logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 01/02/2023 lúc 07:28:27(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,244

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Hình ảnh minh họa Trí tuệ nhân tạo (AI). © canva

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây đã dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của nghề sáng tạo. Liệu Trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể thay thế con người cũng như sáng tạo nghệ thuật của giới nghệ sỹ ? Đâu là viễn cảnh nguy hiểm nhất nếu như AI ngày càng phát triển hơn nữa ?   
RFI Tiếng Việt đã đặt câu hỏi này với ChatGPT là một phần mềm trò chuyện thông minh, với công nghệ A.I, cho phép đối đáp giống như con người và đưa ra những câu trả lời sơ khai nhưng cũng có thể phức tạp. Sau đây là câu trả lời của ChatGPT : “Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế sự sáng tạo của con người để trở thành nguồn sáng tạo chủ đạo trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có thể trí tuệ nhân tạo sẽ làm gia tăng khả năng sáng tạo của con người. Trong cả hai trường hợp, viễn cảnh nguy hiểm nhất là nếu trí tuệ nhân tạo loại bỏ hoàn toàn khả năng sáng tạo của con người.”   
Được ra mắt vào tháng 11/2022, ứng dụng robot chat trực tuyến ChatGPT do công ty Open AI tại Thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ phát triển, đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người qua các bài tiểu luận, bài thơ hay cả những lời khuyên cá nhân. Công cụ này đã gây náo động khi chính thức được công nhận là tác giả của một số bài đăng trên các tạp chí khoa học danh giá. Ví dụ như vào tháng Giêng, tạp chí Education in Practice đã công nhận AI là đồng tác giả trong một bài xã luận với nhà nghiên cứu công nghệ y tế, bà Siobhan O’Connor tại đại học, Manchester, Vương quốc Anh.      
ChatGPT không phải là công cụ Trí tuệ nhân tạo duy nhất làm mưa làm gió từ năm 2022. Tại Đức, phầm mềm sử dụng Trí tuệ nhân tạo đã hoàn thiện bản nhạc Symphony số 10 còn dang dở của nhà soạn nhạc Beethoven. Tại Hoa Kỳ, một chương trình máy tính đã viết một cuốn tiểu thuyết từ đầu đến cuối, lấy cảm hứng từ tác phẩm Sur la route của Jack Kerouac. Các phần mềm trí tuệ nhân tạo vẽ tranh như Dall-E2, Midjourney hoặc Stable Diffusion đã tạo tiếng vang với khả năng tạo ra những hình ảnh chân thực, nhanh chóng và chất lượng cao chỉ từ một mô tả bằng văn bản đơn giản. Ví dụ như bức chân dung của Edmond de Belamy được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo và được bán ra với giá hàng trăm ngàn euro tại sàn đấu giá Christie’s, hay tác phẩm Théatre d’opéra spatial giành giải cao nhất trong một cuộc thi nghệ thuật ở Colorado, Hoa Kỳ.  
Công nghệ kiểm soát con người ?   
Tuy nhiên, nếu như một số người coi sự phát triển vũ bão của công nghệ đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn với vô số tiện ích, thì một số khác lại tin rằng loài người đang dần mất kiểm soát giống như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng (Matrix) : Công nghệ « vượt mặt », kiểm soát con người. Sự xuất hiện của A.I được xem như là một cuộc cách mạng trong giới sáng tạo, khơi dậy một làn sóng gây mê hoặc người dùng bởi những tiện ích mà chúng đem lại nhưng đồng thời cũng gây lo ngại.   
Đối với sự xuất hiện của ChatGPT, nhiều nhà xuất bản cũng như các nhà phát hành tạp chí đã cấm hoặc hạn chế việc sử dụng A.I vì lo ngại rằng có thể ảnh hưởng đến các tài liệu học thuật do những thiết sót trong nghiên cứu, hoặc bịa đặt thông tin hay vấn đề về đạo văn.   
Nghề sáng tạo bị mai một 
Theo trang Equaltimes của Bỉ, những lo ngại đối với A.I không phải là không có lý do. 56 % công việc ngày nay vốn đã bị đe dọa bởi tự động hóa, liệu các nghệ sỹ, nhà thiết kế hay các chuyên gia làm về sáng tạo có thể là những người tiếp theo ? Liệu rằng sáng tạo từ trí tuệ nhân tạo có khiến cho sáng tạo của con người trở nên mai một hay không ?    
Trong giới hội họa, AI art generators - các công cụ sáng tạo nghệ thuật từ AI được coi là anti-artist : phản nghệ sỹ. Các công cụ như DeviantArt hay Midjourney và Dall-E đã gặp phải vô số bê bối vì các tranh được tạo ra mang hơi hướng phân biệt chủng tộc, giới tính. Nhiều nghệ sỹ đã thực hiện các thủ tục tố tụng chống lại các công ty xây dựng phần mềm vẽ tranh AI vì vi phạm bản quyền. 
Họa sỹ vẽ tranh nhưng bị nhầm là do A.I vẽ
Một vụ việc thu hút sự quan tâm của công luận khi một tác phẩm tranh kỹ thuật số (Digital Art) của một họa sỹ Việt bị coi là do A.I vẽ. Trên một diễn đàn thảo luận về nghệ thuật - r/Art, trên Reddit với hơn 20 triệu thành viên, Nguyễn Hoàng Minh Anh, với nghệ danh Ben Moran làm việc tại studio Kart ở Hà Nội, đã đăng tải một tác phẩm tranh kỹ thuật số. Bài đăng của anh đã bị gỡ bỏ vì cho rằng đó là tác phẩm của A.I. Diễn đàn này cấm tác phẩm do A.I tạo ra. Sau khi liên lạc với quản trị viên để giải trình về tác phẩm tiêu tốn hàng trăm giờ của mình qua Photoshop, tài khoản của Ben Moran đã bị chặn. Quản trị của diễn đàn này đưa ra lý do : « Nếu là nghệ sỹ thực thụ, bạn nên tìm một phong cách sáng tạo khác. Bởi vì không ai sẽ tin khi nói rằng tác phẩm này không phải do AI tạo ra. Trong vài giây, máy móc có thể làm tốt hơn việc mà bạn đã tiêu tốn hàng giờ để thực hiện ». 
Theo họa sỹ Việt, đây thực ra đây không phải là lỗi của Trí tuệ nhân tạo mà là do việc bài trừ trí tuệ nhân tạo một cách hơi cực đoan. Với sức mạnh của trí tuệ nhân tạo ngày càng lớn như hiện nay, khó kiểm soát và có thể dẫn đến những tình huống không hay, như là trường hợp của anh. Về vụ việc này RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với họa sỹ kỹ thuật số, giáo viên dạy vẽ bộ môn nghệ thuật kỹ thuật số - digital Art Nguyễn Hoàng Minh Anh.  
Xin cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Minh Anh đã dành thời gian chia sẻ với quý thính giả của RFI Tiếng Việt trong mục tạp chí xã hội tuần này.
Trước tiên, anh có thể cho biết cảm nhận của mình về việc một tác phẩm sáng tạo của mình lại bị coi là sản phẩm của Trí tuệ nhân tạo ? 
N.H Minh Anh : Thực ra thì tôi thấy vừa vui vừa buồn, vì sức mạnh của trí tuệ nhân tạo rất lớn, các sản phẩm của A.I cũng rất đẹp. Khi được so sánh như vậy, vui là bởi vì tác phẩm của tôi được công nhận nhưng buồn là vì những cố gắng, tâm huyết đặt vào tác phẩm lại bị nhầm với một sản phẩm do máy móc tạo ra. 
Là một nghệ sỹ, lập trường của anh đối với việc các sáng tạo của AI là gì ?    
N.H Minh Anh : Theo quan điểm của tôi, thì tôi không đồng ý với cách sử dụng hiện tại của Trí tuệ nhân tạo. Theo mình được hiểu thì A.I nên sinh ra là để phục vụ con người và việc A.I sinh ra để phục vụ nghệ sỹ khi giúp họa sỹ giảm thời gian vẽ tranh và tạo ra nhiều tác phẩm hơn. Còn hiện tại, A.I đang đi lệch hướng đấy. 90 % số họa sỹ mà tôi biết đều không ủng hộ sự xuất hiện của AI. Khi A.I được sử dụng quá đại trà và dễ sử dụng nên là bất kỳ ai có thể sao chép và tạo ra một sản phẩm của riêng mình nhưng lại dựa trên phong cách sáng tác của người khác, do vậy nên hiện đang xảy ra rất nhiều lùm xùm về bản quyền ở nước ngoài, và cũng có nhiều vụ kiện cáo.  
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cách hoạt động trong thế giới sáng tạo nghệ thuật hay không ? 
N.H Minh Anh : Theo tôi dự đoán, A.I vẫn sẽ có một chỗ đứng cho riêng mình và Digital Art sẽ chuyển sang một hướng khác. Các họa sỹ máy móc như mình sẽ rất dễ bị nhầm với các nghệ sỹ sử dụng A.I. Đây là một cơ hội để các họa sỹ truyền thống có chỗ đứng lớn hơn.  
Nói như vậy thì nghề của bạn có phải đang bị đe dọa ? 
N.H Minh Anh : Có thể là như vậy. A.I có thể lấp nhiều chỗ trống của các Digital Artist như tôi nếu như mà mình không đủ giỏi. Tính cạnh tranh đang bị đẩy lên quá cao và vượt quá tầm với của con người. Chung quy lại, dù là digital art hay hội họa truyền thống, trước khi A.I xuất hiện, cả hai đều được thực hiện phần lớn là dựa vào kỹ thuật và hiểu biết của họa sỹ. Tuy nhiên khi A.I xuất hiện, nó sẽ làm thay gần như đến 90 % công việc. Nghề Digital artist này đang bị lung lay.  
Các họa sỹ sẽ phải thích ứng ra sao ? 
N.H Minh Anh : Hiện tại thì tôi cũng khá là bế tắc. Cách đây một năm rưỡi, chúng tôi biết đến trí tuệ nhân tạo, ví dụ như phần mềm Midjourney, nó không mạnh như là bây giờ. Lúc đó chúng tôi nghĩ là có thể tăng số lượng và chất lượng tranh của studio chúng tôi. Nhưng hiện tại, AI rất mạnh, làm hết mọi thứ và các họa sỹ gần như không cần động tay vào. Sai số là quá nhỏ. Hiện tại chắc không chỉ riêng tôi mà giới Digital cũng đang rất là bế tắc và đang tìm cách chống lại bằng việc sử dụng bản quyền, chứ gần như là không có cách nào để thích ứng với một công cụ đang làm mưa làm gió như vậy cả. 
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Minh Anh đã dành thời gian chia sẻ về lập trường của mình đối với A.I.  
*** 
Hiện tại A.I vẫn còn khá mới mẻ nên khó có thể xác định được tác động của loại công nghệ này với giới làm nghề sáng tạo nói chung. Trên Facebook, nhà thiết kế trang sức Trần Thị Thanh Nga cho rằng A.I được sinh ra là để hỗ trợ cũng như thử thách nhà thiết kế : « A.I thật tuyệt vời để chơi cho vui, chứ nếu chỉ tập trung vào từ khóa rồi chờ kết quả, chọn một vài mẫu đổi tí sửa tí thành thiết kế thì lâu dần tôi sẽ mất đi trí tưởng tượng và khả năng tư duy thiết kế. Chưa kể quá trình sáng tạo, thử nghiệm và trải nghiệm là quá trình thú vị nhất đối với một nhà thiết kế và một người yêu sáng tạo. Nó sẽ là một điều ngược đãi với bản thân nếu mất đi quá trình này. » 
Trên trang The Conversation, giáo sư tại đại học Michigan của Hoa Kỳ, ông Kentaro Toyama đặt câu hỏi « trí tuệ và óc sáng tạo của con người sẽ được đánh giá ra sao khi máy móc trở nên thông minh hơn và sáng tạo hơn những người thông minh nhất ?». Trong một số lĩnh vực, công việc do con người làm vẫn được coi trọng ngay cả khi máy tính có thể làm tốt hơn. Trong lĩnh vực khác, ví dụ như về ngành minh họa (illustration), người xem không quan tâm liệu hình ảnh đó là do người vẽ hay máy vẽ mà chỉ xét đến liệu nó có phù hợp hay không và có thể mang tính giải trí. Nếu máy tính vẽ tốt hơn thì sao, độc giả trên thực tế cũng không để ý ai là tác giả.  
Giáo sư Tomaya khẳng định rằng lịch sử cho thấy gần như chắc chắn rằng A.I sẽ làm biến mất nhiều công việc hơn, số lượng người làm những việc mà chỉ con người có thể cũng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, những công việc đòi hỏi những kỹ năng mới cũng xuất hiện.  
Về phần mình, giáo sư triết học tại đại học Carlos III ở Tây Ban Nha, trả lời trang Equal Times rằng : « cuộc sống là ví dụ điển hình nhất về sự sáng tạo vẫn tồn tại. Nếu một cơn bão có thể thay đổi môi trường thì nó cũng có thể tạo ra một thứ gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, chính loài người -  xã hội mới mang lại giá trị và quyết định làm gì với sự sáng tạo. Do vậy, chúng ta không nên tập trung vào sự khác biệt của con người với máy móc và mà thay vào đó là điều gì chúng ta muốn làm với máy móc ». 


Theo trang Equal Times, giống như bộ não của con người, các phần mềm được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo có mạng lưới tế bào thần kinh riêng, hay còn gọi là tế bào thần kinh nhân tạo. Chúng lưu trữ một lượng lớn dữ liệu và sau đó phân tích, phân loại và tổng hợp lại với nhau. Đây cũng là cách mà các ý tưởng được ấp ủ.

Theo bà Karina Gibert, giám đốc của trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo IDEAL-UPC, Tây Ban Nha. «Trí tuệ nhân tạo không chỉ có thể phân tích dữ liệu mà còn có thể học hỏi từ kinh nghiệm của chính nó. A.I có thể phân loại các thông tin và kết hợp chúng để tạo ra một thứ gì khác mới ».

Ví dụ như trường hợp về bức chân dung của một nhân vật giả tưởng Edmond de Belamy, được AI tạo ra sau khi phân tích 15 000 bức chân dung được vẽ từ thế kỷ 14 và 20. Một tác phẩm khác « The next rembrandt project », được tạo ra sau khi nghiên cứu 300 tác phẩm của một danh họa người Hà Lan, A.I đã vẽ một bức mới và bắt chước theo phong cách của họa sỹ này. 
Theo RFI
song  
#2 Đã gửi : 04/02/2023 lúc 07:37:43(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,244

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)


Thành tựu nổi bật nhất về AI gần đây là ChatGPT của OpenAI. ChatGPT có thể viết bài xã luận phân tích các vấn đề thời sự rất nhà nghề, viết bài luận văn xin vô trường đại học cho sinh viên rất mạch lạc, trả lời rất xuất sắc mọi câu hỏi thử nghiệm trình độ kỹ sư nhu liệu xin việc làm ở Google. Thậm chí nếu bạn hỏi ChatGPT viết code, nó đưa ra phiên bản code tối ưu và còn biết phân tích ưu khuyết điểm của giải pháp. Người ta lo ngại một ngày nào đó AI sẽ thống trị thế giới thay con người. Trí tuệ nhân tạo không bị ràng buộc từ các giá trị của đạo đức, không biết giới hạn từ các thước đo của luân lý, không thiết đến những gì gọi là danh dự, và đặc biệt là không cần lãnh trách nhiệm từ bất kỳ quyết định nào - đó có thể là tương lai đáng lo sợ cho thời đại AI sắp đến?



Tui cũng có hiểu biết đôi chút về công nghệ thông tin IT và kỹ thuật AI - nhưng những gì AI đang và sẽ làm được vẫn còn lỗi-thời so với sản phẩm của một thứ tư tưởng còn đang thống trị cả tỷ người trên thế giới hơn suốt 100 năm qua. Sức tàn phá của nó còn hơn mọi cuộc chiến trong lịch sử, đã cướp đi mạng sống của hàng trăm triệu người, biến cả xã hội thành trại súc vật, để một số người nắm sinh mạng của cả quốc gia được tự do sử dụng thứ tư tưởng ấy mà không cần biết đến đạo đức, luân lý, danh dự, và trách nhiệm.



Tất cả mọi thứ mà thời đại AI hứa hẹn không tài nào bì được với viễn ảnh “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của thứ tư tưởng ấy. Chắc chắn rằng mọi thứ từ vật chất do con người làm ra, không thể tàn phá được xã hội bằng những gì từ ý thức của con người sinh ra. Nhớ bài học chính trị từ cái tư tưởng ấy là vật chất hay ý thức như con gà và quả trứng, cái nào quyết định cái nào. Giờ này tui nghĩ, trí óc có tư duy mới làm ra được vật chất, mà tư duy thì phải được tự do mới giải thoát được nó. Còn ý thức mà rập khuôn thì giống như được lập trình thành autopilot. Đúng là thế giới mỗi người là do ý thức của họ tạo thành. Người cam phận thấp hèn, không cần biết vươn lên; ai thủ phận tìm chữ an, khó giữ được chữ bình; còn kẻ hành xử theo ý thức rập khuôn, khó hiểu được thế nào là bị mất quyền tự do.



Nếu bạn đọc bài xã luận, luận văn, cách đối đáp thông minh, hay đoạn code tuyệt hảo do ChatGPT viết, bạn sẽ lo ngại về khả năng của nó thay thế dần trí tuệ con người. Thực ra, mối lo ngại của bạn hoàn toàn không gì mới. Cách đây vài trăm năm, giới thợ thủ công phải nổi loạn đập phá máy móc mới phát minh do đã làm ra sản phẩm vừa tinh xảo, vừa nhanh, vừa rẻ tiền hơn những gì họ đang làm, có khi phải mất gần nửa đời người rèn luyện kỹ năng mới làm được. Sản phẩm do máy móc làm ra là rập khuôn, trăm cái cũng như một, nhưng không vì vậy mà mọi ngành nghề thủ công bị đào thải, hoặc máy móc có khả năng tự nó quản lý, tự nó điều khiển.



Ngày nay, các tác phẩm của AI cũng không khác gì mấy. Khi bạn bỏ chút ý thời gian quan sát, bạn sẽ thấy các bài văn, đối đáp, hay đoạn code đều có tính rập khuôn. Nếu bạn tiếp xúc với nó nhiều ngày, bạn sẽ dần cảm nhận nội dung sáo rỗng được trang trí bằng ngôn từ hoa mỹ, đến một lúc nào đó bạn cảm thấy nó chỉ là nồi canh soup của những từ “dao to búa lớn”, thu nhập từ trending theo xu hướng nào đó. Những gì AI đưa ra là kết quả của một quá trình sàng lọc, được máy tính lựa chọn từ giải pháp mà nó được dạy là tối ưu nhất. Trong một chừng mực nào đó, quá trình máy tính học hỏi, không khác gì cách bộ não con người thu thập kiến thức. Tui nghĩ chìa khóa của sự khác biệt nằm ở đâu làm nên ý thức và cái gì tạo ra tư duy của con người.



Người ta chia cấp bậc của tri thức thành nhiều tầng như kim tự tháp. Hạ tầng thấp nhất là dữ liệu (data); mà data tương tự đống sách vở, được tổ chức, phân mục, sắp xếp ngay ngắn như trong thư viện gọi là có cấu trúc (structure), bằng không là dữ liệu ròng cần được phân loại.



Tầng kế là thông tin (information). Thông tin được sàng lọc từ dữ liệu; mà độ tin cậy tùy thuộc vào nguồn gốc, cách thu thập, lưu trữ, và kiểm chứng dữ liệu.



Tầng kế là kiến thức (knowledge). Có đầy đủ thông tin mới kết tinh thành kiến thức; mà kiến thức thực tiễn hay từ chương tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó ý thức con người là chìa khóa quyết định.



Tầng kế là kinh nghiệm (experience). Từ kiến thức áp dụng vào thực tiễn mới có được kinh nghiệm; mà kết đúc kinh nghiệm vươn đến thượng tầng, hay lẩn quẩn trong mớ lý thuyết của từ chương thuộc phạm trù của lịch sử, tố chất của một dân tộc, đặc điểm của một quốc gia.



Thượng tầng cao nhất là thông thái (wisdom). Sự thông thái chân chính chỉ có thể phát sinh từ cuộc phiêu lưu mạo hiểm, tìm kiếm sự thật, giải mã bí ẩn của thiên nhiên, của thế giới, của vũ trụ, từ những gì hữu hình quan sát đo lường, đong đếm được đến mọi thứ vô hình không thể lý giải được bằng kinh nghiệm, kiến thức của hiện tại. Triết lý là kết quả cô đọng được từ sự thông thái, mà triết lý không phải là chân lý tuyệt hảo để tôn thờ. Khi sự thật chỉ ra được lỗ hổng trong triết lý, thì chỗ đứng thích hợp của di sản từ công trình triết học ấy là trong sách sử và ở viện bảo tàng.



Kỹ thuật AI phát triển vượt bậc như hiện tại là nhờ ở kho dữ liệu khổng lồ thu thập được trong thời đại Internet. Cách đây chỉ có 30 năm, khởi đầu thời đại Internet một ổ cứng người thường mua được chỉ chứa được tầm 100MB dữ liệu. Ngày nay, cùng giá tiền, nó có thể chứa 100TB, tăng gấp 1 triệu lần. Những gì AI đang làm được là kết nối, liên kết dữ liệu để gạn lọc thông tin đáng tin cậy cho người sử dụng. Tất cả mọi thứ nó đưa ra chưa thể được gọi là kiến thức, mà nếu nó kết tinh được thành kiến thức, đó chỉ là kiến thức từ chương, không khác gì kiến thức của giới nho sĩ thời phong kiến, hoặc từ quan chức theo tư tưởng AI không đạo đức, luân lý, danh dự, và trách nhiệm. Giả sử sau này dù có nơi trọng kiến thức từ AI, bài học lịch sử từ phong kiến Trung Quốc và cái đuôi xã hội chủ nghĩa (XHCN) ngày nay đã cho thấy, xã hội vẫn phát triển, con người vẫn tồn tại, cuộc sống vẫn tiếp diễn. AI không thống trị con người, chỉ có giai cấp muốn thống trị loài người mới tôn thờ AI, dùng nó làm công cụ đạt mục đích ấy.



Nếu bạn học công nghệ thông tin IT, căn bản của IT là dùng dữ liệu và logic để thay đổi đủ thứ trạng thái của dữ liệu thành thông tin đáng tin cậy, từ đó đưa ra quyết định đã được trù tính từ trước. Tổ chức, liên kết dữ liệu cần đến cấu trúc (data structure); tính nhất quán, xác thực của logic cần thuật toán (algorithm) chạy trong khuôn khổ của Turing Complete. Cấu trúc dữ liệu và thuật toán gần giống như chiến thuật và chiến lược trong đời thường; đa số người chỉ giỏi một lĩnh vực, rất hiếm khi giỏi cả hai. Lúc chi phí tồn trữ, bộ nhớ chứa dữ liệu còn bị giới hạn, còn đắt đỏ, người ta phải vắt óc phát triển thuật toán để xử lý dữ liệu. Thuật toán dựa vào quy luật, phép tắc, quy ước đã được trù tính từ trước để chuyển dữ liệu thành thông tin.



Phát triển AI bằng thuật toán là con đường rất nan giải, phức tạp để có được giải pháp linh hoạt, thích ứng, và không máy móc. Bộ não con người không cần dạy các thuật toán, quy nạp, lý luận, biện chứng, phản biện... mà vẫn giải quyết được dễ dàng nhiều vấn đề mà siêu máy tính lâu nay vẫn không thể làm được. Kỹ thuật AI hiện đại khác với các giải pháp AI từ trước do chi phí lưu trữ và làm bộ nhớ cho dữ liệu ngày một rẻ và dung lượng gia tăng theo phép lũy thừa. Người ta có thể thanh lọc dữ liệu thành thông tin bằng các mối liên kết, cấu trúc, và logic đơn giản, có khi tối giản của thuật toán. Gần giống khi đã có được chiến lược đúng, tìm được chiến thuật thích hợp để đạt được mục đích chỉ còn là vấn đề thời gian. Kỹ thuật AI hiện đại là quá trình thanh lọc đủ hình thức liên kết của dữ liệu để có được thông tin được đánh giá là tốt nhất, thích hợp nhất, mà không cần đến đặc tính đúng/sai tuyệt đối theo như phép logic cũ.



Trước khi đào sâu vào cách kỹ thuật AI mô phỏng bộ não con người, cuộc chiến AI sắp tới giữa các cây đại thụ trong kỹ nghệ IT là sự sinh tử, sống còn. Không ai có thể đánh đổ được Google bằng công cụ tìm kiếm tốt hơn, Google chỉ bị khai tử khi công cụ tìm kiếm trở nên lỗi thời. Một hệ thống AI hiểu được ngôn ngữ tự nhiên và mang thông tin đáng tin cậy đến cho người dùng là mối đe dọa cho nồi cơm của Google. Tương lai không xa, bài xã luận do AI viết còn hay hơn tất cả bộ não trong ủy ban lý luận cao cấp của nhiều nước có cái đuôi XHCN. Thậm chí nó còn kiên định trên con đường đi lên CNXH hơn cả loài người. Thực ra đi đầu trong lĩnh vực AI không phải là Hoa Kỳ mà là Trung Quốc. Đó là lý do mà Tổng Thống Joe Biden đã ký lệnh cấm vận thiết bị điện tử cao cấp xuất cảng qua Trung Quốc. Cuộc chiến AI không còn đơn thuần là sự cạnh tranh thuần túy trong kỹ nghệ IT. Đó là cuộc chiến giữ lấy quyền tự do ngày càng bị bào mòn của mỗi người. Một trong những tổ phụ của Hoa Kỳ, ông Benjamin Franklin mà hình được in trên tờ $100 USD, đã có nhận xét rất xác đáng: “Những ai muốn đánh đổi tự do lấy an ninh xứng đáng bị mất cả hai.”

NGUYỄN VỸ
song  
#3 Đã gửi : 10/02/2023 lúc 04:18:27(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,244

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
ChatGPT và cuộc đại chiến Trí tuệ nhân tạo giữa Microsoft và Google

UserPostedImage
Trước sự xuất hiện của ChatGPT, khuấy đảo người dùng mạng trên toàn cầu, các gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft đã lao vào cuộc đua Trí tuệ nhân tạo, tránh bị tụt lại phía sau. RFI xin giới thiệu bài phân tích về chủ đề này đăng trên báo Pháp Le Figaro ngày 07/02/2023

Trong tuần vừa qua, một cuộc đọ sức truyền thông đã xảy ra giữa Google và Microsoft. Chưa đầy 24 giờ, hai trong số những tập đoàn lớn nhất thế giới về công nghệ đã tổ chức họp báo, tiết lộ các tính năng mới về sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI). Trên thực tế, hiếm khi mà hai bên có một cuộc đối đầu quyết liệt trong cùng một thị trường. (Lần cuối cùng đó là từ năm 2010, khi hai bên xảy ra tranh cãi liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ trên điện thoại Window Phone). Tuy nhiên, thành công toàn cầu của ứng dụng robot hỏi đáp trực tuyến ChatGPT với công nghệ Trí tuệ nhân tạo đa ngôn ngữ, có khả năng tạo ra một văn bản giống như là do con người viết ra, đã châm ngòi cho cuộc cạnh tranh giữa hai tập đoàn. Giám đốc điều hành của Microsoft Satya Nadella đã khẳng định với các nhà phân tích rằng: “Chúng tôi sẽ là những người dẫn đầu trong kỷ nguyên AI mới này”. Về phần mình, ông chủ của Google, Sundar Pichai đáp lại “Chúng tôi là những người đi đầu trong việc phát triển Trí tuệ nhân tạo”.  
4/ As people turn to Google for deeper insights and understanding, AI can help us get to the heart of what they're looking for. We're starting with AI-powered features in Search that distill complex info into easy-to-digest formats so you can see the big picture then explore more pic.twitter.com/BxSsoTZsrp
— Sundar Pichai (@sundarpichai) February 6, 2023

Cuộc họp báo đầu tiên diễn ra vào sáng thứ Ba (07/02) ở Seattle, trụ sở của Microsoft. Nếu như các phương tiện truyền thông được mời đến dự vào tuần trước, tập đoàn Hoa Kỳ đã chính thức hoá sự kiện này từ thứ Hai khi đăng một bức ảnh giám đốc điều hành Satya Nadella đứng cạnh cùng với đứa con cưng mới của Thung lũng Silicon : Sam Altman – lãnh đạo của OpenAI. Microsoft đã đầu tư gần 10 tỷ đô la trong vòng 3 năm vào công ty phát minh ra ứng dụng ChatGPT. Ứng dụng này sử dụng những siêu máy tính để cho chạy các chương trình máy học chuyên sâu. Sự liên kết này có thể là tấm vé giúp Microsoft giành thắng lợi trong quá trình phát triển của công nghệ thông tin.   
Một ngày sau cuộc họp báo của Microsoft, vào chiều thứ Tư tuần này, đến lượt Google tổ chức họp báo từ Paris và được truyền tải toàn cầu từ Youtube. Trong phần mô tả sự kiện này, Google khẳng định: “Chúng tôi đang định hình lại cách mà mọi người tìm kiếm thông tin, khám phá và tương tác với thông tin, bằng cách khiến cho việc tìm kiếm của mọi người trở nên tự nhiên hơn và trực quan hơn bao giờ hết.”     
Dường như Google không muốn để Microsoft tận dụng thời cơ. Tối thứ Hai, tập đoàn California đă đăng một thông cáo tiết lộ một số thông tin của cuộc họp báo sắp diễn ra vào thứ Tư. Thông tin chính đó là Google đã phát triển một ứng dụng Bard, đáp trả ChatGPT và cũng như Microsoft Bing, Google cũng sẽ phát triển máy tìm kiếm của mình.    
Sắp tới, người dùng Internet có thể đặt những câu hỏi phức tạp cho Google và Bing, (ví dụ như : Tôi có thể nấu món gì cho một đứa bé 18 tháng, chỉ muốn ăn đồ ăn có màu cam ?  Những bài tập thể lực nào cho người mới bắt đầu và không cần dụng cụ ở nhà để có thể giảm mỡ bụng ?...) Những câu trả lời sẽ được đưa ra dưới dạng tổng hợp và chi tiết, và có thể bỏ lại đằng sau những chuỗi dài các đường link dẫn vào các trang mạng để đào sâu chủ đề.   
Nguy cơ máy tìm kiếm Google bị soán ngôi
Nếu như phải đánh giá mức độ mạnh mẽ của tính năng này, thì đây có thể là cuộc cách mạng đối với cách thức mà người dùng Internet tìm kiếm trên Internet và có thể sắp xếp lại quân bài chủ đạo của thị trường này, vốn đã bị Google thống trị trong hai thập kỷ qua. Về phần mình Microsoft dường như đã sẵn sàng. Vào thứ Sáu, phiên bản Bing mới đã được đưa vào hoạt động, trước khi bị gỡ xuống chỉ sau vài phút.  
Microsoft hợp tác với OpenAI, cải thiện máy tìm kiếm Bing nhờ Trí tuệ nhân tạo
Bing and Edge + AI: a new way to search starts today https://t.co/0y8sw7waNb
— Satya Nadella (@satyanadella) February 7, 2023

Cỗ máy tìm kiếm này không phải là sản phẩm duy nhất sẽ được trang bị những tính năng mới liên quan đến Trí tuệ nhân tạo. Microsoft đã thông báo vào tuần trước về một thay đổi trong nền tảng trao đổi thông tin, họp trực tuyến Teams. Vào cuối mỗi cuộc họp trực tuyến, Teams sẽ tự động cắt video và tạo ra một bản tóm tắt về những quyết định được đưa ra, đồng thời đề xuất mỗi người tham gia vào cuộc họp xem lại những điểm quan trọng của cuộc họp. (Ví dụ như khi nào thì tên của họ được nhắc đến, khi nào thì tài liệu được chia sẻ, khi nào thì phải vắng mặt.) Tính năng này có thể giúp tiết kiệm được quỹ thời gian quý báu.    
Google cũng đã chuẩn bị sẵn nhiều thông báo về các tính năng mới, ít nhất là khoảng 20 thông báo, theo như thông tin từ New York Times. Ví dụ như việc tạo những sản phẩm hình ảnh hoặc trang trí làm đẹp cho các video trên Youtube, hay là thử quần áo trực tuyến, hỗ trợ lập trình các ứng dụng Android, tự động tạo một video từ nhiều video khác. Phần lớn các kế hoạch này sẽ được công bố vào tháng Năm tới, trong cuộc hội nghị hàng năm của Google I/O. Các tính năng này là câu trả lời đối với cảnh báo đỏ mà giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai đã đưa ra, để đối phó với sức mạnh của Chat GPT.     
Vào năm 2016, ông Pichai, vốn đã định hướng những đầu tư của Google vào nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo, không thể để tập đoàn của mình bị tụt lại phía sau. OpenAI đã phát minh ra ứng dụng Dall-E, một Trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra các hình ảnh từ một văn bản và Google đã sở hữu Imagen (có tính năng tương tự). Nếu như OpenAi đã tạo ra bản mẫu của ngôn ngữ tự nhiên GPT thì Google cũng đã nghiên cứu từ nhiều năm nay trên ứng dụng LaMDA. Hai ứng dụng này trên thực tế lại dựa trên một sự phát hiện được công bố bởi các nhà nghiên cứu của Google. Hôm thứ Hai vừa qua, ông Pichai nhắc lại rằng “dự án nghiên cứu Transformer của chúng tôi, bài đăng tham chiếu được đăng vào năm 2017 là những nền tảng của nhiều ứng dụng Trí tuệ nhân tạo sử dụng mà mọi người bắt đầu thấy ngày nay”.  
Sản phẩm Trí tuệ nhân tạo vẫn rủi ro
Google chưa từng mở cửa cho bên thứ ba đối với ứng dụng LamMDA hay Imagen bởi vì những công cụ này vẫn chưa hoàn hảo. Trong một bài đăng vào năm 2021, các kỹ sư của tập đoàn nhấn mạnh rằng các mô hình máy học (machine learning) không suy luận và có thể viết sai và không có khả năng trích nguồn. Vì vậy không đưa những công cụ này vào tay của người dùng là điều khẩn cấp, vì gây rủi ro đối với danh tiếng của Google. Thế nhưng sự đam mê mang tính toàn cầu đối với ChatGPT từ tháng 11 năm ngoái cũng như áp lực từ các cổ đông đã thúc đẩy tập đoàn Google phải xem lại lập trường của mình.  
Google muốn lập lại vị trí trung tâm của mình trong giới công nghệ và chỉ ra rằng tập đoàn vẫn an toàn, không bị tụt lại phía sau : người dùng Internet phải thấy được những ứng dụng cụ thể của các Trí tuệ nhân tạo này càng sớm càng tốt. Trong thư điện tử được gửi đi vào thứ Hai, ông Sundar Pichai đã kêu gọi nhân viên của Google thử nghiệm robot đối thoại trực tuyến Bard và đưa ra phản hồi để cải thiện ứng dụng này. Ông Pichai tuyên bố : “Hãy nhìn vào điều này như là một cuộc thi viết lập trình ‘marathon’ – hackathon, trong nội bộ. Các bộ phận đã được tổ chức lại để có thể cho ra mắt nhanh chóng các tính năng táo bạo. Tuy nhiên, Google không muốn mạo hiểm hành động vội vàng : Bard chỉ được cho ra mắt với người dụng mạng khi nào mà ứng dụng này an toàn và đáng tin cậy.    
Cuộc đua Trí tuệ nhân tạo không chỉ liên quan đến Google và Microsoft. Nhà nghiên cứu Yann LeCun, giám đốc ngiên cứu Trí tuệ nhân tạo ở Meta (công ty mẹ của Facebook), đã nhấn mạnh rằng “ChatGPT không phải là một phát minh đáng kinh ngạc, mới mẻ, sáng tạo và độc đáo, vượt trên tất cả những ứng dụng khác” và các tập đoàn khác, bao gồm Meta đã sở hữu những công nghệ tương tự. Bằng chứng là tại Trung Quốc, vào thứ Ba, gã khổng lồ của Trung Quốc, với cỗ máy tìm kiếm Baidu đã thông báo hoàn thiện giai đoạn thử nghiệm Ernie Bot, một ứng dụng tương tự như ChatGPT. Ernie Bot dựa trên mô hình máy học Ernie mà Baidu đã làm việc từ 2019. Công cụ này sẽ được áp dụng trong nhiều sản phẩm của tập đoàn trong thời gian sắp tới. Thông báo này đã khiến cổ phiếu của Baidu tăng 15% và mang lại lợi nhuận cho các công ty công nghệ Trung Quốc khác cũng đang nghiên cứu về AI.  
Đầu tư vào AI tăng mạnh  
Tại phương Tây, Trí tuệ nhân tạo là cụm từ xuất hiện ở mọi nơi. Theo thống kê của Bloomberg, cụm từ này đã được nhắc đến 200 lần tại các cuộc hội nghị phân tích gần đây nhất của 15 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại Hoa Kỳ. Tức là gấp 3 lần kể từ đầu năm 2022. Giống như là khi cơn sốt về cụm từ metavers – đa vũ trụ hay Web3, dự trù sẽ có vô số thông báo được đưa ra trong năù 2023 này. Các quỹ đầu tư đã được kích hoạt. Từ tháng Giêng, gần 700 triệu đô la đã được đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, trong đó có OpenAI, so với 900 triệu đô la cho cả năm 2022.    
Các tập đoàn lớn trang bị vũ khí cho mình bằng việc mua cổ phần trong các công ty khởi nghiệp hứa hẹn. Nếu như Microsoft gần như là kết hôn với OpenAI, thì Google đã đầu tư gần 300 triệu đô la vào công ty Anthropic hồi cuối năm ngoái và sở hữu 10 %. Công ty này được thành lập bởi các nhà nghiên cứu từng làm việc ở OpenAI, đã tạo ra một mẫu ngôn ngữ của riêng mình – Claude. Năm gã khổng lồ công nghệ GAFAM - Google, Apple, Facebook (Meta), Amazon và Microsoft cũng sẽ xem xét kỹ các công ty khởi nghiệp, phát minh ra các ứng dụng mới cụ thể cho các Trí tuệ nhân tạo mới. Google cũng như Open AI sẽ cho phép bên thứ ba, sử dụng công nghệ của họ với điều kiện phải trả phí. Các công nghệ mới có thể sẽ sớm xuất hiện.  
Theo RFI

Sửa bởi người viết 10/02/2023 lúc 04:19:44(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#4 Đã gửi : 12/02/2023 lúc 05:44:05(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,244

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Trách nhiệm của trí tuệ nhân tạo


 
Kiến thức dễ truyền đến nhiều người khác; kinh nghiệm phải qua trải nghiệm mới được não bộ tiếp nhận đầy đủ; thông thái thì chỉ có thể tự nghiệm mới cô đọng được triết lý và khai rộng thành kiến thức truyền bá lại cho nhiều người. Tuy có nhiều người thông thái có triết lý sống hay, nhưng phần lớn kiến thức bị thất truyền, bị vùi lấp dưới bụi thời gian. Những gì còn giữ lại thành văn hóa của xã hội, nền văn minh của thời đại là phần nhỏ còn sót lại, được các thế hệ sau gạn lọc, gìn giữ, và phát triển từ di sản tri thức của các thế hệ trước. Nguyên tắc của kỹ thuật AI hiện đại cũng gần giống vậy, chỉ khác là nó làm tăng tốc quá trình chấp nhận, sàng lọc, và đào thải thông tin, kiến thức bằng tốc độ xử lý cả tỷ phép tính/giây và bộ nhớ khổng lồ của máy vi tính.
 
Bộ nhớ và khả năng xử lý, tổ chức dữ liệu và thuật toán logic (data structure/algorithm) là hai yếu tố căn bản làm nên tri thức của trí tuệ nhân tạo hay tự nhiên. Ai có trí nhớ tốt thường tinh thông hơn người thường; kết hợp với học hỏi kỹ năng logic, biết phân tích dữ liệu luôn làm việc hiệu quả hơn đồng nghiệp. Người thông minh, xuất chúng phải có được cả hai. Nói vậy thì AI hơn hẳn con người ở dung lượng bộ nhớ và cả tốc độ xử lý, thì điều gì để nó không thay thế trí tuệ con người trong tương lai, như máy móc đã hoàn toàn thế chỗ sức lực cơ bắp cả mấy trăm năm qua?
 
Nếu để ý kỹ, phần lớn tín hiệu từ bộ não con người trong cuộc sống hàng ngày là phản xạ ngay trong tiềm thức, từ cách ăn nói, xử thế, đến cảm xúc, hành động ngoài đời đều tức thời, không kịp đưa lên nhận thức để suy tư, cân nhắc thiệt hơn. Quá trình học hỏi từ nhỏ đến lớn là chọn lọc ký ức, trải nghiệm từ môi trường bên ngoài dần tạo thành phản xạ trong tiềm thức. Người chưa biết bơi phải luyện cách để bộ não điều khiển cơ bắp một cách tự nhiên, không cần phải suy nghĩ lúc nào đẩy tay, khi nào đạp chân. Thợ khéo tay hay võ sĩ tài cũng vậy, điều phối thoăn thoắt chân tay, tấn thủ cho đồng bộ trong thao tác làm việc, cũng như khi ra đòn công kích, muốn thành điêu luyện phải xảy ra trong tiềm thức. Tất cả những phản xạ này là phần tinh lọc được giữ dưới dạng nào đó trong trí nhớ của mỗi người.
 
Người siêng năng luyện tập thì não bộ lấy được trí nhớ nhanh hơn, hiệu quả hơn người thường. Người có tài, có bản lĩnh, thì có khả năng mang quyết định lên nhận thức của bộ não để xử lý kịp thời trong thời khắc tíc-tắc làm nên quyết định sinh tử. Có thể nói, phần lớn ý thức của con người đến từ trí nhớ, thông qua trải nghiệm, được phản hồi, dạy dỗ, tạo thành nhiều con đường mòn trong não. Ý thức tạo nên con người là vậy, lối mòn luôn dẫn về cùng một chỗ. Về khoản này, kỹ thuật liên kết, đánh giá, chọn lọc dữ liệu làm nên AI không khác mấy so với quá trình làm nên ý thức con người.
 
Đầu thế kỷ 20, dầu thô được mệnh danh là vàng đen, thực tế nó quan trọng hơn vàng. Không có dầu thô thì không có thế giới hiện đại. Đến đầu thế kỷ 21, dữ liệu được mệnh danh là mỏ vàng, thực chất, nó quý hơn vàng. Không có dữ liệu, không thể có cách mạng AI. Giai đoạn hiện tại của AI cũng giống như giai đoạn tạo lối mòn phản xạ trong tiềm thức. Vòng lặp thu thập dữ liệu càng nhiều và nhận phản hồi càng nhanh, càng thực, càng phổ cập, để xếp hạng, gạn lọc thành thông tin, hệ thống AI càng giống trí tuệ tự nhiên.
 
Căn bản hiện tại của AI là thanh lọc biển dữ liệu ròng từ Internet, từ công chúng thành dữ liệu được phân loại, có cấu trúc, được liên kết thành mạng lưới mô phỏng cách kết nối của hàng tỷ tế bào thần kinh trong não. Giống như con-người dùng trải nghiệm trong quá khứ hình thành kinh nghiệm cho tương lai, người phát triển AI dạy cho nó mô hình hàm số toán học được tạo bằng dữ liệu của quá khứ và hiện tại.
 
Kinh nghiệm cho AI có thể hiểu đơn giản là lắp dữ liệu của tương lai vào hàm số để thẩm định kết quả; với chục ngàn hàm số, mô phỏng cả vạn tình huống trong tương lai để chọn giải pháp tối ưu nhất. Tất cả được xử lý song song nhờ cả trăm tỷ transistor được gói gọn trong con chip nhỏ hơn con tem. Cái thời bộ nhớ còn ít ỏi, chi phí trữ dữ liệu còn cao, muốn phân tích hình ảnh để nhận ra là con mèo, thì các bài toán tích phân mô phỏng hình đa giác rất phức tạp. Ngày nay, người ta nạp cho nó hàng triệu hình con mèo để tính ra một hàm số nào đó cho kết quả gần như nhau. Đến một lúc nào đó, nó có thể nhận diện với độ chính xác cao đâu là hình con mèo. Nó có thể dạy lẫn nhau, trao đổi "kinh nghiệm" học hỏi khi nó đạt điểm cao, xác định chính xác hình con mèo.
 
Có thể nói, đây là giai đoạn học từ môi trường bên ngoài của AI. Nó tinh lọc những gì con người dạy nó là giải pháp tối ưu, gạn lọc cho con người thông tin từ biển dữ liệu. Do đó, cường quốc AI là quốc gia thu thập nhiều dữ liệu và không bị hạn chế khi thẩm định dữ liệu như quyền riêng tư, quyền từ chối bị theo dõi. Vì lẽ ấy, Trung Quốc là cường quốc số 1 về AI, Hoa Kỳ bị tụt hạng khá xa trong cuộc chạy đua AI.
 
Lâu nay, cả tỷ người trên địa cầu trải qua hàng ngàn năm không cần học hỏi lý luận cao siêu mà vẫn có đúc kết được kiến thức, tinh lọc được kinh nghiệm sống. Mô phỏng quá trình ấy, AI hoàn toàn có thể thay thế được ý thức của con người. Cái mà nó không làm được là phát triển tư duy độc lập, tìm ra được kiến thức mới. Duy ý chí của con người vẫn chưa làm được điều này, bao chính thể độc tài rất muốn đạt trình độ kỹ thuật đẹp như chiếc bánh vẽ, nhưng mãi là bánh vẽ. Tư duy của con người là một thứ rất đặc biệt, không có tự do thì không thể phát triển được tư duy. Đây là đề tài lớn, thích hợp hơn cho một bài khác.
 
Vấn đề được tranh cãi lớn nhất của AI là khi con người ngày một lệ thuộc vào nó, sẽ đến lúc nó phải quyết định nhiều sự việc liên quan đến phạm trù của đạo đức và luân lý. Nếu con người dạy nó bằng mô hình lựa chọn giải pháp mang lại lợi nhuận cao nhất, liệu rằng chữ danh dự có trọng lượng nào trong hàng ngàn tình huống được nó thẩm định? Sau cùng, trách nhiệm của nó là gì, có phải như trẻ em dưới 18 miễn bị truy tố nhiều tội phạm trước tuổi trưởng thành, hay nhà sản xuất được quyền phủi tay đổ trách nhiệm cho người sử dụng?
 
Xét cho công bằng thì AI từ tư tưởng Nho giáo thời phong kiến và chủ nghĩa Cộng sản thời nay cũng đối mặt với các vấn đề y như trên để ràng buộc quyền lực giới cầm quyền. Không rõ trách nhiệm của AI sẽ được giải quyết ra sao, nhưng AI của Nho giáo và Cộng sản thì vua và thượng tầng lãnh đạo có đặc quyền phủi bỏ trách nhiệm cho cấp dưới - nhà vua lúc nào cũng đúng; lãnh đạo luôn là thần thánh; chính sách chẳng bao giờ sai. Nếu bạn nghĩ nhà sản xuất AI sẽ phải lãnh trách nhiệm cho sản phẩm của mình thì xác xuất cao bạn sẽ bị thất vọng. Ban đầu AI là một tờ giấy trắng, nó học được những gì nó được dạy, tiếp thu điều hay dở từ môi trường nó quản lý. Hiện nay, không một công ty nào có trách nhiệm pháp lý về nội dung người dùng viết trên mạng xã hội, họ hứa kiểm duyệt nội dung theo luật pháp - tự do ngôn luận theo tu chính án I ở Hoa Kỳ, hay còn được tự do tại ngoại sau khi nói ở Trung Quốc, Việt Nam.
 
Ví dụ điển hình về quyết định liên quan đến đạo đức của AI là xe tự lái sẽ xử lý thế nào nếu nó phải cán vào 5 thanh niên đi bộ băng ẩu qua đường, hay leo lề né tránh, gây tử thương cho một đứa trẻ. Sinh mạng của 5 thanh niên phạm luật và 1 đứa trẻ vô tội sẽ được nó cân nhắc như thế nào trước khi ra quyết định cuối cùng? Về luân lý thì muôn hình vạn trạng khi nó phải cung cấp thông tin, kiến thức, vẽ đường cho quân sát thủ, kẻ tội phạm, người cuồng tín, hay trẻ vị thành niên. Tìm hiểu về Hồi giáo, nghiên cứu về chất nổ, liệu đó có phải là âm mưu khủng bố trong trứng nước? Khi biết rõ ngọn ngành về người dùng, chữ "danh dự" đối với nó là gì để không tiết lộ bí mật riêng tư của họ trước mọi nỗ lực moi móc thông tin từ nó?
 
Tui nghĩ toàn bộ các cuộc tranh luận tìm lấy sự đồng thuận về khuôn khổ chỉ dẫn vai trò của AI để quản trị con người là rập lại y khuôn lại vết xe đổ của lịch sử. Tư tưởng AI Nho giáo và cộng sản đã phát triển mẫu mực đạo đức, liêm sỉ cho người quân tử; lối sống thanh liêm, nho nhã của người cầm quyền; tinh thần chí công, vô tư từ người cộng sản... và vẽ lên mô hình xã hội đức trị đầy tính nhân văn, trật tự, bình an như thời Nghiêu Thuấn; thế giới đại đồng thừa thải vật chất, công bằng, văn minh không người bóc lột người. Lý thuyết ban đầu không có chỗ để chê, thực tế về sau thì nảy sinh vô số điều nghịch lý.
 
Bạn sẽ không đồng ý với nhận định này, vì máy móc khác hẳn với con người. Điều này không đúng, nếu là máy móc thì nó không còn là AI. Xét cho công bằng, xưa nay có rất nhiều người giữ gìn nếp sống đạo đức, tu luyện bản thân, đặt trọng danh dự, nhưng không vì thế mà đa số họ lại loại được vài con sâu đầu độc cả nồi canh. Quyền lực không có thế lực đủ mạnh để chế tài, trước sau cũng sẽ bị tha hóa.
 
AI không đưa ra kết quả đúng sai tuyệt đối theo logic như của máy móc, người ta dạy nó chọn quyết định tốt nhất giữa hàng vạn tình huống giả định. Không những vậy, nó còn có khả năng tiến hóa, cái gì tốt nhất hôm nay có thể là tồi nhất ở mai sau. Ban đầu Google thề nói không với cái ác (don't be evil), Facebook là môi trường tương tác thân hữu của bè bạn. Ngày nay có còn ai có lòng tin về tính chân-thiện-mỹ, lời thề thánh thiện còn hiện hữu trong cái quyền lực biết rõ chân tướng của từng người dùng hơn chính bản thân họ, được tiến bộ kỹ thuật bảo đảm độc quyền cho vài tập đoàn lớn như Google và Facebook? AI của kỹ thuật chỉ là một dạng biến thể từ AI của Nho giáo và Cộng sản - không hề kém như tranh vẽ, nhưng hơn trội trong quyền lực tăng theo cấp số nhân. Đằng sau Google và Facebook là vô số người đam mê quyền lực; đằng sau AI nếu là AI và AI... thì những người sau rốt chắc chắn còn say mê quyền lực hơn là ngáo đá.
 
Nếu AI hứa hẹn một viễn ảnh xã hội kỷ trị, công bằng thượng tôn luật pháp vì con người mất lòng tin vào con người, đặt lòng tin vào kỹ thuật, chấp nhận sống dưới sự quản lý của nó; thì đó là sự đánh đổi quyền tự do để mua lấy an ninh, từ bỏ tư duy để tuân theo ý thức đã được vạch sẵn. Không ai biết được cuộc sống dưới quyền quản lý của AI như thế nào, nhưng qua bài học lịch sử, ta có thể hình dung được di sản của nó như thế nào.
 
Di sản tri thức của giới hàn lâm, tinh hoa của Việt Nam cả ngàn năm rất ít ỏi. Ngoài tác phẩm của vài nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, và nổi tiếng như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương... được giảng dạy chính thức, đa phần gia tài của trí thức Việt chỉ được ghi chép như dã sử, rất ít được lưu truyền thành thực tiễn trong dân gian. Dù thời nào cũng là chính thống, nhưng kiến thức của giới hàn lâm, tinh hoa của Việt Nam dễ bị mai một, chìm sâu vào quên lãng sau mỗi triều đại. Nội tui tuy buôn bán, không được đi học, vậy mà bà nhớ rất nhiều câu ca dao, tục ngữ dân gian.
 
Không chỉ có người già, hồi đi học tui biết má của một đứa bạn ở quê thuộc lòng cả một kho thơ ca như vậy, rành từng câu Kiều, nhớ từng đoạn Lục Vân Tiên. Đó là lý do mà vì sao di sản văn hóa của Việt Nam phần lớn là từ kiến thức bình dân được truyền miệng từ đời nay sang đời khác; vô số kinh nghiệm sống, cách xử thế trong dân gian được gởi gắm qua các bài thơ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ; phong tục, tập quán, kiêng kỵ là cách để dân địa phương thích ứng với môi trường sống. Bởi vậy, cho dù sau này kiến thức từ AI có trở thành chính thống, nó sẽ vẫn không khác gì mấy với so với di sản của giới tinh hoa Việt, nếu nó không mang đến lợi ích gì cho giới bình dân.

NGUYỄN VỸ
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.271 giây.