Hỏi đáp Y học: Tê rút tay sau phẫu thuật rỗng tủy cổ
Thính giả Nguyễn Ðình Sơn, email đến câu hỏi như sau:
“Bị tê, rút tay sau phẫu thuật rỗng tủy cổ
Vợ tôi năm nay 37 tuổi, hay đau đầu sau vùng gáy và mỏi hai vai. Ði khám chụp MRI, được chẩn đoán rỗng tủy cổ đoạn c5-c7, và được chỉ định mổ ngày 9/5/2013. Sau mổ, tê nhiều ở tay trái và chân phải. Và sau mổ 20 ngày, xuất hiện thêm hiện tượng rút nhiều ở tay trái và kéo lên đầu rồi chạy dọc xuống nửa người bên trái (khoảng 120 lần/ngày). Đi khám lại được chỉ định chụp MRI đốt sống cổ và vùng thùy chẩm với kết quả là: rỗng tủy cổ đoạn c5-c7(như lúc đầu chưa mổ) và dị dạng cổ chẩm. Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định mổ dị dạng cổ chẩm vào ngày 3/7/2013. Mổ xong được 6 ngày, tiếp tục được chuyển sang khoa Phục hồi chức năng ở tỉnh điều trị đến ngày 2/8/2013, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm hiện tượng tê và rút tay chân. Nay bệnh nhân đi lại rất khó khăn, khi bị rút rất mệt, bản thân và gia đình rất lo lắng xin được tư vấn sớm của bác sỹ về hướng điều trị. Xin cảm ơn.”
Chúng tôi đã chuyển thư email này cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Ống rỗng tuỷ cổ (cervical syringomyelia)
Bệnh nhân 37 tuổi, vợ của thính giả, bị rỗng tuỷ cổ từ C5-C7.
Bệnh này tên Anh ngữ là syringomyelia.(syrinx=ống, myelos= tuỷ [Hy lạp]; có nghĩa là một ống rỗng bất bình thường trong tuỷ sống).
Bình thường tuỷ sống (spinal cord) là phần hệ thần kinh nằm trong một cái ống chạy dài trong xương sống, gọi là kênh xương sống (spinal canal); tuỷ sống tiếp nối với não bộ nằm trong xương sọ. Những dây thần kinh đi từ não bộ, qua tuỷ sống, thoát ra ngoài các lỗ hai bên xương sống và nối hệ thần kinh trung ương với các cơ quan trong cơ thể. Đoạn tuỷ cổ được đánh số theo thứ tự các đốt xương sống cổ (cervical vertebrae, C1-C7) từ trên xuống dưới. Đốt trên hết C1 là Atlas, gắn liền với xương sọ ở trên, phần xương này gọi là xương chẩm (occipital bone), có một lỗ lớn qua đó cuống não (brain stem) chui qua kênh xương sống (spinal canal) và biến thành tuỷ sống (spinal cord).Tiểu não (cerebellum, cervelet) là phần sau của não bộ và nằm ngay phía trên của lỗ lớn này. Một số người mang một dị dạng bẩm sinh (congenital malformation), hố sau (posterior fossa) của sàn sọ chật hẹp hơn bình thường làm cho phần sau của tiểu não, đáng lẽ nằm trên xương chẩm, trong hộp sọ, lại nằm tuột xuống (thoát vị, herniated cerebellar tonsils) qua khỏi foramen magnum, xuống trong phần trên của kênh xương sống (spinal canal), gọi là dị dạng Arnold -Chiari.
Trong não bộ và chung quanh tuỷ xương sống có một dịch gọi là dịch não tuỷ ( CSF, cerebrospinal fluid) được sản xuất liên tục, lưu thông (circulation) liên tục từng nhịp đập (pulsating, theo nhịp đập trái tim) và tái hấp thụ liên tục. CSF có mục đích che chở não bộ và tuỷ sống.Trong dị dạng nói trên [ Arnold -Chiari malformation], dịch não tuỷ không lưu thông bình thường trong các não thất (ventricles), ứ lại và dồn về phía tuỷ sống, các nhịp đập (pulsations) này tác dụng vào ống nằm trong trung tâm của tuỷ sống (central canal of the spinal cord), làm cho ống này nở ra, to ra thành một khoảnh rỗng (syrinx), làm các dây thần kinh chung quanh bị chèn ép, đè nén, hư hại và gây triệu chứng thần kinh.
Ngoài liên hệ với dị dạng Arnold -Chiari, syringomyelia còn có thể đi đôi với bệnh vẹo, gù xương sống (scoliosis), chấn thương cột sống, nhiễm trùng tuỷ xương sống.
Triệu chứng:
- Đau nhức
- Yếu cơ bắp
- Co rút, cứng gân (stiffness): thân mình, tay chân, vai
- Đi khó khăn vì cơ co rút
- Bất lực (tính dục)
- Đau đớn mạn tính (chronic pain)
- Nhức đầu
- Mất khả năng cảm giác nhiệt độ rất cao (rất nóng) hoặc rất thấp (rất lạnh)
Định bệnh: bác sĩ thần kinh khám, theo dõi triệu chứng. MRI là phương tiện định bệnh tốt nhất.
Chữa trị:
Không phải ai cũng cần giải phẫu. Nói chung, không thể tiên đoán ngay từ đầu được một trường hợp cá biệt nào đó sẽ tiến triển tự nhiên (natural history) như thế nào. Bác sĩ phải theo dõi các triệu chứng có thay đổi hay không (stationary), có nặng thêm không, nhanh hay chậm. Bác sĩ giải phẫu thần kinh có thể can thiệp lúc thấy cần, lúc mà những khiếm khuyết [deficit] cho biết hệ thần kinh càng ngày càng bị tổn hại và cần chặn đứng chúng lại trước khi các tổn hại này không thể đảo ngược được nữa (irreversible deficits).Điều quan trọng là cần bác sĩ có kinh nghiệm nhiều trong việc chữa trị chứng bệnh này.
Phẫu thuật:
1) Trường hợp dị dạng Arnold -Chiari, biện pháp duy nhất là giải phẫu để "giải nén" (decompression), để dịch não-tuỷ sống (CSF) được lưu thông tự do hơn, và không còn tác động lên lòng của tuỷ sống.Người ta lấy bớt một miếng xương của xương chẩm (sub-occipital bone), cắt bỏ phần sau của hai xương sống cổ C1-C2, mở màng cứng (dura matter là một lớp màng dai như da giày bao bọc, che chở não bộ và bao quanh tuỷ sống )cho bớt nghẹt phần dưới tiểu não và vá thêm một miếng màng cứng cho nới rộng ra. (Posterior or Sub-occipital Craniectomy, Superior Cervical Laminectomy and insertion of a Dural Decompression Graft).
2) Trường hợp không phải do dị dạng Arnold-Chiari, bác sĩ có thể chỉ gắn một cái shunt để dịch não-tuỷ sống thoát ra ngoài.
Trong mọi trường hợp, thường bệnh nhân được khuyên tránh rặn (như lúc rặn đi cầu).
Bệnh tình sau khi giải phẫu tuỳ thuộc vào:
- Tuỷ bị rỗng nhiều hay ít (size of the syrinx)
- Các dây thần kinh đã bị hư hại nhiều hay ít trước khi mổ
- Các deficits thần kinh do bị syrinx chèn ép gây ra đã tồn tại lâu bao nhiêu trước khi được giải toả bằng phẫu thuật
Kết quả có thể không tốt và cần giải phẫu lại. Syrinx (ống rỗng đầy nước trong tuỷ sống) có thể tái lại hoặc tạo mới ở chỗ khác. Bệnh có thể ổn định tuy một số triệu chứng, khiếm khuyết (deficit) cơ năng thần kinh sẽ không hồi phục được. Cần bác sĩ thần kinh và giải phẫu thần kinh theo dõi lâu dài.
Đây là một lĩnh vực rất chuyên môn của bác sĩ giải phẫu thần kinh. Tôi chỉ xin chia sẻ ở đây một số kiến thức căn bản để bệnh nhân và thân nhân hiểu thêm bệnh của mình, đồng thời giới thiệu một số thuật ngữ cần thiết để có thể nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa, cũng như tìm hiểu thêm trên mạng internet.
Chúc thính giả kiên nhẫn và sáng suốt cũng như may mắn trong việc săn sóc và điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền