“Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông; Xin Ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi. Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dẫu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”
Đó là dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra để dạy các môn đệ và dạy chúng ta “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.”
Bà góa đã cầu xin liên tục và bền chí. Điều đó làm cho ông quan tòa, một người kiêu căng tự phụ,“chẳng kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng coi ai ra gì” phải chiều lòng bà góa vì bà ta “làm cho ông nhức đầu nhức óc”. Một người quan tòa tự phụ kiêu căng, thiếu lòng thương xót, mà còn phải chịu nghe lời cầu xin kiên trì của bà góa, thì Thiên Chúa là một người Cha giàu lòng yêu thương, thì sao Ngài có thể làm ngơ trước nhưng lời van xin của con cái mình! Chân lý ấy đã được Chúa xác định: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ mà Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ.”
Nhưng đi vào thực tế, chúng ta đã cầu nguyện bằng tâm tình, thái độ nào?
Cầu nguyện là một việc quan trọng và cần thiết trong đời sống Kitô hữu.
Cầu nguyện là một nhu cầu sống của đời sống đức tin. Đức tin được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và cầu nguyện thể hiện đức tin. Cầu nguyện và đức tin có mối quan hệ hỗ tương như thánh Augustine đã nói: “ Đức tin làm tuôn ra những lời cầu nguyện, và khi tuôn ra, lời cầu nguyện nâng đỡ và làm mạnh mẽ đức tin”.
Khi cầu nguyện, chúng ta thường chú trọng đến xin ơn hơn là tôn vinh Thiên Chúa, kết hợp với Ngài, tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Ngài, tỏ lòng yêu mến và trông cậy vào Ngài.
Cầu nguyện là tiếng nói của con tim, là những lời tâm sự, những trao đổi tâm tình với Chúa.Ngài nhìn và lắng nghe tiếng nói của con tim chúng ta khi cầu nguyện.
Chúng ta có khuynh hướng chỉ cầu nguyện với Chúa, chỉ nhớ Ngài, chỉ chạy đến với Ngài khi gặp phải khó khăn, khốn khổ, hiểm nguy, nhưng khi cuộc sống bình an, phẳng lặng, chúng ta lại quên Ngài.
Một vận động viên leo núi nỗ lực đạt tới một đỉnh núi rất cao. Trong khi đang dò dẫm từng bước trên một vách núi thẳng đứng, anh lỡ chân, trượt xuống. May mắn, anh bám được một cành cây mọc chơ vơ bên bờ đá. Phía đưới là vực thẳm.
Giữa lúc hoảng sợ, nhớ tới Chúa, anh nhìn lên trời kêu cứu: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu, xin mau cứu vớt con!”
Bỗng từ trên trời có tiếng Chúa đáp lại: “Nếu con muốn Ta cứu con, con phải có lòng tin mới được.”
Chàng thanh niên thở phào: “Lạy Chúa, con tin Chúa, tin rất nhiều, tin mạnh mẽ. Xin Chúa mau giúp con”.
Chúa lại phán: “Nếu con đặt hết tin tưởng vào Ta, thì con hãy buông tay ra khỏi cành cây, con sẽ nhẹ nhàng rơi xuống phía dưới an toàn”.
Sau một lúc im lặng do dự, chàng thanh niên lại gào thật to: “Trên đó có ai không, xin cứu tôi với!”
Cũng có khi chúng ta cầu nguyện bằng một sự mặc cả với Thiên Chúa: nếu Chúa cho con được điều này việc kia, con sẽ…; hay có khi chúng ta đòi hỏi Chúa phải can thiệp trực tiếp mà không nhìn thấy sự can thiệp gián tiếp của Ngài, không hành động để Ngài can thiệp lại đòi hỏi Ngài phải làm theo ý mình. Cầu nguyện không phải là phó mặc cho Thiên Chúa mà cần có sự hành động của chúng ta.
Có một người quả quyết rằng mỗi khi ông ta xin Thiên Chúa điều gì, thì nhất định Ngài sẽ ban cho ông.
Thế rồi, một lần đập nước bị vỡ. Nước tràn ngập khắp vùng. Cảnh sát báo động cho mọi người phải di tản. Ông vẫn phớt lờ lời kêu gọi của cảnh sát vì ông đã cầu xin Chúa giúp ông.
Nước càng ngày càng dâng cao. Ông leo lên gác và yên tâm ngồi nhìn ra cửa sổ. Có một xuồng cấp cứu đến. Ông vẫn coi thường vì ông tin tưởng nhất định Chúa sẽ lo cho ông an toàn. Nước ngập tới gác. Ông leo lên nóc nhà ngồi đó chờ đợi. Một chiếc trực thăng bay đến, thả dây xuống. Ông vẫn làm ngơ không quan tâm đến. Cuối cùng, ông bị chết đuối.
Vào cửa thiên đàng, ông còn uất ức. Thấy thế, thánh Phêrô mới hỏi: “Ông bạn đang càu nhàu chuyện gì vậy?”
Ông ta hằn học trả lời: “ Chuyện gì à! Tôi đã tin tưởng và cầu xin Chúa cứu vớt tôi, thế mà Ngài đã không nghe lời tôi để tôi phải chết đuối”.
Thánh Phêrô ôn tồn bảo: “ Chúng tôi đã gửi cảnh sát đến kêu gọi di tản, đã cho xuồng đến cứu và còn cho cả trực thăng đến. Chúng tôi đã nghe lời kêu cứu của ông, sao ông không thấy?”
Việc Chúa can thiệp nhanh hay chậm là việc của Chúa. Điều quan trọng là chúng ta phải cầu nguyện trong tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình thương của Ngài. Trong trận chiến với Amalếch, Chúa đã ban cho ông Môisê cây gậy quyền lực để chiến đấu với quân thù, thì Chúa cũng ban cho chúng ta một cây gậy đức tin, cây gậy cầu nguyện để chiến thắng những hiểm nguy, đau khổ, để lướt thắng cám dỗ. Mỗi lần tay ông Môisê hạ xuống vì mệt mỏi thì quân của Amalếch thắng thế, và khi tay ông đưa lên thì Israel thắng thế; cũng thế, khi cậy gậy đức tin, cây gậy cầu nguyện hạ xuống vì nản lòng, nản chí, thì cũng là lúc cám dỗ thắng thế và khi cây gậy cầu nguyện đưa lên, thì cám dỗ cũng phải chịu thua.
Chúa cũng đã cho biết: “Dù Người có trì hoãn,” nhưng Người sẽ mau chóng bênh vực khi thời gian thuận tiện, bằng hình thức này hay hình thức khác; vì Chúa muốn dùng gian nan, thử thách để tinh luyện đức tin, đức mến và đức cậy của chúng ta. Ngài không bỏ rơi chúng ta. “ Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.”
Và Chúa còn lo lắng: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất này nữa chăng?”
Để nỗi lo lắng ấy không trở hành hiện thực, hãy nhấc cao “cây gậy cầu nguyện luôn và không nản chí” lên trong tinh thần mà thánh Phaolô đã gửi cho Timôthê: “ Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc”.
LM. Trịnh Ngọc Danh