“Quái kiệt” Trần Văn TrạchHằng tuần vào lúc 4 giờ chiều ngày thứ Tư và thứ Sáu, người Sài Gòn xưa vẫn thường nghe “quái kiệt”
Trần Văn Trạch (1) hát bài “xổ số kiến thiết” qua đài phát thanh trước khi nghe chương trình trực tiếp
truyền thanh hoặc đến tận rạp Thống Nhất trên đường cùng tên để tận mắt xem mở số. Chương trình
còn có các ca sĩ giúp vui xen kẽ các lần xổ lô trúng giải.
Sẽ không thể nào quên được giọng hát trầm ấm của Trần Văn Trạch với những lời kêu gọi, thúc giục
mọi người mua vé số để “kiến thiết quốc gia”:
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Năm muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số… gần… đến…
Tiền thân của Vé số Quốc gia là Vé số Đông Dương hay còn gọi là Đông Pháp (Loterie Indochinoise)
được phát hành thời Pháp thuộc từ năm 1935, có in các thứ tiếng: Pháp, Việt, Hoa và Cămpuchia. Giá
tiền ghi trên vé số là 1 đồng Đông Dương với tổng số tiền trúng giải là 300.000 đồng.
Vào năm 1935, các giải trúng gồm 8 lô, thấp nhất là 1.000 vé trúng 25 đồng và cao nhất là lô độc đắc
lên đến 100.000 đồng. Năm 1937, tổng số tiền giải thưởng là 900.000 đồng, trong đó có lô độc đắc
trúng 6.000 đồng. Đến năm 1939, tổng số tiền trúng giải hạ xuống còn 800.000 đồng với vé trúng độc
đắc 4.000 đồng và thấp nhất là 4.000 vé trúng 10 đồng.
Người ta nhận thấy giải độc đắc càng về sau càng xuống thấp nhưng các giải khác có số lượng trúng
tăng cao. Giá trị của giải thưởng cũng thay đổi, từ thấp nhất 25 đồng với 1.200 lô năm 1935 đến 10
đồng 6.000 lô năm 1937 và 4.000 lô năm 1939.
Vé số Quốc Gia là tiếp nối của Vé số Đông Dương, sau khi Pháp trao trả độc lâp cho Việt Nam vào năm
1951. Vé số thời kỳ này chỉ mở hàng tháng hay vài tháng một lần, chứ không xổ hằng tuần như sau này.
Vé số do Bộ Kế hoạch và Kiến thiết Quốc gia phụ trách phát hành với chữ ký của Tổng trưởng và Đại lý
Tổng giám đốc Ngân khố.
Tờ vé số đầu tiên của Quốc gia Việt Nam được xổ ngày 31/12/1951 với giá 10 đồng, được in bằng 3
thứ tiếng Việt, Pháp và Hoa ở mặt sau với 80.834 số trúng, tổng cộng trị giá giải thưởng 12.500.000
đồng. Giải độc đắc 1.000.000 đồng và thấp nhất là giải 100 đồng (có đến 75.000 vé trúng).
Điểm đặc biệt đáng lưu ý là tại mặt sau của tờ vé số có ghi: “Quá hạn 6 tháng sau ngày xổ số, những số
trúng không tới lãnh sẽ xung vào quỹ Quốc gia Kiến ốc cục”. Đây là quỹ xây dựng nhà ở trong chương
trình phục vụ dân sinh của chính phủ.
Sang đến thời Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, hình thức thiết kế trên vé số có phần thay đổi,
thường là họa tiết phong cảnh các miền của đất nước, ngay cả Chùa Một Cột, Hồ Gươm và cầu Thê
Húc khi đó đang thuộc miền Bắc cũng được in trên vé số ở miền Nan.
Người ta thấy ở mặt sau vé số phát hành năm 1955, tiếng Pháp đã được thay bằng tiếng Anh còn tiếng
Hoa vẫn được giữ nguyên. Giá tiền vẫn 10 đồng, không khác gì thời Pháp thuộc.
Ngoài vé số kiến thiết, từ 1954 tới 1975 còn có rất nhiều loại vé số từ thiện, còn được gọi là vé số
Tombola, nhằm mục đích gây quỹ hay hỗ trợ cho các cơ sở từ thiện trong cộng đồng. Vé số loại này có
thể được phát hành bởi tổ chức tôn giáo như Phât giáo, Công giáo, Cao Đài, Tuyên Uý… hoặc cơ sở
chính quyền nhỏ hay một vài đơn vị quân đội.
Giá mỗi vé là 5 hay 10 đồng, tương đương với một tô phở bình dân hay một bữa cơm cho người nghèo
tại các cửa hàng cơm xã hội thời bấy giờ. Tất cả các vé số đều có các giải thưởng bằng hiện vật do các
nhà hảo tâm hiến tặng, không có giải thưởng bằng hiện kim.
Ngày mở số của những vé số này có thể bị hoãn do tình trạng bán vé quá chậm, ít người mua. Tuy
nhiên, nếu hoãn đều có thông báo trên các phương tiện truyền thông. Đến ngày mở số sẽ có thông báo
phổ biến kết quả xổ số một cách rộng rãi trên báo chí và đài phát thanh.
Hình dưới đây là vé số Tombola gây quỹ xã hội của Nha Cảnh sát và Công An Nam Phần với lời ghi bên
góc trái: “Vé số chỉ được bán cho nhân viên Cảnh sát, Công an và gia đình. KHÔNG ĐƯỢC PHÉP BÁN
CHO TƯ NHÂN”.
Thật tình, tôi là người cả đời chưa bao giờ mua vé số nhưng cũng có đôi lần sở hữu những tấm vé số
bạn bè thân tặng để “chúc mừng năm mới” lấy hên. Tôi nghĩ đây là một cách ứng xử khôn khéo và tế nhị
khi ngoài những câu chúc tụng người chúc còn kèm theo một tờ vé số thay vì tiền lì xì.
Cầm tờ vé số trong tay là bạn có quyền bắt đầu một giấc mơ “triệu phú”… cho đến khi vé số được xổ.
Cũng vì thế có một triết gia nào đó đã ví hôn nhân như một cuộc xổ số, người ta chỉ biết mình có hạnh
phúc hay không sau khi đã chấp nhận “một nửa của mình” qua tờ hôn thú cũng tựa như nắm trong tay
tấm vé số chưa xổ.
Nói như vậy thì cũng hơi quá. Không thể đánh đồng một cuộc hôn nhân với tấm vé số vì cả hai đều
thuộc về phạm trù khác hẳn nhau. Hôn nhân có thể bi quan hay lạc quan suốt cả cuộc đời còn vé số chỉ
là chuyện may rủi trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Hơn nữa, người ta có thể mua vé số nhiều lần
nhưng chuyện hôn nhân thì chỉ có một lần, trừ khi… nửa đường gãy gánh.
Trở lại với chuyện vé số. Sau năm 1975, vé số hầu như “tuyệt chủng” ở miền Nam, vì chính quyền mới
coi vé số là một hình thức cờ bạc, tàn dư của “chế độ Tư bản đang giẫy chết”. Người ta không biết vì lý
do gì mà đến năm 1979 vé số lại bắt đầu nở rộ ở miền Nam cho tới ngày nay!
Ngày xưa cả miền Nam mỗi tuần chỉ có vài vé trúng độc đắc còn ngày nay thì 64 tỉnh thành ở Việt Nam
đều in vé số, như vậy là có đến hàng chục “tân triệu phú” mỗi tuần. Một con số không biết đáng mừng
hay đáng lo vì hình như mua vé số trở thành một cái “gien di truyền” trong xã hội ngày nay. Chưa kể biến
tướng của vé số là anh bạn “số đề” mỗi tuần lấy đi một dòng tiền đáng kể của những người nghèo ước
mơ thành triệu phú…
Nguyễn Ngọc Chính
(Trích từ Hồi ức một đời người)
—————————–
(1) Trần Văn Trạch (1924- 1994): ca nhạc sĩ có tên thật là Trần Quang Trạch, với mái tóc dài cùng giọng
ca trầm ấm, cộng thêm nghệ thuật biểu diễn mới lạ, vui nhộn, độc đáo… ông được khán giả, báo chí
trước 1975, phong tặng danh hiệu “quái kiệt”. Ông là em của giáo sư Trần Văn Khê.