Một số tiểu bang Úc đã cấm sử dụng loại túi nhựa độc hại nhất nhắm tới loại bỏ tác động xấu của túi nhựa đối với đại dương trên Trái đất. (Credit: ABC)Các nhà sản xuất nhựa sinh học hi vọng sản phẩm mới phát triển trong các phòng thí nghiệm một ngày nào đó sẽ thay đổi tác động của bao bì đối với môi trường.
Động thái thúc đẩy này diễn ra khi tập đoàn bán lẻ Target của Úc quay lưng lại với chính sách tính phí khách hàng sử dụng những túi mua sắm thân thiện với môi trường hơn sau khi nhận được những lời phàn nàn và lợi nhuận giảm.
Tập đoàn Target của Úc đã đi đầu trong việc phát triển các nguyên liệu giống nhựa làm từ tinh bột có thể phân hủy khi dùng làm phân bón.
Andrew Cove, một chuyên gia tư vấn tại công ty ‘Because We Care’ có trụ sở tại Melbourne, một trong những nhà cung cấp sản phẩm túi có thể phân hủy sinh học, cho rằng chính sách này đã tạo tác động nhất định.
“Kể từ khi chúng tôi phát triển và bán chiếc túi đầu tiên năm 2009, tập đoàn Target Úc nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ loại bỏ 100 triệu túi nhựa trong năm đầu tiên,” ông Cove nói. “Từ đó tới nay, chúng tôi đã loại bỏ trên 500 triệu túi nhựa.”
Tuần trước, tập đoàn bán lẻ khổng lồ này đã thay đổi chính sách. Nay, họ cho khách hàng lựa chọn một túi nhựa miễn phí hoặc một túi nhựa phân hủy sinh học với giá 10 xu.
Target cho biết thay đổi này là phản hồi tới 500 lời phàn nàn của khách hàng về việc phải trả tiền cho túi phân hủy sinh học. Tuy nhiên, nghiên cứu khác cho thấy thái độ khác biệt ở quầy thanh toán.
Nghiên cứu do Đại học Nam Úc thực hiện về lệnh cấm túi nhựa của tiểu bang vào năm 2008 cho thấy 80% dân số ủng hộ động thái trên.
Nhựa sinh học tuyệt vờiNăm năm trước, Trung Quốc cấm bán túi nhựa mỏng và buộc các công ty bán lẻ tính phí khách hàng với những túi dày hơn để có thể tái sử dụng.
Chính phủ Trung Quốc cho biết quyết định này đã tiết kiệm hàng tỉ túi nhựa không bị vứt ra đường mặc dù nhiều người nghi ngờ quy định này được thực thi nghiêm khắc tới đâu.
Theo ông Andrew Cove, hầu hết túi nhựa trên thế giới bắt nguồn từ Châu Á và khu vực này cũng đem đến cơ hội trong lĩnh vực nhựa phân hủy sinh học.
“Trung Quốc là một trong năm khu vực sản xuất túi nhựa lớn trên thế giới, cùng với Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc là anh cả trong ngành công nghiệp này,” ông Cove nhận xét.
“Có 16 trường đại học tập trung chủ yếu vào việc phát triển nhựa sinh học cũng như đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư trong lĩnh vực này. Chúng tôi tự hào là một trong số những trường này vì cuối cùng hầu hết những sản phẩm mới được phát triển trên toàn cầu đều từ Trung Quốc.”
Túi nhựa sinh học không phân hủy trong nước lạnh đại dương nhưng nếu xử lý đúng cách, chúng sẽ phân hủy trong phân bón thương mại.
Túi nhựa không chỉ là sản phẩm duy nhất có sản phẩm nhựa sinh học thay thế. Công ty Plantic tại Melbourne còn sản xuất các loại bao bì khác từ bột ngô, trong đó có khay đựng thịt và sô-cô-la.
Giám đốc điều hành công ty Plantic, ông Brendan Morris, cho rằng giờ là thời kỳ ban đầu của ngành công nghiệp nhựa sinh học nhưng tiềm năng sẽ rất lớn với những công ty phát triển được các sản phẩm thay thế thân thiện với hệ sinh thái.
“Cần phải nhớ rằng nguyên liệu nhựa truyền thống đã có mặt khoảng 70-80 năm và đã được phát triển để phục vụ cho tất cả các thị trường,” ông Morris nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những phiên bản mới của nguyên liệu hiện có, những loại mới với những tính chất mới để mở rộng thị trường.”
Chiến dịch giáo dụcCũng có thể kỳ vọng rằng các thế hệ tương lai sẽ trưởng thành với kiến thức sâu sắc hơn về tác hại của nhựa đối với hành tinh Trái đất.
‘Take 3’ là chiến dịch giáo dục khuyến khích mọi người nhặt ba thứ rác khi họ tới bãi biển hoặc đi chơi.
Cho tới nay đã có 60 trường học tham gia chương trình ‘Take 3’ như các câu lạc bộ câu cá, bơi thuyền và lướt ván.
Người sáng lập chiến dịch, ông Tim Silverwood, nhận định thông điệp dường như ngày càng rõ ràng.
“Chúng tôi yêu cầu mọi người phản hồi bằng việc nhặt đồ nhựa và rác trên mặt đất và xem xét mối quan hệ với đồ nhựa để cố gắng giảm lượng nhựa sử dụng, tái sử dụng, tái chế, đồng thời từ chối sử dụng những loại dùng một lần,” ông Silverwood cho biết. “Đây là việc làm chủ động và chúng tôi hi vọng có thể thu hút thêm nhiều trường ở Úc và trên thế giới, sử dụng thông điệp này để giáo dục về vấn đề sử dụng túi nhựa và khuyến khích những hành động đơn giản nêu trên.”
Theo ABC