Chúng ta sẽ nói chuyện với ba người Indonesia để tìm hiểu bí quyết thành công của họ ở nước ngoài.
.Thật không ngoa khi cho rằng tiếng Anh giỏi chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong sự nghiệp. Tiếng Anh thành thạo đã trở thành yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng. Đối với những người Indonesia trẻ tuổi, tiếng Anh đã mở một cánh cửa cho họ bước ra thế giới.
1. Ade Ishs
Ade Ishs, chuyên gia công nghệ thông tin kiêm nhạc sĩ dương cầm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ade đến Úc năm 2002 để học công nghệ thông tin tại Đại học RMIT Melbourne. Sau đó anh giành học bổng để theo học tiến sĩ tại trường này và bắt đầu làm giáo viên cho trường. Cơ hội mới đến với anh trong năm 2008 khi anh được nhận vào một công ty quản lý tài chính ở Melbourne.
Ade nói tiếng Anh giỏi là bí quyết thành công trong công việc của anh. "Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng trong chuyên ngành của tôi. 90% các tài liệu về lập trình viết bằng tiếng Anh" anh nói.
Ngoài công việc trong ngành công nghệ thông tin, Ade còn là một nhạc sỹ dương cầm chuyên nghiệp. Anh đã biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn, trong đó có cả Câu lạc bộ nhạc Jazz Paris Cat ở Melbourne. "Chơi nhạc là niềm đam mê của tôi" Ade nói.
Anh còn cho biết tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong nghề biểu diễn. "Khi chơi nhạc, nghệ sĩ đôi khi phải biết nói chuyện với khán thính giả”, anh nói. Ade còn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với các thành viên khác trong ban nhạc, những người đến từ nhiều nước khác nhau.
Anh đang có kế hoạch ra mắt tuyển tập nhạc 'Four Seasons Suite' vào cuối năm nay.
2. Risti Permani
Risti Permani làm việc tại Đại học Adelaide. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Risti là một nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Adelaide tiểu bang Nam Úc. Cô khởi đầu sự nghiệp trong vai trò một trợ giảng từ khi còn là sinh viên cao học tại Khoa Kinh tế của trường. Công việc hiện nay đòi hỏi cô phải kết hợp nghiên cứu, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên. Giỏi tiếng Anh mang lại nhiều lợi ích cho công trong công việc này.
Tuy vậy, Risti tin rằng không nên coi ngoại ngữ là rào cản. “Đôi khi chúng ta chỉ cần đủ can đảm để nói tiếng nước ngoài” cô nói.
Cho dù Risti đã có một công việc tốt tại Úc, cô vẫn không ngừng học tiếng Anh. “Tôi thường học bằng cách đọc thật nhiều các bài báo nghiên cứu” cô nói. Cô cho biết thêm giỏi tiếng Anh không phải lúc nào cũng là quan trọng nhất, mà cần nhất là biết cách sử dụng ngôn ngữ này đúng với bối cảnh.
3. Arianto Patunru
Arianto Patunru. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau khi đã có vị trí Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội tại trường Đại học Indonesia, Arianto tìm thấy cơ hội làm việc tại Khoa Kinh tế Arndt-Corden, thuộc Đại học quốc gia Úc, tại Canberra.
Arianto biết anh sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều học giả trên thế giới. Sau nhiều vòng phỏng vấn căng thẳng, vị tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Illinois này đã giành được công việc. Arianto nhấn mạnh lợi thế về tiếng Anh đã giúp anh thành công.
Anh cho rằng đọc nhiều tiểu thuyết tiếng Anh là một cách để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ. "Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết tiếng Anh từ thời học tiểu học. Bên phải tôi thường có một quyển tiểu thuyết còn bên trái là từ điển tiếng Anh”
Theo cách này, Arianto thường mất cả tháng mới đọc xong một cuốn tiểu thuyết. Hiện nay nhiều bài nghiên cứu bằng tiếng Anh của anh đã xuất bản trên những tạp chí hàn lâm danh giá nhất thế giới.
Theo ABC