Cùng với cách quảng bá hình ảnh qua truyền hình, đặt bảng ngoài trời, banner trên báo... nhiều doanh nghiệp có tên tuổi ở Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến việc quảng bá qua các trang mạng xã hội.Một buổi hội thảo về sử dụng mạng xã hội cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Võ Thái) Bà Mai Hà, chuyên gia về truyền thông xã hội của công ty Golden Digital, cho biết trong khoảng một năm trở lại đây, đơn vị chị đã giúp khoảng 30 công ty lớn tại Việt Nam làm truyền thông xã hội.
Quảng bá không truyền thống
Năm 2009, công ty MOF kinh doanh đồ ăn, thức uống phong cách Nhật Bản từ Singapore được mở tại Việt Nam. Đối tượng kinh doanh của MOF đa phần giới trẻ, đây cũng là độ tuổi sử dụng mạng xã hội (MXH) nhiều nhất. Thấy được sự tương đồng này, ngay từ ngày đầu MOF đã chọn MXH để quảng bá cho dịch vụ của mình.
Bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Tiếp thị của MOF tại Việt Nam, kể: ban đầu MOF sử dụng Yahoo 360 - lúc đó đang sốt ở trong nước. Khi Yahoo 360 đóng cửa, bà chuyển sang Facebook tạo fanpage. Sau gần hai năm gắn bó với Facebook, MOF đã có khoảng 16 nghìn thành viên hoạt động rất sôi nỗi. Mới đây MOF mở thêm dịch vụ trên MXH Zing Me và sau hai tháng đã có được trên 9.000 thành viên.
Theo bà Vân, đối tượng trên Facebook và Zing Me không giống nhau. Trên Facebook các bạn ‘like’ (thích) rất thận trọng. Khi đã ‘like’ thì 80-90% thích thật sự. Còn ở Zing Me thì phần nhiều ‘thích’ theo phong trào.
“Ước tính có khoảng 70-80% thành viên ‘like’ hoặc ‘comment’ đã đến các cửa hàng của MOF. Tỷ lệ thành viên trên Facebook trở thành khách hàng thật sự lớn hơn Zing Me’, bà Vân nói.
Một đại diện của hệ thống rạp chiếu phim Megastar kể: ban đầu bộ phận tiếp thị dùng MXH để giới thiệu phim mới, các đoạn clip ‘độc’ của phim, cho cộng đồng đã xem phim chia sẻ ý kiến… Thấy được hiệu quả của MXH, Megastar mở rộng kết hợp với Zing Me cho các thành viên được phép mở tài khoản mua vé xem phim ngay trên MXH, không cần phải đến điểm bán hoặc qua trang web của Megastar.
Không chỉ bán hàng
Với Công ty Cổ phần tin học Lạc Việt (chủ sở hữu từ điển Lạc Việt), các nhà tiếp thị ở đây không chỉ đơn thuần dùng MXH để giới thiệu sản phẩm.
Bà Phan Thị Bích Tâm, Giám đốc bán hàng của đơn vị này, tiết lộ: cộng đồng Facebook đã giúp Lạc Việt chăm sóc khách hàng tốt hơn; quan trọng hơn, MXH đã giúp Lạc Việt có ý tưởng để hình thành sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và đông đảo khách hàng.
Theo bà Tâm, “Lạc Việt đang tìm đơn vị làm truyền thông mạng xã hội chuyên nghiệp cho mình”.
Thông qua MXH, MOF còn tổ chức các hoạt động offline (gặp mặt trực tiếp) vào những ngày đặc biệt như: lễ tình nhân, quốc tế phụ nữ, ngày của mẹ… các cuộc thi viết, chụp ảnh… ngay tại cửa hàng của mình. Có thể vì vui, muốn tìm hiểu, có thêm những người bạn qua các hoạt động offline mà nhiều bạn đến MOF.
Để truyền tải được thông tin của mình, trước hết phải lắng nghe các ‘fan’ nói gì. Hãy xem ‘fan’ như những người bạn tâm sự. “Nên trả lời sớm nhất những thông tin, ý kiến của fan. Và có một quy tắc là luôn gõ bằng tiếng Việt có dấu”, bà Vân đúc kết kinh nghiệm thành công của mình.
Hiểu được đối tượng của từng trang MXH sẽ đem lại sự thành công cao hơn. Theo bà Vân, ở Zing Me - một ngày giới thiệu sản phẩm mình kinh doanh ba bốn lần, nhiều hơn cũng không sao, nhưng ở Facebook chỉ nên 1 lần/ngày 1 lần/2 ngày bởi nhiều quá thì sẽ khiến người sử dụng Facebook cảm thấy nhàm chán.
“Khi gặp thông tin không có lợi chê bai doanh nghiệp hay sản phẩm của mình thì bạn cũng nên lắng nghe và có phản hồi thích hợp. Không nên chặn, cãi nhau với các thành viên kiểu này vì họ không nói được chỗ này sẽ nói chỗ khác còn nguy hiểm hơn. Nếu mình thật sự tốt thì sẽ được cộng đồng thành viên của mình bảo vệ’, ông Tony Truong, một chuyên gia về truyền thông xã hội của công ty Golden Gigital, chia sẻ.
Truyền thông của tương lai
Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc điều hành công ty Eleven Communication, cho rằng doanh nghiệp lớn không nhạy bằng những doanh nghiệp vừa, nhỏ, hoặc những cửa hàng, người bán lẻ vì họ nặng nề và truyền thông một chiều mang tính áp đặt.
Tuy nhiên, ông Tony Truong không đồng ý với nhận định trên. Thực tế, các doanh nghiệp có quy mô tại Việt Nam chưa chú trọng đến truyền thông qua mạng xã hội. So sánh với các nước Âu, Mỹ, gần hơn như Ấn Độ, Hàn Quốc… truyền thông qua mạng xã hội ở Việt Nam còn chậm.
Lời khuyên của ông Tony đưa ra với những doanh nghiệp lớn là phải tận dụng tối đa sức mạnh của các trang MXH. Tùy theo đối tượng mình muốn hướng tới mà nên dùng các trang MXH nội địa với sự hỗ trợ tối đa của ngôn ngữ phổ thông, hay trang MXH có tính quốc tế. Để cho việc quảng bá thêm hiệu quả, không chỉ biết dùng những công cụ miễn phí mà nên đầu tư mua thêm những tiện ích cao cấp khác.
“Hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm trong tương lai sẽ phải qua các trang MXH. Điều này cần đòi hỏi có chiến lược, đầu tư đủ, kế hoạch cụ thể, chứ không thể làm theo kiểu ngẩu hứng’, ông Tony Truong kết luận.
Source: ABC Australia