Ở Việt Nam, theo quy định người làm việc về hưu ở tuổi 55 đối với nữ, 60 đối với nam hoặc sớm hơn đối với một số công việc nặng nhọc, độc hại như khai thác mỏ, các ngành tiếp xúc nhiều với hóa chất, công nhân may… Nay dự kiến gia tăng thêm mấy năm cho nữ là 60 và nam 62 tuổi.
Để mọi người khỏi bỡ ngỡ thì việc tăng tuổi này sẽ được thực hành cuốn chiếu. Mỗi năm tăng bốn tháng tuổi cho đến khi nào đúng tuổi hưu thì thôi. Như vậy sẽ mất từ sáu đến tám năm để hoàn thành việc này.
Quỹ lúc nào cũng rập rình muốn vỡ do thời gian đóng phí ngắn. Mức thu vào thì ít mà thời gian lãnh lương hưu lại kéo lâu. Tuổi thọ bình quân của người Việt năm 2012 là 73 tuổi. Sau khi nghỉ làm, người ta vẫn còn sống quá lâu để lãnh lương dài dài mỗi tháng thật quá vô lý. Vì thế cần xem xét để thời gian làm việc lâu hơn, đến khi về hưu thì đã quá mệt nhọc, bệnh hoạn. Chẳng còn sống bao lâu để lãnh lương hưu. Thật ra Quỹ bảo hiểm xã hội nếu vỡ còn bởi lý do nợ bảo hiểm rất nhiều và chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm quá lớn chứ không đơn giản chỉ là trả lương hưu nhiều quá.
Thế là nảy sinh ra hai luồng dư luận đối đầu nhau. Phe đòi tăng tuổi về hưu. Phe đòi giữ nguyên tuổi hưu như bao lâu nay. Sự việc cứ dùng dằng chẳng biết nên ở lại hay nên về sớm.
Phe “bảo thủ” là giới lao động nặng nhọc, không có bổng lộc, sức khỏe sút giảm. Chỉ mong muốn được sớm nghỉ ngơi, thời giờ rảnh giúp con cháu hay làm việc nhẹ kiếm thiệm.
Phe “cấp tiến” đòi tăng tuổi hưu thường nằm ở vị trí quyền lực, vừa nhiều bổng lộc, nhàn nhã hoặc giới nghiên cứu khoa học kỹ thuật, lĩnh vực nghệ thuật… khi kinh nghiệm, tay nghề chín mùi thì lại đụng tuổi hưu.
Thật ra tuổi về hưu không cứng nhắc mà cũng uyển chuyển theo từng trường hợp. Có người xin về hưu non do sức khỏe kém, công việc xa nhà mà con còn nhỏ… Có người xin nghỉ sớm để ra ngoài làm thêm. Những người này sau một thời gian làm công chức nắm được các nguồn hàng, nguồn khách. Họ chuyển ra lập công ty để kéo các mối làm ăn có sẵn ấy về riêng cho mình. Ngoài ra cũng có người vội vàng về nhà trước tuổi nhằm… hạ cánh an toàn vì khi đã về hưu là không còn bị truy cứu trách nhiệm. Giám đốc mới thì tuyên bố đâu có biết gì việc đã xảy ra đời giám đốc cũ. Vì thế các việc rắc rối đều chìm xuồng một cách hết sức tự nhiên.
Nhưng cũng rất nhiều người “tham quyền cố vị” muốn kéo dài… tuổi thọ ăn lương bổng hoa lá cành chứ không muốn mớ lương hưu tròn trĩnh.
Bộ máy hành chính ngày càng phình to. Thời bao cấp, các ông bà giữ chức vụ thường chẳng bao giờ nghỉ hưu đúng tuổi mà thường kéo dài thêm năm, tháng nào được năm, tháng đó. Về trễ hai, ba năm là chuyện bình thường hoặc có khi kéo dài đến mười năm. Cứ sắp đến hưu là các ông, các bà lần khân kiếm chuyện. Bà trưởng phòng nại cớ cậu phó phòng còn non kinh nghiệm, chưa đủ sức cáng đáng công việc, chưa biết cách mềm dẻo đối nội đối ngoại… để cấp trên hài lòng, cấp dưới phục tùng, ông giám đốc càng chưa chọn được người xứng đáng nhường ngôi…
Ông trưởng phòng Ngoại thành đã 63 tuổi rồi nhưng chần chừ mãi vì căn hộ của ông trong khu nhà tập thể bị hư hỏng. Nếu ông về hưu thì hết chuyện nhưng còn tại vị thì sẽ xin quỹ phúc lợi của cơ quan “hỗ trợ” xây sửa lại. Thành thử cái báo cáo “Tổng kết tình hình hậu bão lụt ở các xã vùng sâu, vùng xa huyện ngoại thành”, ông viết từ mùa bão năm trước tới mùa bão năm sau mà dềnh dàng mãi vẫn chưa tới phần kết luận, rút ra ưu khuyết điểm… Ông giám đốc mới nhậm chức bèn dứt khoát hạ lệnh:
- Thôi anh cứ về hưu. Rồi cái báo cáo mang về nhà viết tà tà, khi nào xong thì mang vào cơ quan nộp.
Giờ nộp cũng chẳng ích gì nữa là tới lúc đó thì tờ báo cáo chỉ để bỏ vào tủ khóa lại, chứ đâu còn ai coi nữa.
Một ông khác là giám đốc sở có tầm nhìn xa trông rộng. Sở của ông được giao cho một dự án có kinh phí đồ sộ và lâu dài, ông không nhận về sở mà xin chuyển dự án đó xuống tỉnh. Ông rất gương mẫu là lập tức xin về hưu năm 61 tuổi, chậm mới có một năm thôi. Rồi ngay sau đó, mau chóng xin về tỉnh để làm trưởng ban điều hành dự án. Nhờ vậy, ông hưởng lộc thêm 5 năm nữa một cách êm ái mà không gây chướng mắt!
Bẵng đi một thời gian, cái vụ kéo dài tuổi hưu lại mon men trở lại
Như ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị khi còn một năm nữa về hưu bèn trình với tổ chức bản khai sinh “mới” mà theo đó ông chỉ mới 55 tuổi nghĩa là trẻ lại tới bốn tuổi.
Sau khi cải cách tiền lương năm 2004 đến nay thì quân đội, công an và lãnh đạo nhà nước hưởng lương hưu rất cao, sống thoải mái. Kế tới công chức hưởng lương vừa phải và chót bẹt, giai cấp công nhân lãnh mức lương hưu rất thấp. Lý do là cán bộ, công chức dựa vào tiền lương 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu, còn công nhân phải tính trung bình suốt cả quãng đời làm việc.
Để giúp đỡ anh em, các công chức sắp đến tuổi hưu vội được đôn lên ngạch chuyên viên cao cấp để hưởng bậc lương cao. Khi về hưu, lương hưu được lãnh cao hay thấp căn cứ vào bậc lương ấy. Ngay bộ Công an cũng muốn tăng thêm số lượng tướng nhằm giúp các đồng chí thêm tiền lương, thêm các đãi ngộ, thêm tiền hưu trí…
Bởi vậy, mấy ông bà ngồi phòng máy lạnh hưởng lương bổng cao rung đùi khoái trá khi nghe tin kéo dài tuổi về hưu. Công nhân lương thấp nên lương hưu cũng thấp tương xứng lại tính theo thâm niên nên đồng lương hưu càng heo hút, còm cõi.
Nhưng lao động thất nghiệp, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm lại rầu rĩ. Bây giờ xin việc đã khó mà các cụ nhất định ngồi ì ra đó thì giới trẻ có chuyên môn, bằng cấp kiếm chỗ làm ở đâu.
Tiền lương không đi đôi với năng suất làm việc. Một anh mới tốt nghiệp ra trường, nghe tin sở Kinh Tế cần một viên chức nam giới, anh vội tìm đến. Bà trưởng phòng Tổ chức gật gù hài lòng khi xem xấp hồ sơ hoàn hảo gồm tấm bằng đại học loại giỏi, chuyên môn đúng chỗ đang thiếu, văn bằng B vi tính, bằng C Anh văn, một năm kinh nghiệp phụ việc công ty… Không chê được điểm nào, bà vui vẻ hứa sẽ trình sếp lớn.
Anh bạn tràn trề hy vọng về nhà chờ hoài, chờ mãi sốt ruột không thấy động tịnh gì. Ba tháng sau, anh được người bạn làm trong sở mách cho biết công việc cần nam thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh cho các chuyến công tác xa thường xuyên đã có một… bà già nhận rồi.
Nguyên do bà nọ 53 tuổi đang là trưởng phòng của sở Kinh tế một tỉnh phía Bắc. Con cái của bà đều vào SG lập nghiệp khá giả nên bà muốn từ quan, về hưu sớm hai năm để vào Nam sống với con cháu. Thế nhưng một ông anh họ ở Bộ mách nước. Lương cao, phụ cấp chức vụ cao mà về hưu sớm thì phí quá, thôi để anh lệnh cho “thằng” SG nhận em. Khi vào đến nơi, phòng Tổ chức muốn điều bà về quận nhưng các quận đều nhất tề từ chối. Nhận một bà già ngạch lương cao từ trên xuống làm nhân viên thì làm sao dám sai bảo giao việc, có nước để bà nội ngồi làm kiểng thôi. Nể sếp trung ương, sở đành để bà già vào vị trí của nam thanh niên. Cứ ngồi đó chơi, đi ra đi vào xơi nước, chờ đủ ngày đủ tuổi lãnh sổ hưu.
Ở doanh nghiệp tư nhân. Vị trí và lương được tính theo năng lực và kết quả công việc. Người giỏi được trọng dụng và có cơ hội thăng tiến, người dở sẽ bị đào thải. Nhưng đối với công chức, chiếc ghế phải ở vào vị trí bất khả xê dịch, chỉ có thể đi ngang hay tiến lên chứ không bao giờ tụt xuống.
Anh bạn trẻ than. Nay còn tăng thêm tuổi hưu thì phải chờ tới khi nào mới đến lượt người khác. Bởi thế không lạ khi Nghệ An có hàng nghìn cử nhân thất nghiệp. Con số đó tăng lên 25000 người ở Thanh Hóa, hàng ngàn công nhân xin vào làm công nhân cho một doanh nghiệp ở Đà Nẵng…
Chỉ giới chức quyền mới mong kéo dài thời gian làm việc. Vơ vét tiền bạc chỉ là một khía cạnh. Mặt khác chính là sự trì trệ.
Dù sao việc thay đổi tuổi hưu được coi là một vấn đề “nhạy cảm” vì tác động nhiều đến người dân, đến xã hội.
Thay đổi hay giữ nguyên. Dùng dằng xem bên nào thắng. Chắc là phe “cấp tiến” phải thắng chứ.
Saigon cô nương