Hỏi:Kính gửi bác sĩ Nguyễn Ý Đức,
Vợ chồng chúng tôi có mấy câu hỏi như sau, muốn nhờ bác sĩ giải thích cho.
Tôi năm nay hơn 60 tuổi, sức khỏe cũng không đến nỗi tệ, ăn vẫn được, ngủ ok, chỉ bị hơi cao huyết áp, bác sĩ chưa cho thuốc uống và chỉ khuyên nên vận động và ăn uống kỹ càng, bớt mặn.
Năm ngoái khám bệnh, bác sĩ nói prostate hơi to, cho nên thử máu tìm chất men gì đó. Ổng có giải thích mà tôi không hiểu rõ. Xin bác sĩ giải thích hộ là thử men gì vậy. Có phải là men rượu không. Tôi rất ít uống rượu, vì uống vào là đỏ mặt, nói “linh tinh”, vợ “mắng”.
Còn nhà tôi, năm nay 57 tuổi, còn khỏe nhưng cứ sợ bị ung thư tử cung. Bác sĩ cho tôi biết là bà ấy cần phải làm gì để sớm tìm ra bệnh này.
Xin cảm ơn bác sĩ
Nguyễn KhanhTrả lời:Chào ông Khanh,
Thắc mắc của ông bà về hai bệnh này cũng là thắc của nhiều người, vì cả hai bệnh đều thường thấy ở lớp tuổi như của ông bà.
Trước hết xin nói về chuyện riêng của ông là nhiếp tuyến hơi to
Bình thường, nhiếp tuyến lớn bằng trái óc chó (walnut). Thế rồi với thời gian, tuổi tăng thì nhiếp tuyến cũng nhỉnh dần lên. Và tới tuổi ngoài 60 thì một số đông nam giới đều có chứng gọi là phì đại nhiếp tuyến. Phì đại này thường thì lành tính, nhưng cũng có một số phì đại là ung thư của tuyến này.
Để xác định ung thư, y học thường thử máu để kiếm một chất gọi là PSA, làm sinh thiết tế bào tuyến và khám coi xem tuyến có lớn không.
PSA viết tắt của Prostate-Specific-Antigen, là một loại enzyme do các tế bào của nhiếp tuyến sản xuất và có công dụng làm lỏng tinh dịch. Khi nhiếp tuyến bị ung thư, tế bào tuyến nhiều hơn thì PSA tăng. PSA cũng tăng khi nhiếp tuyến bị viêm hoặc phì đại lành tính.
PSA bình thường là từ 0 tới dưới 4.0ng/mL; tăng cao dần cho tới mức 6.5ng/mL vào tuổi 80.
Kết quả trên 4.0 ng/ml là không bình thường với người từ 50 tới 70 tuổi; người trẻ thì trên 2.5 ng/mL là không bình thường.
Từ thập niên 1990, PSA đã được dùng thường xuyên để xác định ung thư nhiếp tuyến. Nhưng gần đây, đã có nhiều ý kiến khác nhau về lợi hại của xét nghiệm này. Một số nhà chuyên môn y học cho rằng xét nghiệm không tốt lắm trong việc giúp bác sĩ cân nhắc xem những ai bị ung thư nhiếp tuyến có thể đe dọa tới tính mệnh và những ai bị ung thư nhưng phát triển rất chậm và không gây nguy hiểm gì. Thêm vào đó, sau khi có kết quả PSA, việc làm sinh thiết để xác định ung thư cũng như điều trị lại tạo ra nhiều rối loạn cho sức khỏe.
Ngày 3 tháng 5, 2013 mới đây, Hội Tiết Niệu Hoa Kỳ đã đưa ra một hướng dẫn mới như sau:
- Đàn ông dưới 40 tuổi không nên thử PSA.
- Đàn ông từ 40-54 cũng không cần làm PSA, ngoại trừ khi họ có thân nhân bị bệnh này hoặc thuộc nhóm có nhiều nguy cơ bị ung thư như người Mỹ gốc Phi châu.
- Đàn ông từ 55 tới 69 tuổi thuộc nhóm có nhiều lợi điểm khi làm PSA, nhưng họ nên cân nhắc lợi hại với bác sĩ của mình. Một khi đã chọn làm PSA thì không nên thử hằng năm mà nên làm mỗi 2 năm.
- Đàn ông trên 70 tuổi hoặc khi tuổi thọ còn dưới 10 năm thì cũng chẳng nên làm PSA.
Đó là hướng dẫn mới. Hướng dẫn cũng chỉ có tính cách gợi ý chứ không phải là điều bắt buộc bệnh nhân phải thực hiện thử nghiệm này. Tùy theo tình trạng bệnh của mình cũng như tùy theo quan niệm của mình với bệnh rồi tự đưa ra quyết định, cùng với sự góp ý của bác sĩ đang điều trị. Chúng tôi biết có nhiều người quen bị sưng nhiếp tuyến, nhưng tiểu tiện vẫn OK, và họ cứ tỉnh bơ, chẳng mổ và cũng chẳng dùng thuốc.
Ông ở tuổi ngoài 60 thì cũng là tuổi nằm trong hướng dẫn, cũng cần thử PSA. Không biết bác sĩ của ông nói kết quả cao thấp ra sao. Nếu có, ông cho tôi biết với nhé.
Còn khám tình trạng lớn nhỏ của nhiếp tuyến thì bác sĩ “thọc” ngón tay mang bao cao su vào hậu môn, ngoáy sờ coi xem bề mặt của tuyến nhẵn nhụi hoặc gồ ghề, lớn nhỏ ra sao, mềm hay cứng…
Nếu phì đại, gồ ghề thì thảo luận với bệnh nhân, xét tình trạng sức khỏe, tiểu tiện và cùng nhau cân nhắc coi có cần làm PSA.
Coi vậy thì men PSA không có “dây mơ rễ mái” gì với rượu, cho nên ông có thể thuyết phục phu nhân, để ông mỗi ngày nhâm nhi ly rượu thuốc bổ dương nhất dạ lục giao, biết đâu nhờ đó mà dân số nhà ta lại thêm út quý tử…
Chuyện ung thư của bàCòn chuyện ung thư cổ tử cung mà bà nhà thắc mắc thì cũng hợp lý, vì theo thống kê, phụ nữ đồng hương ta định cư trên nước Mỹ bị bệnh ung thư này cũng khá cao.
Vào tuổi từ 35 tới 54, quý bà quý cô người mình có tỷ lệ ung thư cổ tử cung cao gấp đôi dân gốc Châu Mỹ La Tinh và gấp năm lần sắc dân Trung Hoa. Tới tuổi từ 55 tới 69, phụ nữ mình cũng chiếm hàng đầu, gấp ba nhóm người đứng hàng thứ nhì là Đại Hàn. Ung thư này thường xuất hiện ở tuổi ngũ tuần, nhưng cũng thấy ở lớp tuổi 20 hoặc người ngoài 60. Đây là kết quả quan sát do National Cancer Institute công bố năm 1996.
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai sau ung thư vú ở Hà Nội và đứng đầu ở Sài Gòn. Hằng năm, có khoảng 6000 phụ nữ mệnh một vì ung thư này.
Để sớm tìm ra ung thư cổ tử cung thì y giới có mấy phương pháp: làm Pap và khám cổ tử cung. Pap viết tắt của chữ Papanicolaou test, lấy tên của vị bác sĩ nổi danh Hi Lạp Georgios Papanikolaou, người sáng chế ra xét nghiệm tìm ung thư cổ tử cung này.
Pap rất dễ thực hiện: một mỏ vịt được đưa vào để mở rộng âm hộ; dùng một que nhỏ và bàn chải nhỏ quệt vào cổ tử cung để lấy một ít mẫu tế bào, trải ra trên miếng kính nhỏ, mang vào phòng thí nghiệm nhuộm màu rồi tìm tế bào ung thư qua kính hiển vi. Cùng lúc này, bác sĩ có thể quan sát cổ tử cung và dùng ngón tay coi xem cổ tử cung có gì bất thường như loét lở, chảy máu…
Pap smears được làm vào khoảng thời gian từ 10 tới 20 ngày sau ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt trước, tại phòng mạch bác sĩ gia đình, phụ khoa hoặc tại các trung tâm kế hoạch sinh đẻ cùng lúc với việc khám cơ quan sinh dục.
Lưu ý: không rửa cửa mình, không giao hợp và không dùng thuốc nhét âm hộ 48 giờ trước thử nghiệm để tránh sai lạc kết quả. Nên tránh làm Pap khi đang có kinh.
Tháng 3 năm 2012, Hội Ung Thư Hoa Kỳ và một số tổ chức chuyên môn y khoa khác đã đưa ra hướng dẫn như sau về làm Pap:
- Phụ nữ bắt đầu làm Pap khi tới tuổi 21.
- Từ tuổi 21 tới 29: Pap mỗi 3 năm.
- Từ tuổi 30 tới 65 làm Pap mỗi 5 năm.
Kỹ càng hơn, Tổ chức USPSTF United States Preventive Services Task Force nhấn mạnh:
- Làm Pap cho phụ nữ từ 21 tới 65 tuổi mỗi 3 năm, hoặc cho phụ nữ từ 30 tới 65 tuổi muốn kéo dài thời gian xét nghiệm mỗi 5 năm khi kết hợp Pap với HPV.
- Không làm Pap với phụ nữ dưới 21 tuổi.
- Không làm Pap với phụ nữ trên 65 tuổi nếu họ đã làm Pap trong quá khứ và không có rủi ro bị ung thư cổ tử cung.
- Không làm Pap đối với phụ nữ đã giải phẫu cắt bỏ toàn bộ tử cung.
Cơ quan CDC cũng nhắc nhở:
- Phụ nữ có quan hệ tình dục khi còn trẻ hơn 21 tuổi cần được tư vấn về các bệnh lây lan do hoạt động tình dục và được hướng dẫn về an toàn tình dục cũng như dùng các phương pháp ngừa thai.
Từ khi áp dụng phương pháp này, số phụ nữ tử vong vì bệnh giảm tới 70%. Sự chính xác của phương pháp lên tới tỷ lệ 95% vì Pap có thể tìm ra bệnh rất sớm, ở giai đoạn mà mắt thường không nhìn thấy. Nhờ đó việc điều trị có hiệu quả hơn, đôi khi chữa khỏi hẳn được.
Kết quả âm tính là niềm vui vì ta không mắc bệnh.
Kết quả dương không hoàn toàn có nghĩa là ung thư đã xâm nhập cổ tử cung, vì có thể có kết quả nhầm và cần được thử nghiệm thêm để xác định bệnh.
Nếu kết quả Pap không bình thường, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp gọi là colposcopy nội soi cổ tử cung với một dụng cụ khuếch đại đặc biệt để quan sát các mô bào ở cổ tử cung, âm đạo (vagina) và âm hộ (vulva, mép âm đạo). Nếu thấy có gì bất thường thì cắt một chút tế bào gửi phòng thí nghiện phân tích coi coi xem có tế bào bệnh hay không.
Nếu bà nhà đi bác sĩ để thực hiện việc khám này thì có thể sớm tìm ra bệnh và từ đó điều trị có nhiều kết quả tốt hơn.
Chúc ông bà mọi sự bình an.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức