Nhiều mặt nạ bằng đá hiếm có, niên đại lên tới 9.000 năm tuổi, sắp được đem trưng bày tại Jerusalem. Đây được coi là những mặt nạ xa xưa nhất của loài người.
Những mặt nạ này đều có nguồn gốc từ Do Thái, được cho là khắc họa chân dung của những người đã khuất. Có lẽ chúng đã được sử dụng trong những nghi lễ tôn giáo, trong hoạt động thờ cúng…
Những mặt nạ bằng đá hiện đang được trưng bày ở Viện bảo tàng Do Thái là kết quả của một thập kỷ tìm kiếm. Đây là lần đầu tiên 12 chiếc mặt nạ từ thời kỳ đồ đá được trưng bày cùng một lúc. Những chiếc mặt nạ này có chung đặc điểm là đều có hốc mắt lớn, miệng mở, tạo hình giống như sọ người.
Trong những mặt nạ được tìm thấy, có chiếc khắc họa người già, có chiếc khắc họa người trẻ. Chắc chắn những người được tạc mặt nạ phải là những người được cộng đồng tôn kính lúc còn sống.
Mỗi chiếc mặt nạ bằng đá vôi đều nặng từ 1-2kg. Có lẽ khi mới được chế tác, những chiếc mặt nạ này đã được sơn vẽ kỳ công, trải qua lịch sử hàng ngàn năm, chỉ còn một trong 12 chiếc mặt nạ lưu giữ dấu vết màu sắc.
Những người tiền sử từng làm những chiếc mặt nạ này chính là những cư dân cổ đại đầu tiên từ bỏ lối sống du mục để bắt đầu định cư lâu dài.
Dựa trên sự tương đồng giữa những chiếc mặt nạ với cấu tạo sọ người, các nhà khoa học cho rằng những chiếc mặt nạ hẳn đã từng được sử dụng trong những nghi lễ tôn giáo, thờ cúng tổ tiên.
ST