Vào ngày 4/6/2018, nhà vẽ kiểu túi xách Kate Spade/ Kate Valentine thành công với tài sản ước lượng 200 triệu Mỹ Kim, bà đã treo cổ tự tử ở trong phòng riêng, để lại một tuyệt mệnh thư cho con gái, trong khi chồng ở một phòng khác. Điều này cho thấy “Thành công và tăm tiếng chưa chắc đã ngăn ngừa được sự buồn nản, chán đời” (Kate Spade's suicide is proof that money and fame can't deter depression).
Đúng vậy, càng thành công, càng danh vọng càng lo. Lo vì ngày mai còn giữ được như vậy không? Ngày mai hàng bán ế thì sao? Rồi vài chục triệu đầu tư vào chứng khoán có thể mất tiêu trong vòng vài tiếng đồng hồ …cả trăm thứ lo, dồn dập tới khiến mất ăn, mất ngủ, nản chí rồi đâm chán đời và tự tử chết. Ôi tiền tài và danh vọng! Không có nó thì thèm khát. Có nó rồi lại chán đời. Tiền tài, danh vọng là đóa hoa thơm ngát nhưng coi chừng trong mùi hương của nó có chất độc!
Trong khi đó, mới đây đài truyền hình Mỹ ở California có phỏng vấn một cô gái Mỹ Da Trắng khá xinh đẹp, khoảng 20 tuổi, hỏi lý do tại sao cô lại sống cuộc đời không nhà không cửa, chui rúc ở khu vô gia cư căng lều dài cả cây số ở Anaheim, Nam California như vậy? Cô trả lời rằng cô không muốn bị ràng buộc và lo lắng bởi tiền nhà, tiền bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cộ, cuộc sống không tự do khi phải đi làm…Dĩ nhiên ta bùi ngùi thương cảm cho một cuộc đời như vậy. Thế nhưng cô gái lại cảm thấy hạnh phúc và không mong muốn gì cả khi được hỏi cô nghĩ gì về tương lai. Hai hình ản thật tương phản. Một người trong tay có cả 200 triệu Mỹ Kim lại chán đời treo cổ chết. Còn một người không một đồng xu dính túi, lang thang không cửa không nhà lại thấy hạnh phúc. Như vậy hạnh phúc ở đâu?
Chúng ta sẽ là một người “ngủ trên mây” nếu chúng ta nói rằng một một gia đình giàu có, hay quyền cao chức trọng, vợ chồng xứng đôi vừa lứa, con cái thành đạt…là cuộc sống ngụp lặn trong đau khổ.
Chúng ta cũng sẽ là một người thiếu hiểu biết nếu chúng ta nói rằng một người từ bỏ cả gia đình, vợ con, quyền cao chức trọng, gia tài bạc tỷ…để theo Phật sống đời dưa muối… là điên khùng, ngu dại.
Như thế hạnh phúc là sự lựa chọn của mỗi người. Nếu chúng ta ở trong cung vàng điện ngọc mà thấy hạnh phúc… thì đó là hạnh phúc.
Còn nếu chúng ta từ bỏ cung vàng điện ngọc để sống đời như một kẻ ăn mày như Đức Phật mà thấy hạnh phúc…thì đó là hạnh phúc.
Từ những dẫn chứng kể trên chúng ta thấy vật chất không phải là điều kiện duy nhất hay ắt có để có một cuộc sống hạnh phúc. Mà hạnh phúc hay không tùy Tâm mình.
Đạo Phật là một triết lý Trung Đạo. Phật Giáo không phủ định giá trị của vật chất nhưng cũng không khẳng định giá trị của vật chất. Đối với hàng Phật tử sơ cơ Đức Phật dạy về sự thống ngự của khổ đau (Khổ Đế), nguyên do của khổ đau (Tập Đế), sự diệt khổ (Diệt Đế) và phương pháp diệt khổ (Đạo Đế). Thế nhưng khi giảng dạy cho hàng đại bồ tát, hàng đại sĩ như Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thì Đức Phật lại nói, “Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Chân lý tối thượng của Phật trong Bát Nhã Tâm Kinh là: Khổ đau và hạnh phúc trong cuộc đời này chỉ là một. Tùy theo tâm mình mà nó là khổ đau hay bất hạnh. Lấy nước làm thí dụ: Nước cho ta nguồn sống, tắm gội tươi mát, du ngoạn trên sông hồ biển cả. Nhưng cũng chính nước đó sẽ là thảm họa vì nó có thể gây lụt lội, sóng thần và rất nhiều người chết đuối dưới nước. Chân lý “bất nhị” này cũng được Đức Phật giảng dạy cho các hàng Đại Bồ Tát trong Kinh Viên Giác khi Đức Phật nói rằng, “Chúng sinh (luân hồi, thống khổ) và quốc độ (an vui giải thoát) đều đồng một pháp tánh. Địa ngục, cung trời đều là Tịnh Độ”.
Từ chân lý Phật “không hai” hay “bất nhị” này:
-Chúng ta chúc mừng những người quyền cao chức trọng mà sống trong hạnh phúc.
-Chúng ta chúc mừng những ông tỷ phú, triệu phú ngồi trên đống vàng đống bạc mà thấy hạnh phúc.
-Chúng ta chúc mừng những cô lấy được những ông chồng giàu sang, phú quý mà thấy hạnh phúc.
-Chúng ta chúc mừng các cậu lấy được các tài tử điện ảnh, ca sĩ, người mẫu, hoa hậu, á hậu…đẹp như tiên nga giáng thế…mà thấy hạnh phúc.
-Chúng ta chúc mừng tất cả những ai cố gắng vươn lên bằng trí tuệ hay bằng mồ hôi nước mắt để đạt được danh tiếng, tiền bạc và thấy đó là mục tiêu tối hậu đẹp nhất của cuộc đời.
-Chúng ta chúc mừng cho những ai đang hưởng lạc thú tuyệt vời với rượu chè, cờ bạc, xác thịt, cao lương mỹ vị, kể cả xì-ke ma túy…mà thấy hạnh phúc.
Thế nhưng chúng ta cũng thán phục và ngưỡng mộ những ai:
-Đã dám bỏ gia tài bạc tỷ để xuất gia sống đời dưa muối và thấy đây mới là hạnh phúc tuyệt vời.
-Những người dám từ bỏ, vợ đẹp con khôn, gia đình êm ấm để tìm một cuộc sống của kẻ ăn xin trong tăng đoàn để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình và tìm cách hóa độ chúng sinh, coi cả chúng sinh trong thế gian này như gia đình thân yêu của mình.
-Chúng ta thương cảm và ngưỡng mộ ni cô là những cô gái đã cắt bỏ mái tóc xinh đẹp của mình, sống đời không son phấn, không mỹ phẩm, không xâm trổ để vẽ lại lông mày lông mi, không mỹ viện để sửa sang sắc đẹp, thân hình để hấp dẫn phái nam và rất hãnh diện vì vẻ đẹp của mình. Ngày nay “hồng nhan” không còn “đa truân” nữa. Mà sắc đẹp là vũ khí lợi hại để thăng tiến và vinh hoa trong cuộc đời. Những ni cô/ni sư này tìm thấy cái gì đây? Phải chăng chỉ là cuộc sống nội tâm bình an, thanh tịnh và hạnh phúc?
-Sau hết, chúng ta ngưỡng mộ và cảm thông cho những ai sống cảnh đời nghèo khó mà không đua chen, ghen ghét với đời, tâm tính thảo ngay, nghèo mà lương thiện. Những người này đã theo triết lý “An bần lạc đạo” thật đáng quý.
Song những gì tôi nói trên đây chỉ là cố gắng rất vụng về để diễn giải chân lý Tối Thượng Thừa của Phật. Chân lý Tối Thượng Thừa này cũng chính là trí tuệ Bát Nhã và cũng là Viên Giác Thanh Tịnh.
Thế nhưng dù chúng ta có nói như thế nào đi nữa thì thế giới này vẫn cứ đầy rẫy khổ đau. Kẻ hưởng hạnh phúc chẳng bao nhiêu mà người rên xiết vì nỗi khồ phải kể hàng tỷ, hàng tỷ. Sẽ có một sự tranh cãi tới muôn ngàn năm nữa là: Hạnh phúc là tạo ra của cải vật chất và ban tặng của cải vật chất ấy cho mọi người. Hay hạnh phúc là “tri túc thiểu dụng”, giảm bớt những ham muốn của con người? Ngày nay một số rất đông đang đi theo con đường thứ nhất và một số rất ít đi theo con đường thứ hai.
Việc treo ấn từ quan, tìm nơi thâm sơn cùng cốc để xa lánh đời, ngao du sơn thủy, ngâm thơ vịnh nguyệt của bao danh sĩ, tể quan đời Đường …không phải không có cái lý của họ. Nhân loại tiến từ thời ăn lông ở lỗ tới du lịch Hỏa Tinh và Mặt Trăng nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời, “Đâu là hạnh phúc? Và sống thế nào là hạnh phúc?”
Chúng ta không cực đoan để khích lệ một cuộc sống “yếm thế” như các danh sĩ đời Đường. Thế nhưng muốn có cuộc sống hạnh phúc mà không treo cổ hay bắn vào đầu tự sát…chúng ta phải thấy vạn vật này vốn Vô Thường- có đó rồi mất đó: Cam kết rồi bội phản, hứa rồi bội hứa, yêu nhau kết hôn rồi biến thành oan gia trái chủ, bạn biến thành thù, sắc đẹp mĩ miều hấp dẫn ngày hôm nay, ba mươi năm sau biến thành da mồi, tóc bạc, lời yêu ngày hôm nay vài năm nữa có thể biến thành lời đay nghiến.
Do đó khi chúng ta có danh vọng, tiền bạc, tình yêu thì phải hiểu rằng nó cũng như “gió thoảng mây bay”, có đó, mất đó, được đó mất đó…cho nên phải chuẩn bị cho ngày trắng tay hoặc quyền lực mất hết, hoặc người yêu phản bội. Sống như thế là sống theo đạo, tức ung dung tự tại, tức trong khổ đau mà ta có hạnh phúc.
Cuối cùng xin mọi người hãy nhớ “Hạnh phúc và khổ đau chỉ là một”.
California ngày 31/10/2019
Đào Văn Bình