Quí độc giả thân mến!
Almudena Sevilla-Sanz, nữ chuyên gia của Oxford University đã nghiên cứu cả thảy 12 quốc gia, gồm 13.300 phụ nữ và đàn ông trong hạn tuổi từ 20 tới 45, về chủ đề “Household Division of Labor and Cross-Country Differences in Household Formation Rates”.
Cuộc khảo sát này cho thấy các bà vợ nhận định về người phối ngẫu của mình ra sao qua thiện chí của họ trong sự góp phần vào công việc trong nhà và chăm sóc con cái. Kết quả cuộc nghiên cứu đã được phổ biến ngày 05.08.2009 - theo đó, đàn ông được đánh giá là hấp dẫn nhất và ý thức nhất về sự bình đẳng-bình quyền xuất xứ từ các quốc gia được xếp thứ tự như sau: 1. Na Uy - 2. Thụy Điển - 3. Anh - 4. Hoa Kỳ - 5. Hà Lan - 6. Ái Nhĩ Lan - 7. Tây Ban Nha - 8. Tân Tây Lan - 9. Nhật - 10. Đức - 11. Áo - 12. Úc.
Qua bảng xếp hạng trên, Na Uy, Thụy Điển, Anh và Hoa Kỳ đã được mô tả là những quốc gia có trình độ bình đẳng-bình quyền cao nhất khả dĩ điều này làm cho nam giới tại các nước đó trở thành các đối tác thu hút hơn cả. Hãng thông tấn Reuters trích dẫn lời phát biểu của nghiên cứu gia Sevilla-Sanz:
“Cuộc khảo cứu này chứng tỏ rằng tại những nước nào càng có sự bình đẳng cao thì lại càng giảm bớt sự trì trệ của nam giới trong việc lãnh nhận phần việc của mình vốn theo phong tục vẫn được coi là công việc của nữ giới”.
Peder Kjos, chuyên gia về tâm lý người lớn bên giường bệnh, nhân dịp này cũng đã trình bày như sau trên hệ thống truyền hình quốc gia Na Uy:
“Những người đàn ông sinh trưởng ở Na Uy và Thụy Điển thì đồng thời cũng lớn lên trong một xã hội rất bình đẳng vốn không có những khuôn mẫu về phái tính quá ư theo tập tục. Điều này khiếân cho những sự hy vọng, niềm mong mỏi về việc phân công được đồng đều khả dĩ làm cho nam giới Bắc Aâu trở thành những người chồng, người cha tốt lành hơn nhiều”.
Đề cập tới “những sự mong mỏi”, các chuyên gia đều nhắc tới việc đàn ông Na Uy không trông chờ khi về với vợ thì cơm nước đã sẵn sàng và “nàng” đã sử dụng nguyên ngày để chăm lo nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng. Ngược lại - theo nhận xét của tâm lý gia Peder Kjos:
“Các ông chồng Na Uy chẳng cần “được” thúc giục hút bụi và làm bữa ăn, cũng vẫn “thi hành phận sự”, bởi vì các bà xã của họ cũng đi làm cả ngày mà!”
Cuộc nghiên cứu của bà Almudena Sevilla-Sanz cũng cho thấy năng lực của đàn ông tại các nước Đức, Áo và Úùc kém hấp dẫn. Nói cách khác, bảng xếp hạng nêu trên mang lại một cái nhìn toàn diện về tình trạng bình đẳng-bình quyền tại các quốc gia vừa kể.
Nói như trên không có nghĩa là đàn ông Na Uy đã trở nên “ngoan ngoãn” mà hồ hởi làm hết hay làm phần nhiều công việc trong nhà thay vợ. Vẫn là chuyện “lấp biển vá trời”! Theo nhận định của Peder Kjos, tuy vậy vẫn chưa có sự bình đẳng-bình quyền hoàn hảo trong phạm vi gia đình Na Uy mặc dù các ông chồng vẫn thường khoe khoang rằng họ công bình nhiều hơn so với phụ nữ. Ông giãi bày:
“Nếu khách quan tính tổng số giờ mà đàn ông và đàn bà sử dụng vào việc chăm sóc nhà cửa, người ta thấy có những sự dị biệt lớn lao. Phụ nữ vẫn dùng nhiều thời gian hơn cho công việc nội trợ, và cũng vì thế rốt cuộc họ vẫn là người nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn về nhà cửa”.
Kết quả nghiên cứu của bà Almundena Sevilla-Sanz còn cho thấy là trong khi phụ nữ có quan niệm chọn một người chồng vốn tự nguyện mang rác ra ngoài đổ và rửa chén bát - thì đàn ông lại không hăng hái đi tìm những phụ nữ vốn muốn phân chia bằng nhau các phận sự trong nhà. Các ông mong ước hơn có được một người vợ mà họ có thể tin cậy là có khả năng lo toan công việc nhà cửa và coi sóc con cái. Bà Sevilla-Sanz nói bổ túc:
“Trong khi các ông chồng công bình được các bà vợ “đánh giá” là rất tốt, thì các bà vợ công bình chỉ được các ông chồng xem là một lá bài kém chắc chắn”.
Nói tóm lại, nếu tiêu chuẩn chọn một người vợ giỏi giang về những công việc nội trợ thì quả là việc chọn lựa ấy kém đi sự thu hút. Thật tình cả đàn ông lẫn phụ nữ Na Uy đều nghĩ rằng công việc nội trợ đều “boring”, chán ngắt. Tâm lý gia Peder Kjos giải thích:
“Nếu người ta nhìn vào những gì người phụ nữ trả lời về câu hỏi có vui hay có niềm hoan lạc nào khi làm việc (nói chung) thì công việc trong nhà nằm ở hạng dưới cùng, chỉ hơn câu trả lời về phương tiện di chuyển khi đi làm. Và rồi trong việc phụ nữ tuyển chọn người phối ngẫu mà được hỏi có trông mong nhờ hôn nhân này mà được làm ít đi công việc nội trợ thì đối với họ quả đáng là một sự hấp dẫn.”
Tuy nhiên, ông Kjos nói thêm: “Nếu tôi được chọn giữa công việc nội trợ với sự được làm một việc gì hoàn toàn khác, hẳn đương nhiên tôi sẽ chọn sự “được làm một việc gì hoàn toàn khác” đó”. Ông nêu thí dụ việc gấp quần áo mới giặt của con cái có thể là một sự thú vị.
Các bà vợ Na Uy hẳn vui mừng vì các ông chồng của họ đã sinh trưởng trong một xã hội bình đẳng-bình quyền là xứ Na Uy này - nhưng theo các chuyên gia, dù sao vẫn có nhiều điều còn thiếu sót, trong đó là niềm hy vọng phân chia công bình các trách nhiệm mà công việc trong nhà chiếm phần quan trọng.
Thiết tưởng cũng là điều cần thiết và thích thú khi nhắc lại ở đây một cuộc nghiên cứu khác do Eurofund thực hiện ngày 06.06.2009, theo đó các bà vợ ở Âu Châu được hỏi về “mức độ công việc trong nhà màcác đức ông chồng của họ thi hành”. Kết quả là các bà vợ tại Đức, Ý và Đan Mạch hài lòng hơn cả về “nỗ lực và thiện chí” của các phu quân của mình. Na Uy chiếm nấc thang 11 trong số 31 quốc gia Âu Châu, đồng hạng với Thổ Nhĩ Kỳ. 36.000 người gồm cả nam lẫn nữ đã tham gia cuộc nghiên cứu này.
26% phụ nữ Na Uy đã trả lời rằng họ phải làm công việc trong nhà nhiều hơn mức độ mà họ nghĩ là thuộc phần của họ. Bà tổng trưởng bộ Nhi Đồng và Bình Đẳng-Bình Quyền, Anniken Huitfeld phát biểu rằng phụ nữ Na Uy vẫn trông mong nhiều hơn vào người phối ngẫu của mình; một trong những lý do là nữ giới ở Na Uy cũng đi làm. Bà nói với ký giả của nhật báo Aftenposten: “Chúng ta đã tiến xa về sự bình đẳng-bình quyền trong lãnh vực con cái, nhưng trong phạm vi công việc nội trợ thì vẫn còn nhiều điều dậm chân tại chỗ”.
Theo các nhà nghiên cứu nhận định, phụ nữ Na Uy vẫn có những trông mong cao hơn nữa so với phụ nữ các nước Âu Châu khác, thí dụ Ý. Giáo sư Oystein Gullvag Holter kết luận: “Cả nam giới lẫn nữ giới Na Uy đều có những đòi hỏi mạnh mẽ hơn về sự bình đẳng-bình quyền mà chúng ta chưa nâng cao lên nổi”.
Trước khi chấm dứt lá thư tuần này, chúng tôi mạn phép mở một dấu ngoặc: “Tiếc rằng chưa có cuộc nghiên cứu nào chọn các đấng mày râu Việt Nam ở trong nước hay hải ngoại để khảo sát hầu chúng ta cũng có cơ hội được biết về “hạnh kiểm” của các ông chồng Việt trong lãnh vực gia đình. Kết quả chắc chắn... vui lắm!”
Hoài Mỹ