Thính giả Huỳnh Thị Hằng, ở Cần Thơ, Việt Nam, gởi thư đến câu hỏi như sau:
"Kính chào Bác sĩ
Xin hỏi Bác sĩ về chứng ngáy khi ngủ
1. Tại sao nhiều người ngáy khi ngủ?
2. Có giải thích nói rằng ngáy là do một rối loạn chức năng hô hấp, vậy sao người bị ngáy đó chỉ khi ngủ say mới ngáy, mà khi thức hoặc ngủ chưa say thì không ngáy tiếng nào?
3. Đàn ông bị chứng ngáy nhiều hơn đàn bà phải không?
4. Những dụng cụ “chống ngáy” quảng cáo trên TV có nên dùng không?
5. Gần đây báo chí nói rằng y khoa ở những nước tiên tiến còn cho người ngáy dùng “máy chống ngáy” khi ngủ, vì ngáy “có thể dẫn đến tử vong”. Có loại máy chống ngáy đó hay không? Ngáy có “dẫn đến tử vong” hay không, vì có người ngáy nổi tiếng như Trương Phi trong truyện Tàu mà cũng đâu có tử vong vì ngáy đâu?
Xin Bác sĩ giải đáp. Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ.”
Tải để nghe hỏi đáp y học: Chứng ngáy khi ngủ
http://realaudio.rferl.o...08-9b58-ac4ac055ef45.mp3Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Ngáy và chứng ngưng thở lúc ngủ
1) Người ta ngáy lúc đường không khí lưu thông qua miệng và mũi bị trở ngại lúc thở. Hai nơi này thường được gọi là đường hô hấp trên (upper airways.)
Nguyên nhân:
+ Nghẹt mũi do dị ứng, cảm, thịt dư polyp trong mũi, nhiều nhớt trong mũi do viêm xoang, vách chia hốc mũ làm hai bên bị vẹo qua một bên (deviation of the nasal septum.)
+ Nghẹt phía sau họng có thể do phần vòm miệng phía sau (soft palate), hay lưỡi gà (uvula) quá dài.
+ Ở trẻ em amidan (tonsils) quá lớn, các mô adenoid (adenoid tissues) phía sau hầu quá lớn.
+ Người mập, các mô mỡ chung quanh họng nhiều hơn bình thường.
+ Tính cường cơ (muscle tone) của các cơ bao quanh yết hầu bị giảm, làm cho cái ống chúng tạo nên ( mà không khí đi qua) bị xẹp xuống, làm không khí đi xuống phổi khó khăn hơn, phần sau vòm miệng cũng như lưỡi gà rung (flutter of the soft palate and uvula) phát ra tiếng ngáy. Nghiên cứu về âm học cho thấy tiếng ngáy phát xuất từ phần vòm miệng mềm và lưỡi gà, trong âm vực thấp, khoảng tầng số dưới 500/giây.
+ Một số người hàm quá nhỏ so với khuôn mặt, lưỡi có khuynh hướng "chạy" về phía sau hầu, nhất là lúc nằm ngữa.
Cần phân biệt ngáy và hiện tượng ngưng thở. Lúc đường khí lưu thông bị nghẽn hẳn, phổi người bệnh không kéo hơi vào được nữa thì gọi là cơn ngưng thở (apnea episode) nếu sự gián đạn này kéo dài quá 10 giây. Sau đó, vì ngộp thở, người bệnh giãy dụa, ngủ ở mức nông, ít sâu hơn, và thở tiếp cho đến cơn apnea tiếp. Một người bị apnea có thể bị mấy chục cơn apnea trong một giờ.
Như đã giải thích, nguyên nhân chính là tắc nghẽn đường hô hấp trên. Những cơn apnea này gọi là obstructive sleep apnea (OSA.) Ngưng thở do cơ năng trung ương (trên não bộ) điều khiển hô hấp hiếm hơn (central sleep apnea, CSA), thường xảy ra ở người bị cơn đau tim, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng óc, bệnh Parkinson, người mập, hoặc không rõ lý do. Nói chung, trung tâm hô hấp nằm trong cuống não (respiratory control centers in the brainstem) không gởi tín hiệu đến kích thích các cơ làm phổi hít vào và đẩy khí ra.
2) Lúc ngủ say, tính cường cơ chúng ta vừa nhắc đến còn giảm nhiều hơn, chúng ta ít thay đổi vị trí nằm hơn, các chất tiết, nước miếng có thể ứ đọng nhiều hơn trong họng, trong miệng nên gây trở ngại nhiều hơn cho sự di chuyển của không khí lúc thở ra vào.
3) Đàn ông ngáy nhiều hơn đàn bà. Có thể do dây nói trong thanh quản (vocal cords) đàn ông lớn và dễ rung hơn, đàn ông mập mỡ đóng vùng quanh cỗ nhiều hơn, đàn ông dùng rượu và thuốc lá nhiều hơn.
4) Tôi không biết các dụng cụ thính giả thấy quảng cáo trên TV là dụng cụ nào.
+ Một số dụng cụ gắn trong miệng để giữ cho hàm dưới đừng tuột ra sau phía họng lúc ngủ (mandibular advancement device, tốn chừng vài trăm đôla.)
+ Soft palate implant được cấy vào phần vòm miệng mềm (phía sau.) Có thể làm giảm ngáy và giúp ích giảm các hậu quả của ngưng thở do nghẽn (OSA) như buồn ngủ thái quá ban ngày, mệt mõi trong những trường hợp OSA nhẹ.
+ Phương pháp giải phẩu uvulopalatopharyngoplasty (cắt và tái tạo lại vòm miệng mềm, lưỡi gà và hầu) với mục đích làm rộng không gian hầu lúc ngủ, không thành công lắm so với mandibular advancement device và CPAP.
+ CPAP (Continuous Positive Airway Pressure therapy), áp suất dương liên tục trong đường hô hấp.
5) OSA làm tăng cơ nguy các bệnh cao huyết áp (hypertension), cao huyết áp trong phổi (pulmonary hypertension), bệnh đau tim, cơ nguy tai nạn do buồn ngủ ban ngày (daytime sleepiness), cơ nguy bị tiểu đường týp 2 (type 2 diabetes), trầm cảm. Nói chung, cơ nguy tử vong cao hơn người không bị OSA, nhưng không thể nói OSA làm chết người.
Người ta chữa ngáy phần lớn để cải thiện phẩm chất cuộc sống cho người ngáy (bớt buồn ngủ, bớt mệt mỏi, có thể giảm cao huyết áp) và người ngủ chung phòng.
+ Bệnh nhân mập cố gắng giảm cân nặng, bệnh nhân tránh dùng thuốc lá, rượu, các thuốc ngủ hoặc làm buồn ngủ như thuốc chữa dị ứng diphenhydramine (Benadryl), thuốc ho.
+ Tránh ăn trước giờ đi ngủ.
+ Tập thể dục để tăng tính cường cơ nói chung.
+ Nằm ngủ trên mặt phẳng không quá mềm, nhún, không dùng gối cao làm quặp cổ xuống.
+ Tránh nằm ngữa. Nằm nghiêng một bên.
+ Chữa bệnh mũi, viêm xoang.
+ Trị bệnh dị ứng.
Về việc chữa OSA, chỉ có CPAP (Continuous Positive Airway Pressure therapy, (áp suất dương liên tục trong đường hô hấp) là được chứng minh rõ ràng có ích cho sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Máy bơm một luồng không khí dưới áp suất cao hơn áp suất khí quyển vào phổi bệnh nhân, làm nở đường hô hấp trên rộng ra, không cho nó xẹp xuồng (do những yếu tố mà chúng ta đã giải thích gây ra ngáy và ngưng thở).
Ở Mỹ, bệnh nhân ngáy nhiều quá cần khám bệnh bác sĩ chuyên về tai mũi họng hoặc chuyên về y khoa giấc ngũ, sau đó sẽ được quan sát trong một phòng ngủ trang bị đặc biệt để theo dõi oxy trong máu, nhịp thở, nhịp tim(ECG), cơ điện đồ (EMG), cử động các cơ điều khiển hai tròng mắt ( EOG, theo dõi các cử động mắt trong từng giai đoạn của giấc ngủ.)Test này gọi là polysomnography (poly = nhiều, somno = ngủ, gram = đồ.) Có thể tốn đến vài ngàn đô la. Máy khá đắt tiền. Thường phải dùng suốt đời, trừ trường hợp OSA do một bệnh nhất định gì đó và bệnh đó được chữa khỏi (như quá mập, trẻ con được cắt a mi đan quá lớn.) Bệnh nhân mang mặt nạ chụp trên mũi và miệng, hoặc ống hơi gắn vào mũi, có thể không chịu được và bỏ cuộc sau một thời gian. Máy cũng đắt, chừng vài ngàn đô la.
Cuối cùng về câu hỏi tại sao Trương Phi ngáy lớn mà không chết. Chúng ta đã phân biệt chuyện ngáy (snoring) và chuyện ngưng thở lúc ngủ (OSA.) Tuy nhiên, nhân dịp này tôi cũng có đọc thêm về nhân vật Tam Quốc Chí sống vào thế kỷ thứ 3 này. Chúng ta có thể thấy trong các tranh và tượng, ông lùn hơn các nhân vật anh em kết nghĩa Lưu Bị và Quang Vũ, với sức mạnh vũ bão,thói nghiện rượu và tánh tình nóng nảy đi kèm với cái cỗ bự và tấm thân mập to bề ngang. Týp người như vậy điền hình người hay ngáy và có lẽ bị apnea. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện bàn rộng cho vui thôi. Trương Phi bị giết năm 221 và chúng ta cũng không biết ông chết ông mấy tuổi.
Chúc quý thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền