Lama Zopa Rinpoche giải thích phương pháp thiền về tính không trong cuộc sống hàng ngày. Trích đoạn này là từ bài giảng tại Viện Root Institute, Bodhgaya, Ấn Độ, vào ngày 30 tháng 1 năm 2012. Biên tập bởi Tu sĩ Ailsa Cameron.
Một vì sao, một hoa đốm hiện trước mắt, một tia lửa nơi ngọn đèn,
Một ảo ảnh, một giọt sương, một bọt nước,
Một giấc mơ, một tia chớp, một đám mây—
Hãy nhìn các pháp hữu vi đều như thế!
Bài kệ này chỉ rõ cho thấy thực tại của tôi, của hành động, của đối tượng và của tất cả các hiện tượng—địa ngục và giác ngộ, luân hồi và niết bàn—tất cả mọi thứ. Nó hiển lộ cho thấy thực tại của tất cả các hiện tượng, đặc biệt là các hiện tượng trong nhân quả.
Khi bạn gặp phải vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, điều rất tốt là, hãy nghĩ đến bài kệ này; sẽ rất tốt để thiền định về bài kệ này. Bài kệ này không chỉ để dùng trong các bài giảng; mà còn để sử dụng ở bất cứ đâu. Nó được đọc tụng trong các bài giảng, và tâm chúng ta cũng phải nhận biết bài kệ này trong cuộc sống hàng ngày. Đó là điểm chính. Nó có nghĩa là giúp chúng ta nhận biết được tính không, để thiền định về tính không.
Mặc dù có nhiều ví dụ được đưa ra trong bài kệ này, nhưng điểm cốt lõi là toàn bộ mọi thứ đều là ảo giác. Những gì chúng ta nói, những gì chúng ta tin, những gì chúng ta làm (hành động đến, đi, ăn, đi, ngồi, ngủ), những gì chúng ta kinh nghiệm (những cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được cảm thọ chạm xúc):toàn bộ mọi thứ đều là ảo giác. Mọi thứ hiển lộ như thực sự tồn tại, như có thật, và chúng ta tin rằng chúng hiện hữu theo cách chúng xuất hiện với chúng ta. Chúng ta đang sống cuộc sống trong một ảo giác hoàn toàn. Không có con người thực sự, không có cái tôi thực sự; những gì có vẻ là có thật [thật ra] là một ảo giác.
Như thế, người ảo đi tới một nhà hàng ảo và trả tiền ảo, để ăn thức ăn ảo trong nhà hàng ảo đó. Nó là như vậy. Thật tuyệt vời hấp dẫn. Nếu bạn liên tục thiền định [như thế] về cuộc sống của mình, thì chuyện đó thực sự hấp dẫn. Thật tuyệt vời! Bạn thực sự tận hưởng cuộc sống của mình. Đây là chương trình truyền hình hay nhất. Bộ phim về chính bạn là bộ phim hay nhất. Đây là chuyến đi xem cảnh tuyệt vời nhất. Mọi thứ đều là ảo hoàn toàn. Không có thứ gì như thế ở đó. Chỉ có những thứ được dán nhãn đơn thuần.
Đó là một cách thiền khác: cái được dán nhãn là tôi đã hành động được dán nhãn là đi, được dán nhãn là đến nơi được dán nhãn là nhà hàng, và hành động được dán nhãn là trả tiền, để làm hành động được dán nhãn là ăn, thọ thực những thứ được dán nhãn là thức ăn. Đó là một cách thiền khác. Bất kể bạn làm gì, [hãy thấy] mọi thứ luôn chỉ được dán nhãn, do vậy không có gì tồn tại từ phía riêng của nó. Mọi thứ đều trống rỗng. Nhưng với tâm ảo của chúng ta, mọi thứ đều có vẻ thực: có một cái tôi thực, mọi thứ thực. Ở ngôi chợ thực, bạn thực sự mua những thực phẩm thực. Ở bảo tháp thực, bạn thực sự đi nhiễu chung quanh để thực sự thanh lọc nghiệp xấu thực sự. Không có nhũng chuyện gì như thế!
Trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, chúng ta cần thiền về tính không, chính là trái tim của Phật giáo. Tất cả những lời dạy của Bát nhã ba la mật đều dành cho trí tuệ. Bát nhã ba la mật được viết trong mười hai tập, rồi [cô đọng] trong ba tập, rồi ngày càng ngắn lại, rồi cô đọng thành [Bát Nhã] Tâm Kinh, rồi cô đọng Bát nhã ba la mật trong vài âm tụng, rồi Bát nhã ba la mật trong một chữ, AH. Vậy thôi. Trong tiếng Bắc Phạn (Sanskrit), AH là một âm mang nghĩa phủ định. Tâm Kinh viết rằng không có hình dạng, không có âm thanh, không có mùi, không có vị, không có vật thể hữu hình và nhiều thứ khác. Trong tiếng Bắc Phạn, thay vì không, thì có chữ AH. AH có nghĩa là không có cái tôi thực sự tồn tại, không có hành động thực sự tồn tại, không có vật thể thực sự tồn tại. Không có sự tồn tại thực sự trên những hiện tượng chỉ được dán nhãn; không có hiện tượng nào có sự tồn tại thực sự. Vì vậy, điều đó có nghĩa là mọi thứ đều trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng. Nhưng đây không phải là chủ nghĩa hư vô. Đây là cái thấy Trung Đạo (hay Madhyamaka), không có chủ nghĩa hư vô và không có chủ nghĩa vĩnh cửu.
Địa ngục và giác ngộ; luân hồi và niết bàn; sắc, thanh, hương, vị, vật hữu hình; tôi, hành động, đối tượng: tất cả những thứ này không phải là không tồn tại (nghĩ như thế là rơi vào hư vô luận), và không thực sự tồn tại (nghĩ như thế là rơi vào thường hằng luận). Chúng tồn tại theo cái nhìn Trung đạo, có nghĩa là chúng tồn tại chỉ trong tên gọi, chỉ được tâm dán nhãn cho như thế. Vì vậy, cái tôi hay bất kỳ hiện tượng nào khác là thứ gì đó vô cùng vi tế. Lấy cái tôi làm ví dụ. Cái tôi là thứ gì đó vi tế nhất, cái vi tế nhất. Nó không phải là không tồn tại, mà như dường nó không tồn tại. Bạn có thể thấy rằng đây không phải là hư vô luận mà giống như hư vô luận. Chữ như dường tạo nên sự khác biệt, mang lại một ý nghĩa khác. Đối với tâm của chúng ta, khi nói đến sự chứng ngộ, thì nó thấy giống như vậy. Tôi chưa chứng ngộ, nhưng đối với những thiền giả đã chứng ngộ tính không, thì cái tôi giống như vậy, giống như nó không tồn tại. Tất cả các hiện tượng đều tương tự như vậy.
Vì vậy, một pháp thiền chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày là liên tục thực hành nhận biết về ảo giác, nhìn mọi thứ, vốn là ảo giác, như một ảo giác, từ sáng đến tối. Ví dụ, khi bạn đi hành hương, bạn có thể sử dụng thời gian đó để thiền về tính không. Từ khi bạn rời khỏi phòng để đi về Rajgir (hoặc bất cứ nơi nào) cho đến khi bạn quay lại, bạn có thể liên tục sử dụng thời gian đó để thiền, nhìn vào thứ là ảo giác như một ảo giác. Bạn không cần nhiều lời gì hết—chỉ cần vậy thôi. Thực hành nhận biết này với bất cứ điều gì bạn đang làm: cái tôi ảo đang làm ảo, một số hành động ảo. Điều này dẫn đến thực tại, đến tính không. Điều đến trong trái tim bạn là mọi thứ đều trống rỗng. Không có sự đến hay đi, không có xe hơi, không có đường, không có thị trấn Rajgir. (Ý tôi là, không có cái nào thực sự tồn tại, đó là những gì xuất hiện với bạn và là những gì bạn tin tưởng.) Đây là những gì đến trong trái tim bạn.
Nếu bạn đi hành hương một tháng ở Tây Tạng, bạn có thể làm điều này. Trong toàn bộ một tháng đó, bạn có thể thiền định, thực hành nhận biết về chánh kiến, bản chất của Phật giáo. Phật giáo có ba nhánh, Theravada, Đại thừa Ba la mật và Đại thừa tantra, có thể được cô đọng thành giáo lý Lamrim cho những chúng sinh có khuynh hướng thích nghi (Dịch giả sửa vài chữ cho thích nghi). Sau đó, có ba nguyên tắc của con đường: hạnh buông bỏ, Bồ đề tâm và chánh kiến, chính là cốt lõi của Phật giáo. Vì vậy, bạn có thể thiền định về tính không; bạn có thể tích hợp thực hành theo cách đó, giống hệt như một khóa tu. Bạn đang đi du lịch, bạn đang đến và đi và làm nhiều việc, nhưng nếu bạn có thể giữ tâm của mình trong cách nhìn [Tâm Kinh] này, thì cũng giống như đang thực hành khóa tu. Vấn đề là giữ tâm của bạn trong việc thực hành chánh niệm, trong thiền định. Khi đó, điều đó thật hấp dẫn, rất thú vị. Cho dù bạn đang hạnh phúc hay gặp vấn đề, nếu bạn nhìn tất cả mọi thứ theo cách này, thì điều đó thật hấp dẫn. Không có vấn đề thực sự nào cả. Không có vấn đề thực sự nào cả, trong thực tế.
Vì mọi thứ chỉ là được dán nhãn, bạn nhìn vào mọi thứ theo cách đó. Bạn nhìn vào cái Tôi và mọi thứ khác trong cuộc sống của bạn theo cách đó, từ sáng đến tối. Cho dù bạn đang ngồi đó trong phòng để tĩnh lặng hay hành hương hay làm việc trong văn phòng, hay họp hành hay nấu ăn, hay dọn dẹp hay chăm sóc em bé cho cha mẹ bạn, hay đang làm công việc bác sĩ hay y tá, hãy giữ tâm bạn trong thiền định. Bạn có thể có một cuộc sống rất bận rộn, rất năng động, nhưng bạn hãy giữ tâm mình trong thiền định. Với một phần tâm bạn đang làm mọi việc, nhưng một phần tâm khác bạn luôn luôn giữ trong thiền định, nhìn mọi thứ như một ảo giác, như nó là một ảo giác; hoặc nhìn mọi thứ chỉ đơn thuần là được dán nhãn, như nó chỉ được dán nhãn; hoặc nhìn mọi thứ như trống rỗng, như nó trống rỗng. (Thiền pháp khác, thiền pháp thứ ba, là nhận biết về tính không, nhìn mọi thứ như trống rỗng. Điều này rất, rất tốt—pháp tốt nhất.) Vì đó là cách mọi thứ tồn tại, bạn hãy nhìn mọi thứ theo cách đó.
Đây là cách thiền về tính không, cốt tủy của Phật giáo, trong khi bạn đang sống cuộc sống bận rộn nhất. Thông thường mọi người nghĩ rằng, "Để thiền, bạn phải ngồi trên một chiếc đệm, bắt chéo chân, không nói và nhắm mắt." Đó không phải là cách duy nhất để thiền.
Nếu bạn có thể thiền về tính không theo những cách tôi vừa mô tả, thì bất cứ điều gì bạn làm—ăn, đi, ngồi, ngủ, làm việc—đều không trở thành nguyên nhân của luân hồi. Thay vào đó, nó trở thành phương thuốc chữa luân hồi, giúp bạn gỡ bỏ vô minh, gốc rễ của luân hồi. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, nó trở thành phương thuốc chữa sân hận, tham chấp và tất cả những hư ảo còn lại. Khi chứng ngộ tính không nhổ bỏ gốc rễ, cái vô minh đang nắm giữ mọi thứ như là thực sự hiện hữu, nó ngăn chặn sự sinh khởi của tất cả những hư ảo si mê. Từ bi là pháp đối trị với sân hận, nhưng chỉ với sân hận. Ở đây, tính không bao trùm mọi thứ. Nó ngưng hết mọi hư ảo si mê; nó là phương thuốc chữa toàn bộ hư ảo si mê.
Vậy nên, thật tốt khi thử các thiền pháp này. Đây là cách chúng ta nên cố gắng thiền về tính không trong cuộc sống của mình. Chúng ta phải nỗ lực thiền cách này; chúng ta phải cố gắng. Sau đó, mọi thứ chúng ta làm - ăn, đi bộ, ngồi, ngủ, làm việc, nhảy múa - đều sẽ trở thành phương thuốc chữa trị luân hồi. Ngay cả khiêu vũ, nếu bạn thực hiện với nhận biết này, cũng sẽ trở thành phương thuốc chữa trị luân hồi. Mọi thứ sẽ trở thành thuốc giải độc vô minh; mọi thứ sẽ phá hủy gốc rễ của đau khổ, vô minh. Sau đó, nó sẽ trở thành nguyên nhân để đạt được giải thoát, niết bàn, trạng thái xa lìa đau khổ. Dĩ nhiên, chính trí tuệ nhận biết tính không sẽ trực tiếp chấm dứt các si mê, các si mê thô và cả các phiền não ô nhiễm vi tế, trong khi bồ đề tâm gián tiếp giúp chấm dứt chúng. Bằng cách chấm dứt các ô nhiễm vi tế, khi đó bạn sẽ đạt được sự giác ngộ hoàn toàn.
Khi bạn đi từ phòng ra chợ hay đến bảo tháp, hãy thực hành nhận biết này liên tục. Bạn đi chợ, mua đồ, rồi trở về: bạn có thể thực hiện một buổi thiền theo cách đó. Bạn có thể thực hiện một buổi ngồi thiền, hoặc bạn có thể thực hiện một buổi thiền đi bộ hay làm việc gì đó. Bạn có thể thực hiện điều này khi đi ngắm cảnh. Trong phòng của bạn, trước khi đi ngắm cảnh (ở đây tôi đang nói về việc ngắm cảnh bình thường chứ không phải hành hương nơi thánh địa), bạn nghĩ đến việc thực hành lamrim, thí dụ như chánh niệm về tánh không. Đối với bạn, khi đó việc ngắm cảnh trở thành một buổi thiền định. Cho dù bạn đang tới biển hay trên núi, cho dù bạn đang đi hay đang trở về, bạn vẫn liên tục thiền định. Điều đó rất, rất có ý nghĩa. Bạn đã làm cho cuộc sống bạn có ý nghĩa nhất. Vì mọi chuyến ngắm cảnh của bạn đều là thuốc trị bệnh luân hồi, nên nó không trở thành nguyên nhân của luân hồi. Nó trở thành nguyên nhân để đạt được giải thoát và nếu thực hiện với bồ đề tâm, nó trở thành nguyên nhân để đạt được giác ngộ.
Khi bạn gặp phải các nan đề về những mối quan hệ và các vấn đề khác trong cuộc sống, nếu bạn thực hành hạnh buông bỏ hoặc bồ đề tâm hoặc tính không, thì thực sự là tuyệt vời. Bạn thấy rằng thực tại hiện thực là một cái gì đó hoàn toàn trái ngược với những gì bạn đã tin tưởng. Thật tuyệt vời. Cuộc sống khác mà những người khác trên thế giới bình thường sống khi đó có vẻ rất trẻ con. Những gì các vị vua hoặc tổng thống hoặc các chủ ngân hàng tham gia và tin tưởng đều là trò trẻ con. Bạn thấy rằng nó vô nghĩa.
Kyabje Lama Zopa Rinpoche
Nguyên Giác dịch
SOURCE: The Very Heart of Buddhism - By Kyabje Lama Zopa Rinpoche
lamayeshe.com/article/very-heart-buddhism