Tác phẩm của Ngô Thái Hoàng Phương đã vượt qua 700 tác phẩm khác để dành giải thưởng của triển lãm nghệ thuật đương đại tại miền Tây Melbourne.Một nghệ sĩ Úc gốc Việt đã giành được giải thưởng cho phim ngắn với tựa đề ‘Ba tôi, kẻ buôn người’. Bộ phim thể hiện một góc nhìn khác về những người nhận tiền để đưa người vượt biên xin tị nạn.
Ngô Thái Hoàng Phương là một nghệ sĩ trẻ người Úc, sinh ra và lớn lên tại Adelaide trong một gia đình người Việt tị nạn tại Úc trong những năm 70 và 80.
Anh từng theo học ngành Đông phương và Chính trị học tại Đại học Flinder nhưng lại bén duyên với nhiếp ảnh và nghệ thuật.
“Tôi không phải là một nhà nhiếp ảnh tài ba nhất, có vẻ tôi thiên về nghiên cứu hơn. Có lẽ gia đình đều là những người thích nghiên cứu và hiếu học, tôi chỉ là thực hiện nghiên cứu theo phương thức nghệ thuật hơn thôi.”
Phương chia sẻ rằng ba má chính là nguồn cảm hứng sáng tác và là người có ảnh hưởng nhất với anh.
“Họ là những người định hình tôi là ai như hiện nay và là lý do khiến tôi muốn những trải nghiệm của họ được sống mãi, đồng thời giúp tôi hiểu được những gì họ đã phải trải qua để cho tôi cuộc sống như ngày hôm nay.”
Trong phim ngắn đoạt giải của mình, Phương đã kết hợp giữa những hình ảnh anh tự quay và chụp khi thăm lại đảo Pulau Bidong, Malaysia gần đây và những ảnh tư liệu của gia đình. Anh muốn chia sẻ trải nghiệm mà gia đình mình đã phải trải qua khi tìm đến tị nạn tại Úc và đặc biệt là về ba anh. Vào cuối những năm 1970, ba của Phương từng tổ chức 4 cuộc vượt biên từ Việt Nam và đưa vợ con mình lên thuyền trong chuyến thứ 5.
Dù không được nhắc trực tiếp trong phim nhưng Phương đã gắn ba anh với danh xưng ‘kẻ buôn người’ – có tính tiêu cực đối với những người Úc hiện nay và bị xem là những người trục lợi trên khó khăn của người khác.
Làm như vậy vì Phương muốn lồng ghép vấn đề đang nóng hổi trong xã hội Úc hiện đại với trải nghiệm rất cá nhân của một con người. Anh muốn người xem nghe được tiếng nói của người thực-việc thực, một góc nhìn khác về những ‘kẻ buôn người’ chỉ xuất hiện dưới cái nhìn tiêu cực của truyền thông, trong những tranh luận về vấn đề người xin tị nạn đang bị chính trị hóa và mất dần tính nhân văn ở Úc.
“Tôi không thật sự có chắc rằng ba má mình có hiểu hết những gì tôi đã thực hiện,” anh nói.
“Tôi nghĩ là ba tôi thấy vui vì tôi đã kể lại câu chuyện của gia đình, đó là một câu chuyện có thật và ông ấy tự hào về nó.”
“Còn đối với tôi và những anh chị em trong nhà thì bộ phim này rất có ý nghĩa. Và đối với rất nhiều người hiện đang khai thác đề tài này qua văn học, các hình thức nghệ thuật khác hay ngay cả trong chính trị thì chúng ta phải thừa nhận có mối liên hệ giữa những gì ba má tôi đã trải qua với những gì đang xảy ra trong chính trị Úc hiện đại.”
Trăn trở về căn tínhTrước Ngô Thái Hoàng Phương đã có rất nhiều nghệ sĩ Úc gốc Việt đã khai thác đề tài này và cũng đạt được những giải thưởng hay được đón nhận nồng nhiệt như tác phẩm ‘Chiếc thuyền’ của Nam Lê hay ‘Người tị nạn Hạnh Phúc’ của Anh Đỗ.
Theo Phương, lý do tại sao câu chuyện vượt biển luôn là đề tài tạo nguồn cảm hứng sáng tác đối với thế hệ người Việt thứ hai tại Úc vì nó là một phần lịch sử của cộng đồng và điều tạo nên “căn tính của họ”.
“Phải thừa nhận rằng tôi nhiều khi không cảm thấy mình thuộc về Úc và tồn tại những điểm khiến tôi cách biệt với những gì xu hướng chính trong xã hội Úc.”
“Có thể vì tôi có ngoại hình khác biệt hay vì một phần lịch sử tại sao tôi đến đây.”
“Chính vì thế, cần công nhận phần lịch sử đã tạo nên chúng tôi là chúng tôi. Chúng tôi đã bị dịch chuyển về thể chất, văn hóa, lịch sử, địa lý khỏi cội nguồn của mình.”
“Nó trở thành một phần căn tính của chúng tôi và nghệ thuật là sự thể hiện cái tôi cá nhân nên việc này (khai thác tìm về nguồn gốc của mình đến Úc) không thể không xảy ra.”
Phương đã nhiều lần quay lại Việt Nam và anh rất hạnh phúc khi được gặp những người bà con trong gia đình, tìm hiểu về nguồn gốc của mình. Tuy nhiên, anh luôn có cảm giác “là người Việt nhất khi ở Úc và là người Úc nhất khi ở Việt Nam.”
Phương nói mọi người luôn hỏi anh từ đâu đến khi ở Úc và khi ở Việt Nam thì luôn bị coi là Việt kiều. Vì thế cá nhân anh và thế hệ thứ hai như anh luôn cảm giác mình bị mắc kẹt giữa hai nền văn hóa.
Dự án ‘Article 14.4’Từ tác phẩm ‘Ba tôi, kẻ buôn người’, Phương muốn phát triển khai thác đề tài này rộng hơn trong cộng đồng người Việt. Anh hiện đang nghiên cứu và dàn dựng cho dự án ‘Article 14.4’ trong đó anh sẽ ghi lại câu chuyện của những người vượt biển qua nhiều hình thức như video, thu âm, ảnh… để trưng bày trong Lễ hội Next Wave vào tháng Năm 2014.
Dự tính Phương sẽ sống 10 ngày tại khu triển lãm, trong một chiếc thuyền giống như của gia đình năm xưa và gập những chiếc thuyền giấy bằng tiền âm phủ. Anh cũng sẽ kêu gọi những người tới xem triển lãm tham gia cùng gập thuyền với mình với hy vọng trong 10 ngày họ sẽ có thể làm 10 nghìn chiếc thuyền để ngày cuối cùng có thể đốt chúng dành tưởng niệm những người đã thiệt mạng trên biển.
Theo ABC