Nói về bản chất, người Việt mình mơ mộng thì cũng chẳng dân tộc nào mơ mộng bằng, mà thực tế thì cũng chiếm hạng nhất trong thiên hạ. Chẳng thế mà cứ thấy sao đặt tên vậy cho “tiện và lợi.” Điển hình như vào thuở... nào ấy, không rõ, nhưng ít nhất tính tới nay cũng khoảng trên dưới năm ngàn năm, có lẽ vào thời họ Hồng Bàng, khi thấy môt giống dân kết tóc đuôi sam, ghẻ lở đầy mình, đến nước ta để buôn bán hay kiếm ăn bằng thuyền bè, người Việt liền gọi là “Tầu phù.” Rồi tới đầu thế kỷ 17, một giống dân khác lạ hoắc, mắt xanh mũi lõ, xâm nhập nước ta, người Việt dĩ nhiên cũng chẳng biết gốc gác của họ, chỉ đoán lờ mờ là họ xuất xứ từ phương Tây, bèn gọi họ là “Tây” và những gì do giống “bạch mao” (tóc/lông trắng) này đem tới, người Việt cũng gán thêm phụ từ “tây,” chẳng hạn khoai tây, giầy tây, quần tây, bánh tây, bài tây... Thế nhưng tại sao lại có thành ngữ “chẳng chết thằng tây nào”? Theo sự “ăn ốc nói mò” của tôi, có thể bởi lối “ngây thơ con nhà lành” trong kế hoạch đánh Tây của người bình dân Việt Nam.
Số là ở thôn quê miền Nam Việt Nam có một loại trái cây dại to cũng cỡ trái cau, cũng màu xanh ngoài vỏ nhưng trong ruột có nhiều chất nhơn nhớt sền sệt như mỡ bò bỏ ở ngoài trời mùa đông, gọi là quả mù u. Người Việt nghĩ, thằng Tây to xác, cao lênh nghênh như cột nhà thế kia mà đạp trên quả mù u thì bảo đảm sẽ trượt chân té cái... đụi. Thế là ta cứ việc vác gậy, cầm liềm.... ra mà giết cho bằng thích. Nào ngờ, lính Tây mang giầy săng-đá gắn đinh bên dưới đế, bước đi trên những lớp quả mù u mà phe ta đã rải sẵn tung tóe trên mặt đường, chẳng những quân giặc vẫn “an toàn trên xa lộ” mà còn khám phá ra “phe ta” đang phục kích ở hai bên vệ đường, với vũ khí như gậy gộc, dao liềm trong tay. Thế là Tây “à la sô” phản công, bắn giết “phe ta” tơi bời. Trong khi đó thì ngược lại, “phe ta” vẫn ngỡ ngàng như thái độ của kẻ từ trời rơi xuống, mà không ngừng thốt ra: “Ủa, sao chẳng chết thằng tây nào?” - như thể vừa “than ôi” lẫn thắc mắc.
Từ đó, cụm từ này đã dần dần trở nên như một thành ngữ nhằm biểu lộ trong hầu hết trường hợp một hệ quả vốn mang ý nghĩa là “chẳng mần sao cả.” Chẳng hạn nữa, nay được biết một người ở bẩn đứng hạng thứ nhì trên thế giới mà vẫn “khỏe ra như con bò kéo xe,” lại “thọ” sơ sơ những 59 tuổi Tây, sáu “bó” tuổi ta mà vẫn chưa có dấu hiệu gì sắp đuợc “cáo phó,” thành ra tôi đã phải thốt lên cả chục lần: Ở bẩn, “có chết... thằng tây nào đâu”! Nhất là những khi vợ tôi nhỏ nhẹ hỏi, “hôm nay anh đã tắm táp gì chưa?” hoặc trước khi lên giường, lại nhắc khéo, “rửa đi cho thơm tho,” tôi lại sử dụng “bùa phép”: Ở bẩn, “có chết... thằng tây nào đâu” để đáp lại, thay cho lời kêu gọi tha thiết thông dụng của hội đồng các thành phố Westminster và Garden Grove: “Hãy tiết kiệm nước, vì năm nay tiểu bang California bị nạn hạn hán trầm trọng.”
Thay đổi nếp sống cho ‘chẳng giống ai’
Người được “vinh danh” là bẩn hạng nhì trên thế giới là một đấng mày râu, mang tên “cúng cơm” là Ludvik Dolezal, gốc Tiệp (Czech). Chân dung ông xuất hiện trên nhật báo Anh ngữ Daily Mail, số phát hành ngày 27-04-2014. Đó là một “đực rựa” thứ thiệt, bởi “râu ria ra rậm rạp”; thân hình khá to lớn nhưng có lẽ nhờ mặc chiếc áo ấm dầy cộm. Bộ mặt đã có nhiều nếp nhăn như những luống cầy thiếu nước, tuy nhiên vẫn lộ vẻ “thông minh vốn sẵn tính trời” khiến người thoạt nhìn đã có thể đoán ra ngay là hồi trẻ, ông này cũng thuộc loại “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” hoặc nếu không “đẹp giai, học giỏi, con nhà giầu” thì quèn ra cũng đứng trong hàng ngũ giai cấp “thường thường bậc trung.” Đúng vậy, vào cuối năm 2012, Dolozal bỗng nộp đơn xin nghỉ việc, một chức vị “thơm như múi mít” trong một công ty thương mại quốc gia rồi ông nổi lửa đốt hết nhà cửa cho thành tro bụi. Kể từ ngày đó ông trở thành “thường trú nhân” trên đống tro tàn này mà không cần “kèm phong bì“ với đơn xin nhà nước cấp “sổ đỏ” hay “sổ hộ khẩu” hoặc ID (thẻ Chứng Minh Nhân Dân).
Đốt hết!
Chẳng phải bất cứ ai nếu muốn thì cũng có thể trở nên y chang Ludvik Dolezal - mà điều kiện “ắt có và đủ” là người này phải có chứng... tâm thần! Theo báo Daily Mail, bệnh tâm lý này đã thúc đẩy Dolozal ước muốn được chung sống với lửa và tro thì mới có... hạnh phúc. Chính chàng đã “thành khẩn khai báo” thế này, nghe vừa nổi da gà vừa cảm thấy hấp dẫn mê ly: “Sự cố“ đã xẩy ra chỉ nội trong một ngày. Tôi đã quyết định thôi việc để chung sống với tro. Tôi vốn đã có tất cả, nào áo khoác hàng hiệu, nào giầy thứ xịn, từ nệm lò-xo cho đến chăn mền thơm tho, nhưng tôi đã thiêu hủy tất cả để duy trì ngọn lửa. Tôi phải được nằm lăn lộn trong đống tro ấm áp khi muốn ngủ. Nhìn tôi có vẻ khốn khổ nhưng thật sự tôi lúc nào cũng “sướng mé đìu hiu” như đang ở trên thiên đàng.
Dolezal còn kể ông đốt tất cả những gì có thể cháy. Hàng xóm láng giềng chẳng những không ngăn cản mà còn hoan hô vạn tuế ông như một thánh nhân đồng thời còn “viện trợ” những vật dụng vô giá trị, những đồ phế thải để cho ông đốt... cho vui. Quả thật, đúng như ông phát biểu: “Nằm trên tro, bên đống lửa, tôi mới chính thức... tự sướng!”
Tuy vậy, chỉ sau một năm làm “vua tro,” Ludvik Dolezal đã khởi sự trả giá như lời “thú tội” của đương sự với nhật báo Daily Mail : “Tôi thường xuyên cảm thấy khó thở, nặng ngực.” Thế nhưng, nếu bất cứ ai nhân danh “vệ sinh” để khuyên Dolezal thay đổi nơi... cư ngụ thì ông cương quyết như một phụ nữ ngoan cố, cứng đầu, ương ngạnh bẩm sinh hay thiên phú mà lắc lia lịa: “Em chả! Em chả! Em chả!”
60 năm không tắm
Tưởng rằng Ludvik Dolezal Tiệp đã anh dũng tiến vào sách kỷ lục Guinnes về... ở bẩn nhờ sống trên đống tro hơn một năm nay và dĩ nhiên không còn biết đến nước - vậy mà mới đây, hồi cuối tháng Năm, một “kỳ phùng địch thủ” của Dolezal đã xuất hiện. Đó là Amou Haji ở Tehran, thủ đô Iran. Nói là đối phương này “xuất hiện” thì không đúng, trái lại phải xác quyết là được phát hiện.
Vâng, theo nhật báo VG (Verdens Gang) ở Na Uy, Amou Haji năm nay vừa tròn 80 xuân xanh. Thế nhưng, từ ngày lên 60, Haji đã chính thức vĩnh biệt mọi hình thức vệ sinh cá nhân, trong đó chính yếu là tắm với bất cứ hình thức nào. Đánh răng, rửa mặt mũi, chân tay... chỉ là những “chuyện nhỏ” không đáng được đế ý.
Tuy thế, chê nước, nghĩa là không lội xuống sông, xuống biển hoặc đứng dưới vòi sen hay ngâm mình để tắm... vẫn chưa đủ để chứng minh “tài nghệ” của Amou Haji, nhưng ông, à quên, phải gọi là Cụ mới đúng nghĩa “giáo khoa thư,” còn có nhiều thói quen... quái gở khác nữa khiến toàn dân thiên hạ phải rùng mình lúc nghe biết, chẳng hạn:
-Khi tóc và râu quá dài gây “trở ngại lưu thông” cho đầu và cổ , Haji liền “xén” tóc và râu trên ngọn lửa. Mùi cháy khét và âm thanh xèo xèo hòa lẫn trong tiếng cười hề hề thỏa mãn của “chủ nhân.”
-Thực phẩm khoái khẩu nhất của Amou Haji là xác chết của các con nhím đã khởi sự bốc mùi hôi thối và càng có giòi càng được “đánh giá” là “cao lương mỹ vị,” tạo sự thống khoái cho Cụ.
-Amou Haji cũng hút thuốc luôn miệng; tuy nhiên thay vì thuốc lá, thuốc lào, cụ vẫn nhét phân súc vật đầy ống điếu rồi châm lửa phì phò... thưởng thức một cách mê ly.
Bất chấp những thói quen “đặc biệt” khác người vừa kể trên, cụ Amou Haji đã vượt qua dễ dàng ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hi” để rồi đầu năm nay cụ đã tự hát “happy birthday” mừng cho chính mình đoạt giải 80. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của nam giới Iran là 73. Vậy thì ai bảo ở bẩn với 60 năm không tắm... là tự mình giảm bớt tuổi thọ của mình? Phép vệ sinh đã dậy da dẻ vẫn ngày đêm hô hấp qua các lỗ chân lông. Hai nhân vật kể trên đây vốn là kẻ thù của sự sạch sẽ - người thì sống trên đống tro; kẻ thì 60 năm không tắm - đều đã đuợc Guinness ghi danh vào hàng kỷ lục... ở bẩn mà vẫn khỏe, vẫn sống, vẫn thọ và vẫn yêu đời.
Vậy, phải chăng “ở bẩn, có chết thằng tây nào đâu”?
Thế nhưng, mạn phép được đề nghị với quí vị độc gỉa: Bài này cấm trẻ em dưới 18 tuổi đọc!
HM