Ở đằng sau con ngươi là thủy tinh thể, giống như một thấu kính hội tụ, trong suốt. Hình ảnh bên ngoài đi qua thủy tinh thể, được thâu gọn lại vào võng mạc ở phía trong, rồi giây thần kinh thị giác báo hiệu về óc. Khi thủy tinh thể bị mờ đục làm cho nhìn không được rõ, thì ta gọi là mắt bị cườm (cataract). Các tia sáng từ cảnh vật bên ngoài khi qua thủy tinh thể đã bị đục một phần, thì một số bị chặn lại không vào được tới võng mạc, một số xuyên qua được chỗ mờ đục nhưng bị lệch lạc đi, chỉ còn một số qua được phần thủy tinh thể còn trong suốt vào tới võng mạc.
Vì lý do gì mà mắt bị cườm?Một số ngừời về già mắt bị cườm . Có người bị cườm vì ảnh hưởng của quang tuyến X. Có khi vì tia hồng ngoại hay tia cực tím. Mắt cườm có thể là biến chứng của bệnh tiểu đường. Lạm dụng thuốc loại corticosteroid cũng có thể làm mắt bị cườm. Nhưng phần lớn thì không biết chắc được nguyên do vì đâu mà thủy tinh thể bị mờ đục.
Khi nào thì nghi là bị cườm?Thủy tinh thể bị mờ đục dần dần, vì vậy làm cho mắt nhìn ngày càng mờ dần. Mức độ nhiều ít là tùy theo, thứ nhất là bị đục nhiều hay ít, thứ hai là bị đục ở phần nào của thủy tinh thể. Triệu chứng vì vậy cũng khác nhau.
Nếu thủy tinh thể bị đục ở phần giữa (nuclear cataract), thì mới đầu bệnh nhân giống như bị cận thị. Nếu là người già trước đó phải đeo kính để đọc sách thì tự nhiên thấy không cần đeo kính nữa mà vẫn đọc được. Có người gọi chuyện đó là "tái hồi thị lực". Một đôi khi, phần đục ở giữa đó sưng to lên, sinh ra căng áp suất trong mắt (glaucoma) làm mắt bị đau nhức.
Nếu bị đục ở phía sau thủy tinh thể ,ngay bên trong cái màng bọc (posterior subcapsular cataract), thì mắt nhìn bị mờ nhiều dù phần bị đục không lớn lắm, vì đó là chỗ các tia sáng từ cảnh vật bên ngoài đi xuyên qua nhiều.
Khi bên ngoài có nhiều ánh sáng, thì con ngươi co nhỏ lại, làm cho các tia sáng từ cảnh vật bên ngoài khó lọt qua chỗ thủy tinh thể còn trong suốt. Vì vậy người bị cườm khi ra chỗ sáng chói, nhìn hay bị lóa. Người bị nhẹ mà còn đọc được khi ánh sáng vừa vừa, nếu để đèn sáng quá thì đọc sách rất khó khăn.
Người lớn tuổi hoặc người già, nếu thấy mắt cứ từ từ mờ dần, thì phải nghi hoặc là bị cườm, hoặc là bị cao áp suất mắt. Cần phải đi bác sĩ khám để biết mà chữa trị nếu cần.
Chữa trịKhi cườm còn nhẹ, thì chưa cần mổ. Thay kính cho hợp với tình trạng mắt cũng giúp được phần nào. Nếu vết cườm không lớn lắm, có khi bác sĩ cho nhỏ thuốc (thí dụ như phenylephrine) để cho con ngươi mở lớn ra một chút, thì nhìn sẽ rõ hơn. Nên mang kính râm nếu ra chỗ nắng hay chỗ nào sáng quá để khỏi bị lóa. Đèn trong nhà nên dùng loại đèn chiếu hắt ngược tỏa ra thì tối ù hơn là kiểu đèn thường.
Khi nào cần giải phẫuMắt cườm cần phải mổ, nếu ở vào những trường hợp sau này:
1. Khi thử thị lực, dù có mang kính, mà không được tới 20/50. Thị lực 20/50 nghĩa là gì? Ở Việt nam, thì thử mắt ( thử thị lực) tính từng 1/10. Mắt tốt nhất là 10/10, kém dần đi là 9/10, 8/10, v.v.... Ở Mỹ , thì người ta thường dùng bảng Snellen , tính theo một kiểu khác hẳn. Mắt tốt nhất là 20/20. Mắt 20/50 có nghĩa là mình thấy một vật gì cách xa 20 feet chỉ rõ bằng người mắt tốt nhìn cách xa 50 feet.
2. Khi mắt bị mờ đến nỗi cản trở những hoạt động cần thiết thường ngày, như lái xe, đọc sách, v.v....
3. Khi mắt bị lóa quá mức (trường hợp bị đục ở phía sau thủy tinh thể).
Giải phẫu chữa bệnh cườmMổ chữa mắt cườm là một phẫu thuật tương đối đơn giản. Thường chỉ cần chích thuốc tê tại chỗ, và chích thêm thuốc an thần. Bệnh nhân có thể được đưa về trong ngày. Người ta mổ lấy thủy tinh thể ra, rồi thay thế bằng cách ghép một "thủy tinh thể" nhân tạo, làm bằng plastic hay silicon. Nếu không có ghép như vậy, thì bệnh nhân sẽ phải dùng kính. Nếu không dùng contact lens mà dùng kính đeo mắt, thì phải dùng kính rất dày, và như vậy nhìn hình không được chỉnh.
Gần đây có một phẫu thuật mới (gọi là phacoemulsification), dùng siêu âm đánh tan cục mờ ở giữa thủy tinh thể (phần cứng rắn), sau đó mổ bỏ phần chung quanh lấy ra từng miếng vụn. Mổ kiểu này có hai cái lợi, một là vết cắt rất nhỏ, hai là mau lành.
Sau khi mổ, thường bác sĩ cho bôi thuóc trụ sinh và thuốc chống viêm vài ba tuần. Bệnh nhân phải đeo tấm che mắt cho tới khi lành. Phải kiêng không được làm những động tác làm cho áp suất mắt bị cao, như là bê đồ nặng, mím miệng rặn mạnh, cúi thấp, hay dụi mạnh vào mắt. Thường là phải đi tái khám mỗi tuần một lần trong sáu tuần lễ.
Mức độ thành công của việc giải phẫu mắt cườm được độ 95 phần trăm. Biến chứng không nhiều nhưng cũng có khi làm hư mắt. Có thể bị chảy máu bên dưới võng mạc, có thể sinh chứng cao áp suất mắt (glaucoma). Trường hợp miếng thủy tinh thể ghép vào rồi về sau (có khi vài tuần , có khi cả năm sau) bị mờ đục, thì có thể chữa bằng tia laser.
Trường hợp mắt cườm bẩm sinhCó nhiều trẻ bị cườm từ khi mới sinh ra. Có thể do nhiều nguyên do:
1. bị di truyền do nhiễm sắc thể bất bình thường,
2. bị bệnh đường galactose trong máu cao ,
3. bị nhiễm trùng, thí dụ như bệnh ban rubella từ khi còn trong bụng mẹ.
Mắt cườm bẩm sinh, nếu chữa sớm trong vòng mấy tháng đầu thì có thể cứu vãn được thị gíác, vì nếu để lâu, thì cả võng mạc và phần óc chủ trì thị giác cũng bị hư lây. Người ta mổ thay thế thủy tinh thể, rồi sau đó cho đeo kính hoặc là dùng contact lens.
Cũng có cách mổ ghép giác mạc của người khác ép lên trên giác mạc của đứa nhỏ (giống như một thứ contact lens vĩnh viễn vậy). Cách mổ này tiếng Anh gọi là epikeratophakia.
Mắt bị cườm bẩm sinh một bên, sau khi chữa trị rồi, thì thị giác không được tốt bằng mắt bên kia, cho nên khi nhìn thì cảnh vật không được rõ nét như người thường. Phải một thời gian tập luyện mới hết.
Bs Vũ Quí Đài
Sửa bởi người viết 15/08/2012 lúc 08:18:24(UTC)
| Lý do: Chưa rõ