Khi nhắc về tuổi thơ, những người lớn từ trung niên, tráng niên, lão thành, đều nhớ về các trò chơi tuổi nhỏ của mình.
Miền quê nhiều trò chơi lắm. Gần sông nước thì có câu cá, ôm cây chuối làm chiếc bè, bơi lội, bắt con chuồn chuồn cắn vào rốn để biết bơi mà khỏi cần phải tập lâu… Gần rừng rú vườn tược thì bắt chim, lấy trứng, leo cây, phá tổ ong…
Thế giới của trẻ con là thế giới của vui chơi nên trẻ rất dễ nghĩ ra các thú giải trí dù ở bất cứ nơi đâu.
Ngoài ra còn có khá nhiều trò chơi truyền thống, cho đến trước 75, dù ở thành thị hay thôn quê, vẫn là những trò chơi hằng ngày của trẻ em.
Không bé gái nào thời thơ ấu từng không sở hữu bó đũa và trái banh để chơi đánh đũa, rồi nhảy lò cò, nhảy dây, búng thun…
Con trai thì tạt lon, tạt hình, dích hình, thả diều, bắn bi… Hình là những tấm hình con vật hay phong cảnh to gấp đôi con tem được bán trước cổng trường tiểu học, một tấm lớn cắt ra nhiều hình nhỏ. Tạt lon ăn thua bằng nút ‘khoén’ hay nút ‘phén’ là nắp của chai bia, chai nước ngọt. Nút khoén cũng chính là “tiền” để trao đổi trong các trò chơi có ăn thua. Vì thế đứa nhỏ nào cũng thường sở hữu một rổ hay một hộp chứa đầy tài sản là nút khoén các loại.
Cả đám cùng bá vai nhau chơi dung dăng dung dẻ, chơi trốn tìm đếm 5, 10, 15 cho đến 100 mở mắt quay ra, chạy đi tìm lũ bạn biến mất tiêu trốn ở xó xỉnh kín đáo nào, chơi ù mọi, cá sấu lên bờ, mèo bắt chuột, bịt mắt bắt dê, bắn thun… Vô số trò chơi vui thật là vui.
Đánh đũa, rồng rắn, thả khăn… đều có những bài đồng dao đi kèm: Rồng rắn lên mây. Có cây lúc lắc. Hỏi thăm thầy thuốc. Có nhà hay không?… Thả khăn khăn nổi khăn chìm. Ba bên bốn phía đi tìm cái khăn…
Thật ra sau này hầu hết trẻ em đều không còn thuộc hết các bài đồng dao nhưng trò chơi vẫn rất phổ biến. Ở trường học và ở nhà, trong các con hẻm, trên đường phố, trẻ em xúm nhau say mê với các trò chơi mà không cần phải đọc bài đồng dao đi kèm. Lắm bài dài dằng dặc và chắc chắn rất nhiều câu đã trở nên quá xưa, không thể hiểu ý. Không hiểu thì dĩ nhiên khó mà thuộc và nhớ được. Cha mẹ còn không thuộc lấy gì mà nhắc cho con cái. Hầu như chẳng bà mẹ trẻ nào bây giờ thuộc các bài chi chi chành chành, nu na nu nống… để chơi với bé con.
Rất lạ là sau 75, các trò chơi ấy đồng loạt biến mất một cách đột ngột. Hình như lây từ nỗi hoang mang, hốt hoảng, từ sự căng thẳng trong việc mưu sinh khó khăn của người lớn, nhiều năm dài sau đó, trẻ em không chơi nữa. Hơn nữa, chúng không thể chơi đánh đũa vì không có đũa và nhất là trái banh để thảy, không chơi nhảy dây vì không có dây thun để nối thành sợi dài, không có giấy, dây và tre làm diều, không có phấn vẽ trên đất để chơi lò cò, không có hình để dích và càng không có nút khoén…
Thế nhưng ngay cả những trò chơi không cần tới những món đồ vật nho nhỏ đó như đá gà nhảy một chân, co một chân húc đầu gối vào nhau, năm mười, ù mọi… thì trẻ em vẫn không muốn chơi. Chúng quên bặt đi và những lớp trẻ mới ra đời không biết gì về các trò chơi từng vô cùng quen thuộc với tuổi thơ ấy.
Khi qua thời kỳ khó khăn, trẻ em bắt đầu chơi lại nhưng không còn các trò chơi ngày trước nữa. Những trò chơi xưa cũ mất vào dĩ vãng. Thỉnh thoảng vài trò chơi được tổ chức trong một, hai buổi lễ hội chỉ như một sự hoài cổ.
Vẫn gom hình nhưng bây giờ cách chơi khác nhiều lắm. Chú bé mua trước cổng trường từng xấp hình in sẵn cầu thủ bóng đá của các câu lạc bộ ngoại quốc hay đòi cha mẹ mua những gói snack, bánh bích-quy, sữa hộp để lấy đủ những tấm hình trong đó thành bộ sưu tập siêu nhân, anh hùng, thú vật… theo đúng mẫu trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng. Các hãng bánh, sữa… bán hàng chạy nhờ vào cách khuyến mãi không tốn kém mấy nhắm vào khách hàng thiếu nhi này. Tuy nhiên, đám trẻ con chỉ cất trong cặp, lôi ra cầm tay khoe nhau bộ sưu tập ít hay nhiều, đủ hay thiếu thôi chứ không chơi tạt hay dích hình nữa.
Một hai trò chơi được chơi trong trường mẫu giáo như mèo bắt chuột, kéo co là hết. Một loạt trò chơi mới mẻ và thay đổi thường xuyên được đưa ra dạy nhằm phát triển tư duy, trí tuệ trẻ em. Bài học lồng trong đó chứ không phải trò chơi thuần túy nên về nhà không ai biết để chơi cùng với bé. Đồng dao, dân ca và những trò chơi cổ truyền nếu muốn biết thì mua đĩa về nhà mở ra xem.
Trước cổng trường tiểu học là những chiếc xe rong bán đồ chơi Trung quốc. Mặc dù nhiều cảnh báo về loại đồ chơi này nhưng nếu không chơi chúng thì chơi gì bây giờ. Đồ chơi Việt Nam hoàn toàn không thể cạnh tranh về giá cả và sự phong phú với hàng Trung quốc. Thứ sạch sẽ, an toàn lại quá mắc khó chạm tới với đa số người dân. Vì thế, các món đồ chơi nhảm nhí, độc hại hoặc đầy tính bạo lực có thể gây nổ, gây ung thư… vẫn được bày bán nhan nhản khắp nơi.
Quả thực bây giờ có nhiều thú giải trí tân kỳ hấp dẫn. Để cho con trẻ khỏi quấy khóc, để chịu nuốt hết chén cơm… thì đã có chiếc TV chiếu phim hoạt hình. Trẻ em dán mắt vào phim hoạt hình cho đến tiểu học. Và trong thế giới hoạt hình đó, số lượng quá ít ỏi khiến phim cổ tích Việt Nam thua không kèn không trống, nhường chỗ cho Tom và Jerry, vịt Donald, gấu Panda…
Đồ chơi có dù không chuẩn nhưng trò chơi thì không. Một phần học sinh bây giờ quá sức bận rộn. Học sinh đi học hết cả buổi sáng, buổi chiều và tối, khi về nhà tiếp tục học bài, làm bài đến khuya. Giờ nghỉ hiếm hoi giữa các giờ học chỉ có thể mở vài món đồ chơi ra ngắm nghía hoặc đọc truyện tranh. Chẳng có thời giờ đâu để vui chơi. Những cuốn truyện tranh in lậu đầy lỗi chính tả xen lẫn cảnh sex và bạo lực mà trẻ em say mê đọc từ tiểu học lên đến đại học. Vào tiệm cho thuê sách bình dân, dễ dàng gặp nhiều thanh thiếu niên ngồi đọc hàng giờ loại sách tranh đó thay vì đọc sách văn học mất nhiều công ngẫm nghĩ thưởng thức. Trách chi lời ca trong hầu hết các bản nhạc trẻ hiện nay đều rất nghèo nàn về từ ngữ và ý tưởng.
Trẻ con cần phải được vui chơi. Nhưng nếu muốn chơi các trò chơi, phụ huynh chỉ có thể dẫn con em đi công viên. Tới đó không dễ vì không phải cứ cuối tuần là đi được khi người lớn quá sức bận bịu. Đời sống đô thị lại đầy bất an, đứa bé bước ra khòi ngưỡng cửa, dù chỉ chơi loanh quanh trước nhà, phụ huynh vẫn sợ con bị bắt cóc, đi lạc, nghịch dại, xe đụng, bạn xấu… Đủ thứ tai nạn bất ngờ có thể xảy ra, nên tốt hơn hết chỉ nên đóng cửa nhốt con trong nhà. Vì mỗi gia đình thường chỉ có một hay hai con nên trẻ chơi một mình hay chơi với… cha mẹ cho chắc ăn!
Thường xuyên hơn là đi siêu thị. Ở đó có phòng chơi dành cho trẻ em. Cứ bỏ tiền mua thẻ để chơi mỗi trò dăm, ba phút. Ngoài thú nhún cho con nít, luyện nhảy audition cho học sinh cấp III, trò chơi kéo cần ăn xu mang tính cờ bạc… thì còn lại toàn chơi game trên màn hình. Cả gian phòng ầm ầm bởi các tiếng động ùng oàng chát chúa của súng nổ, bom rơi, xe đụng, nhà cháy… Mấy năm gần đây có trò tô màu trên các bức tượng thạch cao trắng nho nhỏ.
Một vài trò chơi êm ả kiểu đó, vài sân patin… không đủ giải quyết được nhu cầu to lớn về trò chơi cho mọi lứa tuổi. Nắm được thị trường này, một số người mở “sân chơi” cho trẻ em. Gọi là “sân” chứ thực ra đâu có sân vườn gì đâu. Căn nhà trong thành phố rộng một chút là mở sân chơi được rồi. Có cầu tuột, câu cá nhựa, ngựa quay… cho các bé mẫu giáo, lớn hơn vẫn là banh bàn, game đủ loại. Chẳng biết nó là cái gì mà tụi nhỏ mê mẩn dữ vậy. Phụ huynh thắc mắc và để giải đáp thì chơi thử. Kết quả là vài phụ huynh bị cuốn vào tới mức trốn con cái đi chơi một mình. Đó là trường hợp của trò chơi “cô tiên” nhiều tháng nay.
Siêu thị hoặc sân chơi, người lớn cố gắng lắm cũng chỉ có thể dẫn con nít đi mỗi tuần một lần. Lấp kín được lỗ hổng này chính là kho game vô biên trên màn ảnh máy vi tính, điện thoại… Đương nhiên trẻ con ra tiệm chơi game. Chỉ bốn hay năm ngàn đồng một tiếng tha hồ chơi đủ thứ game. Nếu chơi các game online thì miệt mài cắm mặt vào máy hết ngày này sang tháng khác để lên cấp. Lạc vào thế giới game rất dễ chết chìm trong đó. Game có đủ loại cho em bé tới người già, game dễ hay khó cho nam phụ lão ấu, có game đơn giản, chốc lát cho dân văn phòng và nhiều công sức cày cuốc cho người thất nghiệp…
Ngay cả miền quê, trẻ em thôn quê không có nhiều trò chơi như ở thành phố, thì cũng không màng đến các trò chơi cũ nữa. Trẻ chăn trâu tụ tập ngoài đồng khoe nhau… điện thoại di động. Chúng so sánh thành thạo các loại điện thoại và chơi game trong đó. Chúng không đứng trước cửa nhà gọi nhau ơi ới nữa mà chỉ liên lạc qua điện thoại. Điện thoại Trung quốc, như mọi hàng hóa khác tràn qua biên giới, tuy mau hư nhưng giá rẻ mạt vừa túi tiền, hình thức bắt mắt với khá nhiều chức năng đã trở thành món đồ chơi hiện đại không thể thiếu của mọi trẻ em.
Càng ngày trẻ em càng mau chóng tiếp xúc với các tiện nghi tân tiến. Từ trẻ ba tuổi trở lên đã bấm, quẹt lia lịa trên màn hình laptop, iPad… Chúng cứ ngồi bất động, chăm chú dán mắt vào màn hình, không còn biết tới chuyện gì xung quanh nữa. Hệ quả đầu tiên là… cận thị! Số học sinh đeo kính sớm ngày càng nhiều. Và bởi các trò chơi kiểu mới này đều là những trò chơi một mình chứ không phải chơi nhóm, chơi đồng đội, nếu có những tương tác, đều là những mối lên quan ảo trên màn hình nên kế tiếp, đương nhiên dễ dẫn tới tính nết trẻ em cộc cằn, ích kỷ, không thích giao tiếp với gia đình, họ hàng, xã hội. Những lợi ích của công nghệ mới chưa thấy trẻ em ứng dụng nhiều bằng “lợi bất cập hại”.
Ý thức được điều này, nhằm cứu vãn tình hình, “gìn giữ những giá trị truyền thống”, Sở Giáo dục Việt Nam đã có kế hoạch đưa các trò chơi dân gian vào chương trình học ngoại khóa. Từ kế hoạch đến thực hành chẳng biết bao giờ. Và tâm lý học sinh, cứ đưa vào chương trình bắt buộc, thường chẳng thấy ưa thích chút nào.
Thành thử, trò chơi trẻ em, tưởng là chuyện nhỏ của con nít mà giải quyết xem chừng chẳng dễ chút nào.
Sài Gòn cô nương