Thuốc chất sợi có an toàn khi uống mỗi ngày không?
Hỏi: Bác sĩ bảo tôi cần thêm chất sợi. Tuy nhiên tôi thấy khó mà ăn đủ rau và trái cây để đáp ứng nhu cầu chất sợi như
lời bác sĩ nói. Còn nếu uống thêm thuốc chất sợi mỗi ngày thì liệu có phản ứng gì không tốt không?
Đáp: Hiện nay chưa có chứng cớ nào cho thấy uống thuốc chất sợi - như Metamucil, Konsyl, Citrucel - mỗi ngày sẽ có
hại. Trái lại chất sợi đem lại nhiều điều tốt cho sức khỏe, nhất là làm chức năng ruột được điều hòa. Dĩ nhiên là ăn vào
đủ chất sợi thì tốt nhất nhưng uống thêm thuốc chất sợi cũng là cách tốt để có đủ lượng cần thiết cho cơ thể.
Trước khi uống thêm chất sợi, bà nên hỏi ý kiến bác sĩ, đồng thời hỏi xem thuốc chất sợi này có ảnh hưởng đến những
thuốc mình đang uống không vì thuốc chất sợi có thể làm giảm sự hấp thu của một vài loại thuốc thí dụ như aspirin,
warfarin (Coumadin) và carbaamzepine (Carbatrol, Tegretol). Thuốc chất sợi cũng có thể làm giảm mức đường trong
máu nên bệnh nhân tiểu đường cần điều chỉnh lượng insulin khi uống thuốc này.
Nếu bà định uống thuốc chất sợi, nên bắt đầu uống lượng thấp để đỡ bị đầy hơi và nên để ý uống nhiều nước mỗi
ngày.
Tại sao bột ngọt lại có hại?
Hỏi: Tiệm ăn Tàu gần nhà tôi có để bảng hiệu quảng cáo là không có MSG. MSG là gì và tại sao lại có hại?
Đáp: MSG là tên viết tắt của chất Monosodium glutamate, người Việt thường gọi là bột ngọt vì nó làm cho món ăn
“ngọt” và đậm đà hơn. Tuy FDA tức cơ quan quy định và kiểm soát các loại thuốc và thức ăn của Hoa Kỳ, xếp loại
MSG là một chất “an toàn”, nhưng MSG vẫn tạo ra nhiều mối lo ngại. Do đó, FDA đòi hỏi các thức ăn phải kê rõ MSG
trên nhãn hiệu.
MSG đã được dùng trong thức ăn từ nhiều chục năm qua và FDA cũng đã nhận được rất nhiều than phiền về những
tác dụng gây khó chịu cho người tiêu thụ của MSG, còn gọi là “hội chứng bột ngọt”, gồm có:
-Nhức đầu
-Mặt đỏ bừng lên
-Ra mồ hôi
-Mặt như bị đè cứng lên hay căng ra
-Cảm giác tê rần hay bỏng nơi mặt, cổ và những nơi khác
-Nhịp tim đập nhanh lên làm hồi hộp
-Đau ngực
-Buồn nôn
-Cảm thấy yếu đi
Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy không có liên hệ gì giữa MSG và những triệu chứng kể trên. Nạn nhân có thể
đã có những phản ứng ngắn hạn với MSG. Những triệu chứng này thường cũng nhẹ và không cần chữa cũng hết. Nếu
không muốn bị những triệu chứng này, nên tránh ăn những thức ăn có chứa bột ngọt.
Trứng gà: một nguồn cholesterol đáng kể
Hỏi: Tôi biết là trứng gà có nhiều cholesterol. Điều tôi muốn biết là ăn cỡ bao nhiêu thì có hại?
Đáp: Trứng gà là một thức ăn tuyệt vời vì ngon, dễ chế biến lại có nhiều dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, nó lại chứa nhiều
cholesterol mà bây giờ thì ai cũng biết là một chất gây ra nhiều chuyện không tốt cho cơ thể. Nhưng ăn thức ăn nhiều
cholesterol sẽ làm tăng mức cholesterol trong máu lên bao nhiêu thì lại thay đổi tùy người, không nhất định.
Khi ăn trứng, nên để ý tới con số cholesterol được khuyên nên ăn mỗi ngày.
-Nếu là người mạnh khỏe, nên giới hạn lượng cholesterol ăn vào mỗi ngày ở mức 300mg
-Nếu là bệnh nhân tiểu đường, tim hay có mức đo LDL (low density lipoprotein) hay cholesterol xấu cao, nên dừng ở
mức 200mg.
-Nên nhớ 1 cái trứng gà loại lớn có 213mg cholesterol, tất cả nằm trong lòng đỏ. Do đó, nếu bạn ăn 1 cái trứng lớn thì
trong ngày đó bạn nên ăn rất ít các thức ăn có chứa cholesterol như thịt, sữa mà nên ăn rau.
-Nếu thích ăn trứng mà không muốn ăn nhiều cholesterol vào người, nên chỉ ăn lòng trắng vì lòng trắng không có
cholesterol. Hoặc có thể ăn trứng “giả”, làm bằng lòng trắng trứng. Có thể thay thế 1 cái trứng bằng 2 cái lòng trắng
trứng khi nấu nướng.
Tại sao thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối sodium?
Hỏi: Tại sao các nhà chế biến thực phẩm ăn ngay lại dùng quá nhiều muối sodium? Nhiều thức ăn quá mặn khiến tôi
phải chế thêm nước nhiều. Những món thịt như bacon và thịt ăn với bánh mì như Spam thật quá mặn. Tại sao họ
không chế biến vừa ăn mà thôi?
Trả lời: Từ ngàn xưa, nhân loại đã biết dùng muối ăn sodium chloride bảo quản thức ăn để giữ được lâu. Người Việt
Nam có món mắm là một điển hình, người Tây phương thì có món thịt ham, bacon... Muối hút nước trong thực phẩm
và giết vi trùng, giúp thức ăn không bị hư. Muối cũng làm cho đồ ăn ngon hơn, đậm đà hơn, món ngọt thì ngọt đậm
hơn. Muối cũng giúp che giấu được vị kim loại hay hóa chất trong các món ăn.
Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các nhà chế biến thực phẩm dùng rất nhiều muối, nhiều gần như là vô lý.
Quen ăn với vị quá mặn, chúng ta sẽ rất khó ăn ít muối đi vì sẽ cảm thấy nhạt nhẽo, không ngon. Các nhà chế tạo thực
phẩm quá biết điều này và không dễ gì làm họ thay đổi.
Tuy nhiên ngày nay, mức độ ý thức về sự nguy hiểm của việc ăn quá nhiều muối đã lên cao trong dân chúng. Ăn quá
nhiều muối sẽ khiến huyết áp tăng cao đưa đến nhiều bệnh nguy hiểm. Do đó hiện nay đã có nhiều thực phẩm chế
biến sẵn dùng ít muối hơn và điều này được ghi rõ trên nhãn hiệu. Chúng ta nên tìm mua những loại thức ăn “low
sodium” này. Ăn ít muối dần dần sẽ khiến ta quen vị và bỏ được thói quen ăn quá mặn.
Chúng ta cần bao nhiêu vitamin D?
Hỏi: Những năm gần đây tôi hay nghe các bác sĩ nói là đa số dân chúng thiếu vitamin D và có mức vitamin D quá thấp.
Nhưng mới đây báo lại đăng tin là chuyện này cần phải coi lại. Vậy thì chúng ta cần bao nhiêu vitamin D mỗi ngày và có
cần uống thêm không?
Đáp: Đúng là gần đây Viện Y Khoa (Institute of Medicine) có đưa ra thông báo về lượng vitamin D nên lấy vào người
mỗi ngày, khá thấp hơn khi trước. Viện này đã coi lại hơn 1000 bài khảo cứu và lấy ý kiến của nhiều khoa học gia. Bản
công bố mới này làm nhiều người ngạc nhiên và có lẽ phải xem lại chế độ ăn uống của mình cũng như số lượng thuốc
bổ uống hằng ngày.
Viện Y Khoa cho biết lượng vitamin D nên lấy vào hằng ngày là 600 đơn vị quốc tế (international units hay IU). Người
lớn hơn 71 tuổi nên lấy vô nhiều hơn, 800 IU. Mức trước kia - 4000 IU - là mức cao nhất người ta có thể chịu được
chứ không phải là mức cần có. Viện cũng cho rằng đa số dân Mỹ và Canada có lượng vitamin D trong người khá đầy
đủ, không như trước đây cho là đa số bị thiếu. Mực vitamin đo trong máu thấp do tiêu chuẩn đo của các phòng thí
nghiệm không giống nhau. Viện cho rằng không nên uống vitamin D liều lượng quá cao trong một thời gian dài.
BS Nguyễn Thị Nhuận