Nghiên cứu cho thấy thời lượng luyện tập vừa phải sẽ thực sự có lợi nhưng nếu kéo dài liên tục có thể khiến hiệu quả giảm đi.
Đội cricket nữ của Lãnh thổ Thủ đô Australia: tập luyện liên tục nhưng không quá độ. (Credit: ABC) .Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí ‘Proceedings of the Royal Society B’ cho biết các nhà khoa học phát hiện thấy nghỉ ngơi giữa giờ giúp con người tiếp thu tốt hơn.
“Thời lượng luyện tập vừa phải thực sự có lợi nhưng nếu bạn thực hiện liên tục có thể khiến hiệu quả giảm đi,” tiến sĩ Joel Pearson, một chuyên gia khoa học thần kinh nhận thức thuộc Đại học New South Wales, cho biết.
Theo ông Pearson, từ việc học đọc học viết tới học trượt tuyết hay chơi đàn ghi-ta, quy tắc chung trong học tập khá phổ biến.
“Bạn cần tìm hiểu thông tin và sau đó cần củng cố những gì đã học được,” ông Pearson khuyên.
Ông Pearson cho biết những nghiên cứu trước đây cho thấy nỗ lực tập luyện quá lâu (tập quá độ) sẽ khiến bạn tiếp thu ít hơn so với việc dành thời gian ôn luyện.
Trước đây, người ta cho rằng việc củng cố sau một ngày học tập diễn ra trong giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu không ngủ đêm hôm đó, bạn không nhớ được điều gì. Ngược lại, nếu ngủ, ngày hôm sau bạn sẽ cảm thấy thư giãn và thông tin đã được ghi lại trong bộ nhớ dài hạn.
Tuy nhiên, ông Pearson quan tâm tới khái niệm ‘củng cố kiến thức lúc tỉnh táo’ – quy trình củng cố trí nhớ xảy ra khi bạn đang hoàn toàn ở trạng thái thức.
Nghiên cứu quá trình học tậpÔng Pearson và đồng nghiệp Soren Ashley thực hiện một nghiên cứu với 31 người tham gia. Các đối tượng nghiên cứu phải học thực hiện một nhiệm vụ qua quan sát trên màn hình máy tính.
Họ phải xác định hướng di chuyển của một tập hợp các dấu chấm trên màn hình máy tính dưới dạng một cơn bão tuyết. Số chấm càng ít, người tham gia nghiên cứu càng khó nhận biết. Các nhà nghiên cứu kiểm soát số lượng dấu chấm để tạo ra nhiệm vụ dễ hay khó.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm mức tiến bộ trong học tập của 3 nhóm người, tất cả đều được huấn luyện trong 2 ngày liên tục.
Vào ngày đầu tiên, nhóm đối chứng được tập huấn trong 1 giờ còn nhóm tập luyện quá sức học hai giờ không nghỉ. Tổng thời gian tập luyện của nhóm củng cố lúc thức là 2 giờ nhưng họ được nghỉ giải lao giữa giờ trong 60 phút và không ngủ trong thời gian này. Họ có thể thư giãn trong phòng thí nghiệm, đi bộ hoặc làm bất cứ thứ gì họ muốn trong 1 giờ và sau đó quay trở lại tập luyện.
Nghỉ giải lao giúp học hiệu quả hơnÔng Pearson phát hiện thấy vào ngày thứ hai, nhóm luyện tập quá sức học được ít hơn so với nhóm đối chứng mặc dù thời gian học tập trong ngày đầu tiên nhiều hơn 1 giờ.
“Nếu học tập trong 1 giờ và nghỉ giải lao, mọi người có thể nhớ được. Tuy nhiên, nếu tập liên tục, người học sẽ quên những gì đã học trong giờ đầu,” ông Pearson nhận xét.
Điều quan trọng là kết quả cho thấy nhóm ‘củng cố lúc thức’ học được nhiều hơn vào ngày thứ hai so với nhóm ‘tập luyện quá sức’. Nhóm này cũng học trong hai giờ nhưng được nghỉ giải lao trong một giờ.
Ông Pearson cho rằng thời gian nghỉ giải lao giúp đầu óc thư giãn và họ có thể tiếp tục học hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Pearson, những nghiên cứu sơ bộ cho thấy nghỉ giải lao trong quá trình tập luyện nên được áp dụng khi người học phải tiếp thu kiến thức hoặc kỹ năng hoàn toàn mới.
“Cho đến nay, theo các phát hiện nghiên cứu, nếu bạn làm một điều gì đó hoàn toàn khác biệt thì không có vấn đề gì. Khi xuất hiện nhiều yếu tố liên quan, bạn có thể cảm thấy bị lẫn lộn trong quá trình lĩnh hội kiến thức,” ông Pearson nói. “Có một số giả thuyết khác nhau về các yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập, trong đó có giả thuyết cho rằng do não bị quá tải.”
Source: ABC Australia