Một khi đã quyết định du học, phải sống xa gia đình, bạn bè, dựa vào đâu để bạn quyết định nơi nào để sống? Thuê chung nhà trọ với ai?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với hai sinh viên quốc tế đến từ Indonesia và Trung Quốc về những quyết định của họ và việc họ làm thế nào để tạo lập một đời sống sinh viên “như đang ở nhà mình” trên đất Úc.
Dinda Djodi, từ Indonesia, thuê chung nhà với năm sinh viên khác Dinda Djodi từ Indonesia (Ảnh cá nhân của Dinda Djodi)
Du học Úc là một quyết định có tính bước ngoặc với Dinda Djodi, sinh viên 18 tuổi người Indonesia. Đến Úc hồi tháng 2.2014, Djodi hiện theo học hệ cao đẳng ngành kiến trúc và thiết kế xây dựng tại RMIT.
Djodi rất phấn khích trong khoảnh khắc biết mình đã được nhận vào học và sẽ sống ở Úc vài năm tới. "Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng mình sẽ phải sống một mình, không ba mẹ, hay bất kỳ người thân nào khác ở bên, như khi ở Jakarta”, cô nói.
Hiện Djodi đang thuê chung căn hộ với năm sinh viên quốc tế khác ở vùng Carlton, ngoại vi Melbourne, cách ngôi trường Djodi đang học ở trung tâm Melbourne không xa lắm.
Những bạn thuê chung nhà với Djodi đến từ Trung Quốc, Áo và Ấn Độ. “Ở trọ cùng với các bạn sinh viên đến từ các nước khác rất thú vị. Tôi có dịp hiểu thêm về văn hóa của họ", cô thố lộ.
Căn nhà Djodi đang trọ gồm năm phòng ngủ, một phòng tắm, một nhà bếp và chỉ một tủ lạnh. Trước khi chuyển đến đây, Djodi và các bạn thuê chung đã bàn với nhau việc làm thế nào để giữ căn nhà luôn sạch sẽ và ngăn nắp. "Đến nay thì chưa có vấn đề gì lớn... Chúng ta sống thân tình, tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi hiểu lịch sinh hoạt từng người, nên không phải chạy đua nhau để... đi tắm chẳng hạn.
"Chọn thuê chung nhà với những sinh viên khác, tôi thấy vợi đi cảm giác cô đơn của mình. Cũng có lúc, tôi thấy mệt mỏi và muốn được ở một mình chứ. Nhưng rồi, tôi vẫn có thể sống chung với tiếng ồn mà các bạn chung nhà gây ra".
Tìm chỗ ở có thể là một trong những vấn đề khó khăn nhất với các sinh viên quốc tế. Djodi đưa ra một lời khuyên:
"Tìm hiểu kỹ trước khi lên đường bao giờ cũng tốt. Hãy tìm thông tin càng nhiều càng tốt trên mạng Internet, và cũng không vội vã đưa ra quyết định. Hãy liên lạc với đại lý bất động sản hoặc chủ hộ để có thêm thông tin về nơi đó. Nhưng cũng đừng đợi đến phút cuối mới quyết định, bởi biết đâu khi đó giá thuê nhà có thể tăng hơn".
Rena Shi từ Trung Quốc, sống cùng một gia đình người ÚcRena Shi từ Trung Quốc, sống homestay trong một gia đình người Úc (Ảnh cá nhân của Rena Shi)
Thoạt đầu, khi Rena Shi, một học sinh trung học 17 tuổi từ Bắc Kinh đến Melbourne, cô rất thất vọng khi nhận ra rằng, hóa ra nơi ở trọ của cô với một gia đình Úc không giống gì với hình ảnh lung linh trong hình dung của cô về một ngôi biệt thự lớn mà cô vẫn thấy trong phim Mỹ.
"Là một cô gái Trung Quốc, do ảnh hưởng từ phim Mỹ và các chương trình truyền hình, trong đầu bạn có thể có sẵn những hình dung về thế giới phương Tây. Nhưng thực tế lại khác, thực sự rất khác. Phòng tôi ở chỉ có một giường đơn với những tiện nghi cơ bản. Nhưng gia đình tôi trọ thực sự rất tốt bụng", cô nói.
Không lâu sau, Rena nhận ra những thách thức khác. "Khó khăn ban đầu là ăn không quen những thức ăn của Úc. Chỉ sau ba ngày, tôi thấy thèm cơm kinh khủng. Tôi thực sự không mê các món ăn kiểu Tây như thịt nướng, ống chân cừu và rau hấp... Nhưng sau đó, chủ nhà đã cố nấu món ăn Trung Quốc cho tôi. Điều ấy khiến tôi thật sự rất cảm động".
Bakker, gia đình mà Rena sống cùng, trước đó cũng từng đón nhiều sinh viên nước ngoài đến sống chung. Rena cho rằng, có lẽ đó là lý do tại sao họ rất kiên nhẫn và luôn sẵn lòng giúp cô, từ những điều căn bản nhất như ngôn ngữ.
"Tôi vẫn thủ sẵn cuốn từ điển điện tử loại nhỏ trong túi, bởi đôi khi tôi gặp khó khăn trong giao tiếp [tiếng Anh]", Rena cho biết.
"Họ sẵn lòng giúp tôi cải thiện vốn tiếng Anh. Nếu tôi không hiểu (những gì họ nói), họ vẫn bảo: 'Thôi, hãy lấy từ điển nhỏ của cháu ra. Bác sẽ bấm từ này đó lên".
Rena nói cô yêu kinh nghiệm sống chung nhà với người bản xứ (homestay) của mình ngay cả khi có chút khó khăn và bỡ ngỡ ban đầu. Homestay cũng làm ba mẹ cô yên tâm hơn, bởi họ có thể đoan chắc rằng cô đang được một gia đình, mà trong đó cũng có những thành viên ở độ tuổi như cô, chăm sóc như con cái trong nhà.
David Bycroft, làm việc trong ngành dịch vụ homestay, cho hay, gia chủ người Úc vẫn hỗ trợ cho sinh viên những gì sinh viên cần nhất.
"Công ty chúng tôi cung cấp một đường dây trợ giúp 24 giờ mỗi ngày. Chúng tôi vẫn nhận các cuộc gọi của sinh viên khi họ quên đường về nhà. Họ ngao du với bạn bè, đi ra vùng ngoại ô rồi quên bẵng đường về".
Lời khuyên đầu tiên ông dành cho các sinh viên là hãy về đúng giờ, đừng để chủ nhà lo mỗi khi sinh viên về muộn. David cũng khuyến khích sinh viên xắn tay tham gia vào đời sống gia đình người Úc và tận hưởng nó, cũng như hãy để ý đến trách nhiệm của mình.
“[Quan trọng là] sinh viên phải đóng góp vào đời sống gia đình. Sinh viên không chỉ là người đến thuê một căn phòng để trống, mà phải trở thành một thành viên trong gia đình. Nếu có cơ hội tham gia vào sinh hoạt gia đình mỗi cuối tuần, hãy bắt tay vào làm. Khi đó, sinh viên sẽ có thêm kinh nghiệm. Để khiến mọi người thấy hạnh phúc, chỉ cần cố gắng chút thôi", ông nói.
Theo ABC
Sửa bởi người viết 15/04/2014 lúc 10:29:35(UTC)
| Lý do: Chưa rõ