Olympic Sotchi, một Thế Vận Hội nhằm nâng cao uy tín cho ông Putin Hôm nay, 07/02/2014, Thế Vận Hội mùa đông khai mạc tại Sotchi, nước Nga. Đây là một sự kiện thể thao lớn, nhưng đồng thời cũng là một diễn đàn chính trị. Đương nhiên, nước Nga đã mong đợi và bỏ ra hàng chục tỷ euro để tổ chức Thế Vận Hội này, nhưng đây cũng là ý muốn của Tổng thống Vladimir Putin. Thậm chí, nhiều nhà quan sát còn cho đây là thế vận hội của ông Putin. Nhân dịp này, RFI phỏng vấn ông Alexis Prokopiev, Chủ tịch hiệp hội « nước Nga và các quyền tự do - Russie-Libertés ».
RFI : Xin chào ông Prokopiev, liệu có thể nói rằng Thế Vận Hội Sotchi là một thành công lớn trong lĩnh vực tuyên truyền của Tổng thống Vladimir Putin ?
Alexis Prokopiev: « Đối với ông Vladimir Putin, đây là một biểu tượng nổi bật, một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến công luận trong và ngoài nước Nga. Trước tiên, đối với bên ngoài, ông Putin muốn chứng tỏ rằng nước Nga là một cường quốc mạnh, do vậy, ông rất muốn là mọi việc diễn ra tốt đẹp trong thời gian Thế Vận Hội Sotchi. Đối với trong nước, không nên quên rằng ông Putin là một Tổng thống đang bị phản đối. Trong các năm 2011, 2012 và 2013, hàng chục ngàn người Nga đã biểu tình trên đường phố chống lại chính sách của ông Putin. Đảng nước Nga thống nhất của ông đang ở mức rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận. Do vậy, ông Putin cần chứng tỏ rằng ông là một người hùng, có đủ khả năng tổ chức các sự kiện có quy mô lớn trên phạm vi quốc tế cũng như tại Nga ».
RFI : Vả lại, để làm được việc này, ông Putin đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các định chế của Thế Vận Hội ?
Alexis Prokopiev : « Vâng, đúng vậy và đó là một việc làm quen thuộc trong lịch sử Thế Vận Hội. Các giới chức của Ủy ban Olympic quốc tế vẫn luôn luôn ủng hộ rất mạnh mẽ lãnh đạo các nước đón tiếp Thế Vận Hội. Đây cũng là trường hợp đối với ông Putin ».
RFI : Ông vừa nhắc đến các cuộc tập hợp của phe đối lập, nhưng các cuộc biểu tình này đã diễn ra cách nay nhiều tháng. Trong những tuần qua, hàng ngũ phe đối lập tỏ ra kín tiếng ?
Alexis Prokopiev : « Đã có một cuộc tập hợp hàng ngàn người tại Matxcơva trong thời gian gần đây để đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Cho dù cách nay vài tuần, chính quyền Matxcơva có một cử chỉ mang tính biểu tượng, đó là trả tự do cho một vài tù nhân chính trị nổi tiếng, như trường hợp ông Mikhail Khodorkovski và các ca sĩ trong ban nhạc Pussy Riot. Thế nhưng, hiện vẫn còn hàng trăm tù chính trị bị giam cầm trong các nhà tù Nga. Bất hạnh thay, người ta lo ngại sẽ có các vụ bắt bớ khác sau Thế Vận Hội Sotchi. Vả lại, mọi người đều biết, việc tổ chức biểu tình tại Nga rất phức tạp do có Thế Vận Hội. Vì vậy, bầu không khí hiện nay khá căng thẳng ».
RFI : Đúng là đáng lo ngại. Trước Thế Vận Hội, ông Putin đã có một số nhượng bộ. Vậy tình hình hậu Thế Vận sẽ ra sao ?
Alexis Prokopiev : « Người ta quả thực lo ngại về thời kỳ sau Thế Vận Hội. Hiện nay, nhiều người Nga tranh đấu cho môi trường bị truy tố. Thậm chí, có một nhà bảo vệ môi trường Nga đã bị bắt ở Krasnodar, cách không xa vùng Sotchi, bởi vì người này đã tham gia biểu tình. Một người khác ở vùng Sotchi, ông Evgueni Vitichoko, đã bị kết án 3 năm tù giam, vì đã viết một khẩu hiệu trên tường.
Người ta cũng lo ngại là làn sóng trấn áp sẽ tái diễn sau Thế Vận Hội Sotchi. Còn bây giờ, trong thời gian có Thế Vận Hội, rất nhiều người Nga, vốn thông thường không tham gia tranh đấu, không theo đảng phái nào, không thuộc phe đối lập, lại biểu thị mạnh mẽ sự bất bình của họ trên các mạng xã hội, về tình trạng điều hành quản lý lãng phí, nạn tham nhũng, về số tiền đổ ra để tổ chức Thế Vận Hội, tiền của dân nộp thuế, hàng tỷ hàng tỷ đô la (xấp xỉ 40 tỷ euro). Giờ đây, mọi người thấy rõ kết quả : Có rất nhiều dự án hoạt động không tốt tại Sotchi, như không có nước, không có điện. Đó là những điều mà người Nga cảm thấy rất đau xót.
RFI : Chắc chắn là trong những ngày tới, sẽ có những bình luận về việc này, nhất là từ báo chí quốc tế. Tuy vậy, cho đến nay, có thể nói rằng đây là một dự án thành công, nâng cao uy tín cho ông Putin ?
Alexis Prokopiev : « Vâng, trong mọi trường hợp, trong số những điều được nói trước khi khai mạc Thế Vận Hội, thì đây là một dự án thành công đối với ông Putin. Cho dù theo những thông tin và hình ảnh mới nhất, thì có những khách sạn không có nước dùng, rất nhiều thứ không hoạt động được, và đây là một điều không hay cho ông Putin. Bây giờ, người Nga thường gắn những hiện tượng này với sự bùng nổ của nạn tham nhũng. Tất nhiên, cần phải chờ xem Thế Vận Hội diễn ra như thế nào. Chắc chắn, đây là một sự kiện nâng cao uy tín, rất quan trọng đối với ông Putin. Rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời liên quan đến thời kỳ sau Thế Vận Hội, như vấn đề nhân quyền, các khoản chi liên quan đến Thế Vận Hội.
Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế Nga ? Hiện nay, đồng Rúp đã bị mất giá. Tại các điểm đổi tiền ở Matxcơva, một euro ăn gần 50 rúp, cách nay vài tháng, tỷ giá này là 1 – 40. Một câu hỏi khác là tương lai các cơ sở phục vụ Thế Vận Hội ra sao. Tại Nga, Sotchi là nơi duy nhất nằm trong vùng cận nhiệt đới. Người ta đang tự hỏi tương lai các khu nhà Olympic tốn kém hàng triệu, hàng triệu euro sẽ ra sao ? Những cơ sở này sẽ được sử dụng như thế nào ? Tất cả những câu hỏi này vẫn treo lơ lửng, chưa có câu trả lời ».
Theo RFI
Sửa bởi người viết 07/02/2014 lúc 10:04:10(UTC)
| Lý do: Chưa rõ