Trên quầy hàng có lẫn trái ngon, quả xấu. Vậy bạn chọn lựa thế nào?
Lương thiện là cách hành xử khôn ngoan nhất
Cái tiêu đề có vẻ khó hiểu trên đây, Eric lấy ý từ câu tục ngữ “trông người mà nghĩ đến ta,” nói gọn lại thành “trông người nghĩ ta,” có nghĩa là nhìn vào hoàn cảnh người khác mà nghĩ đến phận mình. Nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây thì ngược lại: Trong lúc chăm lo quyền lợi của mình chúng ta cũng nên nghĩ tới người khác một chút, vì thế mới có tiêu đề “Trông Ta Nghĩ Người.” Sở dĩ có ý tưởng này là vì lá thư của một độc giả gửi đến như sau:
“Tôi công nhận với tác giả các bài vừa qua trên báo Viễn Đông là cái tệ nạn trả hàng để trục lợi là không tốt. Trước hết, nó gây thiệt hại cho giới chủ nhưng rốt cuộc lại đập vào lưng giới tiêu thụ. Đó mới là nói về khía cạnh tài chánh vật chất. Hôm nay, tôi muốn nói về khía cạnh đạo đức, là vấn đề có thể để lại nhiều ảnh hưởng lớn hơn. Vì không quen giảng đạo đức, nên tôi sẽ kể lại một câu chuyện mà tôi nghe được trong một chương trình phát thanh trước đây. Trước khi bắt đầu, tôi xin mạn phép người đã kể chuyện trên, mà tôi quên mất tên, cũng như đã quên tên chương trình phát thanh. Tôi thiển nghĩ rằng ý nghĩa của câu chuyện cần được phổ biến sâu rộng, nên những vị đó chắc cũng không phiền hà gì khi tôi kể lại câu chuyện này:
“Có hai anh em nhà kia vốn là những người rất công chính, thường nhắc nhở nhau về chuyện ăn ngay ở lành và thông cảm với người khác. Một hôm người em nói với anh mình rằng, ‘Sáng nay em đi chợ mua ít trái cây. Nhận thấy trên quầy có nhiều trái hư, lép và thối, em nghĩ thương người bán hàng nên muốn chia sẻ với họ chút ít. Trong lúc cô bán hàng lấy trái cây bỏ lên cân, thì em quay mặt đi chỗ khác, vờ như đang bận làm gì đó, cố ý cho cô có cơ hội bỏ vào ít trái cây hư thối để gánh bớt sự thiệt hại với người bán.’
“Người anh nghe vậy thì trả lời ngay, ‘Chú làm như vậy là không được. Bởi vì chú tạo cơ hội cho cô bán hàng gian dối. Chú tưởng rằng làm điều hay, nhưng lại vô tình tạo điều kiện cho một tính xấu tệ hại hơn phát triển. Cứ như anh thì anh sẽ tự mình chọn lấy một số trái hư cho vào bọc. Như vậy mình vừa chia sẻ được với người bán, vừa không tạo dịp để họ phát triển tính xấu.’
“Người em nghe anh nói liền đáp lại, ‘Lời anh dạy là chí phải.’”
Bài học của bồ tát
Eric xin cám ơn bạn đã chuyển tới một câu chuyện nhiều ý nghĩa. Như bạn nói, hai anh em nhà này vốn là những người công chính. Chúng tôi muốn nói thêm rằng, “Chắc họ là bồ tát hóa thân.” Bồ tát dĩ nhiên là những vị thánh, có những hành động mẫu mực, vị tha… rất xứng đáng cho mọi người chúng ta nhìn lên mà học hỏi và răn mình. Nhưng qua câu chuyện trên, người kể chắc cũng không có ý khuyên chúng ta khi đi mua trái cây đều phải chọn một số trái hư và lép để làm vui lòng cô bán hàng… trừ khi cô bán hàng là một người đẹp mà người mua đang muốn lấy cảm tình.
Thực ra, nỗ lực học hỏi và răn mình phải áp dụng cho cả hai bên - người mua lẫn người bán: Cả hai bên đều phải có tâm bồ tát, biết nghĩ tới người khác, thì môi trường mới thực sự được cải thiện. Nghĩa là, bên bán không cố ý lường gạt người mua với những lời quảng cáo hoa mỹ sai sự thực, không chủ trương treo đầu dê bán thịt chó, không lạm dụng sự vô tình của người mua để trục lợi…. Còn người mua thì không lạm dụng chính sách “trả hàng” để thực thi gian dối, như đã trình bày trong các bài viết trước.
Nếu chỉ có bồ tát ở một bên, thì ma vương chắc chắn sẽ phát triển ở bên đối diện.
Honesty is the best policy
Nhìn vào thực tế của cuộc đời xô bồ, vàng thau lẫn lộn, chúng ta không thể đòi hỏi ai cũng là bồ tát. Chỉ mong xã hội có những con người luôn cư xử với ý thức về công bằng và lương thiện. Người Mỹ có câu: Honesty Is The Best Policy (Lương thiện phương thức xử sự khôn ngoan nhất), trái ngược hẳn với lời khuyên …. dại “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại leo lên,” đúc kết từ những cách hành xử bất lương trong các xã hội chậm tiến.
Thiết tưởng, chưa cần nại ra những lời khuyên của thánh hiền, của bồ tát … mà chỉ cần sống theo luật “Honesty” cũng đã đủ là một con người đạo đức trong xã hội: Có cư xử công bằng và lương thiện với người khác thì mới mong người khác đối xử công bằng và lương thiện đối với mình.
Đừng để cho người khác phải đề phòng mỗi khi cư xử với chúng ta, như một lời nhận xét khác cũng của người Mỹ như sau, “Honesty is an expensive gift, don’t expect it from cheap people” (Lương thiện là một món quà đắt giá, đừng chờ mong có được từ những con người bần tiện)
Eric Trần
Sửa bởi người viết 26/04/2014 lúc 10:55:31(UTC)
| Lý do: Chưa rõ