Trước đây cách xếp hạng học sinh Mỹ là A, B, C, D, F, trong đó “C" là trung bình. Nhưng hiện nay điều đó đã thay đổi, và khi có thay đổi, một số phụ huynh cũng bực mình.
Có một bài hát xưa nhưng vẫn hay chơi trên đài, do ca sĩ quá cố Sam Cooke trình bày, có lời như sau:
Tôi không tự nhận là học sinh hạng “A”
Nhưng tôi luôn cố gắng để đạt hạng đó.
Hàng triệu học sinh Mỹ vẫn làm như vậy trong mỗi học kỳ. Học sinh “A”có nghĩa là người giỏi nhất, thành tựu mức cao nhất. “B” nghĩa là “tốt” nhưng không phải tốt nhất, “C" tượng trưng cho trung bình, và “E” cũng như “F” đều coi như tệ, hay là nói một kiểu cay nghiệt hơn, là “thất bại”.
Tuy nhiên, tại hàng trăm, có thể hàng ngàn trường học Mỹ, không còn ai đạt hạng “A” nữa. Và, khái niệm đạt được hạng “straight A’s”, nghĩa là đạt “A” trong tất cả mọi môn, nghĩa là giỏi nhất trong những người giỏi nhất, cũng không còn nữa.
Cũng không còn học sinh B hay C hay F nữa. Đó là vì học bạ bây giờ được “căn cứ trên nhiều tiêu chuẩn,” các học sinh được xếp hạng bằng một con số, thay vì một chữ, về thành tích của mình tại mỗi lớp.
Những con số đó – thường số 4 là giỏi nhất, đi xuống số 1 – mang ý nghĩa khác hơn là giỏi môn học đó.
Trong một lớp toán tại New York chẳng hạn, 4 có nghĩa là học sinh không chỉ biết cộng và trừ, nhưng theo thuật ngữ mới, chứng tỏ có kỹ năng cao trong “ý nghĩa và các hoạt động liên quan đến số.”
Việc thay đổi từ hạng bậc theo chữ qua số có liên quan đến tiêu chuẩn giáo dục quốc gia, các tiêu chuẩn này tùy thuộc vào thành tích của học sinh trong các bài trắc nghiệm dựa theo tiêu chuẩn. Thành tích đó được đo bằng số. Và hiện nay, việc học trong lớp của các học sinh cũng được tính như vậy.
Điều này có nghĩa là công việc của các giáo viên bận rộn hơn rất nhiều, bởi vì họ phải tìm hiểu đến 50 lĩnh vực kỹ năng khác nhau trước khi đánh giá sự thành công của học sinh mỗi lớp.
Rất nhiều bậc cha mẹ không vui về những học bạ theo số mới. Một bà mẹ nói với tờ Washington Post rằng, học bạ đó “không chứng tỏ thành tích nào của một học sinh luôn luôn học giỏi.”
Một phụ huynh khác nói với tờ New York Times “kết quả là, nhóm học sinh học giỏi nói ‘tôi chả cần phải học hành cực khổ nữa’, và vậy là các học sinh đó không còn cố gắng nữa.”
Và các phụ huynh có vẻ muốn nói – tuy không phải nguyên văn như vậy – “Có một cái nhãn dán đằng sau xe ghi ‘tôi đang ngồi chung xe với một học sinh hạng ‘A’ của trường gì gì đó’ thì sướng hơn là nói ‘tôi đang ngồi chung với một học sinh có số 4.’”
Source: VOA