Nếu bị buộc tội, ông Minh Quang Pham đối diện án tù chung thânTòa án ở Anh đang xét xử một nghi phạm khủng bố người Việt, bị cho là đã được al-Qaeda huấn luyện ở Yemen.
Nghi phạm này được nói có tên là Minh Quang Pham (Phạm Minh Quang hoặc Phạm Quang Minh), 29 tuổi, công dân Anh nhưng sinh ra tại Việt Nam
Ông làm nghề thiết kế trang mạng trên internet (web designer).
Nếu bị buộc tội thì đây là trường hợp hiếm hoi có người Việt tham gia jihad (thánh chiến) của Hồi giáo cực đoan.
Tòa án khu Westminster ở London, nơi xét xử ông Minh Quang Pham, đang nghe cơ quan công tố trình bày cáo buộc ông này đã ra nước ngoài để "tiến hành thánh chiến và tử vì đạo".
Hoa Kỳ muốn Anh dẫn độ ông để xử tội khủng bố, nhưng các luật sư bào chữa phản đối yêu cầu này.
'Luôn luôn khoác súng trường'Ông Minh Quang Pham bị bắt ở sân bay Heathrow vào tháng Bảy năm 2011 sau khi ở Yemen bảy tháng. Lúc bị bắt ông có mang đạn theo người.
Ông bị công tố viện của Hoa Kỳ buộc tội hỗ trợ vật chất cho tổ chức khủng bố nước ngoài, được huấn luyện quân sự, và tàng trữ súng máy nhằm gây tội ác.
Nếu bị phán quyết là có tội, ông có thể bị tù chung thân.
Ông Minh Quang Pham, cư trú tại khu vực New Cross ở London, bị nói đã bỏ vợ đang có thai để đi gặp các nhân vật cao cấp trong tổ chức al-Qaeda ở Bán đảo Arabian (AQAP), hồi cuối năm 2010.
Ông cũng bị buộc tội đã tuyên thệ trung thành với tổ chức này, vốn là tổ chức chân rết của mạng lưới al-Qaeda do Osama Bin Laden tạo dựng.
Cáo trạng cho hay ông sử dụng tên khác là Amin, và trong thời gian ở Yemen "gần như luôn luôn" khoác trên người chiếc súng trường Kalashnikov.
Một nhân chứng bị bắt năm 2011 khai rằng ông Minh Quang Pham đã hợp tác chặt chẽ với các nhân vật cao cấp của AQAP để thiết kế và xuất bản tạp chí tuyên truyền bằng tiếng Anh trên mạng internet có tên là Inspire, nhắm vào giới độc giả ở phương Tây.
Luật sư biện hộ cho ông Minh Quang Pham nói nhân chứng trên, vốn bị Hoa Kỳ bắt giữ và giam trên một tàu chiến hai tháng trước khi chuyển cho Cục Điều tra Liên bang FBI, có thể đã bị tra tấn lấy cung.
Bộ Tư pháp Mỹ bác bỏ cáo buộc này.
Phiên xử đang được tiếp tục.
Theo BBC