Thật ra thì thiếu chất sắt không phải là một bệnh mà là một tình trạng rất dễ xẩy ra ở trẻ em. Thiếu chất sắt có thể đưa đến nhiều bệnh khác nhau. Do đó cha mẹ nên để ý đến vấn đề này.
Tại sao chất sắt lại quan trọng cho trẻ em?Sắt là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Chất sắt giúp đem dưỡng khí từ phổi đến khắp cơ thể cũng như giúp bắp thịt trữ và dùng dưỡng khí. Nếu ăn vào không đủ chất sắt, các em sẽ bị tình trạng gọi là thiếu chất sắt, đưa đến –tùy theo thiếu nhiều hay ít – những tình trạng như thiếu dự trữ chất sắt cho đến bệnh thiếu máu, tức máu thiếu những tế bào hồng huyết cầu khỏe mạnh để chuyên chở dưỡng khí đến các tế bào, đem năng lượng cũng như mầu sắc hồng hào cho da thịt. Nếu không được chữa đúng lúc, tình trạng thiếu chất sắt sẽ gây ra chậm phát triển trí óc cũng như thân thể.
Trẻ em cần bao nhiêu chất sắt?Trẻ em khi mới sinh ra có dự trữ chất sắt khá cao nhờ lấy chắt sắt từ máu người mẹ. Nhưng sau đó, lượng dự trữ này sẽ giảm dần và các em cần ăn vào nhiều chất sắt để giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển. Sau đây là lượng chất sắt cần thiết ở mỗi tuổi.
-7 tới 12 tháng: cần 11mg/ ngày
-1 tới 3 tuổi: cần 7 mg / ngày
-4 tới 8 tuổi: cần 10 mg / ngày
-9 tới 13 tuổi: cần 6 mg / ngày
-14 tới 18 tuổi (nữ): cần 15 mg / ngày
-14 tới 18 tuổi (nam): cần 11 mg/ ngày
Ai dễ bị thiếu chất sắt?Trẻ em rất dễ bị thiếu chất sắt, nhất là:
-Trẻ sanh thiếu nhiều hơn 3 tháng hoặc sanh thiếu cân
-Trẻ em bị đổi qua uống sữa người lớn quá sớm, trước 12 tháng.
-Trẻ bú mẹ nhưng không được cho ăn thêm thức ăn có nhiều chất sắt sau 6 tháng.
-Trẻ bú sữa bình loại không cho thêm chất sắt.
-Trẻ từ 1 tới 5 tuổi uống quá nhiều sữa, tức hơn 24oz sữa bò, sữa dê hay sữa đậu nành mỗi ngày. Trường hợp này đặc biệt hay xẩy ra ở trẻ em Việt Nam và Mễ Tây Cơ. Đa số người Việt Nam vẫn tin tưởng rằng sữa là thức ăn bổ dưỡng nhất, cho các em uống càng nhiều càng tốt. Uống nhiều sữa, các em sẽ tăng cân nhanh trông bụ bẫm dễ thương, vì trong sữa có lượng chất béo rất cao. Nhưng sữa chỉ có chất đạm và chất béo mà không có các chất dinh dưỡng khác. Do đó, uống quá nhiều sữa và không ăn gì khác sẽ đưa đến mất máu trong ruột, thiếu chất sắt và thiếu máu nặng, cũng như bị bón kinh niên vì thiếu chất sợi
-Trẻ mắc những bệnh kinh niên hoặc phải ăn kiêng.
-Các em gái tuổi dậy thì cũng dễ bị thiếu chất sắt vì các em ra kinh, bị mất máu và chất sắt.
Triệu chứng thiếu chất sắtThiếu chất sắt sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể các em. Tuy nhiên, ta chỉ thấy rõ những triệu chứng khi các em đã tiến đến tình trạng bị thiếu máu do thiếu chất sắt. Triệu chứng gồm có;
-Hay mệt, yếu
-Da xanh xao, ăn kém
-Hay thở dốc, hay gây gổ khóc lóc
-Lưỡi bị sưng
-Người bị lạnh, không giữ được nhiệt độ bình thường
-Dễ bị nhiễm trùng
-Tim đập thất nhịp
-Tính tình thay đổi, bất thường
-Thèm ăn những thứ bất thường như nước đá, đất hay bột.
Ngăn ngừa tình trạng thiếu chất sắtCha mẹ cần chú ý đến dinh dưỡng của các em để đừng bị thiếu chất sắt
-Nên cho bú mẹ hoặc sữa bình có cho thêm chất sắt. Nên cho bú mẹ đến ít nhất 1 tuổi vì chất sắt trong sữa mẹ dễ hấp thụ hơn. Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi.
-Chế độ ăn uống phải cân bằng. Khi bắt đầu cho em bé ăn chất đặc vào 4-6 tháng, nên cho những thức ăn đã được cho thêm chất sắt, thí dụ như bột ngũ cốc (cereal). Trẻ em lớn hơn nên ăn những thức ăn có nhiều chất sắt như lòng đỏ trứng, thịt đỏ, thịt gà, cá, đậu beans và rau có lá mầu xanh đậm (spinach, rau muống, broccoli...) Không nên cho ăn những thứ chứa nhiều calories nhưng không có các chất dinh dưỡng tốt, thí dụ như nước ngọt, chips, cookies...
-Giúp sự hấp thu chất sắt bằng cách cho ăn thêm trái cây và rau chứa vitamin C, có nhiều trong dưa (melon), dâu, trái mơ (apricots), kiwi, broccoli, cà chua và khoai tây.
-Có thể cho uống thêm chất sắt. Nếu em bé sinh thiếu tháng hay cân quá thấp, em bé trên 6 tháng bú sữa mẹ, và không ăn những thức ăn nhiều chất sắt như cereal hay thịt, nên hỏi bác sĩ về việc cho em uống thêm chất sắt.
Có nên tìm xem con mình thiếu chất sắt không?Muốn định bệnh thiếu chất sắt cần phải thử máu. Đa số các em được thử máu vào khoảng từ 9 tới 12 tháng và 6 tháng sau đó, đồng thời với thử chất chì trong máu. Một số các bác sĩ cho rằng chỉ nên thử máu ở tuổi từ 6 - 12 tháng khi các em ở vào dạng dễ bị thiếu chất sắt như kể trên. Nếu bạn nghĩ rằng con mình có thể bị thiếu chất sắt, nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc thử máu. Nên ghi xuống những thức ăn thường ngày của em bé để bác sĩ có thể định bệnh dễ hơn và cho lời khuyên. Tùy theo kết quả thử máu, bác sĩ có thể cho uống chất sắt hoặc viatamin.
Nên nhớ thiếu chất sắt là một tình trạng dễ xẩy ra nhưng chữa được. Các em cần có đủ chất sắt để lớn mạnh và phát triển. Đặc biệt đối với người Việt: Sữa không phải là thức ăn bổ dưỡng nhất, cần cho uống nhiều. Khi các em được 9 - 12 tháng, nên tập cho uống sữa bằng ly để tránh tình trạng ghiền bình và uống hơn 24 oz sữa tươi mỗi ngày.
BS.Nguyễn Thị Nhuận
Sửa bởi người viết 22/02/2014 lúc 05:26:57(UTC)
| Lý do: Chưa rõ