Nghệ sĩ cải lương Thanh Nga
Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập đoàn Thanh Minh Thanh Nga và 36 năm ngày Thanh Nga mất, con cháu đoàn cải lương vang bóng một thời này đã tổ chức mấy buổi diễn ở Saigon cho hai vở tuồng gắn liền với tên tuổi Thanh Nga sau 1975: Tiếng Trống Mê Linh và Bên Cầu Dệt Lụa. Thành phần nghệ sĩ quy tụ những tiếng tăm lừng lẫy: Thanh Sang, Thanh Tú, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Lệ Thủy, Thành Lộc, Vũ Linh, Xuân Lan, Quốc Nhĩ, Vũ Luân, Kiều Mai Lý, Hồng Loan, Chí Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Phượng Liên, Phương Hồng Thủy. Khán giả ủng hộ nhiệt liệt, những buổi diễn bán sạch vé, thậm chí còn phải thêm suất theo yêu cầu. Theo một bài tường trình về một buổi diễn vở Tiếng Trống Mê Linh trên báo Phụ Nữ (Việt Nam), khán giả đã vỗ tay nhiều lần cho những đoạn ưa thích trong vở như cảnh Trưng Trắc đưa tiễn Thi Sách, cảnh Trưng Trắc tế chồng trước khi cầm quân ra trận. Bài báo cũng nói đến một điều ai cũng biết, rằng có những khán giả hầu như đã thuộc lòng từng câu trong vở tuồng kinh điển này.
Thế nhưng, giữa những tràng pháo tay, trên và dưới sân khấu trang trí công phu nhiều màu sắc, giữa những tiếng hát và điệu múa làm say đắm người xem, hẳn phải có những giây phút chạnh lòng, nhưng tiếc nuối thương cảm, không chỉ cho người nghệ sĩ tài sắc đã sớm qua đời, mà còn cho bộ môn cải lương đã mang cô đến danh vọng và yêu thương của nhiều người.
Bởi vì cải lương mỗi ngày mỗi sa sút, ngay ở những tỉnh miền Nam vốn là nguồn cội của thể loại nghệ thuật này. Vẫn còn những chương trình cải lương trên tivi, nhưng không còn những đoàn cải lương diễn quanh năm ở những rạp nhất định. Lớp khán giả mộ điệu thưa thớt theo thời gian và tuổi tác, lớp trẻ không thích cải lương mấy, ngành cải lương không còn tạo được nghề nghiệp vững chãi nên khan hiếm nhân tài mới và theo đó sức hấp dẫn của cải lương lại giảm bớt thêm.
Tại sao cải lương không thu hút được giới trẻ? Một lý do hiển nhiên là sau thời đổi mới thì dân Việt Nam đã có nhiều thứ giải trí hơn: phim Tây phương, trò chơi điện tử, phim bộ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và cả Thái, Mã Lai, chứ không chỉ hạn hẹp ca nhạc tụ điểm hoặc cải lương hoặc kịch nói như ngày trước.
Cộng thêm vào đó có thể là tự trong ngành đã không đào tạo được lớp nghệ sĩ trẻ nối tiếp tổ nghiệp. Sau những nghệ sĩ cải lương còn lại từ trước 1975, những ngưới mới nổi tiếng sau 1975 đếm được trên đầu ngón tay và thật sự để lại dấu ấn trong lòng khán giả thì còn ít hơn nữa. Thế nên dàn ca diễn của hai vở Tiếng Trống Mê Linh và Bên Cầu Dệt Lụa vẫn đại đa số là những người đã bắt đầu hát và nổi iếng đồng thời với Thanh Nga hoặc sau Thanh Nga thì cũng trước 1975 như Phượng Liên, Thanh Tú, Lệ Thủy… Những diễn viên đã có mặt trong hai vở này từ đầu như Thanh Sang dĩ nhiên được mời một phần vì lý do kỷ niệm, nhưng với Phượng Liên, Thanh Tú, Lệ Thủy… thì lý do chỉ đơn giản là vì họ tuy rất lớn tuổi vẫn là những diễn viên xuất sắc và thích hợp nhất.
Những vở cải lương trên tivi ngày nay cũng ít hấp dẫn vì kỹ thuật quay hình và thu âm. Cải lương cần phải được thu hình và thu âm cùng lúc, vì rất khó để bắt đúng nhịp câu hát nếu diễn viên chỉ nhép môi theo lời, mà những vở tuồng thu hình trong khoảng 20 năm trở lại đều mắc phải cái nạn âm và hình chênh nhau làm mất rất nhiều hứng thú và cảm giác khi xem.
Ngoài ra, có thể cải lương thiếu đổi mới: những vở cải lương thường xoay vòng quanh một số tích truyện, thiên về cổ trang. Tuồng cổ khai thác thế mạnh bài trí, hình thức và ca từ của cải lương, nhưng cũng khó hiểu, khó thích với lớp trẻ nhiều khi không còn hiểu lắm những từ thường dùng trong tuồng tích và cũng xa lạ hơn với những câu chuyện và lý lẽ tình cảm trong ấy.
Nhìn về tương lai, khả năng vực dậy môn cải lương hoặc tìm cách phục hồi địa vị của nó trong làng giải trí đến mức trước kia có thể hầu như là con số không. Cứ nhìn đến những bộ môn giải trí đã bị lỗi thời và đào thải (ít ra theo nghĩa đại đa số quần chúng không màng đến) như hát bội và hát chèo thì rõ. Nhưng ít ra cải lương chưa đến mức tuyệt vọng ấy. Những người muốn gìn giữ cải lương cho tương lai phải cân nhắc khả năng nâng cao bộ môn này hơn địa vị giải trí bình dân vốn dĩ của nó.
Có thể nhìn opera của Tây phương hoặc Kabuki của Nhật làm ví dụ. Muốn thế, phải giữ lại những vở tuồng kinh điển, xây dựng công phu và sáng tạo, lựa lọc những tác phẩm mới, tóm lại là biến cải lương thành một thứ giải trí cao cấp và đáng thì giờ lẫn tiền bạc của khán giả. Cộng vào đó cũng phải là sự tài trợ của chính phủ hoặc những tố chức ủng hộ văn hóa (giống mô hình tài chính của opera ở nhiều quốc gia Tây phương). Nếu làm được, ít ra vẫn còn cơ hội cho những người yêu nghiệp vọng cổ, cho số ít trong giới trẻ muốn tìm hiểu một hình thức văn hóa cổ truyền, và cho những khán giả vẫn còn muốn xem thêm nhiều buổi diễn Tiếng Trống Mê Linh và Bên Cầu Dệt Lụa khác.
Nguyễn Phương