Nghiên cứu mới đăng trong báo Nhi Khoa đã có kết luận về nguyên nhân dịch ho khan pertussis bộc phát ở California năm 2010. Đây là dịch pertussis trầm trọng nhất ở California, nhiễm 9,120 em nhỏ và khiến 10 trẻ sơ sinh thiệt mạng, tất cả dưới 3 tháng tuổi, tức là còn quá nhỏ chưa được chủng ngừa pertussis. Thoạt tiên nguyên nhân được cho là thuốc chủng pertussis không còn hiệu nghiệm đúng mức, nhưng theo tờ Nhi Khoa mới, nạn dịch đã khởi đi từ những em nhỏ không chủng ngừa pertussis.
Khoảng 10 năm nay, khái niệm “chủng ngừa quá tải” đã có một số người ủng hộ, kể cả vài nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ thuật như Jenny McCarthy, Jim Carrey… Họ cho rằng lượng thuốc chủng ngừa cho trẻ em theo CDC (Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Bệnh) là quá nhiều đối với trẻ nhỏ, làm yếu hệ thồng miễn nhiễm còn non nớt của chúng. Thậm chí họ còn cho rằng chủng ngừa quá tải có thể dẫn đến bệnh tự kỷ (austism), theo một báo cáo trong tờ báo y khoa The Lancet sau này đã bị những chuyên gia khác bác bỏ.
Tuy không có một nghiên cứu khoa học nào xác nhận những lo sợ về chích ngừa quá tải gây hại cho hệ thống miễn nhiễm của trẻ nhỏ, phong trào chống chủng ngừa cho trẻ em đã đủ ồn ào và thế lực để nhiều cha mẹ lo lắng và không con con chủng ngừa. Hiện nay, 20 tiểu bang cho phép trẻ em miễn chủng ngừa nếu cha mẹ ký tờ đơn “không chủng ngừa” với lý do “lòng tin triết lý và cá nhân,” và 48 tiểu bang chấp nhận lý do tôn giáo.
Về phương diện y tế, theo nghiên cứu trong tờ Nhi Khoa, sức khỏe công chúng xem như nằm trong mức an toàn nếu ít nhất 95% dân số có chủng ngừa. Con số này không kể đến những người vì lý do này hay lý do khác không thể chủng ngửa, như trẻ em chưa đủ tuổi cho một loại thuốc chủng ngừa nhất định. Gần đây, tỷ lệ trẻ em không chủng ngừa mỗi lúc càng tăng. Ở California, nơi xảy ra vụ dịch pertussis năm 2010, trong năm học 2012-2013, có những trường với tỷ lệ không chủng ngừa vì lý do “lòng tin triết lý và cá nhân” lên đến 27%. Tỷ lệ chủng ngừa không đồng đều giữa các địa hạt có nghĩa là tuy nhìn chung một vùng tỷ lệ chủng ngừa có thể là 95%, nhưng trong vùng ấy sẽ có những khu vực ít chủng ngừa rõ rệt và khả năng phát dịch cao hơn. Khi dịch đã phát, bệnh có thể lây lan đến những trẻ không thể chủng ngừa như trẻ dưới tuổi chủng ngừa hoặc vì một nguyên nhân sức khỏe nào khác.
Vụ dịch pertussis ở California năm 2010 là một ví dụ cụ thể. Những chuyên gia trong cuộc nghiên cứu đăng trong tờ Nhi Khoa đã nhận diện 39 khu vực có nhiều trẻ em không chủng ngừa với lý do lòng tin cá nhân, và hai khu vực liên quan đến sự lan truyền nhanh chóng của pertussis. Trong những khu vực ít chủng ngừa, số trẻ bị bệnh pertussis nhiều hơn những khu vực chủng ngừa cao. Kết quả là 10 trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi bị thiệt mạng, những trẻ em còn quá nhỏ, dù cha mẹ muốn cho chúng chủng ngừa cũng chưa đến hạn.
Đã hơn 10 năm từ khi tờ The Lancet đăng tin chủng ngừa gây bệnh tự kỷ, và đã có nhiều nghiên cứu kết luận rằng chủng ngừa không hề liên quan đến bệnh tự kỷ và không có một tác động tai hại nào khác, nhưng vẫn không thuyết phục được tất cả mọi người. Chủng ngừa là một trong những thành quả lớn lao nhất của y tế, giúp nhân loại thoát khỏi những nạn dịch chết người hàng loạt như dịch tả và đậu mùa. Một số người chống chủng ngừa có lý luận rất ngớ ngẩn rằng thế giới ngày nay không còn bệnh dịch thì con người cũng không còn cần chủng ngừa. Không hiểu họ quên, hay thực sự không nghĩ ra được là bệnh tật có vẻ như đã bị tiêu diệt chính là nhờ chủng ngừa đã phòng được bệnh, chứ những loại vi trùng gây bệnh chưa hề bị tiêu diệt.
Chủng ngừa là một biện pháp y tế chỉ thực sự hữu hiệu khi áp dụng cho đại đa số. Những cha mẹ không cho con chủng ngừa không những đặt con mình vào cơ nguy mà đồng thời còn tăng mối nguy cho những trẻ em khác sống chung quanh họ. Đây là một điểm đáng suy ngẫm cho những người trong phong trào chống chủng ngừa.
Nguyễn Phương