Cô Alisha Fernando với vợ chồng ông Willem Christ ở Amsterdam. (Hình: Alisha Fernando)
MELBOURNE, Úc - Cách đây hơn 30 năm, một chiếc tàu chở hàng của Hòa Lan chạy ngang qua Biển Đông đã giải cứu một chiếc thuyền của những người tị nạn Việt Nam. Ba chục năm sau đó, một phụ nữ Melbourne có dịp gặp lại ông thuyền trưởng của chiếc tàu ấy, người mà gia đình cô gọi là vị cứu tinh của họ.
Qua một bài viết của đài SBS đầu tuần này, người ta được biệt trong tháng Hai năm 1982, một tàu tiếp tế của Hòa Lan đi qua Biển Đông đã bốc lên tàu một lô hàng bất ngờ.
Một nhóm người tị nạn Việt Nam trôi dạt nhiều ngày trong một chiếc ghe đông người chen chúc, không có đồ ăn hoặc nước sạch. Họ đã nhiều lần tìm cách sửa lại máy ghe nhưng động cơ vẫn không nổ được.
Lúc đó Alisha Fernando là thuyền nhân trẻ nhất trên ghe, mới hai tuổi. Cô là người Việt Nam mà nay lấy tên mới.
Cô nói với đài SBS, “Chúng tôi đã ở trên thuyền trôi lênh đênh không biết đến đâu, và chẳng bao lâu thì không còn sự chọn lựa. Nếu ông ấy không cứu kịp thì tôi biết chắc rằng chúng tôi đã chết ngoài biển mất rồi.”
Đêm đó thuyền trưởng Willem Christ và thủy thủ đoàn gồm 12 người của ông đã cứu sống 168 người, trong đó có Alisha, cha mẹ và và chú của cô. Họ đã được chở tới giao cho một trại được thành lập để đón tiếp những người Việt Nam tị nạn, với sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, trên đảo Pulau Bidong ở Mã Lai.
Trên tàu của thuyền trưởng Christ, họ được cho ăn uống, và sau đó chiếc ghe của họ bị phá hủy để bảo đảm rằng khi đơn xin tị nạn của họ được Liên Hiệp Quốc cứu xét, thì họ sẽ được bảo vệ ngay lập tức.
Thuyền trưởng Christ nói với đài SBS, “Tôi ghi vào sổ hải trình ban đầu của tôi: đụng phải một vật đang trôi thẳng. Sau đó chúng tôi đưa họ người lên tàu. Rồi khi mọi người được an toàn trên tàu, chúng tôi phải đánh chìm chiếc ghe... Và sau đó căn cứ vào công pháp quốc tế, họ không còn là những người tị nạn nữa, mà là những người sống sót.”
Các thuyền nhân được diểm danh trên tàu hàng hải của ông Willem Christ trước khi lên trại tị nạn Pulau Bidong. (Hình: Alisha Fernando)
Sau đó gia đình của Alisha được tái định cư tại nước Úc.
Ngay sau khi đến Úc, việc đầu tiên mẹ của cô Fernando thực hiện là truy tìm thuyền trưởng Christ, và bây giờ hơn 30 năm sau, cô con gái của bà đã đi sang Amsterdam ở Hòa Lan để gặp người đàn ông mà họ gọi là ân nhân cứu mạng của họ.
Cô nói, “Có một món quà tuyệt vời, đó là rốt cuộc tôi có được cơ hội gặp lại người đã cứu chúng tôi, ông – cùng với cha mẹ tôi – đã cứu mạng sống của tôi mà tôi có được ngày hôm nay, lẽ ra tôi có thể trở thành một người ăn xin trên đường phố ở Việt Nam, hoặc tôi có thể rốt cuộc trở thành một con số trong những số liệu thống kê chiến tranh.”
Willem Christ nói rằng trong những năm sau thời chiến tranh Việt Nam, những chiếc tàu của công ty Smit Lloyd đã cứu hơn 10,000 người tị nạn Việt Nam từ các vùng biển ngoài khơi Đông Nam Á.
Riêng ông Christ thì ông chỉ nhận công cứu từ 400 đến 500 người trong số đó.
Ông nói thêm rằng việc mỗi lần chở những người Việt Nam đến các trại của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ tốn mất một số ngày hoạt động của chiếc tàu, nhưng công ty vận chuyển của ông luôn luôn cho phép các thuyền trưởng được làm như vậy.
Thuyền trưởng Willem Christ nói, “Tôi thường cảm thấy xấu hổ vì hồi ấy tôi không thể cung cấp cho họ nhiều hơn một ly nước, và tôi luôn bảo họ đừng nói lời cảm ơn với tôi. Các bạn đã may mắn khi các bạn gặp chúng tôi ở Biển Đông.”
Theo báo Viễn Đông