Hằng năm, tại Việt Nam có hàng triệu sĩ tử đổ dồn về các thành phố lớn hòng chen chân qua một cánh cửa hẹp mang tên ‘đại học’ dù đó không phải là nhu cầu lao động thực tế của xã hội.
Bất kể học lực cao hay thấp, hơn 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông cố giành suất vào đại học (Credit: ABC) .Nửa triệu giấc mơ tan nátKỳ thi tuyển sinh đại học 2012 có hơn 1.2 triệu thí sinh tham dự. Ngay khi Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố điểm sàn vào ngày 8/8 vừa qua, trước mắt đã có hơn nửa triệu thí sinh và cũng là nửa triệu gia đình tan nát ‘giấc mơ đại học’ Sau đó, khi các trường lần lượt nêu điểm chuẩn vào các ngành học thì con số này tiếp tục tăng lên.
Với áp lực nặng nề từ phía gia đình và xã hội, đa số thí sinh rớt mang tâm lý chán nản, tuyệt vọng, thậm chí chọn bừa một ngành nào đó điểm thấp để học, miễn là đại học. Điều này giải thích vì sao các lớp ‘đào tạo chất lượng cao’ (thực chất là chương trình đào tạo ngoài ngân sách, đầu vào thấp hơn 1-2 điểm, với mức học phí cao ngất ngưỡng) không bao giờ sợ thiếu sinh viên.
Em Nguyễn Thụy D.Q., thí sinh rớt nguyện vọng 1 ngành Kinh tế Đối ngoại của Đại học Ngoại Thương cho biết em đang cân nhắc về thư mời vào lớp chất lượng cao của trường: “Gia đình em đã tìm hiểu và được biết chương trình đào tạo của lớp này không có sự khác biệt gì lớn so với các lớp trong ngân sách, ngoài việc được học một số môn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, học phí hệ này lên đến khoảng 20 triệu đồng/ năm, trong khi bình thường chỉ 4 triệu đồng/ năm”.
Những trường hợp kết quả thi quá thấp, không thể vào đại học đã nhắm đến các trường cao đẳng hoặc trung cấp như một nơi tạm trú để sang năm tiếp tục ứng thí. Tâm lý học tạm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập mà còn gây ra một sự lãng phí to lớn cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc.
Xã hội trọng thầy hơn thợĐiều đáng nói là ước mơ vào đại học không phải bắt nguồn từ nhu cầu lao động của xã hội mà từ tâm lý sính bằng cấp, ‘trọng thầy hơn thợ’ của người Việt bấy lâu nay.
Từ nhiều năm qua, tình trạng thừa thầy thiếu thợ đã lên đến mức báo động nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết. Bài học đắng lòng của những cử nhân thất nghiệp phải đi hát dạo kiếm sống ngay giữa thủ đô Hà Nội dường như vẫn chưa cảnh tỉnh được nhiều gia đình.
Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, cơ cấu lao động đã qua đào tạo của Việt Nam hiện nay là 1:3, tức là cứ một sinh viên tốt nghiệp đại học thì có ba học viên tốt nghiệp trường nghề. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước tiên tiến trong khu vực là 1:10.
Ngày nay lương thợ hơn xa lương thầyDo nhu cầu lao động của xã hội, thu nhập của đội ngũ công nhân lành nghề không hề thấp. Tại Công ty Nissei Electric VN, lương công nhân lắp ráp linh kiện thông thường dao động từ 4,1-6,6 triệu đồng/tháng - mức mà không phải sinh viên đại học nào mới ra trường cũng dễ dàng đạt được. Đó là chưa kể những công nhân bậc cao trong các ngành điện tử, cơ khí, xi măng, dầu khí… có thể lên đến hơn 10 triệu đồng/ tháng.
Tuy vậy, những học sinh có học lực thấp cũng không mặn mà gì với hệ thống gần 300 trường trung cấp chuyên nghiệp, 200 trường cao đẳng và 30-50 trường đại học có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với quy mô 700,000 học viên/năm.
Vương D.T. - một nam sinh tại Đồng bằng Sông Cửu Long vừa thi rớt đại học - tỏ ra rất thờ ơ với trường nghề. Ngay sau kỳ thi vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, cậu đã trở về quê chuẩn bị ôn luyện để năm sau thi tiếp.
Bao giờ bỏ thi đại học?Từ đầu những năm 2000 cho đến nay đã có rất nhiều ý kiến đề xuất dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển và bỏ kỳ thi đại học. Thứ nhất, đây là một kỳ thi có quy mô cồng kềnh, quy tụ hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên thuộc nhiều ban ngành tham gia điều hành và hàng triệu gia đình sĩ tử. Thứ hai, kỳ thi toàn quốc này càng làm tăng thêm áp lực và cả khao khát chen chân vào giảng đường đại học.
Tuy nhiên, do chất lượng các cấp học dưới vẫn chưa đảm bảo nên việc bỏ thi đại học sẽ càng làm tăng nguy cơ các trường chạy theo thành tích, đẩy kết quả tốt nghiệp phổ thông lên cao.
Bài toán thi đại học chỉ thật sự được giải quyết khi chấn chỉnh nghiêm túc các cấp học dưới, đồng thời thực hiện các chương trình hướng nghiệp một cách triệt để cho học sinh từ bậc phổ thông.
Source: ABC Australia