Trà là một trong những loại thức uống phổ biến nhất thế giới, chỉ đứng sau nước lọc, và điều này hoàn toàn có lý do. Không chỉ được yêu thích bởi hương vị đậm đà và tác dụng xoa dịu tinh thần, trà còn là một nguồn dinh dưỡng dồi dào mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Whitney Linsenmeyer, chuyên gia dinh dưỡng và là phát ngôn viên của Viện Academy of Nutrition and Dietetics, cho biết: “Trà không chứa calorie và rất dồi dào chất chống oxýt hóa antioxidants.” Đây là những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não, cân bằng mức cholesterol và tăng cường hệ thống miễn dịch. Thực tế, một nghiên cứu năm 2022 chỉ ra rằng những người uống trà thường xuyên có nguy cơ tử vong thấp hơn 9-13% trong vòng một thập niên so với những người không uống trà.
Một nghiên cứu năm 2022 đã chứng minh người uống trà thường xuyên ít có nguy cơ tử vong hơn từ 9 đến 13% trong vòng một thập niên so với những người không uống trà.
Vậy, điều gì khiến một tách trà giản dị lại có tác dụng mạnh mẽ đến vậy? Hãy cùng khám phá những tác động kỳ diệu của trà lên cơ thể.
Uống trà: tăng tập trung và giảm căng thẳng đầu óc
Nhờ sự kết hợp độc đáo giữa caffeine và L-theanine, trà mang đến một nguồn năng lượng tỉnh táo hiệu quả. Điều đáng chú ý là, trà mang lại cảm giác tỉnh táo mà không gây ra cảm giác bồn chồn, nôn nao như cà phê. Theo Jennie Norton, chuyên gia dinh dưỡng tại RET Physical Therapy, caffeine từ trà được hấp thụ chậm hơn, mang đến nguồn năng lượng ổn định và kéo dài hơn.
Bên cạnh đó, L-theanine – một loại amino acid không thuộc nhóm protein gần như chỉ có trong trà – đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cảm giác thư giãn và tăng cường hiệu suất của trí não. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng L-theanine không chỉ cải thiện khả năng tập trung và ghi nhớ mà còn giúp giảm căng thẳng đầu óc và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính.
Quan Vuong, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Đại học Newcastle, Úc, cho biết: “Trà còn mang đến một chút vị umami,” một hương vị đậm đà giúp tăng thêm hương vị cho món ăn.
Trà matcha, đặc biệt là các loại trà matcha chất lượng cao (ceremonial-grade), là nguồn cung cấp dồi dào L-theanine nhờ quy trình trồng trong bóng râm (giúp tăng cường diệp lục và axit amin trong lá trà). Trong khi đó, trà dược thảo (herbal teas) lại mang đến một lựa chọn không chứa caffeine nhưng vẫn giàu chất chống oxýt hóa. Thí dụ như trà rooibos, một loại trà dược thảo nổi tiếng của Nam Phi, chứa nhiều aspalathin, một loại flavonoid đặc biệt có thể điều chỉnh lượng đường trong máu.
Ngoài L-theanine, trà còn chứa một lượng nhỏ chất dẫn truyền thần kinh GABA (gamma-aminobutyric acid), góp phần tăng cường tác dụng thư giãn và giảm lo lắng.
Ngoài thành phần hóa học, cảm giác khi uống trà – từ sự ấm áp đến hương thơm đặc trưng – còn tác động mạnh mẽ đến các giác quan, hỗ trợ sự minh mẫn và thư giãn tinh thần. Khi uống trà, các giác quan được kích thích, mang lại cảm giác dễ chịu và giúp giảm căng thẳng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trải nghiệm cảm giác này có thể giúp giảm nồng độ cortisol, khiến người uống bình tâm, tỉnh táo và tập trung hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2018, ngửi hương trà đen giúp giảm các dấu hiệu căng thẳng ở những người đang phải làm các công việc đòi hỏi suy nghĩ phức tạp. Các loại trà hoa, như trà hoa cúc, đặc biệt hiệu quả trong việc thư giãn, còn hương thơm sảng khoái của trà bạc hà sẽ giúp chúng ta tỉnh táo hơn.
Trà giúp cơ thể giữ nước
Theo Emma Beckett, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Đại học Newcastle, Úc, một trong những lợi ích sức khỏe đơn giản nhưng vô cùng quan trọng của trà chính là khả năng giữ nước. Giữ đủ lượng nước cần thiết giúp tim và các bắp thịt hoạt động hiệu quả hơn, bôi trơn các khớp, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường chức năng trí tri (cognitive function).
Mặc dù trà cũng có tác dụng lợi tiểu do có chứa caffeine, nhưng tác dụng này rất nhẹ, không ảnh hưởng đến khả năng giữ nước của cơ thể. Beckett giải thích: “Giữ nước không chỉ là về lượng nước được giữ lại trong cơ thể, mà còn là quá trình nước di chuyển qua cơ thể, giúp loại bỏ độc tố và cân bằng muối khoáng.”
Sức mạnh chống bệnh tật từ trà
Trà là nguồn giàu chất chống oxýt hóa, đặc biệt là flavonoid như catechin, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, giảm viêm, và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và một số loại ung thư.
Trong đó, trà xanh được xem là có hàm lượng catechin cao nhất, là một nguồn cung cấp các đặc tính chống viêm và chống ung thư mạnh mẽ. Bốn loại catechin chính trong trà xanh là epicatechin, epigallocatechin, epicatechin gallate và epigallocatechin gallate (EGCG), phối hợp với nhau để mang lại nhiều lợi ích sức khỏe vượt trội. Đặc biệt, EGCG đã được chứng minh là giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, giảm mỡ bụng và tăng cường quá trình oxýt hóa chất béo trong khi tập thể dục.
Nếu như trà xanh chứa hàm lượng catechin cao nhất, thì trà đen vẫn giữ được đặc tính chống oxýt hóa mạnh mẽ dù quá trình lên men đã làm giảm mức catechin ban đầu. Trong quá trình lên men, catechin trong trà đen bị biến đổi, tạo ra các hợp chất mới như theaflavin và thearubigin, góp phần mang lại những lợi ích sức khỏe của riêng trà đen.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy chất chống oxýt hóa trong trà có thể hỗ trợ sức khỏe của đường ruột bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi, không chỉ cải thiện hệ tiêu hóa mà còn tăng cường hệ thống miễn dịch.
Những phát hiện mới nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng trong việc uống trà: các hợp chất tự nhiên trong trà không hoạt động riêng lẻ, mà phối hợp với nhau để mang lại lợi ích sức khỏe tối ưu.
Julie Stefanski, chuyên gia dinh dưỡng và phát ngôn viên của Học viện Academy of Nutrition and Dietetics, cho biết: “Người ta đã thử tái tạo các hợp chất khác nhau trong trà dưới dạng riêng lẻ.” Tuy nhiên, bà lưu ý rằng việc tách rời từng hợp chất không bao giờ mang lại lợi ích như khi uống một ly trà, bởi vì “các hợp chất trong trà hiệu quả nhất khi chúng kết hợp với nhau.”
Cung Đô dịch
Nguồn: “Why tea drinkers live longer” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.