Những bài báo vừa qua nói về đàn ông Việt Nam nhậu nhẹt, lười biếng, đánh vợ đến mức gãy cổ cũng như hình ảnh của các cụ già bị con cái mang ra bỏ ngoài đường gây phẫn nộ trong dư luận.
Chuyện ăn nhậuTổ chức Euromonitor International vừa công bố kết quả thống kê cho thấy Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Và công ty Kirin Holdings của Nhật Bản đánh giá hồi đầu năm nay là Việt Nam nằm trong danh sách 25 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Vì sao một quốc gia có mức thu nhập bình quân ở mức thấp nhất trong ngưỡng trung bình lại tiêu tốn hàng trăm ngàn tỉ đồng và quá nhiều thời gian trong việc ăn nhậu như vậy?
Những người đàn ông trung niên và thanh niên nhiều thế hệ mà chúng tôi tiếp xúc cho biết việc ăn nhậu ở Việt Nam là một thói quen rất bình thường. Tập tục “miếng trầu đầu câu chyện” dường như được biến chuyển bằng tách trà, ly nước, chung rượu trong mọi giao tiếp ở Việt Nam. Tuy nhiên, hình ảnh quán xá khắp phố phường, đâu đâu và bất cứ lúc nào cũng đầy dẫy những bàn tiệc nhậu vô hình trung tạo nên một khái niệm ở Việt Nam phải có “chén tạc chén thù” trong mọi khía cạnh của đời sống.
Dù bây giờ đôi khi người ta cũng bắt gặp chị em phụ nữ ngồi trong bàn nhậu không ít nhưng cánh mày râu luôn chiếm số đông áp đảo. Đàn ông có đủ lý do để ngồi xuống với nhau mà gầy một tiệc nhậu. Từ những bữa tiệc thịnh soạn với những ly rượu đắt tiền của các doanh nhân giàu có để ký kết hợp đồng làm ăn, tới những chia sẻ phận đời của các anh công nhân với đồng lương ít ỏi, sống đắp đổi qua ngày hay lời rủ rê, khích bác của bạn bè hoặc những nam sinh viên xa nhà chưa kiếm ra tiền nhậu chỉ vì…buồn.
Một bài báo có tựa đề “Đàn ông Việt ‘lười, ham nhậu’ trong mắt người nước ngoài” đăng tải trên báo VN Express trong tháng 9 tạo nên các nguồn dư luận trái chiều nhưng nguồn dư luận chỉ trích có tỉ lệ nhiều hơn. Anh Bình, một thanh niên 7X, từng làm chủ một quán ăn ở TP. HCM nói với đài RFA:
“Thanh niên nói về việc nhậu nhẹt thì có phần người ta phản ánh đúng nhưng đã lâu đời rồi thì cũng khó mà sửa được. Em nghĩ là những người nhậu sau giờ hành chánh, trong giờ hành chánh, trong giờ trưa thì có lẽ buổi chiều hôm đó họ không làm việc được gì hết. Tại vì nhậu từ trưa thì không bao giờ kết thúc trong buổi trưa được mà kéo dài cho đến 4,5 giờ. Có việc gì họ mới chạy về cơ quan nhưng đó là những người làm trong khối công ty thuộc dạng nhà nước mới vậy thôi chứ những người làm tư nhân như tụi em sao dám được. Làm vậy bị đuổi chết.”
Bài báo nêu lên những ngạc nhiên và thắc mắc của người nước ngoài đến du lịch hay làm việc và sinh sống ở Việt Nam về hiện tượng nhậu nhẹt của đàn ông ở quốc gia này. Người nước ngoài cho rằng đàn ông Việt Nam la cà quán xá hàng giờ, hàng ngày và sau một ngày làm việc lại không nghĩ đến việc về nhà bên vợ con.
Tệ vũ phu, bạc đãi gia đìnhKhông chỉ ham vui nhậu nhẹt, biếng nhác mà còn tệ hơn là khi về nhà lại trở thành những người chồng vũ phu. Báo chí đăng tải nạn bạo hành gia đình không phải là hiếm trong thời buổi ngày nay. Trường hợp bà Lê Thị Liên ở Hà Nội bị chồng và con trai đánh gãy cổ hôm trung tuần tháng 9 cùng câu nói của chồng bà Liên được trích dẫn trên mặt báo “đánh chết nó đi để tao còn lấy vợ mới” khiến cho công luận càng không có thiện cảm với hình ảnh người đàn ông Việt Nam. Anh Bình chia sẻ rằng đa phần nạn bạo hành gia đình thường xảy ra ở các nơi đô thị và không biết nguyên nhân vì sao. Anh Bình tự đặt câu hỏi có phải vì người nam vẫn đóng vai trò đứng mũi chịu sào trong gia đình, họ quyết định mọi việc nên mới dẫn đến những hiện trạng như thế. Anh Bình cho biết theo ý kiến của riêng mình, anh tin là ở chốn nông thôn vẫn không đến mức như vậy.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến hoàn toàn trái ngược với anh Bình. Ông Hùng, một doanh nhân tại TP. HCM lên tiếng:
“Có coi mấy bài báo đó. Đối với ai, với dân khác chứ đối với dân này, ăn nhậu phải có trách nhiệm làm việc chứ. Còn bạo lực trong gia đình nói chung thì cũng có nhưng mà đối với những thành phần nào đó thôi. Cái đó là cái miền, mình phải tìm hiểu là ở đâu: vùng sâu vùng xa. Có thể vùng quê của mình dân trí không có đủ trí thức. Đó chỉ là cá biệt thôi, chứ làm sao quơ đũa cả nắm được.”
Ông Hùng cho biết phải đi nhậu vì công việc hay là chỉ vui vẻ với bạn bè thì bao giờ công việc cũng đặt lên hàng đầu và đối với gia đình thì cũng tròn bổn phận.
Dù không “quơ đũa cả nắm” nhưng phần lớn thanh niên trẻ cho rằng các hiện trạng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày trong nhiều năm qua đã như thế và có lẽ bây giờ là đến thời điểm báo động. Bài báo cùng những bức hình về một cụ già bị những người con mang bỏ cho nằm ngoài đường đã khiến công luận phẫn nộ khi không nghe thấy một người con trai nào của cụ có tiếng nói hay một hành động nào đối với cha mình. Một thanh niên thế hệ 8X chia sẻ:
“Em tại vì hiện nay mức độ truyền thông-thông tin phổ biến như vậy thì người ta lôi dần những chuyện đó ra. Thực ra từ trước đến giờ những chuyện như vậy vẫn thường xuyên gặp mà. Từ trước đến giờ người ta không ai chú ý đến thì không ai biết nhưng bây giờ truyền thông rộng rãi rồi thì những chuyện này lôi lên báo, em nghĩ đến lúc báo động rồi.”
Những người đàn ông đại diện cho nhiều thế hệ mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng các hiện trạng liên quan đến cuộc sống thường nhật của đàn ông Việt Nam dù tích cực hay tiêu cực được đăng tải trên các phương tiện truyền thông sẽ không có tính chất giáo dục để hướng cho thanh niên một nếp sống văn minh hơn mà sự giáo dục trong gia đình mới quyết định nếp sống tốt đẹp hơn, hữu dụng hơn cho con cái về sau. Và người đóng vai trò chính yếu trong sự giáo dục ở gia đình lại chính là người chồng, người cha- người đàn ông Việt Nam có nhân cách.
Source: RFA