Friendlist đông đảo, thường xuyên cập nhật tin tức và có độ tương tác cao với bạn bè trong danh sách là ba yếu tố để trở thành một Facebooker nổi tiếng và hái ra tiền.Quảng cáo trên Facebook - cơ hội kiếm tiền của nhiều bạn trẻ. (Credit: ABC) .Làm chơi, ăn thật
Cũng như ở các mạng xã hội khác, mọi người đến với Facebook trước hết để chia sẻ và kết nối bạn bè. Với những ai biết cách chăm sóc “ngôi nhà thứ hai” này thì nó sẽ trở thành phương tiện để hái ra tiền một cách khá dễ dàng.
Vài dòng status chia sẻ cảm nhận về sản phẩm mới, một bức ảnh chụp tưởng như “ngẫu hứng” của tác giả tại buổi lễ khai trương một cửa hàng… là những cách PR khéo léo mà nhiều Facebooker Việt đang thực hiện. Công việc này mang về cho chủ nhân mức thù lao đáng mơ ước.
NXT - một hot Facebooker trong lĩnh vực công nghệ cho biết hiện anh đang tham gia vào chương trình PR cho một nhãn hàng high-tech với tổng cộng 15 post và thù lao là 500,000 đồng/post. Tính ra, cả gói này anh thu về được 7,500,000 đồng, tương đương 3 tháng lương công nhân.
Một Facebooker nữ là LTBB - người được nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng gia dụng chọn mặt gửi vàng - tiết lộ: “Thù lao tôi nhận được dao động từ 200 USD - 500 USD/ post. Mức thù lao tùy thuộc vào KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), yêu cầu khó hay dễ của khách hàng hoặc có tốn thời gian đi dự event của họ hay không. Bên cạnh đó, chi phí này còn tùy vào độ dài của chương trình PR và phạm vi độc quyền của nhãn hàng (trong thời gian này không được PR cho sản phẩm khác có cùng chức năng)”.
Vì sao doanh nghiệp chọn Facebooker?
Bên cạnh việc quảng cáo trên báo đài vốn rất tốn kém, các doanh nghiệp hiện đã quan tâm nhiều hơn đến việc PR trên các mạng xã hội, trong đó có Facebook. Lý do đầu tiên là số người dùng hết sức đông đảo và đang tăng lên một cách nhanh chóng.
Theo số liệu từ Emerald Digital Marketing Agency, hiện đã có hơn 4 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam và 94% trong số đó có độ tuổi từ 16-25.
“Thế mạnh của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, là khả năng lan tỏa nhanh, có tính tương tác cao, có thể cập nhật liên tục. Nó cho phép người tiêu dùng kết nối với nhau hoặc doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn và đó là những điều mà các kênh tiếp thị truyền thống không làm được hoặc làm được nhưng hiệu quả thấp. Ngoài ra, chi phí hợp lý cũng là một ưu điểm khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc PR trên Facebook”, NTTA - giám đốc dịch vụ của một công ty truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Do ngành nghề, công việc của Facebooker hết sức đa dạng, nên hầu như bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào cần quảng cáo, PR cũng có thể tìm được người thích hợp để hợp tác, từ dịch vụ ăn uống, giải trí, thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng, đồ trang trí nội thất… Đặc biệt, những sản phẩm không được phép quảng cáo trên báo chí Việt Nam hiện nay như rượu mạnh hoàn toàn có thể xuất hiện một cách tự nhiên trên Facebook.
Mẹo làm ăn
Tuy kiếm tiền không mấy khó khăn, nhưng những người tham gia vào guồng máy này vẫn có những nguyên tắc riêng phải tuân thủ. Nguyên tắc cơ bản nhất là không được tiết lộ tên nhãn hàng mà mình PR vừa để đảm bảo hiệu quả của chương trình, vừa giữ cho trang cá nhân luôn có sức hút đối với bạn bè. Bên cạnh đó, trong thời gian độc quyền, Facebooker không được PR cho sản phẩm cùng chức năng dưới mọi hình thức.
Để “hái quả ngọt” lâu dài, các hot Facebooker cũng khá kén chọn khách hàng. LTBB chia sẻ: “Tôi chỉ chọn PR cho những sản phẩm trong phạm vi hiểu biết và phù hợp với bản thân như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ dùng gia đình. Những chia sẻ của tôi phần lớn là trải nghiệm thực tế, chẳng hạn nói về máy nấu sữa đậu nành thì phải tự mình dùng máy, nấu sữa rồi uống thử”.
Duyên chia sẻ cũng là một yếu tố quan trọng. Để đạt được KPI như khách hàng yêu cầu (số lượng người thích và để lại lời bình), Facebooker không thể đưa ra một bức ảnh chụp sản phẩm kèm theo những dòng giới thiệu chức năng khô cứng mà phải khéo léo chia sẻ như một câu chuyện tự nhiên để bạn bè đồng cảm.
Facebook – một nguy cơ cho ổn định?
Do thông tin trên Facebook có tốc độ lan truyền quá nhanh chóng và khó kiểm soát nên hiện nay, nhà quản lý đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn mạng xã hội này, cụ thể là yêu cầu nhà cung cấp không phân giải DNS hoặc chặn các gói dữ liệu đi đến IP của Facebook. Tuy nhiên, đa số người dùng đều biết cách “vượt rào” nên cộng đồng này vẫn đang tiếp tục phát triển.
NH Liên - một Facebooker trẻ cho biết: “Facebook bị chặn khiến mình cảm thấy khá phiền toái và rất buồn cười. Chặn làm gì khi ai cũng biết cách vượt qua các rào chắn đó? Mình chỉ cần đổi proxy trên máy tính cá nhân hoặc thông qua phần mềm hỗ trợ Ultrasuft là có thể vào được ngay.
Tính linh hoạt và dễ thích nghi của giới trẻ có đầu óc kinh doanh sáng tạo có nghĩa là những Facebooker nổi tiếng vẫn có thể vô tư hái tiền đô từ Facebook.
Source: ABC Australia
Sửa bởi người viết 24/07/2012 lúc 10:37:14(UTC)
| Lý do: Chưa rõ