Bản đồ biểu thị chất lượng sống của người già tại các nước, từ tốt nhất (xanh) đến tệ nhất (đỏ)Thụy Điển là nơi tốt nhất thế giới để an dưỡng khi về già, trong khi Afghanistan là nơi tệ nhất, theo một nghiên cứu do Liên Hiệp Quốc tài trợ.
Bảng thống kê Global AgeWatch Index nghiên cứu chất lượng sống của người già ở 91 quốc gia. Na Uy và Đức đứng đầu danh sách, trong khi Anh quốc xếp hạng thứ 13.
Việt Nam xếp hạng thứ 53 trong danh sách này, thua 18 bậc so với Trung Quốc, 11 bậc so với Thái Lan, 9 bậc so với Philippines.
Tuy nhiên, Việt Nam lại xếp cao hơn Nam Hàn 13 bậc vì người cao tuổi tại Nam Hàn bị đánh giá là rất khó tìm việc làm.
Việt Nam cũng vượt Indonesia 18 bậc trong bảng xếp hạng, nhờ tuổi thọ trung bình cũng như tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi cao hơn.
Nghiên cứu này cảnh báo rằng nhiều nước không có sự chuẩn bị cần thiết trong khi tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao.
Đến năm 2050, số người cao tuổi sẽ lần đầu tiên vượt lên trên số người dưới 15 tuổi. Các nước đang phát triển cũng sẽ là nơi tập trung nhiều người cao tuổi nhất.
Bảng xếp hạng chất lượng sống của người già tại 91 nướcGlobal AgeWatch Index được Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc và tổ chức vận động quyền lợi cho người cao tuổi HelpAge International tổng hợp và công bố để đánh dấu Ngày Quốc tế Người Cao tuổi, 1/10.
Kết quả nghiên cứu sử dụng 13 chỉ tiêu khác nhau, trong đó có thu nhập, việc làm, y tế, giáo dục và môi trường. Đây cũng là lần đầu tiên một báo cáo như vậy được tiến hành trên diện toàn cầu.
[b]Không chỉ là tiền bạc[[b]b]
Các tác giả của công trình nghiên cứu này nói nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với dân số già đi với tốc độ rất nhanh.
"Việc liên tục loại trừ vấn đề tuổi già ra khỏi các cuộc thảo luận trên diện quốc gia và toàn cầu là một trong những trở ngại lớn nhất trước việc đáp ứng nhu cầu của dân số đang già đi trên thế giới," bà Silvia Stefanoni, giám đốc điều hành của HelpAge International, bình luận.
"Bằng cách cho chúng ta hiểu tốt hơn về chất lượng cuộc sống của phụ nữ và đàn ông khi về già, bảng thống kê này có thể hướng sự tập trung của chúng ta vào những lĩnh vực đã có tiến triển tốt, cũng như những gì cần được cải thiện."
Trong lúc Thụy Điển xếp đầu danh sách, Afghanistan bị xếp cuối bảng. 20 nước dẫn đầu bảng xếp hạng chủ yếu là các nước Tây Âu và Hoa Kỳ, cùng với Nhật, Úc và Chile.
Tiền bạc không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng. Những nước như Sri Lanka, Bolivia và Mauritius được xếp cao hơn nhiều quốc gia giàu có.
Nhiều quốc gia phát triển nhanh chóng bị xếp thấp hơn những nước khác, ví dụ như Nga (78), Ấn Độ (73), Thổ Nhĩ Kỳ (70), đều xếp hạng thấp, trong khi Brazil (31), và Trung Quốc (35), lại được xếp cao hơn
Theo BBC