Bích chương của tháng khí công tại Pháp.
Khí công là một môn thể dục lâu đời tại Trung Quốc, dựa trên năng lượng và khí. Trong vật lý học Phương Tây, năng lượng là một tồn tại mà người ta có thể đo lường. Năng lượng trong khí công là gì ? Hai quan niệm về năng lượng này giống và khác như thế nào ?
Nhân dịp mở màn Những Ngày Khí công Quốc gia lần thứ 20 tại Pháp (bắt đầu từ hôm nay 01/06/2014), RFI có bài « Năng lượng Khí công và khoa học Phương Tây », do nhà báo Agnès Rougier thực hiện.
Năng lượng là một khái niệm được nghiên cứu ngay từ khi các khoa học Phương Tây mới ra đời. Aristote, nhà triết học Hy Lạp thế kỷ II trước công nguyên, đã nói đến hai mặt của năng lượng : động năng – mà ông gọi là « lực sống » - và thế năng, năng lượng tiềm tàng mà người ta giải phóng nó hoặc không, như nước trong đập hay điện trữ trong pin. Các khái niệm này sau đó đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, nếu như khái niệm về năng lượng ở Phương Tây có nhiều thay đổi, trước hết phải khẳng định đây là một hiện thực khách quan, có thể đo lường và lượng hóa được.
Theo nhà vật lý thiên văn học Morvan Salez, « năng lượng, giống như tiền bạc, có thể tích trữ được, đó là một trong các quy luật của vật lý học, nhưng nó thay đổi về hình thức : từ khi vũ trụ ra đời đến nay, năng lượng không thêm vào, mà chỉ thay hình đổi dạng ». Đầu thế kỷ XX, nhà bác học Einstein đã phát hiện ra rằng vật chất, khối lượng, cũng là một hình thức năng lượng. Vật chất có thể được chuyển hóa thành các tia và năng lượng cũng có thể được chuyển thành vật chất, ví dụ như những chuyển hóa diễn ra ở các ngôi sao.
Thực hành Khí công dựa trên năng lượng, cũng được gọi là « khí ». Chữ Khí công có thể được dịch là « hoạt động của khí ». « Cảm nhận về khí » là cụm từ thường được nhắc đến trong một buổi học Khí công hay khi những người thực hành môn Khí công trả lời về vấn đề này. Theo y học cổ truyền Đông phương, năng lượng khí dựa trên 12 đường kinh lạc, nối liền các tạng phủ trong cơ thể. Môn châm cứu học dựa trên nguyên tắc này.
Trong chữ Hán tượng hình, chữ « Khí » còn có hàm nghĩa như « nấu cơm ». Chữ này bao gồm cùng lúc năng lượng do việc nấu tạo ra và bản thân cơm, là thứ mang lại năng lượng cho cơ thể. Trong hai hình thức này, thứ năng lượng đầu tiên là hình thức năng lượng trực tiếp dưới dạng nhiệt năng, hơi nóng, năng lượng thứ hai là ở dạng tiềm năng. Năng lượng khí như vậy, theo quan niệm này, cũng nằm trong một quá trình biến đổi.
Theo chủ tịch liên đoàn giáo viên Khí công Pháp, Dominique Casays, đồng thời cũng là một nhà vật lý liệu pháp, thì « người Trung Hoa, khi quan sát tự nhiên, đã ghi nhận rằng mọi thứ tồn tại thì đều chuyển hóa, và họ gọi nguyên tắc chuyển hóa này là ‘‘Khí’’. Khí chính là cái mang lại sự vận động cho những gì tồn tại ».
Có thể thấy, nếu như các khái niệm năng lượng được sử dụng trong Khí công và vật lý học có nhiều tính chất gần gũi – như sự chuyển hóa, năng lượng tiềm tàng -, tuy nhiên cho đến nay năng lượng vật lý của Khí (theo quan niệm Đông phương) vẫn chưa bao giờ được đo lường về mặt khoa học, chưa hề có nghiên cứu nào về lĩnh vực này trong khoa học Phương Tây. Đối với nhà vật lý Morvan Salez « hiện thời khoa học Phương Tây - có thiên hướng tách cơ thể ra khỏi tinh thần - vẫn còn chưa hiểu được hiện thực này. Tuy nhiên, có thể tồn tại ở đây một hình thức năng lượng cần được phát hiện ». Như vậy, để giải mã vấn đề năng lượng Khí công, cần phải khai phá cả một lĩnh vực rộng lớn trong ngành sinh lý học.
Đợt hoạt động khí công toàn quốc của Pháp diễn ra trong suốt tháng 6/2014. Mời xem thêm thông tin trên trang web của Liên đoàn khí công Pháp.
Theo RFI