Những cái chết liên quan tới ma túy của các nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng đã thu hút sự chú ý đối với vấn đề lạm dụng ma túy và rượu.Cocaine góp phần gây nên cái chết của Whitney Houston. Người nữ ca sĩ này bị chết ngộp trong bồn tắm tại một khách sạn ở Beverly Hills hồi đầu năm nay.Những cái chết liên quan tới ma túy của những nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng như Whitney Houston đã thu hút sự chú ý đối với vấn đề lạm dụng ma túy và rượu, cả trong và ngoài ngành giải trí. Những nghệ sĩ nổi tiếng thường vấp phải nguy cơ đặc biệt, nhưng một số người trong ngành này nói họ đang xử lý vấn đề vừa kể.
Các câu chuyện gây bàng hoàng khá giống nhau: đời sống bị cắt ngắn vì việc lạm dụng rượu và ma túy. Cocaine góp phần gây nên cái chết của Whitney Houston. Người nữ ca sĩ này bị chết ngộp trong bồn tắm tại một khách sạn ở Beverly Hills hồi đầu năm nay. Michael Jackson qua đời ở cách đó không xa vào năm 2009 sau khi bác sĩ của ông cho ca sĩ này sử dụng quá liều loại thuốc an thần Propofol. Ca sĩ người Anh Amy Winehouse rơi vào cảnh nghiện ngập và tử vong vì bị ngộ độc rượu hồi năm ngoái.
Các chuyên gia nói rằng lạm dụng rượu và ma túy là một vấn đề chung cho công chúng. Nhưng các nghệ sĩ giải trí đặc biệt dễ mắc phải vì dành những khoảng thời gian dài để di chuyển cũng như do yêu cầu biểu diễn cao độ.
Bob Forrest là một nhạc sĩ, đã cai nghiện và đang làm công việc tư vấn về ma túy: ‘Có nhiều thời gian không biểu diễn, phải xê dịch rất nhiều, nhiều lúc nhàm chán, rất nhiều lúc ngồi không. Chính vì thế mà ta có xu hướng, ít nhất là đối với tôi và phần đông những người bạn của tôi, có xu hướng uống quá đà’.
Ông Neil Portnow là chủ tịch của MusiCares, một tổ chức thiện nguyện trong ngành âm nhạc, và Viện Thu âm, trao giải Grammy. Ông nói rằng lạm dụng ma túy và rượu là nguy cơ đặc biệt đối với những người trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ biểu diễn.
Ông nói: “Triệu chứng thường thấy trong một thời gian dài, khi ai đó có thể đã trở nên dạn dày khi phải đối mặt với các vấn đề phát sinh từ sự nổi tiếng và giàu có. Nhưng đôi khi nó lại xảy ra khá nhanh và khá sớm. Thế nên, những người như vậy không có đủ bản lĩnh để ứng phó với tình thế.”
Ông nói một số người sống quanh người nghệ sĩ có thể là chất xúc tác, trong khi người khác có thể phớt lờ tật nghiện ngập của họ.
Chuyên gia tâm lý Charles Sophy chuyên chữa trị cho các nhân vật nổi tiếng. Ông nói nhiều người không chịu nhận là mình nghiện: ‘Họ nói, không, không phải tôi, hay tôi không dùng tới mức ấy, nhưng bác sĩ của tôi kê đơn cho tôi. Tất cả những sự chối bỏ như vậy sẽ là những trở ngại và ngăn quý vị liên hệ với việc chữa trị để đem lại kết quả tốt hơn.”
Ông Sophy nói các nghệ sĩ thành đạt thường rất sáng tạo và được khích lệ, và một số có các vấn đề thầm kín về tình cảm, dẫn đến việc nghiện ngập và cần phải được chữa trị’.
Ông nói: ‘Ví dụ, có hiện tượng rối loạn lo âu hay không? Rối loạn cảm xúc hay không? Hay có sự rối loạn tập trung, điều đã giúp sự sáng tạo của họ trở nên thành công, và cũng là một trở ngại đối với họ’.
Billy Morrison, một nhạc công guitar đã ngưng sử dụng ma túy, cho rằng một số nhạc sĩ trẻ nghĩ rằng việc sử dụng ma túy là một phần của quá trình sáng tạo: ‘Việc sẵn có cùng cái gọi là yếu tố ‘sành điệu’, mà hiện đang mất dần, đóng một vai trò lớn hơn trong ngành giải trí so với các nghành nghề khác’.
Ông nói rằng ngành biểu diễn không còn ‘thoáng’ trong việc sử dụng ma túy như một vài năm trước. Ông Harold Owens, giám đốc Chương trình Hỗ trợ Nhạc sĩ MusiCares, nói ngành âm nhạc đang đương đầu với vấn đề vừa kể.
Ông nói: ‘Chúng tôi nhận được nhiều cú điện thoại từ các ông bầu. Các ông bầu, các đại diện tỏ ra quan ngại về nghệ sĩ của mình. Thêm một phần nữa, nghệ sĩ của họ lại tái nghiện và họ cần được tư vấn’.
Ông nói MusicCares giúp đưa các nghệ sĩ biểu diễn nghiện ngập vào các chương trình chữa trị tốt.
Những người từng làm việc với các nhân vật nổi tiếng cho rằng điểm mấu chốt trong việc xử lý tình trạng lạm dụng ma túy là can thiệp sớm, tiến hành chữa trị hiệu quả cũng như đảm bảo việc hỗ trợ. Họ nói việc hồi phục có thể là cả một quá trình kéo dài cả đời.
Source: VOA