TÂM BIẾT TÙY HỶ
Trong thời đại phát triển kinh tế thị trường bề bộn, cuộc sống sau những giây phút đua chen, giành giựt để tìm miếng ăn, thức uống, ta rất cần được nghỉ ngơi và thư giãn. Tùy hỷ là biết vui theo với niềm vui của người khác, ta bày tỏ lòng hân hoan, vui tươi, phấn khởi khi thấy họ thành công hay làm lợi ích cho nhân loại.
Trong kinh Phật dạy, người biết hoan hỷ vui theo khi thấy người khác gieo trồng phước đức, giúp đỡ sẻ chia người bất hạnh qua cơn khốn khó, người làm phước và người tán thán vui theo đều có công đức bằng nhau.
Một vị tỳ kheo mới thắc hỏi Phật, “tại sao có chuyện lạ lùng như vậy?” Phật dạy, “người biết bố thí cúng dường, sẻ chia, giúp đỡ sẽ được phước báu giàu có, nhiều tài sản. Người tùy hỷ vui theo sẽ được công đức vì không ganh ghét, tật đố”. Phật đưa ra một ví dụ, “như có một ngọn đèn đang cháy, được mòi cho trăm ngọn đèn khác nhưng vẫn cháy sáng bình thường”.
Tâm niệm của chúng sinh thường hay tham lam, ganh ghét, tật đố, nên dễ dẫn đến nhiều oan gia trái chủ mà tàn sát, giết hại lẫn nhau. Ta chỉ nên tùy hỷ với những việc làm tốt đẹp, có lợi ích trong hiện tại và mai sau. Ta không nên tùy hỷ với những việc làm xấu ác, có tính cách hại người hại vật. Thí dụ như mình thấy một người đang vô cớ giết hại nhiều con ốc, vì chúng bò tràn lan chung quanh nhà. Khi thấy họ giết, ta không đủ can đảm khuyên răn họ thì thôi, chớ nên tán đồng theo. Phật dạy, “người cố ý giết, xúi bảo người khác giết thì tội bằng nhau. Việc hoan hỷ thấy người khác giết cũng có tội, vì tâm hoan hỷ là tâm có cố ý, tội sẽ thành khi ta có tâm cố ý.
Cho nên, tâm hoan hỷ với việc làm tốt của người khác giúp ta chuyển hóa được thói quen ganh ghét, tật đố, từ ganh ghét sẽ dẫn đến thù hằn, từ thù hằn sẽ sinh tâm giết hại.
Khi Phật thành đạo, Ngài giáo hóa rộng rãi, nên nhiều người tu theo, hành trì có lợi lạc thiết thực. Số người theo Phật bắt đầu đông, nên ngoại đạo bị mất lợi dưỡng, sinh tâm thù hằn, ghét bỏ. Chúng dùng mọi mưu mô xảo quyệt để làm hại Phật không được. Cuối cùng, chúng đánh ván cờ quyết định nhằm tẩy chay Phật luôn, bèn bày mưu cho một cô gái đẹp thường xuyên đến Tịnh xá nghe pháp, để nhiều người biết đến. Một đêm nọ, chúng mướn người giết cô gái, rồi chôn trong Tịnh xá của Phật. Chúng báo cáo lên vua quan việc cô gái bị mất tích, và nhờ mở cuộc điều tra, tìm ra tông tích. Sáng hôm đó, vua quan, ngoại đạo cùng tìm kiếm và họ phát giác cô gái bị giết chôn trong Tịnh xá. Tang chứng vật chứng rõ ràng, mọi người đều bàng hoàng, sững sốt trước một sự thật không thể ngờ được.
Nhờ ông vua là Phật tử thuần thành, nên ông âm thầm cho người theo dõi, tìm kiếm kẻ hại Phật. Lệnh giới nghiêm được thi hành nơi lầu xanh, bọn chúng đang vui vẻ nhậu nhẹt, vì không ăn chia đồng đều nên có sự tranh cãi dữ dội. Âm mưu đã bị lộ tẩy, chúng khai có người mướn giết cô gái để hại Phật.
Qua câu chuyện trên, ta rút ra một bài học thiết thực của cuộc đời. Sự không hoan hỷ với người khác sẽ dẫn đến tâm thù hằn, ghét bỏ, và cuối cùng bản án nhân quả đã kết liễu đời mình trước; nhất là cô con gái cuồng đạo phải bị giết trước, rồi những người chủ mưu cũng bị đưa ra ánh sáng từ từ.
Một điều đặc biệt ta phải khâm phục và quý kính đức Phật là, trước cảnh tượng vu oan giá họa động trời như vậy, Phật vẫn sáng suốt, bình tĩnh, không minh oan, giãi bày, mà tự để cho luật nhân quả tác động, đem lại ánh sáng cho sự thật.
Cho nên, vui theo với việc làm tốt của người khác, giúp ta mở rộng tấm lòng yêu thương, nhờ vậy tâm được bình yên, hạnh phúc, mà không dấy khởi các tạp niệm xấu ác, do đó không gây tạo tội lỗi.
Thế gian chúng ta đang sống bây giờ rất nhiều vụ án do ganh ghét, thù hằn mà con người đành lòng giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Ẩn ác, dương thiện hay tán thán công đức, tìm những cái hay, cái tốt, cái đẹp của người để tán dương khen ngợi. Tinh thần ẩn ác, dương thiện không có nghĩa là bao che, giấu diếm với người sai phạm, đó là thói quen của những người mê muội, chấp trước. Thay vì phê bình, chỉ trích quá thẳng thắn, làm đối phương cảm thấy tự ái trước mặt mọi người, nhất là những người có quyền hành, họ lúc nào cũng bảo vệ sĩ diện bản ngã, thì ta chỉ góp ý nhẹ nhàng, kín đáo, tránh để nhiều người biết đến.
Ta góp ý, giúp đỡ một cách chân thành như vậy thì họ sẽ biết ơn mà không hại ngược lại mình. Bởi tâm phàm phu hay chấp ngã nặng, nên dễ tự ái, có khi phản phé ngược lại, vì không dằn được cơn nóng giận.
Chúng ta tùy hỷ vui theo, khen ngợi việc làm thiện của họ, là đang học theo hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Có một số quan niệm cho rằng, vui theo với việc làm phước của người khác, thì ta cũng được hưởng phước như người bố thí, nghĩ như vậy thì không đúng. Người làm phước được quả nhiều tiền của, người tùy hỷ vui theo được phước không ganh ghét, tật đố, nên không có tâm niệm hại người. Chính thái độ ganh tị, vạch lá tìm sâu là chủ nghĩa cá nhân, là kẻ thù của mọi niềm vui. Tán dương, khen ngợi để khích lệ cho người có thêm tinh thần cầu tiến, là nghệ thuật giúp ta càng thêm gắn bó, sống với nhau bằng tình yêu thương chân thật nhiều hơn.
Chúng ta không nên chia vui với những việc làm xấu ác, như thấy người giết hại, thấy người say xỉn, thấy người trộm cướp, thấy ngưởi mê tín và còn vô số sự tai hại khác. Bởi khi vui theo với những điều ác, thì mình cũng đã đồng tình với việc làm đó, rồi lâu ngày trở thành thói quen, khiến chính mình trực tiếp làm ác như vậy.
Cho nên, tùy hỷ với việc làm tốt của người khác giúp ta dần hồi tập thói quen chia sẻ, giúp đỡ, do đó từng bước chuyển hóa thói quen ganh ghét, tị hiềm. Nhờ vậy, mình không làm tổn hại cho ai.
Có một cô bé ăn mày, nhờ hoan hỷ với việc làm thiện của nhiều người nhân mùa an cư kiết hạ của chư Tăng. Nhờ vậy, cô tự chiêm nghiệm lại kiếp sống nghèo hèn của mình, chắc do nhiều đời không biết làm việc phước thiện nên bây giờ phải chịu ăn xin khổ sở như vậy. Nghĩ như vậy xon, cô phát tín tâm, nguyện trong ngày hôm nay, nếu xin được gì thì đều dành hết để cúng dường chư Tăng. Ngày đó, cô chỉ xin được hai đồng tiền xu, và dùng số tiền đó mua bịch muối, nhờ người nấu ăn trong chùa chia đều cho mọi người.
Với sự tùy hỷ khi thấy người khác làm thiện, cộng với lòng thành, nên sau này cô được làm Hoàng hậu. Khi được làm Hoàng hậu, cô càng tin sâu nhân quả hơn nữa, nên khuyên nhà vua giúp đỡ hạt giống cho người làm ruộng, cấp vốn cho người trồng trọt hoa màu, giúp đỡ người bất hạnh, xây chùa chiền, mở trường học, khích lệ mọi người tích cực tăng gia sản xuất bằng đôi bàn tay và khối óc, khuyên nhủ người giàu chia sớt, giúp đỡ kẻ nghèo, và khích lệ toàn dân quy hướng Tam Bảo, giữ gìn năm điều đạo đức. Nhờ vậy, từ trên vua quan cho đến thứ dân bần cùng đều sống an vui, hạnh phúc, theo tinh thần chia vui sớt khổ, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Hạnh tùy hỷ vui theo việc làm tốt của người khác giúp cho ta ý thức được sự sống là phải nương nhờ lẫn nhau, nên có trách nhiệm, bổn phận yêu thương, đùm bọc, san sẻ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Cô bé ăn mày kia nhờ niệm tùy hỷ vui theo việc làm tốt của người khác mà biết quay về chiêm nghiệm, soi sáng lại chính mình, nên biết rõ nguyên nhân gốc nghèo khổ là không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia. Từ đó, cô phát khởi tín tâm tin kính Tam Bảo mà hướng về Phật pháp để học đạo hiền Thánh, sẵn sàng vui vẻ giúp đỡ người bất hạnh, khổ đau, hoặc cúng dường người tu hành chân chính với tâm thành kính của mình.
Nhờ vậy, một thời gian sau, cô đã chuyển được kiếp ăn mày nghèo đói của mình, nhờ một ông quan nhân hậu nhận cô làm con nuôi, cho ăn học, dạy dỗ đàng hoàng; rồi cuối cùng, cô được làm Hoàng hậu với phước báu vô lượng, vô biên, và càng có điều kiện hơn để giúp dân chúng an cư, lạc nghiệp theo tinh thần Phật dạy.
Ý thức được sự sống của muôn loài là quan trọng và cao quý, nên ta phải biết gieo trồng phước đức, để ổn định đời sống gia đình cho đủ ăn, đủ mặc, ăn ở được dư dã một chút. Nhờ vậy, gia đình biết kính trên nhường dưới, sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, anh chị em thuận thảo, sống vui vẻ với nhau.
TÂM THAM MUỐN QUÁ ĐÁNG
Tham có nghĩa là tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn, làm cái gì cũng muốn đem về cho riêng mình, có của dư thà để mục nát, không dám đem ra giúp đỡ ai hết.
Có hai loại muốn mà ai cũng có thể bị nó chi phối, là tham muốn và mong muốn. Tham muốn là sao? Là nhất quyết muốn cho bằng được, nếu không được thì bất mãn, tức tối, khó chịu, phiền muộn, giận dỗi phát sinh, tìm cách chiếm đoạt cho bằng được.
Ai cũng biết, đã làm người, khi lớn lên cũng cần có tình yêu thương, rồi dẫn đến lập gia đình, và từ đó bắt đầu gánh lấy nhiều trách nhiệm nặng nề. Nếu không có đủ phước báo thì cuộc sống thiếu thốn, khó khăn và chịu nhiều phiền muộn, khổ đau bởi những đau thương, buồn tủi.
Như chúng ta đã biết, khi có yêu thương thì có luyến ái, muốn bảo vệ cho riêng mình, từ đó phát sinh lòng ham muốn, và nó không giới hạn chỉ có tình yêu thương giữa hai người, mà còn tham muốn nhiều thứ khác nữa.
Do đó, tham muốn càng nhiều thì càng phát sinh các thứ phiền não, vì tham muốn mà không được như ý thì sẽ sinh buồn khổ, nếu được thì tham càng thêm tham, nếu tham không được thì sinh ra tức tối, giận hờn, nóng giận, rồi tìm cách trả thù và có thể giết hại lẫn nhau.
Ít ai trong cuộc đời này mà không tham muốn. Có sự sống là có tham muốn, nhưng tham muốn nhiều hay ít là tùy theo sở thích của mỗi người mà thôi. Có người ham sắc đẹp, có người ham tiền tài, có người ham danh vọng và có nhiều người tham đủ thứ hết, cái gì cũng muốn.
Có hai vợ chồng già không có con, sống nghề đánh cá, ở một túp lều đơn sơ, mộc mạc và nuôi một chú heo con. Bà vợ ở nhà may vá lưới và lo công việc trong nhà. Hôm đó, gần hơn một buổi mà chỉ có chú cá vàng vào lưới; nhưng lạ thay, con cá ấy lại biết nói tiếng người, nó nài nỉ, van xin khiến ông lão hiền lành động lòng thương xót nên thả cá đi. Cá vàng mừng quá, cám ơn ông lão rối rít và từ biệt bơi đi.
Ngày hôm đó, ông lão về nhà chẳng có con cá nào, và ông nói thiệt với bà vợ, “trong lưới chỉ có con cá vàng duy nhất, nhưng nó xin tôi tha mạng và hứa sau này có dịp nó sẽ trả ơn tôi”.
Bà vợ nghe nói vậy liền động lòng tham muốn, nên tức tối mắng cho ông lão một trận ra hồn, rồi bắt ông phải ra chỗ đánh cá, đòi con cá vàng ấy bù cho cái máng nuôi heo và thức ăn, thức uống trong ngày hôm nay. Ông lão hiền lành nghe lời vợ chẳng dám cãi lại, nên một mình thui thủi đi. Ra tới nơi, ông ngồi bên bờ sông mà than thở với cá vàng như vậy, cá ta nghe được liền giúp ông toại nguyện như ý muốn.
Lần đầu tiên, hai vợ chồng già chứng kiến cảnh tượng cái máng mới thật đẹp và chứa rất nhiều thức ăn. Từ khi có điều mầu nhiệm đó, bà vợ già sinh tâm khởi lòng tham đắm, muốn được nhiều thứ khác hơn nữa.
Bà ta bảo chồng, “nhà mình chỉ có túp lều xiêu vẹo dột nát, sao ông không đi xin con cá giúp ta có được căn nhà khang trang, đẹp đẽ. Nói xong, bà ta la lối, chửi mắng um sùm, rồi bảo ông nhanh chân đi ra chỗ cá mà xin cho được căn nhà, nếu không thì ông hãy đi luôn đi, đừng về đây nữa. Ông già lần ra đến nơi mới ngồi than thở với cá vàng như vậy, và điều mầu nhiệm kế tiếp căn xảy ra, ba gian nhà hiện lên đồ sộ đúng như bà vợ mong muốn.
Thế là hai vợ chồng già được sống trong căn nhà khang trang với đầy đủ các tiện nghi cần thiết, không thiếu một thứ gì. Bà vợ mừng quá nói, “đã gần hơn 60 năm, chúng ta mới thật sự sống hạnh phúc trong căn nhà đầy đủ tiện nghi và sang trọng thế này”.
Nhưng bà vợ vẫn không hài lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Đúng là lòng tham con người như giếng sâu không đáy, tuy hiện giờ đang sống trong nhà cao cửa rộng, được voi đòi tiên, bà lão được nước làm tới, muốn có người giúp việc để bà sống có kẻ hầu, người hạ, bù lại lâu nay làm lụng vất vả.
Ước nguyện và mong muốn đó của bà cũng được đáp ứng đầy đủ. Thế là từ rày sắp tới, bà khỏi phải nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, làm việc nữa, mọi cái đã có người giúp việc lo hết rồi.
Nhưng tưởng tới đây bà biết bằng lòng với hiện tại, mà cố gắng gieo trồng phước đức, để nhân quả tốt phát triển tiếp tục. Lòng tham không đáy đã khiến con người rơi vào hố sâu của tội lỗi mà không có ngày ra khỏi. Người xưa nói, có phước chỉ nên hưởng một nửa hoặc tối đa là bảy phần thôi, còn lại để dành dụm, thủ hậu mai sau và giúp đỡ người khác.
Khi con người quá nghèo bỗng nhiên trúng số độc đắc, từ nhỏ đến giờ chưa từng có số tiền lớn như vậy, họ bắt đầu bị lòng tham sai sử, nên mặc tình vui chơi, hưởng thụ. Cuối cùng, mèo cũng trở lại hoàn mèo, vì phước hết thì nghèo khổ đến. Đó là quy luật nhân quả từ xưa đến nay.
Cái gì ta ăn uống, tiêu xài thì có lúc hết, còn cái ta san sẻ, giúp đỡ cho người khác mới thật là của ta. Giống như người có tiền gửi vào ngân hàng, tuy thấy không có, nhưng khi cần tiền thì rút ra xài. Chính vì vậy, ăn thì hết, cho thì còn.
Từ một gia đình nghèo khó với túp lều xiêu vẹo, cuộc sống thiếu thốn, khó khăn đủ thứ mà bây giờ đã có tất cả, nhiều người không biết bằng lòng với hiện tại, vì lòng tham muốn quá mức, nên tiếp tục mua bán, đầu tư một cách bất chính, mà cứ nghĩ rằng vận mệnh ta đã tới thời rồi.
Nhưng sau một đêm ngủ dậy, mọi thứ đều thay đổi, vật giá leo thang do sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu, ngân hàng cắt viện trợ, ngưng cho vay, nhà cửa không ai mua, hàng hóa ế ẩm, người sản xuất nhiều mà không có người tiêu dùng, chủ nghĩa tiêu thụ vật chất quá lừng lẫy làm cho nhân loại phải tích cực làm việc nhọc nhằn, không có thời gian ngơi nghỉ.
Có những cái ta không cần xài cũng phải bị xài, nên nó buộc con người ta phải lệ thuộc vào đó quá nhiều. Cuối cùng, ta bị chủ nghĩa vật chất điều hành, sai sử, mà càng ngày càng quên lãng với đời sống tâm linh; do đó, tình người trong cuộc sống không còn nữa.
Ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái sống tách rời nhau do áp lực bề bộn của công việc; và từ đó, con người không có thời gian để quay lại chính mình, mà chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau thành an vu,i hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Cuộc sống hai vợ chồng già đang êm đềm, hạnh phúc với căn nhà khang trang, có người giúp việc đàng hoàng, rồi ước muốn được làm hoàng hậu-đệ nhất phu nhân khởi lên trong tâm ý bà. Chỉ trong thoáng chốc, một tòa lâu đài tráng lệ nguy nga với vô số cung phi, mỹ nữ xinh đẹp đang đứng hầu hai bên. Một bộ váy mềm mại, lấp lánh với những hạt kim cương quý giá, sáng ngời làm chói cả mắt mọi người. Bây giờ, bà không phải là một mụ già tầm thường, vợ của một ông lão đánh cá nghèo nàn, lạc hậu như xưa nữa. Bà ta liền gọi, “cung nữ đâu, ra hầu quạt cho bà nhanh lên”.
Bà đang sống trong cung vàng điện ngọc, có kẻ hầu người hạ, có cả thần dân thiên hạ và muốn gì được nấy. Bà đứng trên thềm cao có bệ rồng bên dưới, sai bảo việc này, việc nọ một cách răm rắp, trông thật oai phong, cao quý làm sao.
Sống với cương vị là hoàng hậu vẫn dưới quyền điều khiển của vua, nên bà không bằng lòng mà muốn làm nữ hoàng cao nhất trong thiên hạ. Ước muốn đó đã trở thành hiện thực, bà bây giờ đang ngồi thưởng thức với các món cao lương mỹ vị, có hàng trăm ngàn gã đàn ông quỳ bên chân, phục vụ hầu hạ.
Nhưng thời gian dài cũng chán, bà lại muốn làm bá chủ hoàn cầu, cai quản cả trời đất này. Nhưng đến khi giựt mình tỉnh giấc, bà thấy mình đang lạnh cóng vì gió rét mùa đông, đang lạnh đến thấu xương, thấu tủy. Mọi thứ mà bà đang hưởng bây giờ không còn gì nữa, bà đang sống trở lại với kiếp bà lão nghèo bên túp lều xiêu vẹo năm xưa.
Câu chuyện ngụ ngôn trên nói lên lòng tham của con người như giếng sâu không đáy, được voi đòi tiên, để rồi cuối cùng chuốc lấy quả khổ vào thân mà sống trong si mê, lầm lạc. Kẻ tham lam quá đáng thường chuốc lấy khổ đau, là nhân dẫn đến thiếu thốn, đói khát như loài quỷ đói. Tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ, hẹp hòi, không rộng lượng đó là thói quen thâm căn cố đế của chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay.
Người giàu có nhiều tiền của do nhiều đời đã gieo trồng nhân giúp đỡ, sẻ chia nhiều cho nhân loại, nên hiện đời mới được phước báu đầy đủ như thế. Nếu ngay nơi đây, ta dừng nhân bố thí, chỉ một bề tham đắm, vơ vét về cho riêng mình, chất chứa để cho của cải hư hao, mục nát mà không giúp gì được cho ai; trong khi đó, còn biết bao người chịu thiếu thốn, đói tình thương, sống trong hoàn cảnh cơ cực, bần hàn, thì tuy mình có nhiều tiền của, mà dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm như vậy, ắt có ngày phước hết, họa đến, cuộc sống khốn khổ, thiếu trước, hụt sau.
Tiền bạc của cải là vật vô tri, nó có là do chúng ta tạo ra. Con người vì lòng tham không đáy nên ham muốn đủ thứ, muốn được quyền cao chức trọng, muốn được giàu sang, nhiều tài sản, muốn được vợ đẹp, con ngoan, muốn được sống lâu để hưởng thụ, tất cả những cái muốn đó đều được thúc đẩy bởi tâm tham lam quá đáng.
Chúng ta không biết rằng, muốn được nhiều tài sản, của cải, thì phải biết bố thí, cúng dường, hoặc giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người bất hạnh, khó khăn, không được gian tham, trộm cướp, lường gạt của người khác, phải tinh cần, siêng năng làm việc, phải biết tiết kiệm, tiêu xài đúng chỗ. Đó là những nguyên nhân dẫn đến giàu có trong hiện tại và mai sau, nhiều người không muốn gieo nhân tốt mà đòi gặt quả tốt, thử hỏi làm sao có thể được.
Khi mong muốn được thỏa mãn thì lòng tham lại càng thêm tăng trưởng, và sự kiêu căng, tự hào, hãnh diện càng cao, có một muốn mười, có mười muốn trăm, ít ai chịu muốn ít biết đủ, bằng lòng với hiện tại, khi có rồi lại sợ hao hụt, mất mát, nên cố gắng tìm cách cất giữ; do đó, ta luôn sống trong lo âu, sợ hãi.
Khi ta tham muốn không được như ý thì sinh ra oán giận, thù hằn, rồi phiền não, trách móc đủ thứ, dẫn đến không làm chủ bản thân, nên hành động xấu ác, mắng chửi, đánh đập, tìm cách mưu hại người làm trái ý mình, cuối cùng mang họa vào thân. Thế giới ngày nay sở dĩ lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, binh đao tàn sát lẫn nhau là bởi do nhân tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, nên sinh tâm trộm cướp lường gạt của người khác, và từ đó bắt đầu giết hại để chiếm đoạt bằng nhiều hình thức.
Phàm là con người, khi sống lúc nào cũng tìm kiếm hạnh phúc, nên họ cho rằng có nhà cao cửa rộng là hạnh phúc, kẻ thì nói có nhiều tiền của là hạnh phúc. Nói chung, có sức khỏe, sắc đẹp, tình yêu, sống lâu, giàu có là mơ ước chung của nhiều người.
Cho nên, tùy theo cách nhìn của mọi người mà cảm nhận hạnh phúc khác nhau, và ngược lại là khổ đau. Dân gian thường nói rằng, nghèo là một cái tội vì sự khó khăn, thiếu thốn của nó. Ai cũng nói nghèo là khổ, mà ít ai nói giàu là khổ.
Trong khi đó, người giàu có vô số cái khổ, vì sợ nghèo trở lại nên khổ, sợ người khác trộm cướp, sợ bị hao hụt và rất nhiều cái sợ khác do thiên tai, sóng thần, động đất, lũ lụt, hỏa hoạn và con cái bất hiếu, phá sản. Nếu ta phân tích tỉ mỉ thì với người giàu sự khổ của họ có nhiều cái còn khó nói hơn.
Có hai người bạn cùng ở kế bên nhau, một người thì quá giàu, một người thì quá nghèo. Một hôm, người bạn nghèo mới đến than vãn vì sự nghèo khó của mình để mong bà bạn giàu giúp đỡ.
Bà bạn nghèo vừa mở miệng thì bị bà bạn giàu gạt ngang ra, “bộ chị tưởng tôi sướng lắm sao. Gia đinh tôi phải làm đầu tắt mặt tối gần 30 năm, tôi phải chắt chiu, nhín ăn, bớt mặt, dành dụm, nên mới có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Thú thật với chị, tôi cũng đâu có sung sướng gì, bởi giàu có nên tôi lo sợ đủ thứ, nên ngày làm việc mệt nhọc mà tối không ngủ được yên thân. Tôi lo sợ đủ thứ, sợ bị vua quan tịch thâu, sợ bị trộm cướp, sợ bị hao hụt và mất mát, sợ bị con cái phá của, nói chung là lúc nào cũng lo lắng và sợ hãi”.
Chị nhà nghèo nghe nói vậy mừng quá, “thôi chị giao hết cho tôi đi, để một mình tôi chịu khổ cho”. Bà nhà giàu nghe nói vậy liền phản đối, “thà tôi chịu khổ thêm một chút cũng không sao, miễn có đầy đủ các thứ tiện nghi vật chất là được rồi”.
Nhưng trên thực tế, nghèo có cái khổ của người nghèo, giàu có cái khổ của người giàu. Người nghèo phải khổ vì vất vả, nhọc nhằn, đói khát, thiếu thốn, khó khăn, nợ nần chồng chất. Người giàu phải khổ vì lo lắng mất mát, sợ người khác giành giựt, chiếm đoạt. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu, nên khổ. Nói chung, giàu hay nghèo đều có nỗi khổ riêng, tùy theo sự chấp trước, bám víu của họ nhiều hay ít mà thôi. Người muốn ít biết đủ luôn biết bằng lòng với hiện tại, nên sống hạnh phúc nhiều hơn những người tham muốn quá đáng.
Trước tiên, ta chiếm đoạt tài nguyên để đem về phục vụ cho mình, gia đình mình, kế đến là đất nước mình, chiếm không được thì tìm cách giết hại lẫn nhau bằng nhiều hình thức, cuối cùng gây thù chuốc oán, làm khổ đau cho nhau không có ngày thôi dứt.
Bởi ngu si chấp ngã, thấy thân này là thật, nên ta muốn sự vật phải theo ý mình; nhưng vì ta không hiểu, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này xảy ra theo luật nhân duyên và nhân quả, đủ nhân và duyên thì cho ra kết quả tốt hay xấu, còn thiếu nhân và duyên thì quả không thể trổ được.
Hiện nay, đa số người nghèo vì khó khăn, túng thiếu, nên mong muốn được giàu có mà ham mua vé số, đánh đề, cờ bạc để mong được giàu, nhưng rốt cuộc nghèo lại càng nghèo thêm, vì giàu đâu chẳng thấy, chỉ thấy nợ nần càng thêm chồng chất, cuối cùng túng quẫn, làm chuyện không tốt, trộm cướp lường gạt của người khác, nên rơi vào cảnh tan nhà nát cửa, mà dẫn đến tù tội.
Người nghèo thiếu là do nhiều đời trước không biết gieo nhân bố thí cúng dường, hoặc không biết giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người thiếu thốn, khó khăn. Chúng ta không gieo nhân giàu có, mà muốn được nhiều tiền của là chuyện không thể có được trong hiện tại và mai sau. Nhiều người chưa có đủ niềm tin về nhân quả, nên suốt ngày chỉ cầu khẩn, van xin trời Phật, miếu Bà, miếu Ông, nếu xin không được thì oán giận, trách móc trời đất.
Nhưng tại sao có nhiều người đang nghèo khổ túng thiếu, vẫn trúng số độc đắc và trở nên giàu có, vậy có phải là do thần linh, thượng đế ban cho hay không? Theo luật nhân quả, hiện tại ai giàu có là do nhiều đời trước đã từng gieo trồng phước đức như bố thí cúng dường, hoặc giúp đỡ, sẻ chia khi thấy người khác gặp khó khăn, bất hạnh. Nhân tốt hay xấu, khi chúng ta đã gieo thì dù trăm kiếp, nghìn đời vẫn không bao giờ bị mất, khi hội đủ nhân duyên, quả báo hoàn tự hiện. Ai trong hiện đời làm gì cũng được như ý muốn, mà ít khi bị thất bại, là do nhân gieo trồng phước đức, biết giúp đỡ, sẻ chia nhiều cho nhân loại trong quá khứ.
Đời sống của chúng ta là một dòng luân hồi vô tận, không phải chết là hết, mà nó chỉ thay hình đổi dạng tùy theo nghiệp nhân tốt xấu của mình. Sự thay hình đổi dạng này diễn ra liên tục, chằng chịt từ quá khứ và sẽ tiếp tục tái diễn trong tương lai.
Chính chúng ta đã gieo trồng phước đức trong nhiều kiếp về trước, nên bây giờ được thừa hưởng mà không cần phải làm lụng nhọc nhằn, vất vả. Nhân quả rất công bằng và bình đẳng khi hội đủ nhân duyên, hội đủ điều kiện.
Biết vậy, người con Phật cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc làm phước cúng dường, hoặc mở rộng tấm lòng tùy hỷ, giúp đỡ người khó khăn bất hạnh tùy theo khả năng của mình. Tuy nhiên, có phước thì đời sống vật chất sung túc, đầy đủ, nhưng thiếu tu thì không có trí tuệ, nên phần đông phải chịu nhiều phiền muộn, khổ đau trong cuộc đời.
Chúng ta khổ vì người thân mất mát mà phải chịu xa lìa, khổ vì không ưa mà phải gặp nhau hoài, khổ vì mong cầu mà không được như ý muốn, và còn rất nhiều nỗi khổ, niềm đau khác nếu ta không biết tu tập, hành trì để chuyển hóa chúng.
Người Phật tử tại gia muốn quân bình phước-huệ song tu không phải là chuyện đơn giản, dễ dàng, vì còn phải có bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình, vuông tròn mọi việc trong xã hội, và còn phải làm hậu cần để hộ trì Tam Bảo. Quả thật là điều rất khó khăn! Chúng ta phải học theo hạnh những vị Bồ Tát, để luôn mở rộng tấm lòng từ bi với tinh thần vô ngã, vị tha, biết bao dung và độ lượng, biết cảm thông và tha thứ, sẵn sàng chia sẻ và nâng đỡ tha nhân, giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Thật ra, trong cuộc sống này, không có việc gì mà ta không thể làm được, chỉ sợ mình không đủ ý chí, nghị lực dũng mãnh, tin sâu nhân quả, tin tưởng chính mình, để vươn lên làm mới lại cuộc đời.
Chúng tôi kính cẩn khuyên nhủ mọi người, hãy nên chín chắn suy tư, quán chiếu, để thấy rõ sự tác hại của tham lam quá đáng, mà cố gắng tu tập, nhằm chuyển hóa khổ đau, bất hạnh thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Có những người lớn tuổi không được sự lắng nghe của con cháu, nên phải mượn bàn trà và thú chơi cây cảnh để tâm sự, giải bày. Nhiều người vì không biết buông xả, cứ chấp trước vào sự hiểu biết của mình mà bắt mọi người phải làm theo.
Nhưng ta phải biết suy xét lại, thế hệ của mình và con cháu có việc làm và hiểu biết khác nhau, thử hỏi làm sao có sự nhất quán về vật chất lẫn tinh thần cho được. Chỉ có ta biết cảm thông và tha thứ mà chấp nhận sống với nhau bằng sự yêu thương chân thành mà thôi.
Nhiều khi ta đang sống với người thân yêu mà mình lại không bằng lòng với những chuyện nho nhỏ đâu đâu, nên đành lòng ôm vào nỗi khổ, niềm đau, tự mình sống trong cô đơn, tuyệt vọng.
Hạnh lắng nghe luôn giúp mọi người vơi bớt nỗi đau bất hạnh, để vươn lên vượt qua dòng đời ngang trái. Như vị thầy thuốc trước khi bắt mạch, kê toa phải luôn lắng nghe lời trình bày và quan sát sắc diện của bệnh nhân. Nhờ biết lắng nghe như vậy, sau khi bắt mạch, vị thầy một mặt trị thân bệnh và đồng thời an ủi người bệnh để trị tâm bệnh, tránh nỗi lo lắng, sợ hãi của bệnh nhân.
Chữ lắng nghe ở đây có ý nghĩa rất hay, vì ta lắng lặng tâm tư nên mình lắng lòng xuống trong yên tĩnh, không dao động, nhờ vậy mà tất cả mọi tâm tư lăng xăng, vội vã, bức xúc không làm mình phải mất bình tĩnh. Chính vì thế, khi lắng nghe như vậy, ta mới thấu suốt được nguồn tâm của người mà giúp họ an tâm, bình thản trước mọi biến động của cuộc đời.
Chúng ta lắng nghe, tức là sự yên lặng sâu sắc của trái tim hiểu biết mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã trao cho mình. Ta lắng lòng để nghe, hay nghe hết lòng, nghe thật sâu vào từng nhịp thở của con tim. Khi người có thiện chí biết lắng nghe nhờ giữ giới, từ bi và biết nhường nhịn, thì những giận hờn, bực tức, lo ra không thể phát sinh, nhờ vậy ta nghe thật sâu tận đáy lòng của mình.
Ta hãy tập lắng nghe bằng chính con tim của mình nhờ biết giữ giới không giết hại, trộm cướp, lường gạt của người, và dùng những chất say sưa, độc hại như xì ke, ma túy…. Nhờ không giết hại nên ta mới mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn, mà chia sẻ và nâng đỡ người khác. Ta không đưa vào cơ thể những chất độc hại, nên mình sáng suốt, tỉnh táo, mà làm những việc có ích cho mình và người bằng trái tim yêu thương, hiểu biết.
Ta học và tu theo hạnh lắng nghe, nếu không biết giữ ba điều trên thì không bao giờ thành tựu được trọn vẹn, vì đó là nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống mà ai cũng phải biết, để mình và người sống bình yên, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Cho nên, khi lắng nghe, ta phải hiểu thấu chính mình, thì mới nghe được trong sâu thẳm con tim, mà biết cách làm vơi bớt nỗi đau, để ta và người có sự cảm thông và càng yêu thương nhau.
Vậy ngay từ bây giờ, ai muốn tu theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, để được lắng nghe thật sâu bằng trái tim yêu thương và hiểu biết? Chúng ta hãy chiêm nghiệm hình ảnh Bồ Tát mà ta đang tôn thờ, kính trọng. Tay trái của Bồ Tát cầm bình thanh tịnh, trong đó chứa nước cam lộ, nước này được rưới tới đâu thì mát mẻ tới đó, tượng trưng cho tấm lòng từ bi rộng lớn. Tay phải cầm cành dương liễu, tượng trưng cho sự bình yên, hạnh phúc. Mỗi khi nghe những lời nói hằn học, chát chúa, thô lỗ, chửi mắng, đánh đập phát ra, Bồ Tát nhẹ nhàng chuyển hóa bằng cách an nhẫn với trái tim thương yêu, hiểu biết, nhờ lắng nghe hết lòng. Cành dương liễu mềm dẻo, nên dù có sóng to gió lớn cũng không thể làm gãy được. Nhờ vậy, ta và người cùng vui sống hòa hợp với nhau mà kết nối yêu thương bằng tất cả tấm lòng.
Lắng nghe như một nhịp cầu cảm thông, giúp cho ta định tĩnh, sáng suốt, nên phát sinh trí tuệ mà mở rộng lòng từ san sẻ nỗi khổ, niềm đau, để mỗi người chúng ta cùng nhau vươn lên, vượt qua nghịch cảnh cuộc đời.
Nếu ta muốn tu theo hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì trước hết không nên nghe nhiều các chuyện tạp của thế gian, nhất là phim ảnh, sách báo đồi trụy. Vì thấy, nghe nhiều như vậy, ta khó lòng quay lại chính mình mà lắng dịu tâm tư. Ta chỉ đến chùa nghe pháp và cố gắng học hỏi lời Phật dạy bằng sự quán chiếu và suy xét.
Do đó, khi ta đi chùa tụng kinh, nghe pháp vì sự hiếu kỳ, bởi những lời đồn đãi linh ứng, nên mình đâu có thật sự lắng nghe. Khi nghe lời Phật dạy với tâm lắng nghe, nhờ vậy tâm mình lắng trong, nên sáng suốt tiếp nhận những điều hay lẽ phải, nhờ vậy mình mới biết cách chữa lành bệnh cho bản thân và cứu chữa bệnh cho người khác.
Tóm lại, chúng ta muốn tu theo hạnh từ bi và trí tuệ thì chỉ cần im lặng lắng nghe, đừng vội can thiệp hay phán xét một điều gì, hãy để mọi thứ sâu lắng trong từng trái tim và thớ thịt của mình.
Ta muốn làm chủ được bản thân nhờ tu hạnh lắng nghe thì phải giữ giới trong sạch, sau đó mở rộng tấm lòng từ bi mà chia vui, sớt khổ, không oán giận, ghét bỏ một ai dù đó là người thù, trong tâm mình chỉ có người với người chưa thông cảm với nhau mà thôi.
Ta lắng nghe từ trái tim hiểu biết, nên những người mình thân yêu nhất, dù thời gian đã trôi qua lặng lẽ, mình vẫn nghe mọi người sống an vui, hạnh phúc nhờ biết yêu thương và lắng nghe hết lòng.
(Còn tiếp)