Đào nương “không chuyên” Kim Thoa ngồi trên xập gụ hát một đoạn trong bài Ca Trù “Hồng Hồng
Tuyết Tuyết” trong đêm nhạc “Âm xưa” tại Viện Việt Học
“Âm Xưa” là một đêm sinh hoạt “Hát Với Nhau” của Hội Quán Thơ Nhạc Viện Việt Học tổ chức vào tối thứ Bảy, 29-3-2014 tuần qua, đã đem lại cho khán giả những khoảnh khắc đáng nhớ. Mọi người đến và cùng quây quần bên nhau trong không gian ấm cúng dưới ánh sáng mờ ảo, huyền hoặc của các ngọn bạch lạp, để có những phút giây trải lòng với lời tự tình của các nhạc sĩ, phút ấm áp khi cùng nhau thưởng thức lời ca, phút ngỡ ngàng khi được thưởng thức giọng hát quá hay. Các tiết mục trong đêm nhạc không được tập dợt trước, không xuất hiện bóng dáng của ca sĩ ngôi sao. Ngoài ca sĩ trẻ Hồng Diễm, Huy Tâm, nhạc sĩ đệm đàn Huy Cường, hầu hết những tiếng hát trong đêm nhạc Kim Thoa, Kim Yến, xướng ngôn viên Hồng Vân (đài Sài Gòn Tivi), Lê Đăng Khoa, Hàn Phúc... chỉ là những người yêu âm nhạc, những nghệ sĩ “tài tử” không chuyên. Nhưng mỗi người đứng trên sân khấu là một nghệ sĩ thật sự. Họ đã đem lại những giây phút tuyệt vời cho người thưởng thức. Một số ca sĩ không chuyên này còn rất trẻ nhưng với chất giọng mượt mà, họ đã thổi vào những ca khúc trữ tình xưa một cảm xúc mới, một không khí tươi trẻ.
Tiếng hát, điệu đàn như gần nhau hơn, mọi thứ cứ thấm vào lòng của người hát, người nghe một cách mộc mạc, tự nhiên. Qua những ca khúc với giai điệu mang đậm phong cách ballad dịu ngọt, bài hát mang âm hưởng dân ca miền Nam, âm hưởng blue jazz, âm hưởng Ca Trù đem lại những âm thanh ngọt ngào, lắng đọng, trữ tình của các dòng nhạc viết về tình yêu, trăn trở của thân phận con người trước cuộc sống, những hoài niệm cũ...
Nếu những bức ảnh có thể lưu giữ những khoảnh khắc, thì những bài hát có thể lưu giữ những hoài niệm.... Và những tiếng hát tiếng đàn trong đêm nhạc đã đưa người nghe về một vùng trời hoài niệm như thế.
Đây là đêm sinh hoạt văn nghệ “Hát Với Nhau” định kỳ vào mỗi tối Thứ Bảy của tuần lễ cuối tháng do Hội Quán Thơ Nhạc Viện Việt Học tổ chức, theo lời chị Kim Yến, một trong những thành viên sáng lập ra Hội Quán Thơ Nhạc nói về mục đích của đêm sinh hoạt định kỳ này:
“Trước khi có đêm sinh hoạt văn nghệ “Hát Với Nhau”, mỗi tháng Viện Việt Học chỉ có một chương trình văn nghệ vào Thứ Bảy giữa tháng, Kim Yến thấy nhu cầu về văn hóa văn nghệ của chúng ta rất cao, quan trọng hơn hết là Viện Việt Học muốn bảo tồn văn hóa Việt, tiếng Việt và âm nhạc Việt. Vì vậy chúng tôi gồm Kim Yến, anh Nguyễn Minh, Duyên Anh và Trần Kiệt cùng quyết định mở thêm chương trình Hội Quán Âm Nhạc, ban đầu là những người lớn đến với nhau và chia sẻ cảm xúc âm nhạc, rồi từ từ lôi kéo thêm những bạn trẻ đến, để các em có thể hấp thu được những tinh hoa âm nhạc Việt Nam xưa, dòng nhạc từ thời Tiền Chiến, mà các em chưa được thưởng thức. Mới đó mà chương trình thực hiện đều đặn vào mỗi tháng cũng gần 2 năm rồi. Qua chương trình, có nhiều bạn trẻ đến đông lắm, có những em tuổi khoảng 20 thôi, nhiều bạn trẻ sinh trưởng tại Mỹ, mà có thể hát nhạc Việt chuẩn lắm, nhiều em hát những ca khúc rất xưa, lớn hơn tuổi của Kim Yến luôn, nhưng các em hát rất hay. Chúng tôi rất hạnh phúc và thấy các em đang cùng góp phần với mình để làm được những điều mà mình ước muốn: gìn giữ âm nhạc Việt tồn tại dài lâu với thời gian ở xứ người. Mong sao giới trẻ đến đây càng nhiều hơn để cùng các cô chú tìm hiểu thêm về vẻ đẹp của âm nhạc Việt, về văn hóa Việt.”
Thưởng Thức Ca Trù và âm hưởng Ca TrùVì ban tổ chức thông báo lần đầu tiên Hội Quán Thơ Nhạc Viện Việt Học sẽ dàn dựng khung cảnh trình diễn hát nhạc ca trù trên “sập gụ” trong đêm sinh hoạt văn nghệ “Âm Xưa”, nên đêm nhạc lần này đã thu hút khá đông khán giả đến tham dự, đặc biệt là những vị cao niên. Bởi trong số nhiều khán giả đến với đêm nhạc lần này, không thể không yêu bộ môn nghệ thuật thuần Việt và thấm đẫm hồn Việt đến từng chi tiết như Ca Trù, là nghệ thuật đã được UNESCO công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào tháng 10/2009. Với những người Việt luôn hoài vọng về quê hương, nghệ thuật Ca Trù thật quyến rũ, thanh tao và độc đáo, sẽ đưa khán giả bước vào một không gian đầy sắc màu tín ngưỡng dân gian, đắm chìm trong cảm xúc âm nhạc cổ kính khác biệt, nghệ thuật này vẫn mãi là một viên ngọc quí mà mỗi người Việt luôn có ý thức gìn giữ và thưởng lãm. Theo giới chuyên môn, những đặc trưng riêng biệt của Ca Trù đã tạo nên sự độc nhất vô nhị không có ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. “Ca Trù còn có bề dầy lịch sử, chiều sâu nghệ thuật, xuất hiện từ thế kỷ XI, được hát theo lối cửa đình, nhưng dần dần đã được giới vua chúa yêu chuộng, đến thế kỷ XV, Ca Trù chính thức trở thành một loại hình nghệ thuật bác học, nghệ thuật này có đầy đủ quy tắc về điệu, về nhịp, về cách biến tấu, ứng tấu. Nghệ thuật Ca Trù không chỉ tràn ngập giao tình với người thưởng ngoạn, mà với bậc trí giả, Ca Trù là chỗ để thổ lộ tâm tình, cảm xúc với bạn, với đời. Mỗi chầu hát Ca Trù có 3 nhân vật: đào nương (người hát), “kép” (nhạc công đàn đáy), và người cầm chầu để biểu lộ sự thưởng thức của mình.”
Các đào nương chính là những người chuyển tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp ca trù tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng để trở thành một đào nương không phải là chuyện dễ, phải hội được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, gõ phách), tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì. Tài của đào nương thể hiện ở khả năng đọc bài thơ để ghép điệu cho đúng. Khi thể hiện, phải biết nhả chữ sao cho tình và làm bật được hồn chủ đạo của bài thơ.
Để có được một chầu hát Ca Trù nơi đất khách thật chẳng dễ dàng gì, dẫu biết khó, nhưng theo lời anh Nguyễn Minh nếu không bắt đầu từ số 1, sẽ không có số 3, 4, 5, 10. Vì vậy Hội Quán Thơ Nhạc quyết định “gồng mình” mở màn thử bằng việc dàn dựng khung cảnh trình diễn hát nhạc ca trù trên “sập gụ”, với đào nương không chuyên Kim Thoa, là một thân hữu của Hội Quán Thơ Nhạc Viện Việt Học.
Chị Kim Thoa cho biết chị chưa bao giờ có duyên theo học Ca Trù bài bản với đào nương thật sự, chị cũng không thể vừa hát vừa tự mình gõ nhịp bằng cái phách bằng tre. Bởi học phách công phu rèn luyện khó chẳng kém gì luyện hát, tiếng phách điêu luyện sẽ “hóa thân” thành giọng ca thứ hai của đào nương. Chầu hát Ca Trù tại Viện Việt Học cũng không có người đệm đàn Đáy, mà chỉ có người gõ nhịp trống mà thôi.
Và vì là một đào nương không chuyên, lại chỉ được luyện tập có đôi lần để diễn, cộng thêm sự hồi hộp của bản thân trước sự chờ đợi thưởng thức của khán giả, nên khi bắt đầu hát một câu trích trong bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”, chị Kim Thoa đã quên lời. Dẫu phần trình diễn của chị chưa thể gọi là hoàn hảo, nhưng chị Kim Thoa phần nào đã đem lại cảm xúc cho người nghe khi chị hoàn toàn hoà tan vào những giai điệu đầy tâm trạng khi hát một đoạn của bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” và ca khúc mang âm hưởng Ca Trù “Chiều Phủ Tây Hồ”. Sự biểu cảm của gương mặt, giọng hát và đặc biệt là tình yêu đối với Ca trù được chị thể hiện một cách rõ nét qua từng câu luyến láy, cao, thấp, ngắn, dài, xuống trầm lên bổng du dương.
Chị cho biết chị chỉ mới nghe và tự học hát Ca Trù bằng cách nghe trên Youtube cách nay khoảng 4 năm khi chị còn ở Việt Nam. Vốn là một ca sĩ không chuyên, thường hát ở những phòng trà nhỏ tại Việt Nam, chị chuyên hát nhạc Tiền Chiến và nhạc Blue Jazz. Vì yêu giai điệu thánh thót, khoan nhặt, nhịp nhanh, nhịp chậm của môn hát này nên chị đã tự mình luyện tập để hát những ca khúc mang âm hưởng Ca Trù.
Chị Kim Thoa tâm sự: “Nhờ tôi có tập Yoga, nên những âm cực thấp của ca Trù, tôi không bị mất hơi khi ca. Lần này tôi tập vội quá, lại rất căng thẳng vì hồi hộp, nên chưa thực hiện tốt phần trình diễn của mình, tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, tôi sẽ luyện tập kỹ hơn để trình diễn tốt hơn.”
Sau màn trình diễn của chị Kim Thoa, đêm nhạc “Âm Xưa” với tiếng nhạc tiếng hát của các thân hữu lại tiếp nối những thổn thức các điệu tình ca cho đến tận nửa đêm, đem lại cho người nghe những phút giây thăng hoa, tạo nên khoảnh khắc thư thái, thanh bình pha một chút ngậm ngùi, rạo rực.
Những ai chưa thưởng thức không khí tuyệt diệu của đêm văn nghệ này, hãy thử một lần đến dự đêm sinh hoạt văn nghệ tại Viện Việt Học. Để tìm sự gần gũi trữ tình trong âm nhạc. Để được dịu đi những nhọc nhằn của cuộc sống trên xứ người. Để được ấm áp trong tình đồng hương nơi đất khách. Để tìm đến chốn bình yên của cảm xúc sau những lo toan với vòng xoáy mưu sinh. Và khi ra về, mà lòng vẫn còn vui, vẫn còn say với những lời ca tiếng hát quá đỗi đắm say, quá đỗi ngọt ngào...
Băng Huyền/ Viễn Đông