Một bức tượng của Louis Pasteur (1822-1895) trước Viện Pasteur ở Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 27/10/2005. ASSOCIATED PRESS - FRANCOIS MORI \
Năm nay, Pháp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Louis Pasteur, một nhà bác học chưa bao giờ học ngành y, nhưng lại cống hiến rất nhiều cho y khoa. Cha đẻ của những vac-xin chống bệnh dại, bệnh than... cũng là người mở đường cho các ứng dụng lâm sàng, cho các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm. Những phát hiện của Pasteur không chỉ đã cứu sống mạng người, mà còn cứu cả những ngành khác của Pháp, từ cất rượu vang cho đến tơ tầm, chăn nuôi, những cột trụ của kinh tế Pháp thời bấy giờ.
Tuy nhiên, Pasteur (1822-1895) sẽ không có được hào quang từ khi còn sinh thời nếu thiếu Marie, một người vợ đảm đang, « cộng tác viên đắc lực nhất, trung thành nhất ». Từ thế kỷ XIX, Marie và Louis Pasteur đã ý thức được rằng, tiếng tăm của Pasteur chỉ có thể vang xa nếu những phát minh của nhà khoa học này được phổ biến với công luận và phải có ích cho cộng đồng. Gia đình Pasteur đi trước thời đại, vận dụng truyền thông và những mối quen biết để đạt đến đích.
Là một con người cần mẫn, đam mê với công việc, với một phương pháp nghiên cứu nghiêm túc và khoa học, Pasteur đi từ phát hiện này đến những khám phá khác. Louis Pasteur cống hiến cả cuộc đời cho công việc nghiên cứu, cho khoa học. Nhưng bí quyết nào giúp Louis Pasteur, với hai bằng tiến sĩ về vật lý, hóa hóa học ban đầu, tìm ra nguyên lý của quá trình lên men, tìm ra những phương pháp để bảo quản từ sữa, đến rượu, bia … trước khi trở thành « ông tổ của khoa truyền nhiễm », một nhà vi sinh vật học nổi tiếng nhất mọi thời đại ?
Kính hiển vi trong tay một nhà điều tra RFI tiếng Việt mời bà Sylvie Morel, giám đốc điều hành hai bảo tàng Louis Pasteur tại Dole và Arbois trong vùng Jura, miền đông nước Pháp, trả lời các câu hỏi này. Dole là nơi Louis Pasteur sinh ra ngày 27/12/1822, trước khi gia đình ông dọn về Arbois, cách Dole hơn 30km. Trước hết, Sylvie Morel nhắc lại bối cảnh của ngành nghiên cứu khoa học hồi thế kỷ XIX và phương pháp làm việc phổ biến thời bấy giờ.
Sylvie Morel : « Thế kỷ thứ 19 thực sự là thời điểm khoa học thăng hoa. Các trường đại học, các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiêm cứu càng lúc càng có uy tín. Đó cũng là giai đoạn mà công việc nghiên cứu dành một chỗ đứng riêng biệt để thực hiện các cuộc thí nghiệm ở vườn bách thảo, trong sở thú, hay các viện bảo tàng … Tất cả nhằm tìm hiểu về thế giới của các sinh vật cả trong hiện tại lẫn quá khứ, thí dụ như các nhà khoa học cũng đã tìm hiểu về đời sống của các loài khủng long.
Vào thời đó, các nhà khoa học quan tâm đến các loài vi khuẩn. Louis Pasteur quan sát thế giới ấy qua lăng kính hiển vi. Với ống kính hiển vi, ông đã quan sát các loại vi sinh vật, bởi vì khi ấy một số nhà khoa học, đứng đầu là Félix Archimède Pouchet, đã tin vào thuyết tự sinh, theo đó mọi sinh vật đều được tự nhiên sinh ra, không cần đến một sinh vật khác. Louis Pasteur chứng minh điều ngược lại khi ông công bố quy luật tạo sinh ».
Ra khỏi phòng thí nghiệm để quan sát thế giới chung quanhSylvie Morel : « Quả thực là trước Pasteur, giới nghiên chủ yếu quan sát và so sánh để từ đó đưa ra những kết luận khoa học. Có khi thành công, nhưng phương pháp đó cũng có những giới hạn của nó. Riêng Louis Pasteur tiến hành các cuộc nghiên cứu như một viên cảnh sát mở điều tra hình sự vậy ! Xuất phát từ một điểm khởi đầu, Pasteur đi tìm những bằng chứng quan sát trên thực địa. Louis Pasteur đã bước ra khỏi các phòng thí nghiệm, ông tiếp xúc với những người trong cuộc.
Thí dụ khi nghiên cứu tìm hiểu về bệnh than, ông gặp thẳng giới chăn nuôi. Ông hỏi họ cặn kẽ nhiều điều trước khi đưa ra một loạt giả thuyết. Khi có được những giải thích thỏa đáng, Pasteur tiếp tục đào sâu hơn để đưa ra những lập luận khoa học. Ông cho công bố kết quả nghiên cứu đó và thường thì những tài liệu này được các đồng nghiệp của Louis Pasteur thảo luận. Các cuộc tranh cãi thường rất sôi nổi. Cũng có thể là Pasteur và các cộng tác viên của ông phải thực hiện những cuộc thí nghiệm khác nữa, hay họ phải tìm ra những xét nghiệm chứng minh điều ngược lại với những lập luận của Pasteur … »
Nhà điều tra Louis Pasteur và con mắt « tinh đời » Sylvie Morel : « Chính phương pháp nghiên cứu chính xác đó là khác biệt giữa Louis Pasteur với các đồng nghiệp cùng thời. Ông đã thành công trong lúc các nhà khoa học khác thất bại. Cần nói thêm là Pasteur đã có một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên để thực hiện hàng loạt thí nghiệm một cách rất tỉ mỉ và cũng phải công nhận rằng Louis Pasteur có con mắt rất tinh đời, ông có khiếu đặc biệt để biết rằng phải 'điều tra' theo hướng nào, tìm ra những điểm nhấn và từ đó tiếp tục tìm tòi (…) Louis Pasteur rất kiên trì trong công việc. Ông làm việc nghiêm túc và rất có phương pháp. Chỉ nội điều đó không thôi đã khiến các đối thủ của ông tuy bực mình, nhưng ai cũng phải nể phục cái tinh thần trách nhiệm đó.
Thế rồi, không chỉ trích được Louis Pasteur về phương diện khoa học, về mặt nghiên cứu … người ta viện cớ Louis Pasteur không phải là bác sĩ để tấn công ông, để phản bác những phát minh của ông trong lĩnh vực y khoa. Họ coi thường Pasteur vì ông chỉ là một nhà hóa học và do vậy « ông biết gì về y khoa mà dám xen vào lĩnh vực này ».
Nhưng sau này, chính Viện Hàn Lâm Y Khoa của Pháp đã vinh danh Lous Pasteur!
Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn Ngoài đời, Louis Pasteur là một con người rất có cá tính. Được bổ nhiệm về dạy ở đại học Strasbourg, ông đã mạnh dạn trực tiếp xin hỏi cưới con gái ông viện trưởng là cô Marie Laurent. Giám đốc bảo tàng Louis Pasteur, bà Sylvie Morel, kể lại về tính táo bạo của Louis :
Sylvie Morel : « Marie Pasteur là con nhà gia thế, thân phụ của bà là khoa trưởng Đại học Strasbourg. Louis gặp bà khi ông được bổ nhiệm về Strasbourg dạy khoa Lý - Hóa. Khi ấy Louis Pasteur 26 tuổi, Marie thua ông 4 tuổi. Louis Pasteur ý thức được rằng Marie xuất thân từ một gia đình danh giá. Gia đình Laurent quen biết rộng, có ảnh hưởng trong giới khoa học, trí thức và cả trong giới văn nghệ sĩ. Marie Laurent là một trong ba cô con gái của ông viện trưởng.
Ở thế kỷ 19, để nên vợ nên chồng, gia đình hai họ bao giờ cũng phải nhờ một người thứ ba đứng ra làm mai mối, để nhỡ có bị từ chối, không bên nào mất mặt. Vậy mà Louis Pasteur cả gan viết thư trình bày thẳng nguyện vọng với ông viện trưởng. Vị giáo sư mới 26 tuổi này đã nói rõ thân thế : Gia đình Pasteur khá giả nhưng không giàu có lắm, ông có một cô em gái hơi bị khờ … và Louis đi thẳng vào vấn đề khi xin được làm rể ông viện trưởng Đại Học Strasbourg. Louis đã trông thấy Marie là người đàn bà đảm đang, một phụ nữ có học thức và ông biết rằng có thể trông cậy nhiều vào bà ».
Marie, một cận vệ trung thành bảo vệ hình ảnh của Louis Pasteur Marie Pasteur cùng chồng làm việc trong các phòng thí nghiệm, theo ông quan sát thực địa. Bà tự tay nuôi tằm, giúp ông quan sát khi Louis Pasteur nghiên cứu về bệnh nhộng tằm đe dọa cả mảng sản xuất lụa tơ tằm của Pháp. Tại Viện Pasteur - Paris, Marie luôn là « cái bóng của Louis, khiêm tốn, kín đáo và đầy nghị lực », là sợi chỉ đỏ gắn kết các cộng tác viên của Louis Pasteur ngay trong viện nghiên cứu mang tên chồng.
Sylvie Morel : « Bà Pasteur có lẽ là một phụ nữ có nhiều tham vọng về mặt khoa học không thua gì chồng. Nhưng ở thời điểm đó, nữ giới không có quyền thể hiện tham vọng riêng của mình và không thể có tương lai về mặt nghề nghiệp như nam giới. Marie chóng sinh con, nhưng bà không mấy trực tiếp chăm lo cho con cái. Trong khi đó, Louis Pasteur khoảng 45-46 tuổi đã bị tai biến mạch máo não, ông bị liệt nửa người bên trái và cần được bà chăm sóc từng chút một. Marie đã hết sức tận tụy bên chồng.
Bà luôn bên ông trong công việc hàng ngày, ở các phòng thí nghiệm, bà giúp ông ghi chép kết quả nghiên cứu. Marie theo dõi báo chí hàng ngày xem họ viết gì về Louis Pasteur, xem các đối thủ của ông đả kích Pasteur như thế nào, xem có ai mạo danh Pasteur để giành lấy vinh quang hay không. Hơn thế nữa, Marie là người đầu tiên Louis Pasteur chia sẻ những phát hiện mới, là người đầu tiên nhà khoa học Pháp này trắc nghiệm xem những lập luận khoa học của ông có vững chắc hay không trước khi công bố rộng rãi kết quả ».
Một số tài liệu cho thấy Marie Pasteur rất chú trọng đến hình ảnh của Louis Pasteur trước công chúng. Ta có thể nói bà là « nhân viên truyền thông trước thời đại »?
Sylvie Morel : « Về mặt này, Marie không phải là người duy nhất. Bản thân Louis Pasteur cũng chú trọng rất nhiều vào hình ảnh của ông. Cả hai người cùng ý thức rằng họ cần phải trau chuốt hình ảnh của Louis Pasteur và đương nhiên là tiếng nói của bà rất có trọng lượng. Chẳng hạn như ở thế kỷ 19, người ta thường chụp ảnh, đó là những bức chân dung cỡ vừa và nhỏ, để tặng cho những người chung quanh, giống như những tấm danh thiếp.
Pasteur có vài ông thợ chụp ảnh chuyên nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ này. Nhỡ chẳng may mà Marie không hài lòng về một bức chân dung nào đó của Louis Pasteur, lập tức ông thợ ảnh bị khiển trách ngay. Tại viện bảo tàng Pasteur còn lưu lại một bức thư Pasteur đã gay gắt chê trách ông thợ chụp ảnh, Paul Petit, vì ông này lỡ chụp thế nào mà để nhìn vào người ta thấy ngay cái mũi quá khổ của Pasteur. Nói cách khác, Louis Pasteur muốn gột tẩy hết những nét xấu về hình thức của ông. Bởi đấy có thể là những cái cớ để các đối thủ của Louis Pasteur tấn công ông, thay vì họ chú trọng đến các công trình nghiên cứu, đến những phát hiện về khoa học của ông.
Marie cố vấn cho chồng là phải rất chú trọng vào hình ảnh của ông trước công luận. Chính vì thế mà phần lớn người ta thấy hình ảnh Louis Pasteur bệ vệ trong thế ngồi, bởi sau nhiều lần bị tai biến, chân ông yếu, đứng lâu không được. Tay trái của Pasteur thì phải tì vào bàn hay thành ghế. Ta cũng thấy ảnh của của Louis Pasteur tránh chụp từ góc trái, đây là nửa người ông bị liệt… Louis Pasteur che giấu tất cả những nét xấu bề ngoài. Thí dụ như do thấp nên từ trước khi bệnh Pasteur đã thiên về các kiểu ảnh trong thế ngồi. Pasteur bị cận thị nhưng lại rất chú trọng vào thần sắc . Ông không muốn để lộ bất kỳ một nhược điểm nào về thể xác, kể cả những điểm không đáng kể, như chuyện ông bị cận thị chẳng hạn ».
Theo RFI