Người xưa nói: Công vi thủ, thủ vi tâm? Hình như có nghĩa là mọi sự đều bắt đầu ở cái tâm, tâm suy nghĩ rồi mới cho ra tưởng. Tâm nghĩ thế nào thì cảm nhận ra như thế. Sau nhận thức, con người mình có suy nghĩ, từ suy nghĩ đó cho ra hành động.
Và như thế đó, thầy Thích Thiện Thuận muốn dậy phật tử chúng ta hiểu thế nào là tâm tạo pháp. Về vật lý, tâm gồm những tâm nhĩ, những tâm thất, những động mạch, mạch máu, mạch vành, cơ, bắp… Về tinh thần, tâm là một hiện tượng phi vật chất phi vật thể nhận biết, suy nghĩ rồi cảm ứng thông qua những tiếp xúc từ mọi giác quan. Do đó, ngài nói tâm tạo pháp.
Khi tâm nóng giận là vô bổ, còn tâm khi tịnh, là an lạc, tức bồ đề tâm.
Xin nhắc và nhớ lại cái tâm vô bổ một thời xa xưa và trong chỉ một khoảng khắc của ông Tô Đông Pha. Ông là một thi sĩ nổi tiếng, đời nhà Tống, ông là tác giả Tiền Hậu Xích Bích, thi bá của nước Tàu khi xưa, thật xa xưa, mà hầu như đa số người biết tiếng.
Xin nhắc lại, ông là một thi sĩ đời Tống, nên không thuộc nhóm Đường thi. Không may cho ông là nhà cầm quyền Vương An Thạch, thời bấy giờ muốn cải cách xã hội, nên không ưa gì nhóm thi sĩ, dù tài ba. Ngược lại họ muốn đầy ải, chê bai, khiêu khích các nhà thơ. Họ phát vãng, đầy ải các thi nhân xuống những nơi rừng thiêng nước độc… như Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây…
Sau này, ở Việt Nam, thầy Thích Tuệ Sỹ chúng ta, cũng một thời cảm động tài năng thi tứ lung linh, truyền cảm vô cùng của thi nhân nhà Tống này, mà ngài đã đi vào “Tô Đông Pha, khung trời viễn mộng“ đầy thiền đạo và thi ca: “ngược xuôi nhớ nửa cung đàn, Ai mang quán trọ mà ngăn nẻo về“ B.G
Lại nói về tác giả “Tiền Hậu Xích Bích“ là ngài đã từng bị ngồi tù trong tù ngục ngự sử, vì Vương An Thạch không thích những nhà thơ, mà theo ông là cổ hủ, thoái hóa, phi lao động, chỉ biết ngồi làm thơ than mây khóc gió… Khi Tô Đông Pha bị đả kích ở Hàng Châu, thì may thay cho ông là ông gặp được nhà sư Phật Ấn ở chùa Quy Tông. Khi đó Tô Đông Pha đã ngoài sáu mươi tuổi. Ngài Phật Ấn hiệu là giác lão, ngài dậy phật pháp và thiền đạo cho họ Tô. Quy Tông và Hàng Châu là đối ngạn, bên này và bên kia một dòng sông. Nhờ đó mà nhà thơ và hòa thượng Phật Ấn thường qua lại, giao tiếp, trao đổi thi văn, ngoạn cảnh… Nhà sư cảm thi ca tuyệt vời của Tô Đông Pha. Tô Đông Pha cảm thiền đạo của sư phụ.
Tô Đông Pha có một người em gái Tô Tiểu Muội, Tô Tiểu Muội đẹp người và thi ca của nàng cũng rất đẹp, nhưng tiếc rằng, thời xa xưa ấy, người ta trọng nam hơn nữ, cho nên Tô Tiểu Muội không thành danh rực rỡ như bào huynh. Tô Tiểu Muội cũng từng cảm thông, rung động khi mùa thu phương đông tới, bụi mờ mờ, rồi sương bay la đà và rừng phong trút lá :
“ … Ai về rủ áo mù xa…
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay?” B.G
Tô Tiểu Muội giỏi xuất sắc về văn chương kinh điển. Nàng cảm ứng, đối ngẫu linh hoạt tài tình mỗi khi đàm đạo văn thơ.
Một hôm đó, Tô Đông Pha rủ Tô Tiểu Muội cùng bơi thuyền qua thăm thầy Phật Ấn. Họ gặp nhau, chào hỏi thân tình, sau một thời trà đạo, Tô Đông Pha mới hỏi ngài Phật Ấn:
Thầy thấy con nay thế nào?
Ông đẹp như một ông phật, thầy trả lời họ Tô. Rồi thầy cũng thong dong hỏi Tô Đông Pha::
Còn ông, ông thấy tôi lúc này ra sao?
Tô Đông Pha thấy thầy áo quần sậm màu, ngồi thu gọn, ông vội trả lời: Ngài như một đống phân!
Ngài Phật Ấn cười, nhẹ nhàng và không một phản ứng. Nhưng tô Tiểu Muội đã nghe rõ, đã thấu ý, nàng thưa rằng:
Ngài đã thắng và ngài thi sĩ đã thua. Bào huynh đã thua!
Tô Đông Pha còn đang bối rối, thì Tô Tiểu Muội lẹ làng phân trần:
Thầy thắng, vì tâm thầy có phật nên thầy thấy phật, còn anh, thì, tâm anh thấy cái gì, anh đã nói ra cái đó!… Vậy là anh thua, thua rất xa !
Đọc câu chuyện xưa, ngẫm câu chuyện nay:
Thưa rằng, từ khi xửa xưa đó, một Tô Đông Pha, thi bá lừng lẫy một thời, ông còn có lần hồ đồ nhận xét về thầy ông một lời vong mạng! Thời buổi nay, cũng do hấp tấp vội vàng, có nhiều vị đã làm mất ái ngữ, tâm rối loạn, tuệ giác rơi rớt… mà nói hành giả Minh Tuệ là… ba trợn, bốn trợn, năm trợn v.v…
Chúng ta là con phật còn nhớ lời phật dậy… chúng ta bỏ qua đi những vọng ngữ đó và quên hết đi! Tại vì… hành giả Thích Minh Tuệ, có lẽ, người cũng không nghe thấy, và nhứt là không hề bận lòng, tại vì, tâm không tạo thì tâm không chỉ đạo!
A Di Đà Phật
Mùa Phật Đản 2024
Chúc Thanh