim vừa nói về một khởi đầu mới vừa nói về tình cha con không thể bỏ qua.
Đây là một phim nói về câu chuyện có thật của ông Christopher Gardner, một người bán hàng ở San Francisco trong thập niên 1980.
Vào năm 1981, ông đầu tư toàn bộ tiền dành dụm để mua máy đo độ đặc của xương, và đi quảng cáo tại nhiều phòng khám, cho rằng máy này tiện lợi hơn máy chụp X-ray nhiều lần.
Tuy bán được, nhưng ông phải mất nhiều thời gian để bán máy đo, làm vợ ông bất mãn, dẫn đến nhiều sứt mẻ trong hôn nhân.
Khi đang đi tìm người mua máy đo xương, ông gặp một quản lý của công ty chứng khoán và giải được một khối rubik, gây ấn tượng với quản lý đó, giúp ông được phỏng vấn để thành người môi giới chứng khoán tập sự.
Tuy nhiên, vì thực tập không có lương, vợ ông Gardner quyết định bỏ đi, để ông một mình chăm sóc cậu con trai mới 5 tuổi.
Sau đó, ông gặp nhiều biến cố trong cuộc sống như bị đuổi khỏi nhà vì trả tiền thuê và bị mất tài khoản ngân hàng do không trả thuế thu nhập.
Hai cha con ông phải vô gia cư một thời gian, thậm chí phải ngủ trong nhà vệ sinh của một trạm xe điện ngầm.
“The Pursuit of Happyness” sẽ làm nhiều khán giả không cầm được nước mắt vì nhiều cảnh đầy tình cha con, nhất là cảnh ông Gardner phải chặn cửa nhà vệ sinh trong trạm xe điện ngầm để có chỗ cho con trai ngủ. Nhờ diễn xuất đầy cảm xúc, tài tử Will Smith được đề cử nhận Oscar vai chính hay nhất.
Chữ “Happyness” trong tựa phim cố tình viết sai vì dựa theo một tranh tường tại nhà trẻ mà ông Gardner gửi con trai đến mỗi ngày. Ông Christopher Gardner ngoài đời cho biết chữ “Y” có nghĩa là “you,” và từ “happyness” viết sai đó có nghĩa là điều gì làm cho bản thân mình hạnh phúc.
Minh tinh Reese Witherspoon đi một mình đến nhiều nơi trong phim “Wild.” (Hình: Facebook Finnkino)
WildCông chiếu năm 2014, phim “Wild” có nội dung về khởi đầu mới của một con người, và cho khán giả thấy được vẻ đẹp tự nhiên của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Phim dựa theo hồi ký của nữ văn sĩ Cheryl Strayed, và có minh tinh Reese Witherspoon đóng vai bà Strayed.
Vào năm 1995, bà Strayed quá đau buồn vì cái chết của mẹ mình, dẫn đến cuộc sống hôn nhân của bà bị tan vỡ, phải ly dị chồng.
Để tìm cách quên đi nỗi đau và khám phá bản thân mình, bà Strayed quyết định đi bộ 1,100 dặm của đường mòn Pacific Crest.
Trên con đường, bà Strayed hay nhớ lại thời thơ ấu ở Minnesota, và những ký ức với người mẹ qua đời vì ung thư.
Sau khi mất mẹ, bà bị trầm cảm nặng, khiến bà lao vào con đường nghiện ngập và quan hệ tình dục với người xa lạ, làm hôn nhân tan vỡ.
Bà bắt đầu cuộc hành trình từ sa mạc Mojave ở Nam California, sau đó đi đến nhiều nơi khác ở California, Oregon, và gặp nhiều khó khăn, cũng như trò chuyện với nhiều người trên chuyến đi.
Trong chuyến đi, bà được nhiều người giúp đỡ và còn nhận được vài lá thư từ người chồng cũ.
Sau 94 ngày hành trình, bà Strayed đến được địa điểm là cầu sắt kết nối hai tiểu bang Oregon và Washington. Tại đây, bà nhìn lại cuộc đời mình, và có suy nghĩ tích cực cho tương lai.
Tác phẩm “Wild” đưa khán giả đi khắp vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và tô điểm vẻ đẹp tự nhiên của vùng này.
Không chỉ vậy, phim này còn làm người xem hiểu được ý nghĩa của câu nói “Cuộc hành trình thường quan trọng hơn địa điểm.
Thiện Lê/Người Việt