Cảnh trong vở 'Việt kiều'.Với ‘Việt kiều’, người xem có thể cười khi nghe những bài hát, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Người ta cười cách Diana Nguyễn diễn tả trên sân khấu. Rồi đọng lại, những ngẫm ngợi về chuyện những con người sống cùng lúc giữa hai nền văn hóa. Như Diana Nguyễn, một người trẻ Úc gốc Việt, đang nỗ lực vươn lên để sống với đam mê của mình.
Hai trong năm buổi diễn của ‘Việt kiều’ trong khuôn khổ Melbourne Fringe Featival năm 2013 vừa diễn ra tại Butterfly Club, Melbourne. Diana Nguyễn là diễn viên, cũng là người sản xuất vở diễn này.
Diana Nguyễn cho biết, vở diễn này thành hình từ ấn tượng trong những lần cô về Việt Nam. "Hồi 11 tuổi, tôi về nhà ông ngoại. Mấy đứa con trai trong xóm cứ chạy theo, rồi chọc nói tôi sao mập dữ vậy. Cách đây bốn năm, tôi lại có dịp về Việt Nam. Ông bảo vệ khách sạn xì xào với mấy người phía sau, rằng sao con nhỏ này bự con quá. Mà thật, hồi đó tôi hơi mập (cười)'.
“Ý tưởng của vở diễn là vậy, một cô bé Việt kiều 12 tuổi về lại quê nhà, có vòng eo quá bự, bị chọc quê, bị chê mập. Cô có hai phần trong bản sắc, cô có hai nơi chốn để trở về.
“Từ cái sự xa cách ấy, tôi muốn gợi lên sự xa cách của những người nhập cư thuộc thế hệ thứ hai, không hẳn là da vàng, cũng chẳng da trắng; chưa thuộc về nơi này, cũng chẳng còn thuộc chốn kia. Mà con người, nào ai thích vậy.
“Tôi muốn mọi người xem xong, hãy cười thật vui rồi nghỉ, ừ hén, đừng chỉ nhìn nhận con người từ màu da hay cái gì đại loại thế. Hãy bắt đầu từ bản chất cá nhân đó, từ tính cách, và từ những gì họ làm được. Tôi ghét bị đóng khung vào trong những cái hộp, rằng châu Á thế này, da vàng là thế kia. Cứ ‘like this’, ‘like this’ hoài... Tôi hổng thích vậy chút nào".
“Và ‘Việt kiều’ với những bài hát và trình diễn, sẽ trưng ra cuộc đối thoại bên trong, cùng những trải nghiệm của một ngưới sống tại Úc và trở về Việt Nam,” Diana tâm sự.
Sống với đam mê Ý tưởng của vở diễn là vậy nhưng để hình thành kịch bản và dựng thành công vở diễn lại là một kỳ công, Diana Nguyễn đã bắt đầu xây dựng kịch bản từ 8 tháng trước; sau đó, 6 tuần trở lại đây, cô cùng đạo diễn Ching Ching Ho bắt tay dựng vở.
"Thực sự là vất vả, bởi hiện nay tôi đang làm cho một tổ chức hỗ trợ người nhập cư. Sau giờ làm, tôi lao vào tập, tính ra phải mất 30 giờ mỗi tuần. Miệt mài vậy nhưng vui, vì đây là đam mê," Diana cho biết.
Không phải đến vở diễn này, Diana Nguyễn mới phải dốc hết, cả tâm lực, lẫn bạc tiền và thời gian cho đam mê sân khấu như vậy. Những vở diễn trước của cô như 'Singing 5 Ways to Disappoint Your Vietnamese Mother' (Melbourne Fringe Show 2012) và 'Phi và mẹ' (Melbourne International Comedy Festival 2013) đều vậy. Diana phải lao động để kiếm tiền, khi làm người bán hàng cho Coles, lúc đi bán giày... rồi bỏ tiền đó lo cho niềm đam mê được đứng trên sân khấu.
"Hồi nhỏ, Diana thấy trên sân khấu Úc có rất nhiều diễn viên da trắng, chủ yếu là đàn ông. Bởi thế, từ nhỏ, Diana muốn thử sức và thèm cái cảm giác được đứng trên sân khấu, được đón nhận tiếng vỗ tay khích lệ của người xem".
"Ngày nhỏ, mẹ Diana muốn Diana theo học để làm bác sĩ, làm ông này bà nọ. Vậy mới được xem là thành công. Nhưng Diana chỉ thích diễn. Mẹ buồn nên mấy vở trước, mẹ đâu có đi coi diễn. Mẹ thấy Diana vất vả với cái nghiệp này quá. Nhưng lần này thì mẹ đi coi rồi, bởi mẹ thấy, ừ, hóa ra con bé này cũng được (cười)," Diana tâm sự.
Mẹ của Diana không nói tiếng Anh được nhiều. Nỗi cô đơn mà Diana cảm nhận từ mẹ, một người nhập cư, cùng cái cảm giác nặng nề của người đứng giữa một bên là truyền thống gia đình Á Đông, bên kia là văn hóa bên ngoài xã hội, xét cho cùng, là thông điệp chính mà các vở diễn của Diana luôn hướng tới.
Khi hỏi, tại sao lại chọn hài kịch, Diana cho biết, bởi cô muốn người ta cười. Có tiếng cười thì thông điệp mới dễ đi vào lòng người, mới làm người ta cảm nhận những gì còn lại, ở phía sau.
Kho báu bên trongBên cạnh công việc giúp đỡ cộng đồng nhập cư, Diana nay đã thuộc về sân khấu và nói như một bình luận trên tờ Herald Sun, "Diana là người có khả năng làm cong ánh sáng sân khấu mỗi khi xuất hiện". Mới đây, Diana lại được chọn làm đại sứ người Việt cho Multicultural Art Victoria, một công việc mà cô khấp khởi vui và lo lắng. Vui bởi cô sẽ làm việc cho một tổ chức chuyên nghiệp, nhưng lo bởi đây là lần đầu, cô bắt đầu một trách nhiệm như vậy.
"Tôi tin mỗi câu chuyện như một phần trong kho báu mà chúng ta cất giữ bên trong. Không thố lộ, kho báu ấy rồi cũng mất. Nhưng khi ta kể cho bè bạn, giống như ta đang tạo tác nên những trang sức lấp lánh từ kho báu ấy," Diana viết trên trang web của mình như vậy.
Và hẳn cũng với ý nghĩ đó, Diana đang kể những câu chuyện của mình, từ kịch và qua kịch, như "Phi và mẹ', như ‘Việt kiều’.
Theo ABC