Nguyễn Phương và nhạc sư Kim Nguyễn
Tháng 12 năm 2013, tôi sang San José, miền Bắc Cali, để trốn cái lạnh mùa đông Canada, với hy vọng San José nắng ấm tôi có thể tập đi bộ để điều trị bịnh thần kinh tọa vừa mới phát khởi.
Với ý định dưỡng bịnh và tịnh dưỡng tinh thần nên tôi không báo tin cho các bạn nghệ sĩ cải lương ở cả hai miền Nam, Bắc Cali để không làm phiền các bạn và tôi cũng được sống yên tĩnh. Không ngờ bạn Khôi, đại diện ban điều hành trang web cailươngvietnam.com, đến thăm tôi và đưa tôi đến dự buổi đờn ca tài tử tại nhà giáo sư đàn tranh Ngọc Dung. Tại đây, tôi gặp lại nhạc sĩ vĩ cầm Kim Nguyên. Chúng tôi quen biết nhau từ thập niên 60, Kim Nguyên đờn cho đoàn Kim Chung hát ở rạp Aristo đường Lê Lai, tôi là soạn giả đoàn Thanh Minh, ở rạp Thành Xương đường Yersin. Khi ban cổ nhạc Phương Nam của đài phát thanh Saigon do tôi phụ trách bất ngờ thiếu nhạc sĩ thì tôi thường nhờ anh Kim Nguyên giúp. Lúc nào anh Kim Nguyên cũng sẵn sàng giúp tôi.
Tôi chợt nhớ bốn câu thơ xưa (không biết tác giả là ai):
Cửu hạn phùng cam vũ,
Tha hương ngộ cố tri,
Động phòng hoa chúc dạ,
Kim bảng quải danh thì.
Đó là bốn cái niềm vui lớn trong đời: Hạn hán chín năm mà được trời mưa thì đúng là cái niềm vui lớn nhứt. Kế đó là lưu lạc xứ người mà gặp lại bạn cũ. Hai niềm vui đó còn lớn hơn cả niềm vui khi động phòng hoa chúc hoặc được ghi tên bảng vàng.
Niềm vui gặp lại bạn cũ nhạc sư Kim Nguyên nơi xứ Huê Kỳ làm sống dậy trong lòng tôi hình ảnh những ngày tha phương cầu thực, theo đoàn hát lưu diễn khi đầu ghềnh cuối bãi, lúc bến chợ ven sông. Một đời lưu lạc lang thang, sống nhờ gạo chợ nước sông tuy cực khổ nhưng rất vui vì lúc nào cũng được lâng lâng ru hồn theo tiếng đàn giọng hát.
Niềm vui gặp nhạc sư Kim Nguyên càng nhân lên gấp bội vì qua bạn Kim Nguyên tôi được làm quen với giáo sư đàn tranh Ngọc Dung, nhạc sư đàn guitare Phan Trường, Văn Cảnh, nghệ sĩ Minh Quang, bác sĩ y khoa Đặng Phương Trạch, giáo sư kiêm chuyên viên internet Nguyễn Tuấn Khanh và hơn hai chục bạn trẻ yêu mến Cổ nhạc Việt Nam ngay trên đất nước Hoa Kỳ. Các bạn trẻ này có người là dược sĩ, là phu nhơn của một bác sĩ Việt Nam danh tiếng ở San José. Có người là kỹ sư điện tử, có người là chuyên viên kế toán một hãng lớn ở San Francisco, những người khác là chuyên viên điện tử của nhiều hãng điện tử ở vùng thung lũng điện tử San José. Có vài bạn sống bằng nghề làm nail, bạn khác là nội trợ trong gia đình. Dù các bạn làm bất cứ nghề nào trong cuộc sống thường nhựt, khi tập họp vào chung đoàn hát Tiếng Vọng Quê Hương của giáo sư đàn tranh Ngọc Dung, các bạn quên hẳn cuộc sống riêng tư ngoài đời mà chỉ còn sống với tâm hồn người nghệ sĩ mê mải rèn luyện câu ca giọng hát.
Nghệ sĩ Minh Quang, phu tướng của giáo sư đàn tranh Ngọc Dung, dựng bàn thờ Tổ cải lương trong garage xe hơi nhà ông. Rất trang nghiêm, đầy đủ lễ bộ, hoa quả, nhang đèn như một trang thờ Tổ của đoàn hát chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ nghiệp dư, các học viên cổ nhạc trong dịp lễ Tết vừa rồi đều thắp nhang vái Tổ. Nhìn cảnh này tôi nhớ các nghệ sĩ của đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga và đoàn Dạ Lý Hương trong những ngày giỗ Tổ trước năm 1975.
Cô Nguyệt Thanh, phu nhân của bác sĩ Trạch, ca mở màn bằng một bản xàng xê. Nhịp điệu vững chắc, giọng ca điêu luyện mang lại hứng khởi cho buổi đờn ca tài tử. Tiếp theo, cô Kim Anh ca bản Xuân Tình; anh Đông Thành và cô Thanh Thanh ca liên Nam: Xuân qua Ai, cô Thiên Hương ca bài Phụng Hoàng, Hoàng Kim ca vọng cổ Đêm Lạnh Chùa Hoang, Hoàng Diễm ca Đảo Ngũ Cung, Hoàng Kim Vân ca vọng cổ Hàn Mạc Tử, Mỹ Trinh ca vọng cổ Quê em mùa nước lũ, Bùi Thị Yến ca bài Dạ Cổ Hoài Lang.
Mỗi người một giọng ca đặc biệt, mọi người đều biểu lộ một niềm đam mê hiếm có đối với loại hình cổ nhạc Việt Nam.
Tôi chụp hình, quay phim, chú tâm lắng nghe từng giọng ca, nhìn từng biểu cảm trên nét mặt, ánh mắt, làn môi của các ca sĩ nghiệp dư mà liên tưởng đến những ngôi sao sân khấu, những ông vua vọng cổ, những bà hoàng sân khấu của một thời hoàng kim cải lương…
Ngày trước, những em bé con nhà nghèo, ít học, tìm đến gánh hát để mưu sinh, nhờ có một quyết tâm học hỏi, nhờ có những nhạc sư, bậc thầy tận tâm, nhờ có giọng ca thiên phú, các bạn trẻ đó trở thành danh ca, có một cuộc sống giàu sang, thoát khỏi cảnh lầm than lam lũ. Trong một xứ sở tự do của miền Nam trước năm 1975, có biết bao bạn trẻ nhờ vào việc học ca cổ nhạc, nhờ có giọng ca và sắc diện đẹp sân khấu mà đã được đổi đời, từ thất học nghèo nàn trở thành danh ca, ông vua bà chúa trên sân khấu. Điều đó giải thích được vì lý do gì mà các bậc làm cha mẹ cho con mình đi theo học trong các lò cổ nhạc.
Ngày nay, trước mắt tôi, trên đất nước Hoa Kỳ, các bạn học cổ nhạc đều là những người có một nghề nghiệp mưu sinh. Các bạn đó là những người đã thành danh, giàu sang, có một cuộc sống sung túc với một nghề nghiệp khoa học trên đất nước văn minh Huê Kỳ, việc học ca cổ nhạc của các bạn đó không hề vì cái lý do mưu sinh, đổi đời như các học viên cổ nhạc ngày xưa. Vậy thì vì lý do gì mà các bạn đó lại chịu tốn kém để học ca vọng cổ, học ca cổ nhạc?
Chắc chắn trong số hơn hai mươi học viên trong đoàn Tiếng Vọng Quê Hương của giáo sư Ngọc Dung, của nhạc sư Kim Nguyên, Phan Trường, Văn Cảnh,… các bạn đó học ca cổ nhạc để mà tự giải tỏa nổi nhớ quê hương.
Tôi ghi lại lời ca bài “Huyền Trân Công chúa từ biệt Trần Khắc Chân” qua giọng ca của cô Hoàng Kim Vân, một giọng ca đượm nước mắt của cô ca sĩ-kỹ sư điện tử, để mà hiểu nỗi lòng nhớ quê hương thông qua bài ca vọng cổ trong đêm đờn ca tài tử tại nhà giáo sư Ngọc Dung:
…Trần Khắc Chân chàng ôi!
Tỳ bà bặt tiếng, tình ly cách
Một dải non sông lệ mấy hàng
Sương khói chiều nay mờ ải vắng
Lệ tình đẩm ước, hận quan san.
5/ Khắc Chân ơi! Phút chia ly giọt châu rơi tầm tã. Trong khi tiếng trống chiêng rộn rã đổ liên hồi…Từ đây Chiêm Việt đôi phương vĩnh biệt nhau rồi…bến chia ly đượm một màu tang tóc và tiêu điều cả một dải trời Nam. Mấy dặm trường đình chứng kiến cảnh ly tan, vì châu Ô Lý thiếp chàng cam đoạn nghĩa, đành dứt tình riêng trả nợ non sông, thiếp đi cống nơi xứ lạ Chiêm Thành.
6/ Từ đây có gặp nhau chăng hãy chờ trống điểm tàn canh, lầu tây nghiêng bóng nguyệt, hồn của Huyền Trân sẽ hiện về trong giấc mộng để giây phút cận kề gần gũi Khắc Chân chàng ôi! Xin chàng chớ đưa tiễn thiếp đi, xin đừng nhìn theo chiếc thuyền loan từ từ tách bến mà thiếp đây tê tái cả tâm hồn. Buồm đã căng lên đón gió trùng dương và đưa Huyền Trân về xứ Hời xa lạ, mang theo tâm sự não nùng với tiếng tơ đồng cô gái Việt phải đi cống Chiêm Vương.
Có phải chăng cô ca sĩ muốn mượn tâm sự công chúa Huyền Trân lúc lìa quê cha đất tổ đem thân đi ở nhờ nơi xứ lạ Chiêm Thành để nói lên nỗi hờn vong quốc, gia đình ly tán khi bước chân xuống tàu vượt biển về một bến bờ nào không định trước.
Những bài ca cổ nhạc, vọng cổ được các bạn trong ban đờn ca tài tử Tiếng Vọng Quê Hương ca lên như muốn gợi nhớ một thời vàng son đã qua nơi đất nước Việt xa xôi. Dù đang sống sung sướng, ấm no, được tự do bày tỏ tư tưởng, cảm nghĩ của mình, các cô ca sĩ nghiệp dư vẫn “Nhớ quê em mùa nước lũ”, vẫn nhớ Dạ Cổ Hoài Lang, vẫn nhớ Hàn Mạc Tử, chàng thi sĩ rao bán trăng thanh…Ai mua trăng tôi bán trăng cho… Một niềm nhớ quê hương ẩn hiện trong lòng ca sĩ khi ca lên những bài cổ nhạc mang chút hơi hướm, chút bóng hình quê hương Việt Nam.
Ở thành phố thung lũng điện tử San José có rất nhiều nhóm đờn ca tài tử như nhóm của các ca sĩ không chuyên do ông chủ tiệm thuốc Dương Lai Cảnh đứng ra tổ chức mỗi tháng một vài buổi hợp đờn ca tại nhà riêng. Các nhạc sĩ thì ông mời từ Wesminster về hợp tác với các nhạc sĩ Kim Nguyên, Văn Cảnh hay Phan Trường.
Có nhóm khác do nghệ sĩ Linh Châu làm chủ xị đờn ca tại nhà riêng của Linh Châu. Tôi còn được giới thiệu vài ba nhóm đờn ca tài tử nữa, nhưng vì tôi đi lại khó khăn nên chưa có dịp đến làm quen.
Nhắc đến “Đàn ca tài tử ở San José”, tôi lại nhớ đến ngày 11 tháng 2 năm 2014, tại Saigon, tiến sĩ Katherine Muller Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã trao bằng chứng nhận “Nghệ Thuật Đàn Ca Tài Tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” cho ông Bộ Trưởng bộ Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, bà tiến sĩ Katherine Muller Marin nói: “Những câu hát và tiếng đờn của đờn ca tài tử đưa con người đến gần nhau hơn, gợi lên cuộc sống trên mảnh đất miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nó phản ánh tâm tư tình cảm của họ, cũng như sự chuyên cần, lòng quả cảm và khí phách con người Việt Nam”.
Tại thung lũng điện tử San José, bốn bề vây quanh vách núi, nhưng trong lòng mỗi nghệ sĩ trong nhóm đờn ca tài tử Tiếng Vọng Quê Hương có một giòng sông Cửu Long sóng trào nước xoáy, có những mảnh vườn nặng trĩu cây trái ngọt ngào, có những tâm hồn bình dị, những cuộc tình chân quê, những mảnh hồn Việt Nam luôn sáng ngời trong tâm tưởng, khiến cho những nghệ sĩ không chuyên nghiệp này hằng tháng lại họp nhau chơi đàn ca tài tử, cho tiếng lòng vọng về gợi nhớ quê hương.
Câu hát, tiếng đờn đã đưa các bạn đó đến gần nhau hơn, cảm thông tâm tình của nhau và cảm thấy khi còn được ca một bài vọng cổ, họ còn có quê hương trong lòng.
Nghe đờn ca vọng cổ, sao mà nhớ tỉnh Mỹ Tho, nhớ miền Nam Việt Nam ngày xửa ngày xưa.
Lão già 93 tuổi vẫn còn mê hò xự xang xê cống.
Soạn giả Nguyễn Phương