“Sặc Mùi Cải Lương”?! DTL: Cảm ơn anh Yên Lang cho tôi hiểu rõ vai trò của từng diễn viên trong một vở tuồng. Tuy là kẻ “ngoại đạo”, nhưng tôi cũng được biết, anh được đoàn Kim Chung mời cộng tác khi anh còn rất trẻ. Xin anh cho nghe chuyện đó.
YL: Thưa anh, đó là năm 1963, trong một dịp đoàn Song Kiều, là đoàn tôi cộng tác, “đụng” đoàn Kim Chung ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Hồi ấy, Kim Chung diễn tại rạp Diên Hồng. Song Kiều diễn ở rạp Nhạn Tháp. Trong một đêm hai đoàn cùng diễn, ông bầu Long, giám đốc công ty Kim Chung nghe đoàn Song Kiều cuốn hút khán giả đông đảo không thua gì Kim Chung, ông bèn len lỏi vào xem đoàn Song Kiều hát xướng thế nào mà khá vậy? Bên cạnh đó, ông cũng có ý định “bắt” về cho Kim Chung một vài diễn viên trẻ của Song Kiều… Không ngờ, lúc xem, ông lại bị lôi cuốn bởi vở tuồng “Đường về quê ngoại”. Ông hỏi tên soạn giả và cho người đến gặp tôi. Hẹn khi nào tôi về lại Saigon, hãy đến văn phòng Kim Chung gặp ông bầu Long để bàn chuyện cộng tác lâu dài.
Anh cũng biết mộng ước của bất cứ ai khởi nghiệp viết tuồng, đều muốn sau này sẽ trở thành một soạn giả tên tuổi. Tôi cũng vậy. Được một đại ban như Kim Chung mời về thì còn gì vui sướng cho bằng, vì tương lai tràn trề… Nhưng khó một điều cho tôi là bấy giờ tôi đã kết hôn với nữ nghệ sĩ Kiều Oanh. Cô vừa là đào chánh, vừa là con của ông bà bầu đoàn Song Kiều. Tôi phụ trách nghệ thuật cho sân khấu của đoàn. Tôi đã cố gắng xây dựng một sân khấu sáng đẹp, với thành phần diễn viên trẻ trung, tươi mát và một số tuồng tích hấp dẫn, ăn khách. Nhờ thế, đoàn Song Kiều đã gặt hái thành công trên đường lưu diễn. Cũng trên sân khấu này, chúng tôi đã đào tạo được một số nghệ sĩ nổi danh về sau, như Tấn Tài, Thanh Sang, Phương Quang…
Khoảng tháng 6 năm 1963, khi đoàn Song Kiều về diễn tại rạp Biên Hùng, Biên Hòa, tôi trở về Saigon thăm cô tôi. Sau ít nhiều đắn đo, cuối cùng tôi đã đến văn phòng Kim Chung ở đường Đồn Đất, gặp ông bầu Long. Tôi chỉ mong đoàn Kim Chung chịu dàn dựng một kịch bản nào đấy của tôi là tốt rồi… Nhưng không hiểu sao, qua thuyết phục của ông bầu Long, tôi đã dễ dàng chấp nhận về làm soạn giả thường trực cho đoàn…
Tôi cộng tác với Kim Chung được vài tháng thì đoàn Song Kiều rã gánh, khiến tôi ôm ấp mãi một nỗi buồn khôn nguôi! Tôi cho là mình có một phần trách nhiệm trong đó. Do đó, tôi không hề than trách ông bà bầu thân sinh của Kiều Oanh, đã ngăn trở không cho tôi được gặp vợ tôi. Đến sau, khi tôi đã khá nổi danh ở đoàn Kim Chung, tôi mới có cơ hội tái hợp với vợ tôi!
Kịch bản đầu tiên của tôi trên sân khấu Kim Chung là vở tuồng “Manh áo nghèo” thành công rực rỡ, được trình diễn liên tục suốt 1 tháng tại rạp Olympic, đường Hồng Thập Tự, Saigon. Thành công này đã tạo thêm uy tín của tôi đối với đoàn Kim Chung. Mặc dù lúc ấy đoàn đã có những soạn giả thường trực, cộng tác lâu năm như Ngọc Văn, Vạn Lý, Nguyễn Minh…
DTL: Cảm ơn sự giải thích rất hợp lý của anh. Giờ tôi xin hỏi anh câu hỏi chót, trong cuộc nói chuyện ngày hôm nay của chúng ta:
Anh biết, có một số người đã sử dụng hai chữ “cải lương” để ám chỉ một điều gì, giống như “quê mùa,” “hủ hậu”! Đâu là quan điểm của anh trước định kiến sai lầm này?
YL: Thưa anh, trước đây, thỉnh thoảng tôi có đọc một vài trang báo nói đến hai từ “cải lương” mà hầu hết với dụng ý khinh thường. Thí dụ như “sặc mùi cải lương”, hoặc “màu mè như cải lương”…
Tôi có một ông bạn thân, thường than thở với tôi rằng, mỗi lần ông ấy nghe Tân-Cổ Giao Duyên hoặc xem tuồng cải lương, mấy đứa con của ổng nói “Ba quê quá! Tối ngày cứ xem cải lương…”
Gần đây, có một số phim truyện VN, không biết mấy ông đạo diễn có hiềm khích gì với cải lương tự hồi nào hay không, bỗng dưng các ổng cho một nhân vật trong phim nhảy nhót, múa may, rồi vô một câu vọng cổ, vừa đâm hơi, vừa sống sượng. Hoặc một nhân vật nữ, nói những lời than vãn não nuột! Một nhân vật nữ khác vội chận lời: “Thôi! Đừng có cải lương quá vậy cô nương…”
Tóm lại, những điều kể trên, khi đề cập đến hai từ “cải lương” đều với dụng ý chê bai, miệt thị. Làm như bộ môn nghệ thuật ấy đã từng làm hoen ố đến danh dự họ.
Thật ra, mỗi con người đều có quyền suy nghĩ riêng của mình. Có quyền thích bộ môn nghệ thuật này, và không thích bộ môn nghệ thuật kia. Ai cũng có quyền phê phán một cách nghiêm khắc, nhưng không được xúc xiểm một cách đầy ác ý. Như vậy là thiếu công bằng. Vả lại, nghệ thuật cải lương được sản sinh từ lòng dân tộc, từ trái tim VN, dù nó còn vụng về, quê kệch, thì trách nhiệm của chúng ta vẫn phải bảo vệ, gìn giữ, nuôi dưỡng cho nó ngày một tốt đẹp hơn.
Nhìn qua các bộ môn nghệ thuật Tây phương cũng vậy, muốn đạt đến hàn-lâm, nó cũng phải trải qua nhiều thời kỳ. Từ khởi đầu đơn giản, bình dị, tiến dần lên theo nhu cầu phát triển dân trí của từng dân tộc.
DTL: Bộ môn nghệ thuật cải lương có tiến triển không anh?
YL: Có anh. Tuy hơi chậm, nhưng có. Nhứt là vào thập niên 1960s, từ hình thức đến nội dung; đã được nâng lên một bậc. Các đoàn hát lớn đã đua nhau tô điểm cho sân khấu thật huy hoàng, với những vở tuồng tương đối có chất lượng văn học.
Thí dụ một đoạn vọng cổ trong vở tuồng “Giữa chốn bụi hồng” của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng:
“Nếu mùa xuân Trời đã vay huyết mạch của sông dài biển cả, thì hạ sang thu Trời cũng trả mưa dầm…Trong vô cùng vũ trụ, quả có định luật âm thầm…Trời không ghét không thương, trời cứ thản nhiên mưa nắng. Kẻ tu hành đã quyết định diệt trừ ngũ uẩn, thì chút thân tứ đại có tiếc gì mà ngại nắng e mưa…”
Và một câu nói lối trong tuồng “Hương cau quê ngoại” của Yên Lang:
“Nam, bao giờ anh cũng nhìn em bằng đôi mắt đầy thương hại, như đại bàng thương hại loài chim sẻ, chim sâu. Như ánh trăng trong thương hại ngọn đèn mờ, rồi chia cách muôn đời trong tình cảm. Chiếc thuyền nhỏ không vượt nổi trường giang dài rộng, cũng ấm áp hoàng hôn theo lượn sóng vỗ…đôi bờ”
Cũng trong giai đoạn này, sân khấu cải lương đã cuốn hút thêm một số khán giả trí thức đáng kể. Khát vọng của anh em soạn giả lúc bấy giờ là sớm có được một sân khấu hoàn chỉnh hơn, áp dụng một số khoa học kỹ thuật, thay thế dần sân khấu thủ công nghiệp, khiêng cảnh trí chạy vào, chạy ra…Nhưng mọi mơ ước đã tan thành mây khói. Biến cố năm 75 đã khép mọi loại hình văn học nghệ thuật vào khuôn khổ, trong đó có bộ môn cải lương. Và giờ đây, sân khấu cải lương sống ngắc ngoải, như một con bệnh trầm kha! Không khéo một ngày nào đó, chỉ còn là một khái niệm mơ hồ!
Thật tiếc thay, một bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, một nét văn hóa độc đáo của sông nước miền Nam:
“Câu Dạ cổ ngọt ngào trăm năm trước
“Điệu Hoài lang thổn thức đến ngàn sau
“Về Bạc Liêu nhớ bác Cao Văn Lầu
“Hồn vọng cổ thấm sâu hồn non nước”.
(Thơ Yên Lang).
DTL: Cá nhân chúng tôi, người thực hiện cuộc phỏng vấn này, xin thay mặt độc giả, trân trọng cảm ơn soạn giả Yên Lang, người đã cho chúng tôi hiểu biết cặn kẽ tiến trình hình thành, cũng như những mặt sáng / tối của bộ môn nghệ thuật đặc thù của văn học, nghệ thuật Việt Nam này.
Du Tử Lê ghi, thuật.
(California, Feb. 2014).
Sửa bởi người viết 08/02/2014 lúc 11:03:58(UTC)
| Lý do: Chưa rõ