“Reeeng... reeeng...reeeng...”
Tiếng vang kêu hoài không ngớt, nghe khó chịu quá. Tưởng tượng đó không phải là tiếng động từ bên ngoài mà là tiếng vang từ... bên trong tai bạn! Điều này còn khó chịu gấp bội. Và khổ hơn nữa là bạn không có cách nào làm mất đi tiếng vang ấy ngay lập tức theo ý muốn. Khi nào “nó” muốn dứt là dứt, có khi nó không bao giờ dứt, làm bệnh nhân có thể điên lên được. Ngoài tiếng reng như trên , người ta còn có thể nghe những tiếng động khác như tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót, tiếng đập trống, tiếng âm ư...
Đây là chứng ù tai, một “bệnh” khá thông thường. Người ta ước tính có tới vài triệu người Mỹ mắc chứng ù tai tới mức ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Chứng ù tai không phải là một bệnh mà là một triệu chứng có thể gây ra bởi nhiều bệnh khác nhau, thí dụ như bệnh giảm thính lực của tuổi già hay do chấn thương tai. Ù tai cũng có thể là triệu chứng của bệnh về hệ tuần hoàn.
Thế nào là ù tai?
Nếu chưa bao giờ bị ù tai, các bạn sẽ khó tưởng tượng được ù tai là như thế nào. Những bệnh nhân ù tai “nghe” thấy trong tai mình có những tiếng động bên ngoài không hề có mà chính họ đôi khi tưởng là có. Triệu chứng ù tai gồm có:
-Tiếng động trong tai như tiếng reng, tiếng “zừ”, tiếng gầm, tiếng huýt sáo hay tiếng “xì”..
-Mất thính giác
Những tiếng động nghe được có thể lớn hay nhỏ, cao hay thấp và có thể nghe trong một hay hai tai. Trong vài trường hợp, tiếng ù tai lớn đến nỗi bệnh nhân không nghe được những tiếng động thực sự bên ngoài.
Ráy tai quá nhiều cũng có thể làm bạn ù tai nhiều hơn. Ráy tai nhiều khiến bệnh nhân không nghe tiếng động thực sự bên ngoài và làm tiếng động “bên trong” lớn hơn.
Nguyên nhân của chứng ù tai
Nơi tai trong (inner ear), chúng ta có hằng ngàn những tế bào thính giác có chứa điện. Trên mặt của những tế bào thính giác là những sợi lông rất nhỏ. Nếu chúng ở tình trạng “mạnh khỏe”, những sợi lông này sẽ chuyển động theo sức ép của những làn sóng âm thanh từ ngoài vào. Sự chuyển động này khiến cho những tế bào thính giác phát ra một luồng điện tới sợi thần kinh thính giác và rồi những tín hiệu này được gửi lên óc. Óc chúng ta nhận ra đây là những âm thanh.
Nếu những sợi lông mỏng manh này bị hư hại, uốn cong, chúng sẽ chuyển động rối loạn không theo một chiều hướng nào cả. Do đó, những tế bào thính giác sẽ gửi lên óc những “tín hiệu” bất thường khiến óc bạn “nghe” được âm thanh không hề có.
Các tế bào thính giác có thể bị hư hại do những nguyên nhân sau:
-Giảm thính lực do tuổi già: bệnh này thường bắt đầu vào khoảng 60 tuổi.
-Chấn thương gây hư hại tai trong: những tiếng động quá lớn, nghe từ ngày này qua ngày khác như tiếng nhạc rock, xe kéo hạng nặng, cưa máy, khí giới...có thể làm giảm thính lực nhiều.
-Dùng một vài thứ thuốc quá lâu ngày thí dụ như thuốc aspirin hay một vài loại kháng sinh. Khi ngưng dùng thuốc, có thể bạn sẽ nghe trở lại.
-Thay đổi của chuỗi xương nhỏ trong tai: những xương này có thể bị cứng lại khiến không vận chuyển âm thanh được vào tai trong.
-Chấn thương ở cổ hay đầu có thể làm hư hại tai trong.
Một vài bệnh về hệ tuần hoàn cũng có thể gây ra chứng ù tai từ bên trong:
-Xơ động mạch: Với tuổi già và sự tích tụ của chất cholesterol cũng như vài loại chất mỡ khác, những mạch máu lớn gần tai giữa và tai trong của bạn sẽ bị mất tính đàn hồi tức khả năng co giãn với mỗi nhịp bóp của tim. Sự giảm tính đàn hồi này làm máu chẩy mạnh và xoáy hơn khiến tai ta có thể nghe được.
-Cao huyết áp: cao huyết áp và những yếu tố khác như stress, rượu và cà phê có thể làm cho âm thanh ù tai rõ hơn. Thường, ta có thể làm âm thanh biến mất khi thay đổi vị trí đầu.
-Luồng máu chẩy bị xoáy: khi động mạch hay tĩnh mạch ngay cổ bị hẹp hay bị gập lại, luồng máu chẩy bị xoáy khiến làm ra tiếng động.
-Những vi quản bị dị dạng: một tình trạng gọi là dị dạng chỗ nối giữa động mạch và tĩnh mạch có thể gây ra tiếng động làm ù tai.
-Bướu ở vùng đầu và cổ: ù tai có thể là một triệu chứng của bệnh này.
Khi nào nên đi khám bệnh?
Đa số chứng ù tai không làm hại gì cả. Tuy nhiên, nếu càng ngày càng bị ù tai nhiều, hoặc kèm theo mất thính lực và chóng mặt, bạn nên đi khám bệnh. Bác sĩ có thể giúp bạn làm giảm bớt tiếng động ù tai và cách để làm quen với tiếng động này. Nếu chứng ù tai của bạn không phải là do bệnh mất thính lực vì tuổi già, và ù tai xuất hiện cùng lúc với mất thính lực trong cùng một bên tai, có thể là bạn đã bị hư hại dây thần kinh nơi tai trong do một chấn thương nào đó, bạn cần phải được khám bệnh.
Chữa bệnh
Cách chữa bệnh ù tai là tùy theo nguyên nhân.
Nếu nguyên nhân là chứng mất thính lực do tuổi già hoặc tai bị hư hại do nghe tiếng động quá to lâu ngày, không có cách nào làm giảm tiếng động này cả. Bác sĩ có thể chỉ cách cho bạn làm quen với những tiếng động này.
Nếu ù tai là do một nguyên nhân khác, thí dụ như do quá nhiều ráy tai, bác sĩ có thể lấy ráy ra để giúp bạn nghe rõ hơn và bớt ù tai. Nếu là do bệnh mạch máu, cách chữa phải hướng về những bệnh này. Nếu do thuốc uống, có thể bạn phải ngưng uống hoặc đổi qua một thứ thuốc khác. Do đó, bạn cần đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân.
Ngoài ra bạn còn có thể theo những cách sau đây để làm giảm thiểu sự khó chịu khi phải “nghe” tiếng động ù tai:
-Tránh những chất kích thích: ù tai có thể tăng lên do tiếng động quá lớn, chất nicotine trong thuốc lá, chất caffeine, nước khoáng có chứa chất quinine, rượu và aspirin. Chất nicotine và caffeine làm mạch máu co lại và tăng tốc độ luồng máu chẩy qua động mạch và tĩnh mạch. Rượu làm cho trương nở mạch máu khiến lượng máu chẩy qua lớn hơn, nhất là vùng tai trong, do đó, bạn bị ù tai nhiều hơn.
-Lấp bớt tiếng động: khi trong phòng yên lặng, nên cho quạt chạy, mở nhạc êm dịu và nhỏ có thể làm giảm bớt tiếng ù tai. Người ta cũng có thể đeo một thứ máy phát ra tiếng động êm tai để che bớt tiếng ù tai .
-Mang máy nghe: nếu ù tai đi theo với mất thính lực, đeo máy nghe để nghe rõ hơn có thể làm giảm bớt tiếng ù.
-Giảm bớt căng thẳng: có thể dùng những cách như tập thư giãn, biofeedback hay tập thể dục để giúp giảm ù tai.
Theo báo Viễn Đông