Cuộc sống ở Mỹ, thích hay ghét, chê hay khen, cũng là một cuộc sống dễ dãi về vật chất. Nền kinh tế kích trưởng nhờ
tiêu thụ, và muốn tiêu thụ tăng thì phải có hai điều kiện. Thứ nhất, hàng hóa phải rẻ để người ta mua nhiều. Thứ nhì,
người tiêu thụ phải có thói quen thay đổi luôn luôn, từ thương hiệu này sang thương hiệu khác, từ mẫu mã này sang
mẫu mã khác.
Hai yếu tố rẻ- mua nhiều và thích thay đổi có nghĩa là lượng hàng hóa dân Mỹ mua cũng rất nhiều. Muốn duy trì thói
quen mua sắm này, và không cần nhà chứa hàng riêng, dân Mỹ phải thực sự tiêu thụ những món hàng như thực phẩm,
và quăng bớt những món hàng không dùng đến mà cũng không triệt tiêu được qua đường tiêu hóa.
Cả hai phương pháp “tiêu thụ” kể trên đã và đang xảy ra, cũng là nguyên nhân chính khiến nạn béo và béo phì ở Mỹ
càng lúc càng nghiêm trọng, lượng rác của Mỹ cũng khổng lồ, và trong những món hàng quăng vào thùng rác hoặc
đem cho hội từ thiện có những món chưa hề dùng hoặc chỉ dùng một hai lần.
Người ta nghiện mua sắm vì hàng rẻ, và vì hàng rẻ nên họ có thể dễ dàng mua mà không phải suy tính nhiều, vì ham
mới lạ… nhiều lý do lắm, nhưng có một lý do khác rất bẩm sinh là bản năng “săn và thu lượm” đã trui rèn suốt quá trình
tiến hóa và tồn tại của loài người. Thế nhưng cũng chính bản năng này đã khiến nhiều người mua và tích lũy thì dễ
nhưng quăng đi thì rất khó. Nhất là với những ngừoi như dân cộng đồng Việt chúng ta đã trải qua những ngày vô sản
chính hiệu, thì việc quăng đi một món hàng còn công dụng, tuy hiện giờ không biết dùng làm gì nhưng nhỡ sau này
cần thì sao, là một sự hoài phí. Thành thử nhà ở Mỹ có rất nhiều thứ, nhà để xe có khi chỉ để chứa hàng hóa, cho dù
có chứa xe thì cũng có rất nhiều hàng hóa chung quanh.
Nhưng đấy chỉ là chuyện thường tình. Khi bản năng và thói quen tích trữ đã đến mức người ta không thể quăng đi bất
cứ thứ gì, kể cả rác, nó trở thành một loại bệnh tâm lý , trước kia được gom vào cùng loại bệnh OCD (Rối loạn Ám
ảnh Cưỡng chế) nhưng bây giờ đã chính thức được liệt kê thành một loại bệnh riêng trong DSM-5, hay “Cẩm nang
Chẩn đoán và Thống kê Bệnh Tâm thần” của Hội Y học Tâm lý của Mỹ. Bệnh này có thể mang khả năng di truyền,
nhưng cũng có yếu tố giáo dục mạnh: 50% những người mắc bệnh này lớn lên trong một gia đình có ít nhất một
người có khuynh hướng tích trữ.
Khi đã mắc bệnh, người ta không còn nhìn hàng hóa như đồ vật mà bắt đầu cảm thấy gắn bó với chúng, đến mức
quyết định quăng bỏ hay không trở thành một vấn đề tình cảm hơn là lý trí. Đây có thể là nguyên do tại sao người ta
không thể quăng đi, cũng có thể là kết quả, vì kết quả sơ bộ của một nghiên cứu đang tiến hành cho thấy người mắc
chứng tích trữ kém hơn bình thường trong trí nhớ hình ảnh, phân loại, phân giải thông tin, hoặc thứ tự liệt kê. Sự yếu
kém này có thể đã dẫn đến kết quả người mắc bệnh không thể quyết định, và theo đó một phản ứng cảm xúc nhất
định.
Bệnh tích trữ thoạt nhìn dường như rất vô hại, nhưng không phải thế. Tích trữ hàng hóa dần thành tích trữ cả rác,
phòng trong nhà ngập đầy hàng và rác dẫn đến những hiểm họa khác nhau trong di chuyển và vệ sinh, thậm chí hỏa
hoạn cho người bị bệnh và những hàng xóm của họ. Tivi và báo chí đã có nhiều phóng sự và hình ảnh về những nơi ở
của người bệnh tích trữ, và phóng viên thường phải mang ủng, bị mũi, mang bao tay, ngay cả mặc áo bảo hộ mới dám
bước vào căn nhà ngập đầy rác, chuột bọ sinh sôi tràn lan, những chất thải chất dơ và những thứ thối rữa không biết
từ bao giờ.
Những hậu quả khá nghiêm trọng này đã khiến bệnh tích trữ trở thành một vấn đề cần giải quyết, như bệnh béo phì
chẳng hạn, vì sớm hay muộn nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bị bệnh và trong trường hợp bệnh tích trữ còn là
sức khỏe và an vui của những người khác. Ở Quận Cam chúng ta đã có một Đội Đặc biệt về Tích trữ, một nhóm thiện
nguyện để giáo dục công chúng về tích trữ đồng thời giải quyết những trường hợp tích trữ bằng cách giúp đỡ người
bị bệnh dọn dẹp nhà cửa và chữa trị. Đa số những trường hợp này là do hàng xóm trình báo đến Đội Tích trữ hoặc
Đội Cứu hỏa. Trong trường hợp này, người trình báo đã giúp đỡ người bệnh và chính bản thân cùng khu hàng xóm
của của mình.
Để biết thêm thông tin, xin đến trang mạng của Đội Đặc biệt về Tích trữ:
http://www.mhaoc.org/hoarding Nguyễn Phương